tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Chi gần 5 tỷ USD nhập khẩu thép

  • Cập nhật : 31/08/2015

(Tin kinh te)

Từ đầu năm đến giữa tháng 8, Việt Nam đã nhập khẩu 9,215 triệu tấn thép các loại, trị giá 4,832 tỷ USD. Thị trường nhập lớn nhất vẫn là Trung Quốc.

 

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, tính đến ngày 15-8, Việt Nam đã xuất khẩu được 1,48 triệu tấn, trị giá 1,059 tỷ USD.

Thị trường xuất khẩu chính, theo Hiệp hội Thép Việt Nam, là các quốc gia Đông Nam Á, chiếm tới 78,79% trong đó Campuchia và Indonesia là 2 nước có sản lượng xuất khẩu cao, các nước khác ngoài khu vực có tỷ trọng nhỏ không đáng kể, khoảng 1-2%.

Ở chiều ngược lại, nhập khẩu thép tính đến 15-8 đạt 9,215 triệu tấn, trị giá 4,832 tỷ USD.

Chỉ tính riêng 7 tháng đầu năm, lượng sắt thép cả nước nhập về là 8,43 triệu tấn, tăng 40,3% về lượng. Đơn giá nhập khẩu sắt thép các loại bình quân trong 7 tháng đầu năm 2015 giảm 21,3% nên trị giá nhập khẩu là 4,47 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2014.

Đối với sản phẩm từ sắt thép, trong tháng 7, cả nước nhập khẩu hơn 347 triệu USD, tăng 5,7% so với tháng trước, nâng con số nhập khẩu 7 tháng của mặt hàng này lên 2,41 tỷ USD, tăng 45,5% so với cùng kỳ năm 2014.

Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, trong 7 tháng, Việt Nam đã nhập khẩu 5 triệu tấn sắt thép từ Trung Quốc, chiếm 60% tổng lượng thép nhập khẩu của cả nước.

Với lượng thép nhập khẩu lớn như vậy từ Trung Quốc, điều đáng lo ngại cho các doanh nghiệp thép Việt Nam là vấn đề gian lận thương mại thép nhập khẩu từ Trung Quốc.

Cụ thể, loại thép Bo chứa hợp kim vi lượng (0,0008% Bo) của Trung Quốc khai gian để nhập khẩu vào Việt Nam hưởng ưu đãi thuế 0% đã diễn ra trong nhiều năm nhưng vẫn chưa có biện pháp giải quyết.

Được biết, năm 2014 Việt Nam đứng thứ 10 trong top 20 nước nhập khẩu thép nhiều nhất thế giới với 12,4 triệu tấn thép các loại.

Về tiêu thụ thép, ông Dũng cho biết, tiêu thụ thép thời gian qua có tăng, 7 tháng tăng 18% (tính riêng thép dài tăng tới 21%). Nguyên nhân là do tăng trưởng kinh tế tốt hơn, trong đó tăng trưởng công nghiệp và xây dựng tăng tốt (do thị trường bất động sản chuyển động trở lại kích thích thị trường xây dựng-đầu ra của ngành thép).

Mặc dù tiêu thụ tốt nhưng giá thép xây dựng trong nước liên tục phải điều chỉnh giảm so với năm ngoái do giá nguyên liệu để sản xuất thép như phôi thép, thép phế có xu hướng giảm.

Tính riêng tháng 7, “tiêu thụ thép xây dựng giảm, nhưng sản xuất thép xây dựng lập kỷ lục mới trong 10 năm trở lại đây, vượt mức 600.000 tấn/tháng”, báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam nêu rõ.

(Theo Trung tâm thông tin CN& TM Bộ Công Thương)

Trở về

Bài cùng chuyên mục