tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Những nhóm hàng xuất khẩu chính 6 tháng năm 2018

  • Cập nhật : 25/07/2018

Theo Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu năm 2018, trị giá  xuất khẩu của Việt Nam đạt 114,19 tỷ USD, tăng 16,3%, tương ứng tăng 15,96 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó các nhóm hàng đóng góp lớn nhất lần lượt là: điện thoại các loại và linh kiện tăng 3,13 tỷ USD, máy móc thiết bị dụng cụ & phụ tùng khác tăng 1,89 tỷ USD, hàng dệt may tăng 1,86 tỷ USD, máy vi tính sản phẩm điện tử & lk tăng 1,81 tỷ USD, sắt thép các loại tăng 750 triệu USD, phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 655 triệu USD, giày dép các loại tăng 650 triệu USD, máy ảnh, máy quay phim và linh kiện tăng 568 triệu USD, gạo tăng 495 triệu USD, gỗ và sản phẩm từ gỗ tăng 455 triệu USD, hàng thủy sản tăng 401 triệu USD…

Điện thoại các loại và linh kiện: xuất khẩu nhóm hàng này trong tháng đạt 3,32 tỷ USD, tăng 2,9% so với tháng trước. Tính đến hết tháng 6/2018, trị giá xuất khẩu của nhóm hàng này đạt 22,62 tỷ USD, tăng 16% so với cùng thời gian năm trước.

Trong nửa đầu năm 2018 Việt Nam chủ yếu xuất khẩu nhóm hàng này sang các thị trường: EU (28 nước): 6,79 tỷ USD, tăng 17,8%; Hoa Kỳ: 2,3 tỷ USD, tăng 12,3%; Hàn Quốc: 2,24 tỷ USD, tăng 31%; Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống Nhất: 2,17 tỷ USD, tăng 12,9%...

Máy vi tính sản phẩm điện tử & linh kiện: trị giá xuất khẩu nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện trong tháng 6 đạt 2,49 tỷ USD, tăng nhẹ 0,9% so với tháng trước, đưa trị giá xuất khẩu nhóm hàng này trong 6 tháng đầu năm đạt 13,44 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước.

Trong nửa đầu năm 2018, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc dẫn đầu với trị giá đạt 3,69 tỷ USD, tăng 29%; xuất khẩu sang EU (28 nước) đạt trị giá 2,49 tỷ USD, tăng 16,8%; sang Hàn Quốc đạt trị giá 1,35 tỷ USD, tăng 56% so với cùng thời gian năm trước…

 Hàng dệt may: xuất khẩu hàng dệt may trong tháng đạt 2,75 tỷ USD, tăng 16,6% so với tháng trước, nâng trị giá xuất khẩu nhóm hàng này trong 6 tháng từ đầu năm 2018 đạt 13,64 tỷ USD, tăng 15,7%, so với cùng kỳ năm trước.

Trong 2 quý đầu năm 2018, Hoa Kỳ vẫn là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn nhất từ Việt Nam với trị giá đạt 6,4 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng thời một năm trước đó và chiếm 46,9% tổng trị giá xuất khẩu hàng dệt may của cả nước; tiếp theo là thị trường thị trường EU đạt trị giá 1,89 tỷ USD, tăng 12,2%, thị trường Nhật Bản đạt trị giá 1,7 tỷ USD, tăng 23,9% so với một năm trước đó; thị trường Hàn Quốc đạt trị giá 1,3 tỷ USD, tăng 25,4%...

Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác: xuất khẩu nhóm hàng này trong tháng 6/2018 đạt 1,36 tỷ USD, giảm 6,8% so với tháng trước, đưa trị giá xuất khẩu nhóm hàng này trong nửa đầu năm 2018 đạt 7,88 tỷ USD, tăng 31,5% so với cùng kỳ năm trước.

Các thị trường nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng trong 6 tháng từ đầu năm 2018 chủ yếu gồm: Hoa Kỳ với 1,36 tỷ USD, tăng 11,2%; sang EU (28 nước) đạt trị giá 1,07 tỷ USD, tăng 33,7%; Ấn Độ với 1,12 tỷ USD, tăng gấp 6,8 lần; Nhật Bản với 883 triệu USD tăng 6% so với cùng thời gian năm 2017...

Giày dép các loại: xuất khẩu giầy dép các loại trong tháng 6/2018 đạt 1,46 tỷ USD, giảm 5,3% so với tháng trước, đưa trị giá xuất khẩu giày dép của cả nước trong nửa đầu năm 2018 đạt 7,69 tỷ USD, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu nhóm hàng này sang các thị trường Hoa Kỳ đạt trị giá 2,76 tỷ USD, tăng 12,9%; sang EU (28 nước) đạt trị giá 2,29 tỷ USD, tăng nhẹ 0,9%; sang thị trường Trung Quốc đạt trị giá 668 triệu USD, tăng 28,3% so với cùng thời gian năm 2017.

Phương tiện vận tải và phụ tùng: xuất khẩu nhóm hàng này trong tháng đạt 613 triệu USD, giảm 13,7% so với tháng trước, đưa trị giá xuất khẩu nhóm hàng này trong nửa đầu năm 2018 đạt 4,03 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm trước.

Các thị trường nhập khẩu phương tiện vận tải và phụ tùng từ Việt Nam trong 6 tháng đầu năm gồm: Nhật Bản với trị giá đạt 1,17 tỷ USD, tăng 15,1%; sang Hoa Kỳ đạt 625 triệu USD, tăng 27,4%; sang Singapore đạt trị giá 246 triệu USD, tăng 2,4 lần so với cùng thời gian năm trước.

Gỗ và sản phẩm gỗ: xuất khẩu nhóm hàng này trong tháng 6/2018 đạt trị giá 750 triệu USD, tăng 3% so với tháng trước, đưa trị giá xuất khẩu nhóm hàng này trong 6 tháng từ đầu năm đạt 4,12 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước.

Gỗ và sản phẩm gỗ trong 2 quý đầu năm 2018 được xuất khẩu chủ yếu đến các thị trường Hoa Kỳ với trị giá 1,7 tỷ USD, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước; sang Trung Quốc với 556 triệu USD, tăng 1,1%; sang Nhật Bản với 528 triệu USD, tăng 4,9%; …

Hàng thủy sản: trị giá xuất khẩu trong tháng là 764 triệu USD, giảm nhẹ 0,2% so với tháng trước, đưa trị giá xuất khẩu nhóm hàng này trong 6 tháng đầu năm nay đạt 3,97 tỷ USD, tăng 11,3% so với cùng thời gian năm trước.

Hàng thủy sản trong nửa đầu năm 2018 chủ yếu được xuất khẩu sang thị trường: EU (28 nước) với 704 triệu USD, tăng 21,3%; Hoa Kỳ: 633 triệu USD; giảm nhẹ 0,5%; Nhật Bản: 615 triệu USD, tăng 5,1%; Trung Quốc: 482 triệu USD, tăng 12% … so với một năm trước đó.

Sắt thép các loại: lượng xuất khẩu sắt thép các loại trong tháng 6 đạt 453 nghìn tấn, với trị giá đạt 350 triệu USD, giảm 2,1% về lượng và giảm 1,4% về trị giá. Qua đó đưa lượng xuất khẩu mặt hàng này trong 6 tháng từ đầu năm 2018 đạt 2,81 triệu tấn, trị giá 2,11 tỷ USD, tăng 38,7% về lượng và tăng 55,4% về trị giá.

Sắt thép các loại 6 tháng đầu năm nay chủ yếu xuất khẩu qua các thị trường Campuchia là 596 nghìn tấn, tăng 50,1%; Hoa Kỳ: 439 nghìn tấn, tăng 77,8%; In-đô-nê-xi-a: 334 nghìn tấn, tăng 26,4%; Ma-lai-xi-a: 335 nghìn tấn, tăng 88%; EU (28 nước): 325 nghìn tấn, tăng 123% so với cùng kỳ năm trước.

Máy ảnh, máy quay phim và linh kiện: trị giá xuất khẩu trong tháng là 380 triệu USD, giảm 4,2% so với tháng trước, đưa trị giá xuất khẩu nhóm hàng này trong 6 tháng đầu năm nay đạt 2,06 tỷ USD, tăng 38,1% so với cùng thời gian năm trước.

Trong 2 quý đầu năm, máy ảnh, máy quay phim và linh kiện chủ yếu được xuất khẩu sang thị trường:  Trung Quốc với 917 triệu USD, tăng 16,9%; Hồng  Kông: 589 triệu USD; tăng 41,6%; Hàn Quốc: 186 triệu USD, tăng gấp 4 lần so với một năm trước đó…

Nguồn: Baohaiquan.vn

Trở về

Bài cùng chuyên mục