tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Giá phân bón thế giới tăng và đứng ở mức cao

  • Cập nhật : 14/02/2019

Theo nguồn tin từ DTN, trong tuần cuối tháng 1 và đầu tháng 2/2019 giá phân bón bán lẻ tại Mỹ  vẫn đứng ở mức cao – đây là tuần thứ ba liên tiếp.

gia phan bon the gioi tang va dung o muc cao

Giá phân bón thế giới tăng và đứng ở mức cao

So với tháng trước, giá tăng bình quân 5%. Cụ thể, DAP và MAP đều tăng 5 USD trung bình đạt lần lượt 513 USD/tấn, 536 USD/tấn; kali tăng 3 USD đạt 384 USD/tấn; Ure tăng nhẹ đạt 407 USD/tấn; phân hỗn hợp 10-34-0 tăng 8 USD đạt 468 USD/tấn; anhydrous tăng 14 USD đạt 585 USD/tấn; UAN28 tăng 4 USD đạt 271 USD/tấn và UAN32 tăng 9 USD đạt 313 USD/tấn.

Với mức giá hiện nay, tất cả 8 loại phân bón đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Theo đó MAP tăng 9%; DAP và kali đều tăng 12%; phân hỗn hợp 10-34-0 tăng 13%; ure tăng 15%, anhydrous và UAN28 tăng 19%; UAN32 tăng 20%.

Diễn biến giá phân bón trên thế giới thời gian qua

ĐVT: USD/tấn

Nguồn: dtn

Trên thế giới giá dầu khép lại tuần sụt giảm do thị trường lo ngại nhu cầu tiêu thụ trên toàn cầu tăng chậm.

Trong phiên giao dịch ngày 8/2/2019, giá dầu thế giới nhích lên nhưng giá "vàng đen" khép lại tuần qua sụt giảm, do thị trường lo ngại nhu cầu tiêu thụ trên toàn cầu tăng chậm và giá đồng USD ở mức cao trong 6 tháng qua.

Kết thúc phiên này, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) giao kỳ hạn tăng nhẹ 0,08 USD lên 52,72 USD/thùng.

Trong lúc tại London, giá dầu Brent Biển Bắc giao kỳ hạn cũng tăng 0,39 USD lên khép phiên ở mức 62,02 USD/thùng.

Nhìn chung cả tuần qua, giá dầu WTI đã giảm hơn 4%, mức giảm lớn nhất trong năm nay, trong lúc giá dầu Brent giảm hơn 1% tuần qua.

Ngoài ra, đồng USD tăng giá 1,1% so với giỏ sáu tiền tệ chính trên thị trường thế giới, mức tăng cao nhất kể từ tháng 8/2018.

Điều này đã tác động đến giá dầu mỏ, hiện được định giá bằng đồng USD, và làm giá nhiên liệu này đắt đỏ hơn đối với những người nắm giữ các đồng tiền khác.

Thị trường năng lượng thế giới cũng được hỗ trợ nhờ thông tin Mỹ và Trung Quốc vẫn có khả năng đạt được thỏa thuận thương mại trước thời điểm chót vào ngày 1/3, để giải quyết những tranh chấp thương mại giữa hai nước.

Tại Mỹ giá khí tự nhiên tăng do triển vọng thời tiết lạnh hơn, giá tăng 2% trong ngày 11/2/2019 do dự báo thời tiết lạnh hơn bình thường trong khi các nhà đầu tư thực hiện vị thế bán ra sau khi giá ở mức thấp nhiều năm trong tuần trước.

Giá khí tự nhiên giao tháng 3 trên sàn giao dịch bán buốn New York tăng 5,9 US cent hay 2,3% đóng cửa tại 2,642 USD/mmBtu. Hợp đồng này trước đó tăng 6% lên 2,744 USD, cao nhất kể từ ngày 1/2/2019.

Nhận định về thị trường dầu mỏ quý 1/2019, theo Bộ trưởng Năng lượng Suheil al-Mazrouei của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất, cán cân cung và cầu trên thị trường dầu mỏ sẽ cân bằng trong quý 1/2019 sau nhiều tuần sản lượng được cắt giảm. Phát biểu trên của ông Suheil al-Mazrouei được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh Chính phủ Thế giới (WGS) diễn ra trong các ngày 10-12/2 tại Dubai, UAE. Ông Mazrouei nói trong bài phát biểu rằng các quốc gia trong và ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã cắt giảm sản lượng đủ lớn để điều chỉnh lại thị trường.

Theo kế hoạch cắt giảm sản lượng khai thác đã đạt được trước đó, các nước thành viên OPEC cùng những nhà sản xuất dầu lớn khác trên thế giới đã bắt đầu giảm sản lượng khoảng 1,2 triệu thùng/ngày tổng cộng kể từ tháng 1/2019 để vực dậy giá dầu. Kế hoạch này dự kiến sẽ kéo dài đến hết tháng Sáu năm nay.

Dựa trên số liệu tạm thời về mức sản xuất trong tháng đầu năm 2019 , Bộ trưởng Mazrourei cho hay hầu hết các nước tham gia đều tuân thủ thực hiện thỏa thuận và đang nỗ lực hết khả năng để góp phần bình ổn thị trường.

Tuy nhiên, thị trường dầu mỏ vẫn còn rất nhiều biến động và hiện giá dầu dao động chỉ trên mức 60 USD/thùng sau khi đã phục hồi từ mức thấp 50 USD/thùng hồi cuối năm ngoái. Con số trên vẫn còn thấp hơn nhiều so với mức 85 USD/thùng ghi nhận hồi đầu tháng 10/2018 trước khi giá dầu bắt đầu trượt dốc.

Giá dầu đã “lao dốc” vào giữa năm 2014 và rơi xuống dưới mức 30 USD/thùng, giảm từ mức cao kỷ lục hơn 100 USD/thùng trước đó do tình trạng dư thừa nguồn cung và nhu cầu tiêu thụ suy yếu trên toàn cầu.

Điều đó đã thúc đẩy OPEC hợp tác với các nhà sản xuất ngoài OPEC, chủ yếu là Nga, trong kế hoạch cắt giảm sản lượng 1,8 triệu thùng/ngày kể từ đầu năm 2017. Nỗ lực đó đã giúp giá dầu tăng trở lại, nhưng đà tăng đã không được duy trì sau khi các nhà sản xuất từ bỏ việc cắt giảm sản lượng hồi giữa năm 2018.

Nguồn: VITIC Tổng hợp
Theo Vinanet.vn

Trở về

Bài cùng chuyên mục