Việt Nam đã vượt Nhật Bản trở thành thị trường nước ngoài lớn thứ tư đối với các mặt hàng xuất khẩu của Hàn Quốc trong bảy tháng (từ tháng 1-7/2015).
Phụ thuộc Trung Quốc, xuất khẩu gạo lĩnh đủ nóng-lạnh
- Cập nhật : 01/09/2015
(Tin kinh te)
Xuất khẩu gạo của Việt Nam lại phụ thuộc quá lớn vào thị trường dễ “nóng - lạnh” như Trung Quốc.
Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu gạo khá khó khăn khi liên tục sụt giảm cả lượng lẫn giá trị, dự kiến khó khăn này còn kéo dài trong 1-2 năm nữa. Trong khi đó, doanh nghiệp xuất khẩu gạo lại bị “trói chân” bằng giấy phép xuất khẩu khiến cho tình hình xuất khẩu của ngành gạo càng khó khăn hơn.
Tại Hội thảo “Góp ý Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo và Dự thảo Thông tư quản lý cây ngắn ngày”, ông Trần Xuân Định, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu khoảng 6-7 triệu tấn gạo nhưng lợi nhuận còn thấp. Từ đầu năm đến nay, hạt gạo xuất khẩu gặp không ít khó khăn và dự kiến tình trạng này không có nhiều biến chuyển trong 1-2 năm tới. Tuy nhiên, nếu xét tầm trung và dài hạn thì cơ hội xuất khẩu còn khá rộng mở.
Về mặt thị trường, gạo của chúng ta lại phụ thuộc quá lớn vào thị trường dễ “nóng-lạnh” như Trung Quốc. Trong khi đó, ngoài đối thủ lớn là Thái Lan, xuất khẩu gạo Việt Nam cũng đang phải cạnh tranh mạnh với Ấn Độ, Pakistan, Hoa Kỳ, Myanmar cũng có triển vọng trở thành một nước xuất khẩu gạo lớn tại châu Á.
Ông Trần Mạnh Báo, Tổng giám đốc Tổng công ty Giống cây trồng Thái Bình đánh giá, xuất khẩu gạo đang rất khó khăn, nhưng tại sao phải có giấy phép xuất khẩu. Hãy mở tung cửa thị trường cho doanh nghiệp tự làm để ai xuất được thì xuất.
“Trước kia tôi còn nhớ có quy định nhập giống lúa về cũng phải có giấy phép, sau đó đã được bỏ cái quy định bắt buộc phải có giấy phép đi. Đến nay, như mọi người thấy đó, giấy phép đã bỏ 10 năm rồi mà có vấn đề gì đâu. Vậy thì giờ tại sao doanh nghiệp muốn xuất khẩu gạo lại phải có giấy phép. Tôi thấy cần phải bỏ ngay điều kiện này đi”, ông Báo nói.
Ông Trần Văn Khởi, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, cũng cho rằng, trong cơ chế xuất khẩu gạo phải nới rộng tiêu chuẩn để đông đảo doanh nghiệp dễ dàng tham gia. “Hiện nay, quy định có phần ghê gớm quá, đưa ra nhiều điều kiện khắt khe như phải có nhà máy chế biến, năng lực kho chứa lớn... Tại Thái Lan, tiêu chí để doanh nghiệp được xuất khẩu gạo khá đơn giản. Thậm chí, với những doanh nghiệp xuất khẩu loại gạo đóng bao dưới 12kg quy định khá thoải mái, muốn xuất bao nhiêu cũng được”, ông nói.
Theo Dự thảo Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo, vùng ĐBSCL hướng tới xuất khẩu là chính, đồng thời quan tâm đúng mức đến thị trường nội địa; sử dụng giống chất lượng cao (gạo trắng, hạt dài, thơm nhẹ hoặc không thơm) chiếm khoảng 50%; giống lúa thơm chiếm khoảng 25%; giống nếp, đặc sản địa phương chiếm khoảng 15%, giống chất lượng trung bình khoảng 10% diện tích gieo trồng.
Vùng Đồng bằng sông Hồng và các vùng sản xuất lúa hàng hóa còn lại hướng tới thị trường trong nước là chính; chủ yếu sử dụng giống lúa chất lượng gạo, cơm ngon, có giá bán phù hợp với người tiêu dùng trong nước; tỷ lệ diện tích giống chất lượng cao, bao gồm cả nếp, japonica chiếm khoảng 60%, giống năng suất cao khoảng 40% diện tích gieo trồng.
(Theo Trung tâm thông tin CN& TM Bộ Công Thương)