Chiếm 19% thị phần nhóm hàng và 18,1% tỷ trọng, Trung Quốc tiếp tục là thị trường chủ lực cung cấp giấy cho Việt Nam trong nửa đầu năm 2018.
Xuất khẩu cà phê niên vụ 2017 – 2018 dự báo giảm vì giá thấp nhất 50 năm
- Cập nhật : 27/07/2018
Theo ước tính của Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa), kim ngạch xuất khẩu cà phê niên vụ 2017 – 2018 sẽ giảm 10,5% so với niên vụ trước vì giá cà phê nhân đang ở mức rất thấp.
Cụ thể, Vicofa ước tính Việt Nam sẽ xuất khẩu được 1,5 triệu tấn cà phê trong niên vụ 2017 – 2018, với kim ngạch đạt khoảng 3 tỷ USD. So với vụ trước, xuất khẩu cà phê tăng 0,8% về khối lượng nhưng lại giảm 10,5% về giá trị.
Kim ngạch xuất khẩu giảm chủ yếu do giá cà phê nhân đang ở mức thấp nhất trong vòng 50 năm qua. Tính đến ngày 26/7, giá thu mua cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên dao động trong khoảng 34.600 – 35.500 đồng/kg, với giá giao về các kho quanh TP.HCM chỉ đạt 36.700 đồng/kg.
Về sản lượng, Vicofa ước tính Việt Nam sẽ sản xuất được 1,55 triệu tấn cà phê trong niên vụ hiện tại, tăng 100.000 tấn so với niên vụ 2016 – 2017.
Hiệp hội cho biết sản lượng chỉ tăng nhẹ do các địa phương vẫn đang trong thời kỳ tái canh cải tạo vườn cây cà phê nên nhiều vườn chưa cho thu hoạch. Hơn nữa, một số diện tích tái canh lại chuyển sang trồng sầu riêng, bơ, chanh leo và cây khác có giá trị cao hơn, dẫn tới diện tích cà phê giảm. Tuy nhiên, theo chủ trương của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Vicofa vẫn giữ mục tiêu diện tích trồng cà phê cả nước quanh mức 600.000 ha.
Một nguyên nhân quan trọng khác là giá cà phê nhân thấp nhất trong vòng 50 năm trong khi chi phí như nhân công, xăng dầu và các dịch vụ, phân bón, thuốc trừ sâu tăng nên giá bán hiện nay xuống thấp hơn cả giá thành sản xuất. Vì vậy, người nông dân không chú tâm vào chăm bón gây ảnh hưởng tới năng suất của mùa vụ.
Về cơ cấu sản phẩm, Vicofa cho biết xuất khẩu cà phê chế biến của Việt Nam trong mấy năm qua đã tăng lên nhanh chóng. Trong 5 năm tới, lượng xuất khẩu cà phê đã qua chế biến dự báo sẽ tăng lên 200.000 tấn, gấp đôi mức hiện tại.
Ngoài ra, Hiệp hội ước tính lượng tiêu thụ cà phê trong nước cũng tăng lên 15%, khiến lượng cà phê nhân xuất khẩu giảm xuống còn khoảng 1 – 1,2 triệu tấn/năm.
Liên quan đến tình hình tái canh, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Quyết định số 4521/QĐ-BNN-TT phê duyệt Đề án tái canh cà phê các tỉnh vùng Tây Nguyên giai đoạn 2014 - 2020 là cơ sở để các địa phương rà soát diện tích tái canh (tái canh và ghép cải tạo) cà phê trên địa bàn.
Theo số liệu của Vicofa, tổng diện tích cà phê trồng tái canh và ghép cải tạo tại các tỉnh Tây Nguyên đến hết năm 2017 là 98.210 ha (đạt trên 81 % kế hoạch đến năm 2020 là 120.000 ha).
Trong đó, tỉnh Lâm Đồng có diện tích trồng tái canh và ghép cải tạo cao nhất 51.971 ha (đạt 113 % kế hoạch đến 2020); Đắk Lắk là 22.850 ha (đạt 77 % kế hoạch đến 2020);Đắk Nông là 10.342 ha (đạt 42 % kế hoạch đến 2020); Gia Lai là 9.409 ha (đạt 53 % kế hoạch đến 2020).
Phan Vũ
Theo NDH.VN