Trị giá xuất khẩu hàng hóa của cả nước tháng 8/2015 ước đạt 14,5 tỷ USD, tăng 2,3% và trị giá nhập khẩu ước đạt 14,6 tỷ USD, giảm 0,5%...
Sẽ tìm cách né thuế?
- Cập nhật : 02/09/2015
(Doanh nghiep)
Việc đánh đồng cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với tất cả các dòng xe nhập khẩu rất có thể sẽ khiến cho thị trường ô tô trở nên phức tạp...
Bộ Tài chính đang trình Chính phủ dự thảo Nghị định mới về việc điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với một số mặt hàng nhập khẩu (NK) thay thế cho Nghị định 26/2008/NĐ-CP. Trong đó có các dòng xe ô tô từ 24 chỗ ngồi trở xuống, được nhập nguyên chiếc từ nước ngoài.
Theo nội dung dự thảo, mức thuế TTĐB đối với các dòng ô tô cỡ nhỏ có dung tích xi lanh từ 1.0L – 2.0L được đề xuất giảm từ 10-25% so với mức thuế cũ. Tuy nhiên, các loại xe cỡ lớn có dung tích từ trên 2.0L - 3.0L lại được đề xuất tăng lên 10-20% so với các mức cũ. Các dòng xe từ 16-24 chỗ ngồi có thể chỉ xem xét giảm khoảng 5-10% thuế TTĐB so với mức cũ.
Ngoài ra, căn cứ để tính thuế TTĐB đối với các dòng ô tô NK nói trên cũng được Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh. Theo đó, nếu như trước đây, các nhà NK xe chỉ bị tính thuế căn cứ trên giá CIF (bao gồm giá NK + cước phí vận chuyển + phí bảo hiểm từ nước xuất khẩu về nước NK) thì nay sẽ phải cộng thêm cả các chi phí khác như: hải quan, đăng kiểm, lưu kho bãi, marketing quảng cáo… từ nhà NK đến tay đại lý phân phối.
Theo đánh giá của một số nhà NK ô tô hiện nay, nếu áp dụng cách tính thuế TTĐB này, DN sẽ gặp khó khăn lớn trong việc tính toán giá chịu thuế bởi các chi phí như hải quan, đăng kiểm, lưu kho… thì có thể có khung biểu giá quy định nhưng chi phí marketing, quảng cáo, thì không thể tính toán cố định được tại thời điểm NK. Ngoài ra, khi cộng thêm các loại phí này sẽ làm cho giá bán một chiếc ô tô tăng từ 20%-30% tùy thuộc từng dòng xe.
Điều quan trọng hơn, nếu nội dung dự thảo trở thành hiện thực khi bắt buộc phải áp dụng cách tính thuế trên, các nhà NK ô tô sẽ phải xem xét thay đổi cách thức hoạt động để đỡ mất tiền nộp thuế bằng cách lập ra công ty con làm trung gian thương mại. Bởi hiện nay, theo những quy định tại Nghị định 26, nếu các DN sản xuất bán hàng qua đơn vị trung gian thương mại thì giá chịu thuế sẽ không bao gồm chi phí hoa hồng.
Chẳng hạn, nếu DN sản xuất bán một chiếc xe trị giá 100.000 USD cho công ty thương mại, sau đó công ty này bán sang đại lý bán hàng và hưởng 7% hoa hồng thì giá tính thuế TTĐB chỉ được tính là 100.000 USD. Còn khâu công ty thương mại bán ra cho đại lý chiếm 7% giá trị xe thì không phải chịu thuế TTĐB.
Nhưng có một thực tế là hiện hầu hết các công ty ô tô danh tiếng có vốn đầu tư nước ngoài phân phối hàng hóa theo mô hình Công ty sản xuất - Đại lý phân phối, không thông qua DN trung gian để đảm bảo uy tín, thương hiệu. Tuy nhiên, với cách tính thuế TTĐB mới mà Bộ Tài chính đề xuất, không ai dám chắc rằng các DN này không lập ra các đơn vị thương mại ở giữa để tránh khoản thuế lớn đến từ các chi phí hoa hồng như cách mà một số DN ô tô Việt Nam đang làm.
Như vậy, mặc dù dự thảo Nghị định và các đề xuất về cách tính thuế TTĐB đối với mặt hàng ô tô NK của Bộ Tài chính cơ bản đã tuân theo đúng tinh thần chiến lược phát triển ngành ô tô và quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô đến năm 2020.
Theo đó ưu tiên giảm thuế đối với các dòng xe tải nhỏ đa dụng phục vụ cho nông nghiệp, xe khách tầm trung, tầm ngắn; xe ô tô con dưới 9 chỗ ngồi, kích thước nhỏ, tiêu thụ ít năng lượng và giá rẻ; và xe chuyên dùng, xe đặc chủng an ninh quốc phòng.
Tuy nhiên, việc đánh đồng cách tính thuế TTĐB đối với tất cả các dòng xe NK rất có thể sẽ khiến cho thị trường ô tô trở nên phức tạp, tạo ra nhiều động lực để các DN sản xuất, các nhà NK phân phối ô tô trong nước tận dụng kẽ hở để né tránh khoản thuế phải nộp làm thất thu ngân sách trong các năm tới.