Thái Lan đặt mục tiêu xuất khẩu 9,5 triệu tấn gạo năm 2016. Xuất khẩu gạo của Myanmar 2015-2016 dự báo giảm mạnh.
Giá cả thị trường hàng hóa thế giới 24-02-2016
- Cập nhật : 24/02/2016
Giá dầu giảm mạnh sau bình luận của Bộ trưởng Dầu mỏ Arab Saudi
Phiên 23/2, giá dầu giảm mạnh khi Bộ trưởng Dầu mỏ Arab Saudi tuyên bố việc cắt giảm sản lượng sẽ không diễn ra.
Trước đó, giá dầu cũng chịu áp lực sau bình luận của Bộ trưởng Dầu mỏ Iran bác bỏ đồn đoán rằng nước này sẽ đóng băng sản lượng.
Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu WTI ngọt nhẹ của Mỹ giao tháng 4/2015 trên sàn New York Mercantile Exchange giảm 1,52 USD, tương ứng 4,6%, xuống 31,87 USD/thùng.
Giá dầu Brent giao tháng 4/2016 trên sàn ICE Futures Europe giảm 1,42 USD, tương đương 4,1%, xuống 33,27 USD/thùng.
Đầu tuần này, giá dầu tăng khi các nước sản xuất chủ chốt, kể cả Arab Saudi và Nga, đề xuất thỏa thuận đóng băng sản lượng ở mức của tháng 1/2016. Một số nhà đầu tư coi đây là “khúc dạo đầu” của việc cắt giảm sản lượng.
Nhưng Bộ trưởng Dầu mỏ Arab Saudi Ali al-Naimi trong cuộc hội thảo HIS CERAWeek ở Houston hôm thứ Ba 23/2 đã tuyên bố việc cắt giảm sản lượng dầu thô sẽ không diễn ra. “Sẽ là lãng phí thời gian khi đi tìm thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu thô. Việc đóng băng sản lượng sẽ khiến lượng dầu lưu kho giảm từ từ, nhưng cần phải có thời gian”, ông Naimi cho biết.
Thậm chí giới quan sát thị trường cũng tỏ ra hoài nghi về tính khả thi của thỏa thuận đóng bắng sản lượng. Hôm thứ Ba 23/2, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Zanganeh đã gọi đồn đoán Iran sẽ đóng băng sản lượng là “một câu bông đùa”.
Giới thương nhân cũng đang chờ số liệu về lượng dầu lưu kho của Mỹ, công bố vào thứ Tư 24/2. Giới phân tích trong khảo sát Wall Street Journal dự đoán lượng dầu lưu kho của Mỹ trong tuần kết thúc vào 19/2 tăng 2,4 triệu thùng.
Trong khi đó, hôm thứ Ba, Viện Dầu mỏ Mỹ (API) cho biết, theo số liệu của Viện, lượng dầu lưu kho của Mỹ trong tuần kết thúc vào 19/2 tăng 7,1 triệu thùng, dự trữ xăng tăng 569.000 thùng trong khi nguồn cung sản phẩm chưng cất giảm 267.000 thùng.
Giá dầu lao dốc đã dấy lên lo ngại rằng các ngân hàng có thể không thể thu hồi được khoản cho vay đối với các công ty năng lượng. Hơn 1/3 các công ty thăm dò và khai thác dầu khí trên toàn thế giới đang có nguy có nộp đơn xin phá sản trong năm nay, theo một nghiên cứu của Deloitte.
Thị trường dầu thô toàn cầu đã thừa cung trong hơn 1 năm rưỡi qua, khiến giá dầu rơi xuống mức thấp nhất 12 năm hồi đầu tháng 2. Tại Mỹ, lượng dầu lưu kho đang ở mức cao nhất trong hơn 80 năm qua.
OPEC đã khiến thị trường bị sốc trong tháng 11/2014 khi quyết định không giảm sản lượng để hỗ trợ giá dầu. Kể từ đó, một số nước sản xuất chủ chốt, kể cả Arab Saudi và Nga, liên tục tăng sản lượng để giành và giữ thị phần trong môi trường giá thấp. Iran bắt đầu tăng sản lượng trong tháng 1/2016 kể từ khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ.
Giá vàng thế giới tiếp tục giảm
Giá vàng thế giới sáng 23-2 tiếp tục giảm còn 1.212,2 USD/ounce, quy đổi tương đương 32,75 triệu đồng/lượng.
Sau thời gian tăng nóng, những phiên gần đây giá vàng thế giới liên tục đi xuống do đồng đôla tăng giá so với các đồng tiền khác trong rổ tiền tệ và thị trường chứng khoán phục hồi.
Giá dầu cũng tăng trở lại khiến cho vàng chịu áp lực bán ra, đặc biệt khi nhu cầu chốt lời của giới đầu tư hiện nay khá cao sau một thời gian dài giá vàng tăng nóng. Trong phiên có thời điểm giá vàng giảm sát mức 1.200 USD/ounce, sau đó hồi phục nhẹ trở lại.
Theo các chuyên gia, hiện giá vàng phụ thuộc rất lớn vào thông tin về tình hình kinh tế Trung Quốc.
Một khi những lo ngại về việc Trung Quốc phá giá đồng NDT vơi đi, chứng khoán nước này phục hồi vững cộng với việc Cục dự trữ Liên Bang Mỹ (FED) bật đèn xanh cho việc tăng lãi suất đồng đôla thì sẽ tạo sức ép rất lớn lên giá vàng.
Đá granite của VN bị Thổ Nhĩ Kỳ áp thuế 174 USD/tấn
Thổ Nhĩ Kỳ vừa ban hành kết luận cuối cùng về vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm đá granite nhập khẩu từ Việt Nam
Ngày 23-2, Cục Quản lý cạnh tranh (VCA-Bộ Công thương), cho biết bộ Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đã ban hành kết luận cuối cùng về việc điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá với đá granite nhập khẩu từ Việt Nam, với mức thuế 174USD/tấn.
Trong bản kết luận cuối cùng, Bộ Kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ xác định có 5 nhà sản xuất/ xuất khẩu đã hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra, trong đó có hai công ty được xác định là có cơ sở sản xuất tại Việt Nam và tự tiến hành sản xuất sản phẩm, ba công ty còn lại cũng có cơ sở sản xuất và tiến hành sản xuất tại Việt Nam.
Tuy nhiên, một số thông tin do các công ty này cung cấp lại không được chứng thực. Các công ty khác do không trả lời đầy đủ bản câu hỏi, cung cấp thiếu thông tin nên bị coi là không hợp tác. Trong trường hợp này, các dữ liệu sẵn có được sử dụng để xác định việc lẩn tránh thuế.
Trên cơ sở tài liệu và kết quả thẩm tra tại chỗ, Thổ Nhĩ Kỳ kết luận rằng các nhà sản xuất/xuất khẩu Việt Nam có hành vi lẩn tránh thuế chống bán phá giá mà Thổ Nhĩ Kỳ áp dụng đối với sản phẩm đá granite nhập khẩu từ Trung Quốc.
Do đó, mức thuế chống bán phá giá đang áp dụng với đá granite nhập khẩu từ Trung Quốc (174 USD/tấn) cũng sẽ được áp dụng đối với đá granite nhập khẩu từ Việt Nam.Ngoài ra, những thay đổi về mức thuế chống bán phá giá áp dụng đối với Trung Quốc cũng sẽ được áp dụng đối với Việt Nam.
Trước đó, tháng 12-2014, Thổ Nhĩ Kỳ đã khởi xướng điều tra vụ việc trên để xem xét liệu ở Việt Nam có tồn tại việc lẩn tránh thuế chống bán phá giá với đá granite của Trung Quốc không. Đây cũng không phải lần đầu VN bị điều tra lẩn tránh thuế bởi sự "vạ lây" từ Trung Quốc.
Gạo VN vắng bóng tại các siêu thị ở Trung Quốc
Gạo VN đang chịu cạnh tranh gay gắt tại thị trường Trung Quốc, thị trường chiếm 50% tổng lượng gạo xuất khẩu của VN, bởi các nhà xuất khẩu khác như Thái Lan, Pakistan và mới nhất là Campuchia.
Ông Bùi Huy Hoàng, tham tán thương mại VN tại Trung Quốc, cho biết như vậy tại cuộc họp bàn về phát triển thị trường gạo giữa các tham tán thương mại và doanh nghiệp trong nước do Bộ Công thương chủ trì ngày 22-2 tại TP.HCM.
Theo ông Hoàng, trong năm 2015 gạo của VN chiếm 54% tổng lượng nhập khẩu gạo của Trung Quốc (3,35 triệu tấn), chưa kể lượng nhập khẩu tiểu ngạch qua biên giới. Tuy nhiên, tại các siêu thị và cửa hàng bán lẻ tại Trung Quốc lại không thể tìm được gạo có nguồn gốc xuất xứ hay thương hiệu gạo VN.
Trong khi đó, các đối thủ xuất khẩu gạo của VN vào thị trường này như Thái Lan, Pakistan hay thậm chí là Campuchia đang có những bước đi bài bản do xuất khẩu gạo chất lượng cao. “Nếu VN không nhanh chóng ổn định chất lượng và xây dựng thương hiệu gạo tại Trung Quốc, gạo Campuchia sẽ vượt gạo của chúng ta trong thời gian tới” - ông Hoàng cảnh báo.