tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Không gian chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sau các FTA

  • Cập nhật : 02/09/2015

(Thuong mai)

Các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đang mở ra nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp cũng như các ngành kinh tế, nhất là cơ hội xuất khẩu với thuế quan ưu đãi và thu hút đầu tư từ đối tác nước ngoài.

Tuy nhiên, các FTA cũng sẽ hạn chế quyền, thậm chí không cho phép Chính phủ thực hiện các chính sách nhất định để bảo hộ các ngành sản xuất trong nước. Duy trì một không gian chính sách hợp lý, không vi phạm nguyên tắc của FTA chính là thách thức không nhỏ đối với các nhà hoạch định chính sách trong bối cảnh đất nước đang hội nhập ngày càng toàn diện.

Càng hội nhập, không gian chính sách càng hẹp

Tháng 5/2015 được xem là “tháng hội nhập FTA” của Việt Nam. Ngày 05/5/2015, Việt Nam ký Hiệp định Thương mại tự do với Hàn Quốc, ngày 29/5/2015, Việt Nam ký Hiệp định Thương mại tự do với Liên minh kinh tế Á - Âu và trong suốt tháng 5/2015 là những phiên đàm phán của Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Tính đến nay, sau khi tham gia WTO, đẩy mạnh hội nhập theo chiều rộng, Việt Nam đã và đang tích cực tham gia hội nhập theo chiều sâu với 10 FTA song phương và đa phương với các đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, New Zealand, Liên minh thuế quan Nga - Belarus - Kazakstan, trong đó có 8 hiệp định đang thực thi.

WTO và các FTA đang thực hiện chủ yếu tập trung vào 4 lĩnh vực chính là: Thương mại dịch vụ, thương mại hàng hóa, đầu tư và sở hữu trí tuệ. Không gian chính sách trong việc bảo hộ các ngành sản xuất trong nước bị hạn chế trong 4 lĩnh vực này.

Tuy nhiên, với các FTA thế hệ mới như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU hay TPP thì ngoài 4 vấn đề trên, các cam kết còn tập trung vào các vấn đề về doanh nghiệp nhà nước, mua sắm chính phủ, hải quan, phát triển bền vững, hài hòa pháp luật… và các vấn đề phi thương mại như môi trường, lao động… Mức độ tự do hóa càng sâu, các cam kết ngày càng nhiều đồng nghĩa với không gian chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước càng bị thu hẹp hơn.

Theo nhận định của VCCI, sau quá trình gia nhập WTO và 10 FTA đã được ký kết, không gian chính sách liên quan đến công cụ bảo hộ các doanh nghiệp trong các ngành sản xuất nội địa bằng thuế quan, các chính sách về đầu tư đã bị hạn chế rất nhiều, chỉ còn hiệu quả ở một số ngành nhạy cảm với khoảng 600 mặt hàng chiếm 7% các dòng thuế.

Bên cạnh đó, nỗ lực tiếp tục đàm phán và ký kết thêm các FTA thế hệ mới, quan trọng như TPP, FTA Việt Nam - EU... chắc chắn không gian cho việc sử dụng các biện pháp thuế quan và các hàng rào phi thuế quan (giấy phép và hạn ngạch nhập khẩu) không còn nhiều. Điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp và có tác động đáng kể tới tương lai của các ngành kinh tế, nhất là những ngành đang nhận được nhiều sự hỗ trợ từ Nhà nước như thép, mía đường...

Cụ thể, công cụ về thuế quan khó có thể sử dụng trong tương lai do các cam kết loại bỏ thuế xuống 0% cho phần lớn các loại hàng hóa. Trong WTO thì công cụ thuế vẫn còn vì cam kết của WTO không phải là loại bỏ thuế mà chỉ là giảm thuế. Nhưng với các FTA thì tính đến nay chúng ta đã cam kết với khoảng 20 đối tác về việc loại bỏ thuế đến 0%.

Trong giai đoạn 1999 - 2014, Việt Nam đã thực hiện lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu theo đúng cam kết trong các FTA song phương và đa phương. Từ ngày 01/01/2015, Việt Nam cắt giảm thêm 1.706 dòng thuế từ thuế suất hiện hành 5% xuống 0% theo cam kết Hiệp định Thương mại tự do ASEAN (ATIGA), đến năm 2018 sẽ hoàn thành cắt giảm theo cam kết với 90% dòng thuế về mức thuế suất 0%. Với các nước khác như Australia, New Zealand thì lộ trình cắt giảm đến năm 2020.

Trong tương lai, khi Việt Nam ký TPP với 11 nước, ký với EU (gồm 28 nước) thì sẽ có tổng cộng khoảng 50 đối tác cần cam kết loại bỏ thuế quan. Đây là những đối tác mà Việt Nam đang có hoạt động thương mại nên việc loại bỏ hàng rào thuế quan sẽ đem lại thách thức lớn cho cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước.

Như vậy, theo cam kết trong các FTA, nhìn chung Việt Nam bị giới hạn rất nhiều trong việc đưa ra các biện pháp để bảo vệ doanh nghiệp và hàng hóa trong nước, đối phó với hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài. Hiện nay, chúng ta chỉ có thể sử dụng các biện pháp về hàng rào kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng vệ thương mại chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ…

Tuy nhiên, trong báo cáo đánh giá 8 năm gia nhập WTO của Việt Nam cũng như việc thực thi các FTA, một trong những điểm yếu nhất của chúng ta là việc áp dụng các biện pháp phòng vệ được phép còn rất hạn chế… Thậm chí, ngay cả công cụ phòng vệ là độ trễ trong thời gian thực hiện cam kết cũng không được tận dụng tối đa.

Liệu có còn nhiều “khoảng trống” cho các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập?

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển chia sẻ: “Trong câu chuyện hội nhập này, quan điểm của tôi là tất cả các doanh nghiệp phải lên sàn đấu. Thậm chí chúng ta phải chấp nhận việc có doanh nghiệp đổ vỡ.

Doanh nghiệp nào đã mạnh là mạnh thật sự. Không nên để tình trạng tất cả đều sống, nhưng có trường hợp dở sống, dở chết. Không đâu cọ xát tốt bằng thị trường cạnh tranh. Môi trường cạnh tranh của thị trường làm cho các doanh nghiệp phát triển. Khi bảo đảm tính bình đẳng trước cơ chế thị trường thì sẽ bảo đảm tính minh bạch, cạnh tranh lành mạnh”.

Tuy nhiên, sự thay đổi do các FTA mang lại không phải là câu chuyện một sớm, một chiều và các doanh nghiệp cũng cần có thời gian để dần thích ứng, làm quen với bối cảnh mới. Mặt khác, năng lực của nền kinh tế, đặc biệt là năng lực sản xuất và sức cạnh tranh còn yếu, các doanh nghiệp đang rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước để có thể đứng vững trước làn sóng hội nhập.

Vì vậy, việc tăng cường không gian chính sách nhằm hỗ trợ quá trình điều chỉnh cơ cấu của doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tận dụng tốt nhất các cơ hội cũng như đối diện với những thách thức khi hội nhập là điều cần thiết.

Vậy, làm thế nào để có thể duy trì không gian chính sách hợp lý cho các doanh nghiệp trong bối cảnh mới, mà vẫn không vi phạm các cam kết đã ký? Làm gì để khai thác hiệu quả nhất không gian còn lại này khi năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực còn yếu, đối mặt với những quy tắc xuất xứ, điều kiện kỹ thuật… rất nghiêm ngặt từ các đối tác?

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO, nhận định: Ngoài các biện pháp thuế quan và phi thuế quan, vẫn còn nhiều khoảng trống cho chính sách. Chúng ta có thể bảo vệ sản xuất nội địa bằng các hàng rào kỹ thuật, biện pháp vệ sinh dịch tễ, miễn là quy trình thiết lập phải công khai, có tham vấn và phù hợp với các nguyên tắc của WTO. Cũng có thể sử dụng các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ; hỗ trợ tín dụng cho sản xuất hàng công nghiệp như thưởng xuất khẩu, hỗ trợ công nghệ hoặc áp dụng các biện pháp phân biệt đối xử về đầu tư để tạo ưu thế cho doanh nghiệp sản xuất nội địa như yêu cầu đầu tư nước ngoài có tỷ lệ xuất khẩu tối thiểu, các điều kiện riêng về quản trị, nhân sự cao cấp; áp dụng các ngoại lệ để bảo vệ quyền của nhóm sử dụng sản phẩm sở hữu trí tuệ với các quy định về bảo vệ lợi ích công cộng...

Như vậy, có thể thấy, ngoài những lĩnh vực đã có cam kết tức là đã bị hạn chế về không gian chính sách thì tất cả các không gian khác đều không hoặc chưa bị hạn chế, kể cả các vấn đề về doanh nghiệp nhà nước, mua sắm chính phủ, lao động, môi trường… Do đó, vẫn đang còn khá nhiều “khoảng trống” chính sách. Bà Trang cho rằng: “Phạm vi cam kết của các FTA thế hệ mới càng rộng thì không gian chính sách càng bị hạn chế. Tuy nhiên, quan trọng là không gian càng hẹp, chính sách càng cần tinh tế hơn”.

Bên cạnh đó, để doanh nghiệp có lợi nhất trong các FTA thế hệ mới, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, cần có phương án đàm phán mềm dẻo nhưng kiên quyết về các lợi ích xuất khẩu của doanh nghiệp, bao gồm các vấn đề về ưu đãi thuế quan, quy tắc xuất xứ phù hợp với cơ cấu, phương thức sản xuất trong tương lai gần của Việt Nam nhằm tạo thêm không gian chính sách cho các ngành, lĩnh vực nội địa.

Trong quá trình đàm phán, cần tham vấn ý kiến của các ngành, các hiệp hội có liên quan hoặc mời đại diện ngành như đại diện ngành dệt may tham dự các đàm phán liên quan đến quy tắc xuất xứ hoặc cắt giảm thuế quan trong ngành dệt may.

Ngoài ra, cần đàm phán mạnh dạn và tích cực hơn trong mở cửa thị trường Việt Nam cho hàng hóa và máy móc, thiết bị, công nghệ, nguyên vật liệu, phương tiện và các sản phẩm tương tự khác mà Việt Nam vẫn bảo hộ nhưng không hiệu quả hoặc hiện đang phụ thuộc vào nguồn cung từ các nước/đối tác không tham gia đàm phán FTA.

(Theo Tạp chí Tài Chính)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục