Giá dầu gần chỉ biến động trong một biên độ khoảng 5USD trong tháng 4/2017.
Giá cả hàng hóa 'điên đảo' vì chiến tranh thương mại
- Cập nhật : 20/07/2018
Giá các kim loại từ đồng đến kẽm và hàng nông sản - thực phẩm từ đậu nành cho đến thịt lợn biến động trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung
Cuối tuần qua, giá dầu đã lao dốc không phanh khiến cho giá dầu thô Brent thế giới trải qua đợt sụt giảm trong ngày lớn nhất trong hơn 2 năm qua. Cụ thể, giá Brent đã giảm tới 5,46USD, tương đương 6,9%, còn chỉ 73,40USD/thùng. Đó là mức giảm lớn nhất kể từ tháng 2.2016. Đà giảm mạnh này đã phản ánh sự yếu ớt trên diện rộng trên các thị trường hàng hóa cơ bản khi căng thẳng thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới ngày càng nóng lên.
Giá các kim loại từ đồng đến kẽm và hàng nông sản - thực phẩm từ đậu nành cho đến thịt lợn cũng giảm xuống sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khởi động quy trình áp mức thuế quan lên thêm 200 tỉ USD giá trị nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc. Chỉ số hàng hóa Bloomberg cuối phiên thứ Tư tuần qua đã giảm 2,7%. Giá dầu thô cũng đã điêu đứng suốt phiên sau khi công ty dầu mỏ quốc gia của Libya cho biết mở lại 4 kho cảng xuất khẩu chính, sau khi các phe phái ở miền Đông kiểm soát các cảng này, nghĩa là nguồn cung được tăng thêm để đáp ứng nhu cầu dầu mỏ của thế giới.
Tuần qua khối các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ OPEC cũng cho biết Ả Rập Saudi đã nâng sản xuất thêm hơn 400.000 thùng mỗi ngày trong tháng 6, khi nước này tìm cách kìm hãm đà tăng giá dầu và bù đắp cho sản lượng sản xuất từ các thành viên đang gặp khó khăn trong khối. Trước những thông tin này, tốc độ giảm giá dầu càng nhanh hơn.
Hiện tại, mọi ánh mắt gần như đang chú tâm đến những ảnh hưởng sâu rộng của cuộc tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, vốn tổng cộng chiếm đến 1/3 nhu cầu dầu mỏ của thế giới. “Cuộc tranh chấp này hoàn toàn có khả năng đẩy nền kinh tế toàn cầu vào vòng xoáy suy giảm. Điều đó sẽ tác động đến nhu cầu dầu mỏ và rõ ràng là tình hình hiện khá bi quan. Đó không phải là nỗi lo sợ vô căn cứ”, Michael Wittner, chuyên gia phân tích dầu mỏ tại Société Générale, nhận định.
Hợp đồng tương lai dầu thô Mỹ đã giảm 3,73USD, tương đương 5%, còn chỉ 70,38 USD/thùng. Đà giảm này vẫn thấp hơn một chút so với dầu thô Brent, nhưng đã phản ánh mức suy giảm lớn đến 12,6 triệu thùng dự trữ dầu thô Mỹ.
Theo sau chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống của ông Donald Trump vào tháng 11.2016, giá hàng hóa đã tăng tốc khi các nhà đầu tư hưởng ứng chương trình nghị sự ủng hộ cho kinh doanh cũng như kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng của ông Trump. Nhưng giờ đây, họ đang lo ngại chiến dịch tái cân bằng thương mại của ông Trump có thể sẽ làm chậm lại đà tăng trưởng của nền kinh tế thế giới.
“Chúng tôi xem tuyên bố của Nhà Trắng về việc áp thuế quan đối với 200 tỉ USD giá trị hàng hóa là một động thái rất đáng kể trong việc làm căng thẳng thêm cuộc chiến tranh thương mại mà hoàn toàn có thể bùng nổ thành một cuộc chiến tranh thương mại ăn miếng trả miếng trên diện rộng”, Bark Melek, đứng đầu bộ phận chiến lược hàng hóa tại Công ty TD Securities, nhận định.
Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ lớn nhất gần như tất cả các kim loại, nhiều trong số những kim loại này sau đó được chuyển thành thành phẩm để đưa đi xuất khẩu. Các nhà đầu tư cũng lo lắng về tốc độ tăng trưởng đang chậm lại ở Trung Quốc khi chính phủ nước này tìm cách kìm hãm đà tăng trưởng tín dụng và ngăn chặn nguy cơ bong bóng tín dụng xảy ra.
Đồng, một kim loại được sử dụng rộng rãi trong các thiết bị tiêu dùng hộ gia đình như tủ lạnh, hoàn toàn có thể bị dính vào vòng áp thuế quan gần đây nhất. Giá kim loại này đã giảm 3%, còn chỉ 6.137 USD/tấn trên sàn giao dịch London Metal Exchange, chạm mức thấp nhất trong vòng 1 năm qua.
Niken, vốn được sử dụng trong thép không gỉ và pin ô tô chạy điện, đã mất 3% giá trị còn 13.570USD, trong khi kẽm cũng đã giảm tới 6%, còn chỉ 2.500 USD/tấn. Điều đó cho thấy những tác động “kinh người” của sức tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc cũng như sức ảnh hưởng của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể gây ra cho thị trường này.
Trong khi đó, đà bán tháo trên thị trường hàng hóa cũng đã đè nặng lên giá cổ phiếu ngành khai khoáng ở London. Giá cổ phiếu của Glencore, một nhà sản xuất đồng, kẽm và niken lớn, đã giảm tới 3,5%, trong khi Anglo American đã mất 3,6%, còn Tập đoàn Rio Tinto giảm 3,1%.
Mark Hansen, Tổng Giám đốc Concord Resources, một nhà giao dịch hàng hóa vật chất, cho biết giá cả hàng hóa cơ bản không có khả năng sẽ sớm hồi phục trở lại. “Tôi nghĩ chúng ta đã chứng kiến các mức cao của giá cả hàng hóa trong năm nay”, ông nói.
Hàng hóa nông nghiệp cũng rơi vào vòng xoáy giảm giá, khi hợp đồng tương lai đậu nành ở Chicago giảm tới 2,6%, xuống mức thấp nhất kể từ năm 2008. Giá thịt lợn nạc giao tháng 8 cũng đã giảm 1,4%. Trung Quốc mới đây đã nâng mức thuế quan đối với hàng xuất khẩu đậu nành và thịt lợn của Mỹ. Rõ ràng, với chiến tranh thương mại leo thang, rất nhiều mặt hàng khác có thể sẽ bị kéo vào cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và các doanh nghiệp sẽ càng đứng ngồi không yên...
Đàm Hoa
Theo Nhipcaudautu.vn