Giá vàng giảm phiên thứ 4 liên tiếp nhờ kinh tế Mỹ phát tín hiệu tích cực, đẩy USD tăng mạnh.
Giá cả hàng hóa thị trường thế giới 26-08-2015
- Cập nhật : 26/08/2015
Giá vàng giảm hơn 1% khi Trung Quốc hạ lãi suất
Giá vàng bắt đầu giảm sau khi Trung Quốc tuyên bố hạ lãi suất và cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng thương mại, nhằm ổn định tình hình tài chính trong nước và xoa dịu tâm lý hoảng loạn của giới đầu tư toàn cầu.
Sau đó, giá vàng tiếp tục chịu áp lực từ báo cáo niềm tin tiêu dùng của Mỹ. Cụ thể, niềm tin tiêu dùng tháng 8 chạm mốc cao nhất 7 tháng qua. Điều này chứng tỏ, kinh tế Mỹ có đủ khả năng để đứng vững khi Fed nâng lãi suất ngay trong cuối năm nay.
Giá vàng giảm một phần khác do USD phục hồi hơn 1% so với giỏ tiền tệ mục tiêu trong phiên 25/8.
Cùng với vàng, một số kim loại quý khác cũng giảm mạnh, đặc biệt là palladium. Giá palladium giao ngay giảm 7,4% xuống 528,5 USD/ounce - mức thấp nhất kể từ tháng 9/2010. Bạch kim và bạc cũng lần lượt giảm 1,5% xuống 972,75 USD/ounce và 0,9% xuống 14,65 USD/ounce.
Giá dầu Mỹ tăng vọt sau khi Trung Quốc hạ lãi suất
Giá dầu phục hồi sau khi Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) tuyên bố hạ lãi suất tiền gửi và lãi suất cho vay kỳ hạn 1 năm thêm 0,25%. Ngoài ra, PBOC cũng hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc với các ngân hàng thương mại thêm 50 điểm cơ bản xuống 18% nhằm bù đắp thanh khoản.
Theo ước tính, hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc có thể giúp bơm khoảng 678 tỷ nhân dân tệ (tương đương 105,7 tỷ USD) vào hệ thống tài chính Trung Quốc, trong khi cắt giảm lãi suất sẽ giúp hạ chi phí đi vay mà các doanh nghiệp phải trả.
“Bất cứ động thái nào của chính phủ Trung Quốc lúc này cũng được coi là nhằm hỗ trợ thị trường. Tuy nhiên, yếu tố quan trọng hơn đó là nhu cầu tiêu thụ dầu thô rất lớn trong khi vấn đề nguồn cung vấn đáng lo ngại”, Amrita Sen, chuyên gia phân tích thị trường tại Energy Aspects nhận định.
Trong khi đó, Daniel Ang, chuyên gia phân tích tại Philip Futures, tại Singapore, cho rằng, đà phục hồi phiên 25/8 chỉ là tạm thời. Giá dầu có thể xuống thấp như hồi năm 2008 khi giá dầu Mỹ chạm mốc 33,87 USD/thùng và giá dầu Brent xuống 36,61 USD/thùng.
Kể từ đầu năm giá dầu giảm khoảng 25% và rơi vào thị trường giá xuống từ tháng trước. Giá dầu lao dốc cùng với đà giảm của các hàng hóa khác khi tâm lý nhà đầu tư bị chi phối bởi lo ngại kinh tế Trung Quốc giảm tốc sẽ khiến nhu cầu tiêu thụ giảm trong khi nguồn cung tiếp tục dư thừa. Năm 2008, để hỗ trợ giá dầu, OPEC đã áp dụng một số biện pháp ổn định thị trường trong đó có cắt giảm sản lượng 5,5 triệu thùng/ngày, tuy nhiên, hiện giờ OPEC không có ý định giảm sản lượng trong tương lai gần.
Một số nhà phân tích dự đoán, giá dầu Mỹ đang hướng đến 35 USD/thùng đặc biệt là khi Iran chuẩn bị tăng sản lượng dầu thô sau khi được phương Tây dỡ bỏ trừng phạt.
Giá cà phê trong nước tiếp tục giảm thêm 200 nghìn đồng/tấn
Sáng nay ngày 26/8, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên giảm tiếp 200 nghìn đồng/tấn xuống còn 35,1 - 35,6 triệu đồng/ tấn.
Giá cà phê robusta giao tại cảng TPHCM, giá FOB giảm 12 USD/tấn xuống còn 1.675 USD/tấn.
Trong phiên giao dịch đêm qua, giá cà phê robusta trên sàn Liffe kỳ hạn tháng 9/2015 giảm 17 USD/tấn hay giảm 1,06% xuống còn 1.582 USD/tấn, các kỳ hạn khác cũng giảm 12 - 13 USD/tấn.
Giá cà phê arabica trên sàn ICE kỳ hạn tháng 9/2015 giảm nhẹ 0,45 cent/pound hay 0,38% xuống còn 117,05 cent/pound, các kỳ hạn khác cũng giảm 1,15-1,25 cent/pound.
Giá cà phê arabica tiếp tục sụt giảm do dự báo thời tiết ở Brazil trong tuần này sẽ có một khối không khí lạnh đi vào phía đông nam nước này và mang theo mưa giúp cho cây cà phê bung hoa tốt cho năm tới 2016. Thông tin này cũng tác động tiêu cực lên thị trường New York khiến cho giá cà phê arabica giảm sâu hơn do Brazil là nhà xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới.
Trong khi đó, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê 15 ngày đầu tháng 8/2015 đạt 43.518 tấn, đưa xuất khẩu bảy tháng rưỡi đầu năm nay lên 830.006 tấn, giảm 29,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thị trường vẫn suy đoán khả năng sẽ có cơn lũ bán hàng cà phê tồn kho do thu hoạch vụ mới ở Việt Nam sắp cận kề, trong khi giới thương nhân nội địa cho biết rất khó mua được hàng của nông dân với giá thấp như hiện nay.
Giá cao su Tocom giảm tiếp 3,5%
Giá cao su Tocom có thể phục hồi nhẹ so với đầu phiên nhờ USD tăng giá trở lại so với yên. Tuy nhiên, giá cao su vẫn chịu sức ép do nhu cầu tiêu thụ tại Trung Quốc và Nhật Bản suy yếu.
Ngoài ra, một số thị trường lớn tại châu Á cũng ghi nhận giá cao su giảm mạnh. Giá cao su giao tháng 1/2016 trên sàn Thượng Hải giảm 295 nhân dân tệ xuống 11.295 nhân dân tệ/tấn (1.759,36 USD/tấn) sau khi chạm đáy 10 năm ở 11.150 nhân dân tệ/tấn trong đầu phiên.
Giá cao su giao tháng 9/2015 trên sàn SICOM cũng giảm 1,7 cent Mỹ xuống 124 cent Mỹ/kg. Giá cao su RSS4 của Ấn Độ giảm 2,01 USD xuống 167,9 USD/kg.
Ngược lại, giá cao su RSS3 giao tháng 1/2016 tại Thái Lan tăng nhẹ 0,2 baht lên 50,2 baht/kg.
Trong nước, giá mủ cao su, cao su SVR3L và cao su SVR10 cũng đồng loạt giảm. Cụ thể, giá mủ cao su giảm 500 đồng xuống 9.000 đồng/kg; giá cao su SVR3L giảm 1.300 đồng xuống 23.100 đồng/kg và giá cao su SVR10 giảm 1.100 xuống 19.000 đồng/kg.
Xuất khẩu nguyên liệu cao su của doanh nghiệp Việt Nam, vốn đã gặp nhiều khó do giá bán bị giảm nhiều từ đầu năm đến nay, giờ lại bị ảnh hưởng nặng tại thị trường nhập khẩu lớn nhất là Trung Quốc do việc phá giá đồng nhân dân tệ.
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 7 tháng đầu năm 2015, lượng cao su xuất khẩu của cả nước tăng 14,2% nhưng giá xuất khẩu bình quân giảm tới 20,2% nên trị giá xuất khẩu mặt hàng này chỉ đạt 763 triệu đô la Mỹ, giảm 8,9% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, Trung Quốc vẫn là đối tác chính nhập khẩu cao su của Việt Nam trong 7 tháng qua với 248.000 tấn, tăng 37,8% và chiếm 48% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước.
Việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ đã ít nhiều ảnh hưởng tới tình hình xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam. Đồng nhân dân tệ giảm giá khiến cho giá cao su nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn, dẫn tới nhu cầu sử dụng cao su nội địa tăng cao.
(Theo Trung tâm thông tin CN& TM Bộ Công Thương)