Hiện kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với Romania và Cộng hòa Séc còn khá khiêm tốn. Điểm đáng chú ý là Việt Nam xuất siêu đối với cả 2 thị trường này.
Giá tiêu nội địa và xuất khẩu đồng loạt sụt giảm
- Cập nhật : 25/05/2019
Kể từ đầu năm đến hết tháng 4/2019, giá tiêu xuất khẩu biến động với chiều hướng sụt giảm, nếu như tháng đầu tiên của năm đạt bình quân đạt 2943,33 USD/tấn, thì nay giá tiêu xuống chỉ còn 2523,46 USD/tấn, giảm 14,26%.
Tính bình quân 4 tháng đầu năm 2019 giá tiêu xuất khẩu đạt 2621,12 USD/tấn, giảm 25,87% so với cùng kỳ.
Giá tiêu xuất khẩu sụt giảm, nhưng xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam lại liên tục tăng trưởng. Theo số liệu thống kê sơ bộ từ TCHQ, xuất khẩu hạt tiêu trong tháng 4/2019 đạt 37.305 tấn hạt tiêu các loại, tăng 2.036 tấn, tức tăng 5,77 % so với tháng trước và tăng 10.472 tấn, tức tăng 39,03 % so với cùng kỳ năm trước. Giá trị kim ngạch xuất khẩu trong kỳ đạt 94,14 triệu USD, tăng 8,96 triệu USD, tức tăng 10,49 % so với cùng kỳ năm trước – đây là tháng tăng thứ hai liên tiếp cả lượng và kim ngạch.
Lũy kế xuất khẩu hạt tiêu 4 tháng đầu năm 2019 đạt tổng cộng 108.195 tấn, tăng 21.485 tấn, tức tăng 24,78 % so với 4 tháng đầu năm 2018. Tuy nhiên, giá trị kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2019 đạt tổng cộng 283,59 triệu USD, giảm 23,02 triệu USD, tức giảm 7,51% so với cùng kỳ.
Về thị trường xuất khẩu, trong 4 tháng đầu năm 2019, hạt tiêu của Việt Nam chủ yếu xuất sang các thị trường như Mỹ, Ấn Độ, Pakistan và UAE bởi đều có lượng hạt tiêu đạt trên 4 triệu tấn, trong đó Mỹ có lượng xuất cao nhất 18,6 triệu tấn, kế đến là Ấn Độ, Pakistan và UAE. Mặc dù lượng xuất nhiều, nhưng giá bình quân hầu hết đều sụt giảm do đó mà kim ngạch thu về từ các thị trường này đều giảm so với cùng kỳ, trong đó giảm nhiều nhất là thị trường Pakistan 24,89%, rồi đến Ấn Độ giảm 20,91%, UAE 16,38% và cuối cùng là Mỹ giảm 6,48%.
Tránh quá lệ thuộc vào những thị trường chủ lực, thời gian qua thị trường xuất khẩu hạt tiêu đã tìm đến những thị trường mới nổi như: Saudi Arabia với lượng xuất trên 1,4 triệu tấn, trị giá trên 3,6 triệu USD; Senegal đạt 1,3 nghìn tấn đạt 3,12 triệu USD, Algeria 361 tấn; Srilanka 150 tấn.
Đáng chú ý, thời gian này thị trường Ba Lan và Hàn Quốc tăng mạnh nhập khẩu hạt tiêu từ Việt Nam với lượng tăng lần lượt 39,72% và 34,26%, đạt tương ứng 795 tấn; 2,4 nghìn tấn.
Thị trường xuất khẩu hạt tiêu 4 tháng năm 2019
(*Tính toán số liệu từ TCHQ)
Cùng với giá tiêu xuất khẩu, thì tại thị trường nội địa cũng giảm mạnh. Giá tiêu có thời điểm lên đến 250.000 đồng/kg, tuy nhiên thời gian gần đây giá mặt hàng này giảm gấp tới gần 6 lần xuống chỉ còn vài chục ngàn đồng/kg. Năm 2018, giá tiêu duy trì ở mức 55.000 – 60.000 đồng/kg, thì nay tiếp tục giảm chỉ còn khoảng 41.000 đồngkg, tức chưa được 1/5 giá thời kỳ đỉnh cao. Nguyên nhân giá tiêu lao dốc mấy năm nay do sản lượng tiêu trên thế giới cũng như trong nước tăng cao, kéo theo cung vượt cầu.
Cụ thể, tổng sản lượng tiêu trên thế giới sản xuất năm 2018 khoảng 556.000 tấn, tăng 8,3% so với năm trước. Trong đó, Việt Nam tiếp tục dẫn đầu về sản xuất tiêu với 230.000 tấn, chiếm 42% tổng sản lượng thế giới.
Giá biến động khó lường khiến cả chuỗi cung ứng hạt tiêu năm 2018 nhiều bất ổn, thương lái, nhà cung ứng nguyên liệu cho doanh nghiệp xuất khẩu không dám giao dịch mạnh. Có nhiều thời điểm trong năm nông dân thấy giá tiêu quá thấp đã giảm bán ra khiến doanh nghiệp phải nhập tiêu từ Campuchia, Brazil, Indonesia khi giá các nước đó thấp hơn trong nước, chất lượng lại ổn định hơn.
Tại Hội nghị, các chuyên gia và doanh nghiệp đều nhận định sản lượng tiêu toàn cầu trong thời gian tới vẫn trong xu hướng tăng nên giá cả có khả năng sẽ tiếp tục đi xuống. Theo nhận định từ Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế, năm 2019 sản lượng tiêu thế giới sẽ đạt 602.000 tấn, tăng 8,27%, trong đó Brazil tăng 28%, Campuchia tăng 17%. Riêng Việt Nam dự báo sản lượng đạt 240.000 tấn, tăng khoảng 9%, do diện tích trồng mới từ năm 2014-2016 bắt đầu cho thu hoạch.
Để tránh tình trạng này, các doanh nghiệp tiêu cho rằng không còn cách nào khác phải liên kết với nhau, đồng thời liên kết với nông dân để tạo ra vùng sản xuất tiêu sạch, thậm chí phải sản xuất hữu cơ để xuất khẩu với giá cao. Đây là giải pháp tốt nhất để phát triển bền vững.
Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải nâng cao năng lực chế biến, gắn liền với phát triển thị trường; tổ chức sản xuất hồ tiêu an toàn, bền vững; tăng cường kiểm soát chất lượng, nguyên liệu đầu vào. Kiểm soát chặt chẽ quá trình chế biến, bảo quản; đổi mới công nghệ sản xuất, nâng tỉ lệ tiêu trắng xuất khẩu lên 30% - 40%, đa dạng hóa sản phẩm (tiêu hữu cơ, tiêu đỏ, tiêu xay, nhựa hồ tiêu)...
Theo Chủ tịch VPA, nếu giá tiêu vẫn duy trì ở mức thấp như hiện nay, các nước trồng tiêu khác sẽ có độ rủi ro rất cao nên họ đang giảm dần diện tích, giảm được diện tích thì lượng cung cầu trên thị trường mới ổn định. Nếu Việt Nam giảm được diện tích ở một số vùng trồng không hiệu quả, và khi vượt qua giai đoạn khó khăn này chắc chắn giá tiêu sẽ lên lại.
Nguồn: VITIC tổng hợp
Theo Vinanet.vn