Xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Thái Lan 5 tháng đầu năm 2016 đạt 1,44 tỷ USD, tăng trưởng 5% so với cùng kỳ năm 2015; trong đó riêng tháng 5/2016 đạt 322,04 triệu USD, tăng 11,9% so với tháng 4/2016.
Xuất khẩu gạo bị cạnh tranh gay gắt
- Cập nhật : 17/05/2016
(Tin kinh te)
Giảm lợi thế cạnh tranh về giá, gạo Việt Nam hiện còn đang phải đương đầu với việc bị cạnh tranh gay gắt về chất lượng từ Thái Lan, Campuchia, Ấn Độ.
Áp lực Thái Lan
Theo nhận định mới được Bộ Công thương đưa ra, việc Thái Lan công bố kế hoạch bán 11,4 triệu tấn gạo tồn kho trong suốt tháng 5 và tháng 6/2016 với phương thức đấu giá 1 triệu tấn/lần để giải quyết tồn kho, tránh thua lỗ thêm, phần lớn là gạo chất lượng thấp. Cụ thể trong số tồn kho Chính phủ khoảng 12 triệu tấn, có 7,5 triệu tấn gạo chất lượng dưới tiêu chuẩn; 1,5 triệu tấn gạo dùng cho chế biến sản phẩm công nghiệp và 2,4 triệu tấn gạo mục, hỏng.
Mặc dù kế hoạch này được đánh giá là khó khả thi, cần thời gian dài và không phải là phân khúc cạnh tranh trực tiếp với gạo Việt Nam, tuy nhiên, Bộ Công thương cũng thừa nhận, nếu Thái Lan giảm giá, đẩy mạnh bán ra toàn bộ lượng gạo này sẽ khiến lượng cung trên thị trường tăng, tạo áp lực giảm giá lên các giao dịch, kéo theo tâm lý thị trường bất lợi cho giao dịch xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Trước đó,Thái Lan đã lên kế hoạch xuất khẩu 9 triệu tấn gạo trong năm 2016, thấp hơn con số 9,79 triệu tấn của năm 2015. Khoảng 60 -70% lượng gạo xuất khẩu sẽ thuộc vụ mới. Cụ thể, có 4,8 triệu tấn gạo trắng; 2,2 triệu tấn gạo thơm Hom Maili; 2,2 triệu tấn gạo đồ; 200.000 tấn gạo nếp và 100.000 tấn gạo Hom Pathum Thani. Để đạt mục tiêu này, Thái Lan đang đẩy mạnh xuất khẩu gạo qua hình thức thỏa thuận giữa Chính phủ, trong đó nỗ lực đầu tiên là bán 2 triệu tấn gạo cho Chính phủ Trung Quốc, Phillipine và Indonesia – những thị trường cũng được xem là chiến lược với gạo Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh trong báo cáo vừa gửi tới Chính phủ cũng cho hay, xuất khẩu gạo của Việt Nam đang đối diện với nhiều thách thức, khó khăn như cạnh tranh gay gắt về giá cả, chất lượng, thương hiệu. Pakistan, Ấn Độ với lợi thế về địa lý, chi phí vận chuyển thấp, luôn có giá bán cạnh tranh tại thị trường châu Phi, Trung Đông. Cạnh tranh về chất lượng còn đến từ Thái Lan, Campuchia, Myanrma, Ấn Độ.
Ngay thị trường Trung Quốc có ảnh hưởng, chi phối cục diện xuất khẩu gạo Việt Nam nhưng lại là ẩn số khó dự đoán, diễn biến khó lường và chịu nhiều tác động khách quan khác.
Theo thống kê, quý I/2016, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 1,552 triệu tấn, trị giá 680 triệu USD, tăng 38% về số lượng và trị giá so với năm 2015.
Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam thời điểm cuối tháng 4/2016 là 370-380 USD/tấn (gạo 5% tấm), 355-365 USD/tấn (gạo 25% tấm). So với gạo Thái Lan cùng loại tương ứng là 380-390 USD/tấn và 365-375 USD/tấn, giá gạo Việt Nam không kém là bao.
Nỗi lo hạn, mặn
Câu chuyện hạn hán, xâm nhập mặn tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) cũng được dự báo sẽ tác động mạnh đến sản xuất và nguồn cung thóc, gạo hàng hóa. Với thực tế hạn hán và xâm nhập mặn từ cuối năm 2015, đã có 178.000 ha lúa bị thiệt hại, trong đó thiệt hại trên 70% năng suất là 90.200 ha. Theo dự báo của ngành nông nghiệp, nếu khô hạn tiếp tục kéo dài tới hết tháng 6/2016, vụ Hè Thu 2016 sẽ có khoảng 500.000 ha không xuống giống đúng thời vụ do thiếu nước, chiếm khoảng 30% diện tích gieo trồng toàn khu vực. Diện tích ảnh hưởng nước trời và phải chờ mưa, đủ nước để rửa mặn mới xuống giống được lên tới 350.000 ha trên địa bàn 8/13 tỉnh.
Bộ Nông nghiệp cũng cho hay, năm 2016, diện tích gieo trồng lúa là khoảng 7,77 triệu ha, giảm 65.000 ha so với năm 2015. Năng suất ước đạt 57,5 tạ/ha – giảm 1 tạ/ha và sản lượng đạt 44,637 triệu tấn, giảm 824.000 tấn so với năm 2015.
Thời điểm những ngày cuối tháng 4/2016, thóc khô tại kho khu vực ĐBSCL có giá 5.400 – 5.500 đồng/kg với thóc thường, thóc hạt dài giá 5.700-5.800 đồng/kg. Giá gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì tại mạn theo đó rơi vào mức 7.950-8.100 đồng/kg; gạo 15% tấm giá 7.750 – 7.950 đồng/kg và gạo 25% tấm có giá 7.550 – 7.800 đồng/kg.
Các mức giá này được Bộ Công thương đánh giá “đảm bảo lợi nhuận cho người sản xuất theo mục tiêu Chính phủ đặt ra”, nhưng diễn biến giá cả nội địa này cũng đồng thời làm cho các thương nhân xuất khẩu gạo của Việt Nam khó có thể chào bán giá thấp, khiến lợi thế cạnh tranh về giá của gạo Việt sẽ không còn.
Hoàng Nam
(Theo Báo Đầu Tư)