Giá cà phê các tỉnh Tây Nguyên tăng lên 33,5-34,2 triệu đồng/tấn. Giá Robusta sàn ICE Futures Europe London và giá Arabica sàn New York đồng loạt tăng.
Giá cả hàng hóa thị trường thế giới 19-08-2015
- Cập nhật : 19/08/2015
Giá vàng quay đầu giảm do USD mạnh lên
Giá vàng quay đầu giảm sau số liệu cho thấy số nhà xây mới của Mỹ trong tháng 7 lên cao nhất 8 năm. Thị trường nhà đất phục hồi cùng với đà phục hồi của thị trường việc làm là tín hiệu cho thấy kinh tế Mỹ đến lúc không cần các biện pháp cứu trợ khẩn cấp của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.
Đồn đoán Fed sẽ nâng lãi suất vào cuối năm nay là tin xấu cho giá vàng khi nhu cầu “tránh bão” nhờ kim loại quý này giảm, lợi nhuận từ các tài sản khác như cổ phiếu, trái phiếu trở nên hấp dẫn hơn. Theo số liệu của BlackRock, trong tháng 7, giới đầu tư giảm lượng nắm giữ tại các quỹ tín thác vàng thêm 2,3 tỷ USD do giá vàng bắt đáy 5 năm.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cũng cho rằng, giá vàng sẽ bị ảnh hưởng bởi biên bản họp công bố hôm nay của Fed. Nếu biên bản họp cho thấy Fed sẽ nâng lãi suất vào tháng 12 năm nay thay vì tháng 9, thì giá vàng có thể phục hồi về xung quanh ngưỡng 1.135 USD/oz.
Giá cao su Tocom giảm tiếp xuống thấp nhất 10 tháng
Ngoài ra, một số thị trường khác ở châu Á cũng ghi nhận giá cao su giảm. Giá cao su giao tháng 1/2016 trên sàn Thượng Hải giảm 190 nhân dân tệ xuống 12.025 nhân dân tệ/tấn (1.881,02 USD/tấn). Giá cao su giao tháng 9/2015 trên sàn SICOM của Singapore cũng giảm 3,2 cent Mỹ xuống 128,9 cent Mỹ/kg.
Giá cao su RSS3 giao tháng 1/2016 trên Trung tâm giao dịch hàng hóa nông sản Thái Lan cũng giảm 2 baht/kg xuống 51 baht/kg.
Giá cao su tại sở giao dịch cao su Malaysia và tại Ấn Độ cũng lần lượt giảm mạnh xuống 178,5 cent Mỹ/kg (SMR CV) và 178,65 USD/kg (RSS4).
Trong khi giới đầu cơ tăng cường bán tháo thì người tiêu dùng cuối lại xa lánh thị trường cao su do nhu cầu tiêu thụ cao su vật chất suy yếu, theo nhận định của chuyên gia phân tích Jiong Gu tại công ty Yutaka Shoji.
Cao su là một trong những mặt hàng chịu sức ép từ quyết sách phá giá nhân dân tệ của Trung Quốc. Trước đó, giá cao su vốn chưa thể phục hồi do giá dầu thô tại Mỹ lao dốc.
Ông Gu cho biết, trừ phi nhu cầu tiêu thụ trên toàn cầu phục hồi hoặc chính phủ các nước sản xuất cao su áp dụng các biện pháp để thúc đẩy giá, nếu không thị trường cao su có thể sẽ vẫn chịu áp lực.
Giá hồ tiêu cao kỷ lục, dự kiến cả năm xuất khẩu đạt 1,2 tỷ USD
Số liệu Hải quan cho thấy trong Quí II/2015 lượng Hồ tiêu xuất khẩu (XK) phần lớn các doanh nghiệp (DN) đều chựng lại. Giá trong nước biến động lớn, DN khó mua đủ số lượng cùng với yêu cầu chất lượng của các nhà nhập khẩu khiến nhiều DN không dám mạo hiểm đẩy mạnh xuất khẩu. Tính đến 6 tháng đầu năm, lượng XK đạt 88.523 tấn tiêu các loại.
Tuy nhiên nhờ giá nội địa tăng trong thời gian vừa qua kéo theo giá XK tăng cao. Mức giá bình quân 6 tháng đầu năm với tiêu đen đạt 8.860 USD/tấn, tăng 1.975USD/tấn, tiêu trắng đạt 12.683 USD/tấn, tăng 2.966 USD/tấn so cùng kỳ 2014.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, trong khi một số mặt hàng chủ lực như cà phê, gạo, cao su... giảm mạnh cả về khối lượng, kim ngạch thì mặt hàng Hồ tiêu tuy giảm nhẹ về khối lượng nhưng giá trị kim ngạch vẫn tăng. Với giá như trên, hồ tiêu đã đạt mức kỷ lục về giá trong lịch sử xuất khẩu của ngành Hồ tiêu cả với tiêu đen và tiêu trắng.
Thị trường nhập khẩu hồ tiêu của Việt Nam gồm 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Cụ thể, Châu Á nhập 40.610 tấn, chiếm 45,87% tổng số, trong đó các vương quốc Ả Rập, Singapore và Ấn Độ chiếm 58,86 % tổng lượng nhập vào châu Á. Châu Âu nhập 22.220 tấn, chiếm 25,1% tổng số, trong đó Đức, Hà Lan và Tây Ban Nha chiếm tới 49,38% tổng lượng nhập vào châu Âu. Châu Mỹ nhập 19.670 tấn, chiếm 22,22% tổng số trong đó chủ yếu là Mỹ chiếm tới 92,51% lượng nhập vào châu Mỹ). Châu Phi nhập 6.023 tấn, chiếm 6,8% tổng số, trong đó chủ yếu là Ai Cập chiếm tới 50% lượng nhập của châu Phi.
Mặc dù là nước dẫn đầu về xuất khẩu hồ tiêu và nắm quyền chi phối thị trường thế giới nhưng Việt Nam vẫn tạm nhập tái xuất 2.331 tấn tiêu hạt, trong đó 58,7% khối lượng được nhập từ Ấn Độ và Indonesia.
Dự báo tình hình xuất khẩu 6 tháng cuối năm, bà Nguyễn Mai Oanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu cho biết, tuy số lượng xuất khẩu có thể không bằng 2014, nhưng với giá xuất khẩu trên 9.000 USD/tấn, tổng kim ngạch xuất khẩu Hồ tiêu Việt Nam hoàn toàn có thể đạt 1,2 tỷ USD như năm trước.
Nguyên nhân được cho là do nhu cầu thế giới năm nay sẽ cao hơn năm trước, đặc biệt là một số thị trường lớn như Trung Quốc đang tăng mạnh sẽ khiến giá khó giảm nhiều.
Thái Lan sẽ bán 1 triệu tấn gạo cho Trung Quốc
Hồi tháng 12/2014, Thái Lan cho biết Trung Quốc sẽ mua 2 triệu tấn gạo sau khi hai nước đã ký Bản ghi nhớ nhân diễn ra Hội nghị thượng đỉnh dài hai ngày tổ chức tại Bangkok, thỏa thuận công bố hôm 10/8 vừa qua là một phần của thỏa thuận tổng thể nói trên, số còn lại sẽ bán tiếp vào tháng 9/2015.
Cũng theo ông Chatchai Sirikalya, cuối tháng 8/2015, các quan chức chính phủ Thái Lan sẽ tới Iran để thương thảo hợp đồng tương tự bởi Iran đã có thư ngỏ ý mua gạo của Thái Lan.
Thái Lan, nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, hiên có khoảng 14,5 triệu tấn gạo đang được dự trữ theo chương trình trợ giá gạo hào phóng mà chính phủ trước bị quân đội lật đổ tháng 5/2014 thực hiện và nay muốn bán xả số hàng này để hạn chế thiệt hại.
Nhà đầu tư rút khỏi các quỹ vàng
Tháng 7, giới đầu tư cắt giảm lượng nắm giữ tại các quỹ tín thác vàng thêm 2,3 tỷ USD do giá vàng bắt đáy 5 năm.
Theo tài liệu công bố ngày 14/8, John Paulson - sở hữu số cổ phần trị giá 1 tỷ USD tại quỹ tín thác vàng lớn nhất thế giới SPDR - là một trong nhiều nhà đầu tư cắt giảm dự trữ vàng trong quý II/2015. Cụ thể, Paulson & Co của tỷ phú Paulson rút 1 triệu cổ phiếu tại SPDR xuống còn 9,2 triệu cổ phiếu (có giá trị tương đương trên 1 tỷ USD) trong quý II.
Bên cạnh đó, dòng vốn rút khỏi công ty ETF Securities - công ty thành lập quỹ ETF vàng đầu tiên hơn 10 năm trước - cũng lên tới 2,447 tỷ USD. Chuyên gia phân tích Nitesh Shah tại ETF Securities nhận định, niềm tin đầu tư ngày càng trở nên tiêu cực đối với vàng, đặc biệt là giữa các nhà đầu tư quỹ ETF.
Đây là dấu hiệu cho thấy những bất ổn trên thị trường vàng trước đồn đoán Fed sẽ nâng lãi suất trong cuối năm nay.
Nguyên nhân chính dẫn tới làn sóng rút vốn ồ ạt ra khỏi vàng là giá vàng xuống thấp nhất 5 năm rưỡi trong tháng 7. Mặc dù đã tăng nhẹ trong tháng 8 nhưng kể từ sau khi lên đỉnh trong năm 2011 đến nay, giá vàng vẫn giảm hơn 40%.
Kết quả là, nhu cầu tiêu thụ vàng toàn cầu cũng giảm xuống thấp nhất 6 năm trong quý II/2015, theo số liệu của Hội đồng vàng Thế giới.
BlackRock cho biết, trong khi các quỹ ETF vàng chịu đợt rút vốn 2,3 tỷ USD thì các quỹ ETF dầu lại nhận thêm 2,1 tỷ USD vốn trong tháng 7.
Tuy nhiên, vẫn có một số quỹ đầu tư lớn khác lại mua vàng. Stanley Druckenmiller - giám đốc quản lý quỹ huyền thoại từng làm việc cho George Soros, đã mua một số cổ phiếu của SPDR với tổng giá trị 323,6 triệu USD tính đến cuối tháng 6.
Quỹ quản lý tài sản Soros cũng tăng cường mua cổ phiếu của các hãng khai thác vàng, điển hình với 1,9 triệu cổ phiếu tại Barrick Gold (Canada) và giữ nguyên cổ phần tại quỹ Market Vectors Gold Miners ETF.