Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu gạo Thái Lan, ông Charoen Laothammathat ngày 27/1 cho biết Ấn Độ đã "soán ngôi" Thái Lan, trở thành nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.
Tín hiệu vui cho cà phê Việt Nam
- Cập nhật : 07/06/2016
Thị trường hồi phục
Hiện tại, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên ở mức giá 35.400 – 36.000 đồng/kg. Trước đó, giá cà phê lại xuống mức thấp ba tuần, do bị áp lực trước đó khi có dự đoán về lượng cà phê dồi dào. Giá cà phê Arabica kỳ hạn tháng 7 giảm 0,2 cent, tương đương 0,2%, chốt ở 1,213 USD/lb. Giá Robusta kỳ hạn tháng 7 lại có diễn biến ngược lại, tăng 1 USD, tương đương 0,06%, lên mức 1.640 USD/tấn.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nếu so với cuối tháng 3/2016, giá cà phê tăng khoảng 2.700 - 3.000 đồng/kg và thời gian gần đây đang có xu hướng tăng mạnh hơn; tháng 4/2016 so với tháng 3 tăng khoảng 1.000 đồng/kg và tháng 5 so với tháng 4 khoảng 1.700 đồng/kg.
Các chuyên gia nhận định, nguyên nhân cà phê tăng giá trở lại trong những tháng gần đây là do xu hướng tăng giá trên thị trường thế giới. Thời tiết khô hạn từ hiện tượng El Nino kéo giảm nguồn cung tại các nước sản xuất cà phê chủ chốt như Việt Nam, Brazil, Indonesia và lại trễ hơn thường kỳ chính là yếu tố đẩy thị trường cà phê đi lên.
Theo thống kê của Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa), trong 5 tháng đầu năm 2016, các DN Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 797.000 tấn cà phê, với kim ngạch 1,36 tỷ USD, tăng gần 34% về khối lượng và gần 11% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Giá cà phê xuất khẩu bình quân 4 tháng đầu năm 2016 khoảng 1.698 USD/tấn, giảm gần 18% so với cùng kỳ năm 2015.
Tuy nhiên xu hướng giá xuất khẩu cũng đang tăng. Sản lượng xuất khẩu cà phê trong tháng 4/2016 vừa qua của Việt Nam tăng 3% so với tháng 3/2016, lên 185.962 tấn. Kể từ tháng 3, giá cà phê tại Tây Nguyên đã tăng khoảng 20%, có thời điểm lên đến 36.500 đồng/kg.
Là người trong cuộc, ông Nguyễn Văn Bể, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH cà phê 704 (Kon Tum) cho rằng, Việt Nam là nước sản xuất Robusta lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, vừa qua nắng nóng kéo dài, lượng mưa ở các khu vực sản xuất cà phê khu vực miền Trung – Tây Nguyên thấp hơn khoảng 20-40% so với thông thường.
Ông Bể phân tích, các hộ nông dân trong vùng đang phấn khởi khi nhận được thông tin vui từ thị trường cà phê liên tục tăng giá trong những tháng qua. Thông tin này giúp bà con nông dân yên tâm hơn với việc đầu tư sản xuất của cà phê. Cùng đó, những DN sản xuất như chúng tôi cũng rất phấn khởi trước tín hiệu khả quan của thị trường.
Bởi hiện nay, gần một nửa diện tích cà phê tại Tây Nguyên đang vào giai đoạn già cỗi cần phải tái canh. Khi thực hiện tái canh, diện tích cà phê kinh doanh sẽ giảm xuống, nếu giá thấp liên tục thì không có động lực để tái canh. Còn người nông dân chắc chắn họ sẽ nghĩ đến việc chuyển đổi cây trồng. Như hiện tượng nhiều hộ nông dân đã phá cà phê trồng hồ tiêu như thời gian vừa qua là một ví dụ.
Lại “nóng” về tái canh cây cà phê
Ông Bể chia sẻ thêm, thực tế tại tỉnh Đăk Lăk, theo số liệu điều tra của Sở NN&PTNT tỉnh Đăk Lăk vườn cây cà phê bị già hóa, năng suất thấp ngày càng tăng. Diện tích cà phê trên 20 năm tuổi chiếm 23,5% diện tích toàn tỉnh, từ 15 – 20 tuổi chiếm 34.9% diện tích. Đến thời điểm hiện tại, Đăk Lăk đã triển khai tái canh được 11 nghìn ha/29 nghìn hecta cần tái canh đến năm 2020.
Chính yếu tố này khiến cho sản lượng cà phê sụt giảm đáng kể trong những năm gần đây. Dự kiến, niên vụ 2016-2017 sản lượng sẽ bị sụt giảm thê thảm. Hạn hán đã đẩy giá Robusta tăng 25% kể từ đầu năm 2016. Hiện nhiều vườn cà phê ở khu vực Tây Nguyên xem như mất trắng.
Gần đây đã xuất hiện một số nông hộ cắt bỏ cây cà phê chuyển sang trồng loại cây khác để thích ứng với biến đổi khí hậu… Chính những yếu tố này khiến thị trường cà phê, đặc biệt là cà phê Robusta, sản phẩm xuất khẩu chính của Việt Nam giảm về số lượng.
Một yếu tố khác, theo ông Phan Ngọc Diến, Giám đốc HDBank Đăk Lăk, đơn vị đặt trung tâm lưu trữ và giao dịch cà phê tại Đăk Lăk cho hay, người trồng cà phê Việt Nam có thói quen giữ cà phê lại không bán ra khi thấy giá giảm xuống mức thấp và chỉ tăng cường bán khi giá lên cao. Tuy nhiên, giá lên trong thời gian vừa qua là do tác động bởi yếu tố bất thuận lợi của thời tiết, khiến sản lượng cà phê thu hoạch giảm, nên giá tăng là tất nhiên.
Ông Đinh Văn Khiết, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk cho biết, cây cà phê đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn Đăk Lăk, nâng cao đời sống người dân. Hiện cà phê chiếm tỷ lệ xuất khẩu vượt lên các cây khác. Song vấn đề đặt ra là làm sao để đưa cây cà phê phát triển bền vững, chú trọng đầu tư công nghệ chế biến sâu để góp phần nâng cao giá trị cây cà phê hơn nữa.
Có như thế Việt Nam mới làm chủ được thị trường, chủ động được giá thu mua. Có như vậy mới giúp người nông dân yên tâm sản xuất. Nếu giá cứ diễn biến thất thường, bị lũng đoạn bởi một số DN lớn trên thế giới thì người trồng cà phê luôn luôn phải chịu thiệt thòi.
Còn chuyện tái canh cây cà phê là tất yếu để phát triển bền vững vẫn là bài toán không dễ giải.
Bài và ảnh Chí Thiện