tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Giá cả hàng hóa thị trường thế giới 17-08-2015

  • Cập nhật : 17/08/2015

Giá quặng sắt lên cao nhất 1 tháng do nổ liên tiếp ở Thiên Tân

vinanet - gia quang sat trung quoc tang gan 4% tuan qua len cao nhat hon 5 tuan do cac vu no lien tiep o thanh pho cang thien tan lam gian doan hoat dong nhap khau.

 Giá quặng sắt Trung Quốc tăng gần 4% tuần qua lên cao nhất hơn 5 tuần do các vụ nổ liên tiếp ở thành phố cảng Thiên Tân làm gián đoạn hoạt động nhập khẩu.

Cụ thể, phiên ngày 14/8,giá quặng giao tháng 1 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên tăng 2,7% lên chạm trần 388,5 nhân dân tệ/tấn hay 61 USD/tấn, cao nhất kể từ ngày 6/7. Chốt phiên, giá quặng thu hẹp đà tăng về 387,5 nhân dân tệ/tấn, cả tuần giá tăng 3,6%. 

Giá quặng tăng mạnh sau khi Trung Quốc bất ngờ phá giá nhân dân tệ - động thái được cho là nhắm hỗ trợ xuất khẩu trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ trong nước chậm lại. Theo số liệu công bố, do nhu cầu nội địa giảm, xuất khẩu thép tháng 7 của Trung Quốc đạt 9,73 triệu tấn, sát mốc kỷ lục 10,29 triệu tấn trong tháng 1.

Động thái phá giá nhân dân tệ làm dấy lên kỳ vọng sẽ vực dậy nền kinh tế, thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ trong nước và do đó lập tức tác động đến giá quặng, thép.

Giá quặng tiếp đà tăng sau các vụ nổ liên tiếp ở thành phố cảng Thiên Tân làm gián đoạn hoạt động xuất khẩu quặng của các công ty lớn như BHP Billiton, Fortescue Metals Group, Rio Tinto Group vào Trung Quốc.

Ngày 12/8, hai vụ nổ lớn đã xảy ra tại cảng công-ten-nơ của Thiên Tân khiến 85 người thiệt mạng, hàng trăm người bị thương, hơn 6.000 người phải sơ tán. Tiếp đó đến ngày 15/8, các đợt nổ mới lại xảy ra ở chính khu vực của các vụ nổ trước. Giới chức đã sơ tán tất cả những người trong phạm vi ba km, sau khi tìm thấy chất rất độc natri xyanua tại hiện trường. Ngay sau đó thì hoạt động tại khu vực phía nam và phía bắc của cảng đã phải tạm ngừng hoạt động để đả bảo an toàn. Có khoảng 7 triệu tấn quặng được trữ tại kho ở cảng.
 

Đại diện các công ty xuất khẩu quặng như BHP cho biết đã tạm ngừng hoạt động nhập cảng và đang làm việc với khách hàng để giảm thiếu tác động từ việc gián đoạn này. Đến trưa nay 16/8, hoạt động tại cảng đã trở lại bình thường.

 Thiên Tân có thể coi là cửa ngõ nhập khẩu cho tất cả các hàng hóa vào Trung Quốc từ than đá, ô tô đến dầu khí. Cảng này xử lý khoảng 11% lượng quặng nhập khẩu vào Trung Quốc trong nửa đầu năm nay.  Khoảng 110 tàu chở hàng phải neo ngoài khơi cảng Thiên Tân sau vụ nổ.

 

Các nhà máy Trung Quốc là những khách hàng tiêu thụ quặng lớn nhất thế giới với khoảng 15 nhà máy nhập qua cảng Thiên Tân. Giá quặng xuống thấp nhất 7 năm khi các công ty khai khoáng như BHP tăng cường sản lượng trong khi nhu cầu tiêu thụ tại Trung Quốc chậm lại. Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, 7 tháng đầu năm, tiêu thụ quặng của Trung Quốc đạt 539 triệu tấn, không đổi so với cùng kỳ năm ngoái.


Giá đường xuồng thấp nhất 7 năm

vinanet -dong real brazil mat gia keo theo gia nhieu hang hoa giam, trong do co duong va ca phe.

Đồng real Brazil mất giá kéo theo giá nhiều hàng hóa giảm, trong đó có đường và cà phê.

Trong tuần qua, giá đường có thời điểm giảm xuống 10,37 xu Mỹ/pound (1 pound=0,454 kg) tại thị trường New York, mức thấp nhất trong 7 năm, trước khi ổn định trong bối cảnh đồng real của Brazil mạnh lên.

Trong phiên 14/8, tại Sàn giao dịch LIFFE (London), giá một tấn đường trắng giao tháng 10/2015 giảm xuống 349,2 USD, so với 358,5 USD một tuần trước đó.

Còn tại Sàn giao dịch ICE Futures (Mỹ), giá đường thô giao cùng kỳ giảm xuống 10,59 xu Mỹ/pound từ mức 10,87 xu/pound trước đó một tuần.
 

Trong khi đó, việc đồng real của Brazil giảm giá so với đồng USD vào trước đó là nguyên nhân khiến giá đường giảm bởi nó "khuyến khích" hoạt động xuất khẩu mặt hàng này của Brazil.


Lợn Trung Quốc ăn cạn đậu tương Mỹ

vinanet - trung quoc dang ngay cang ua chuong dau tuong my.

Trung Quốc đang ngày càng ưa chuộng đậu tương Mỹ.

Theo Trung tâm thông tin Dầu khí và Ngũ cốc Trung Quốc, nhập khẩu đậu tương của nước này trong niên vụ 2014- 2015 có thể đạt kỷ lục 76 triệu tấn. Hồi tháng 5, cơ quan này dự báo nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc chỉ khoảng 73 triệu tấn trong niên vụ này, tăng 5,6 triệu tấn hay 8% so với niên vụ trước. Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ, con số là 73,5 triệu tấn trong niên vụ 2014-15.

Dự báo trên được đưa ra sau khi số liệu Hải Quan Trung Quốc cho thấy, lượng nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc đạt kỷ lục 9,5 triệu tấn vào tháng 7, tăng 17,5% so với tháng trước và 27% so với cùng kỳ năm trước.

Việc tăng áp lực  lên nhu cầu thức ăn chăn nuôi tại Trung Quốc còn thể hiện ở con số lạm phát khi giá thịt lợn đã tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước, do đó càng giúp những người chăn nuôi lợn đạt lợi nhuận cao.

Đại diện Ngân hàng ANZ cho biết lợi nhuận từ việc chăn nuôi lợn đạt mức cao nhất kể từ năm 2013, có tác động lớn đến việc tiêu thụ đậu tương.

Báo cáo từ cơ quan Bộ Nông nghiệp Mỹ nhấn mạnh đến triển vọng rõ rệt đối với việc nhập khẩu đậu tương của Trung Quốc, nhu cầu thức ăn protein tiếp tục gia tăng do năng suất, quy mô chăn nuôi và việc sử dụng thức ăn công nghiệp ngày càng tăng cao.

Giá thức ăn chăn nuôi sản xuất từ đậu tương thấp cùng với việc chậm chễ trong nguồn cung hạt cải dầu nội địa càng làm gia tăng nhu cầu sử dụng đậu tương trong 6 tháng cuối năm 2015.

Trong thời gian 10 năm tới, nhu cầu thịt lợn dự kiến tăng lên ở mức 3,3%/năm, đây cũng sẽ là cơ sở gia tăng nhu cầu thức ăn chăn nuôi.

Những nhận định trên được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc đang ngày càng ưa chuộng đậu tương Mỹ. Bộ Nông nghiệp Mỹ vừa cho biết phía Mỹ đã nhận đơn đặt hàng xuất 132.000 tấn đậu tương sang Trung Quốc giao vào niên vụ 2015 - 2016.

Tuy nhiên, nhu cầu trong ngắn hạn được cho là tập trung vào đậu tương xuất khẩu của Brazil khi đồng real xuống thấp nhất 12 năm so với USD khiến hàng hóa xuất khẩu của Brazil cạnh tranh mạnh hơn. Những khách hàng Trung Quốc có nhiều cơ hội để mua đậu tương khi đồng tiền của Brazil tiếp tục mất giá và đây chính là nguyên nhân chính khiến thúc đẩy mạnh sản lượng xuất khẩu đậu tương của Brazil.
 

Xuất khẩu đậu tương của Brazil tháng 7 ở mức 8,4 triệu tấn, nâng tổng lượng xuất khẩu trong quý vừa qua lên kỷ lục 28 triệu tấn, trong đó khối lượng xuất khẩu sang Trung Quốc là 21 triệu tấn. 

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, Mỹ sẽ trở thành nhà xuất khẩu lớn ngay sau niên vụ này khi hàng hóa của họ trở nên cạnh tranh hơn và do nguồn cung từ Nam Mỹ cạn kiệt.

 


(Theo Trung tâm thông tin CN& TM Bộ Công Thương)
Trở về

Bài cùng chuyên mục