tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Chè Việt xuất ngoại: Không thể “lờ đi” tiêu chuẩn toàn cầu

  • Cập nhật : 22/05/2016

(tin kinh te)

Dù nằm danh sách những nước xuất khẩu lớn trên thế giới nhưng chè Việt Nam dường như vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức, khó có thể bước qua cánh cửa hội nhập khi thương hiệu mờ nhạt, giá trị xuất khẩu còn thấp.

 

che viet dang chiu nhieu suc ep ve hang rao ky thuat cung cac tieu chuan ve ve sinh an toan thuc pham nghiem ngat.

Chè Việt đang chịu nhiều sức ép về hàng rào kỹ thuật cùng các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm nghiêm ngặt.

Không thể hội nhập nếu chè chưa sạch
Là 1 trong 5 nước xuất khẩu chè lớn nhất thế giới nhưng thương hiệu chè Việt Nam vẫn còn khá mờ nhạt ở thị trường nước ngoài và giá trị xuất khẩu còn thấp. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, xuất khẩu chè 3 tháng đầu năm 2016 đạt 23 nghìn tấn với 35 triệu USD, giảm 5% về khối lượng và giảm 10,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. 
Hiện nay, ở Việt Nam có 124.000 ha diện tích trồng chè với hơn 500 cơ sở sản xuất chế biến, công suất đạt trên 500.000 tấn chè khô mỗi năm. Nhiều vùng chè cho năng suất cao và chất lượng tốt, nổi tiếng trong nước như Tân Cương (Thái Nguyên), Mộc Châu (Sơn La), Bảo Lộc (Lâm Đồng),…
Tuy nhiên, có một thực tế là sản lượng chè xuất khẩu của Việt Nam vẫn ở dạng nguyên liệu thô, chưa qua chế biến nên giá trị thấp, rất khó đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật,… Trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới, chè Việt ngày càng chịu nhiều sức ép về hàng rào kỹ thuật cùng các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm nghiêm ngặt. 
Theo TS. Nguyễn Quốc Vọng, Giám đốc Công ty cổ phần Giống cây trồng miền Nam, khi ông làm việc với một số công ty nhập khẩu chè, phía đối tác nhận xét chè của Việt Nam có hai vấn đề mà Việt Nam cần đặc biệt lưu ý.
Thứ nhất là chè có mùi khói do sản xuất chè trong một diện tích rất nhỏ khiến khói dễ bay vào khi sấy chè. Thứ hai là chè Việt Nam vẫn còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. 
“Không có cách nào để Việt Nam tham gia vào thị trường quốc tế mà lại “lờ” vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm”, ông Vọng nhấn mạnh.

Cần xây dựng mô hình chuỗi gắn kết
Theo nhiều chuyên gia, việc chủ động nguồn nguyên liệu, sản xuất theo chuỗi giá trị, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất là hướng đi mà các doanh nghiệp cần hướng đến. 
Là một người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực chè, ông Chu Xuân Ái, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Phát triển công nghệ và thương mại Tôn Vinh nhận định, đối với tất cả các doanh nghiệp chè, trong đó có doanh nghiệp của ông thì điều quan trọng nhất là luôn phải cải thiện về chất lượng. Đặc biệt, vấn đề liên kết với người nông dân được xem là rất quan trọng để chè Việt Nam có thể phát triển. 
Còn ông Nguyễn Hữu Tài, Chủ tịch Hiệp hội chè Việt Nam nhận xét, chè Việt Nam có lợi thế lớn khi xâm nhập vào thị trường thế giới bởi sở hữu đa dạng nhiều dòng chè, nhiều chủng loại khác nhau. 
Theo đó, từ chỗ trước kia chỉ có hai loại chè chính là chè đen OTD và chè xanh, đến nay Việt Nam đã có đầy đủ các loại chè phục vụ nhu cầu tiêu thụ trên thế giới như chè đen OTD và CTC, chè sao lăn, chè OTD xanh, chè Ô Long, Phổ Nhĩ, chè hương, chè thảo dược,… 
Tuy nhiên, ông Tài vẫn nhấn mạnh, điều quan trọng là phải xây dựng được một thương hiệu chung cho chè Việt với chất lượng đảm bảo, giá thành phải chăng. Và để làm được điều này cần có sự gắn bó chặt chẽ giữa người nông dân sản xuất, người thu mua, nhà máy chế biến và doanh nghiệp kinh doanh. 
Bên cạnh đó, ông Tài cũng bày tỏ quan điểm, các địa phương có diện tích trồng chè trên cả nước cần có sự điều chỉnh lại, quy hoạch cơ sở chế biến chè trên địa bàn tỉnh, tiến hành phân vùng nguyên liệu cụ thể cho từng cơ sở chế biến, rà soát chặt, đảm bảo tiêu chuẩn cũng như hướng dẫn doanh nghiệp chế biến ký kết hợp đồng với nông dân trồng chè.
Chủ tịch Hiệp hội chè Việt Nam ví những người làm chè là những người cùng sống trong một gia đình. Gia đình đó chịu trách nhiệm về sản phẩm cuối cùng, đồng thời chính họ là những người được hưởng thành quả lao động đầu tiên. 
“Giữa người trồng chè, người chế biến và người tiêu thụ phải hài hòa lợi ích. Để làm được như vậy, phải có vai trò quản lý của Nhà nước, bởi vì việc tổ chức lại hoạt động của người nông dân không phải chuyện đơn giản”, ông Tài lưu ý. 
 


TUYẾT NHUNG
Theo Bizlive

Trở về

Bài cùng chuyên mục