tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Mắc-ca Nam Phi và hành trình lên số 1 thế giới

  • Cập nhật : 17/08/2015

(Nong nghiep)

Nam Phi trình diễn câu trả lời vì sao họ nhanh chóng vươn lên vị trí số 1 thế giới về phát triển mắc-ca...

 

Từ 11 - 13/8/2015, Nam Phi đăng cai tổ chức hội thảo quốc tế về phát triển mắc-ca lần thứ 7 (IMS 2015). Xoay quanh sự kiện là các cuộc khảo sát thực địa, trao đổi kinh nghiệm và học hỏi giữa các chủ trang trại, giới chuyên gia và nhà đầu tư đến từ nhiều quốc gia.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam có đoàn tham dự chuỗi hội thảo kết hợp khảo sát này, với tư cách là nhà đầu tư, những người đang nghiên cứu và bước đầu phát triển mắc-ca.

Vượt qua Australia, Nam Phi đã trở thành nước xuất khẩu mắc-ca lớn nhất thế giới. Họ đã làm như thế nào, khi sở hữu những vùng đất rộng lớn nhưng chủ yếu là khô cằn và hoang hóa, chỉ 13,5% diện tích có thể sử dụng cho trồng trọt và chỉ 3% được coi là đất có nhiều tiềm năng?

 

Nắm đất trên tay từ một vườn mắc-ca điển hình vùng Nelspruit, bóp vỡ vụn và miết thành bụi cằn, các chuyên gia đến từ Australia cùng nhận định: thổ nhưỡng các vùng chủ yếu của Nam Phi không tốt như ở quê hương mình. 

Chuyên gia cố vấn cho LienVietPostBank - ngân hàng tham gia lập đề án phát triển mắc-ca tại Việt Nam - cũng đánh giá, thổ nhưỡng ở đây kém xa so với những vùng đất đỏ bazan của Tây Nguyên, Việt Nam.

Về tổng thể, phần lớn diện tích của Nam Phi là khô cằn, đồi núi hoang hóa, chỉ 13,5% diện tích có thể sử dụng cho trồng trọt và chỉ 3% được coi là đất có nhiều tiềm năng. 

Nhưng, đây lại là quốc gia phát triển và xuất khẩu mắc-ca lớn nhất thế giới chỉ trong khoảng 10 năm trở lại đây.

 

Hạn chế về khí hậu và thổ nhưỡng, cùng tỷ lệ đất có thể trồng trọt thấp, nhưng tại Nelspruit hay thung lũng Barberton, dễ nhận thấy các vùng đất tốt nhất đều được dành cho trồng mắc-ca.

Hơn chục năm trước, các trang trại chủ yếu trồng cam, chuối và đu đủ. Ngày nay là bạt ngàn mắc-ca và mắc-ca. Điểm chung, phát triển loại cây này ở Nam Phi tập trung ở các chủ trang trại, có lực tích lũy đất, tích thửa để tạo những cánh đồng rộng lớn. Mỗi trang trại thường có quy mô ít nhất 90 - 100 ha, phổ biến từ 300 - 500 ha.

Với Nam Phi, sức mạnh mắc-ca chưa bộc lộ hết, khi nhiều diện tích trồng mới sẽ chỉ bắt đầu thể hiện năng lực trong 3 - 5 năm tới.

 

Để khắc phục hạn chế khí hậu và thổ nhưỡng, ứng dụng công nghệ và kỹ thuật là một yếu tố trong cuộc trình diễn của mắc-ca Nam Phi, dùng nó cải tạo tự nhiên, bắt tự nhiên nuôi dưỡng được loại cây khó tính như mắc-ca.

Trong ảnh là hệ thống tưới tiêu tích hợp nước, phân bón, thuốc phòng sâu bệnh… được tự động hóa hoàn toàn tới từng gốc cây. 

Chủ trang trại Martin de Kock cho biết, trong các giai đoạn sinh trưởng, ông thuê kỹ sư về phân tích lá và rễ của các dòng, các thế hệ cây để điều tiết hệ thống tưới tiêu phù hợp.

Với 110 ha, hàng ngày ông Martin de Kock có thể nhâm nhi cà phê trước sân và điều khiển hệ thống qua máy tính hoặc bằng điện thoại. Chi phí đầu tư ban đầu cho hệ thống này lên tới khoảng 2.000 USD/ha.

 

Cũng rất đáng chú ý, là việc Chính phủ Nam Phi không can thiệp vào "trồng cây gì, nuôi con gì", nông dân chủ động thành lập các hiệp hội, hỗ trợ lẫn nhau để chuyển đổi cây trồng vật nuôi phù hợp với nhu cầu thị trường.

Giống như các quốc gia có nền nông nghiệp phát triển khác, Nam Phi không có loại hình nông nghiệp hộ gia đình nhỏ lẻ, mà thường là các nông trại lớn, diện tích thường vài chục ha trở lên, riêng đối với mắc ca thì trang trại thường từ 100 ha. Giá đất ở Nam Phi rẻ, và nước này công nhận sở hữu đất tư nhân.

Là một nước châu Phi nhưng đa số các chủ trang trại ở quốc gia này  đều là người da trắng, đã làm nông vài đời. Nhiều nông trại trước trồng mía, đu đủ, ngô... và mới chuyển sang trồng mắc ca từ 10-15 năm trở lại đây.

Dù chi phí lao động bình quân khá thấp, khoảng 200 - 250 USD/người/tháng, nhưng cơ giới hóa là yêu cầu bắt buộc tại Nam Phi, do quy mô các trang trại đều rất lớn.

Hầu hết các công đoạn từ trồng, làm đất, tỉa cành, thu hoạch… các chủ vườn đều cơ giới hóa tối đa. Như trang trại Danroc của gia đình Hearne, hơn 350 ha nhưng chỉ sử dụng gần 100 lao động cố định và thêm khoảng 60 lao động mùa vụ, chủ yếu để vận hành thiết bị và cơ sở sơ chế, vườn giống.

 

Tại nhiều vườn, mô hình nuôi ong tăng khả năng thụ phấn cho hoa mắc-ca được áp dụng, qua đó góp phần nâng cao sản lượng. 

Tuy nhiên, dù áp dụng công nghệ và kỹ thuật thậm chí còn tốt hơn nhiều chủ vườn ở Úc, nhưng sản lượng tại các vườn vùng Nelspruit hay Barberton bình quân chỉ từ 6 - 6,2 tấn/ha với cây từ 11 - 15 năm; từ 4 - 4,5 tấn/ha với cây từ 7 - 10 năm.

Theo các chuyên gia Australia khi khảo sát, phần lớn các giống Nam Phi trồng những năm trước là giống cũ, như A1, A2, A4, 333, 791… nên sản lượng hạn chế so với các giống tiến bộ kỹ thuật mới. Giống 816 hiện là lựa chọn phổ biến.

Đáng chú ý, giống như loại OC tại Việt Nam, giống 791 tại Nam Phi cho sản lượng lên tới trên 8 tấn/ha. Loại này cho quả quanh năm, dẫn đến không đều về chất lượng, tỷ lệ nhân nhỏ (chỉ 29%) nên đang bị các chủ vườn loại trừ, thậm chí chặt bỏ.

 

Trong mô hình phát triển mắc-ca tại Nam Phi, hầu hết các chủ vườn đều tự chủ động nguồn giống. Chi phí tạo giống chỉ khoảng 3,2 - 3,5 USD/cây. Nguyên tắc phải 100% cây ghép khi đưa vào thực địa.

Bên cạnh cách tạo giống truyền thống từ ươm và ghép, một số chủ vườn tại Nam Phi đang nhân rộng cách làm cắt cành trực tiếp từ cây trưởng thành, ươm tạo rễ và trồng. Cách này được lý giải là giúp cây sớm có quả, giúp rút ngắn thời gian thu hồi vốn khoảng 2 năm thay vì quãng 6 - 7 năm theo thông thường.

Tuy nhiên, các chuyên gia Úc cho rằng, cách làm này có hạn chế là bộ rễ của cây yếu. Để khắc phục, chủ vườn tại Nam Phi trồng theo những luống đất cao để bảo vệ rễ và hạn chế ngập nước.

 

Sự phát triển nhanh của mắc-ca Nam Phi một phần lớn do cú hích đầu tư nước ngoài, đến từ Australia và Trung Quốc. 

Trong ảnh là trang trại 500 ha của ông vua mắc-ca thế giới Phil Zadro, khép kín từ vườn giống, vùng nguyên liệu, nhà máy sơ chế và cơ giới hóa gần như hoàn toàn.

Phil Zadro hiện có 3.000 ha tại Autralia với hệ thống các nhà máy quy mô hàng đầu thế giới. Tại Nam Phi ông đang phát triển hơn 2.000 ha, và chưa dừng lại.

 

Nam Phi hiện có 12 nhà máy chế biến mắc-ca. Trong ảnh là công nhân làm việc tại nhà máy Ivory Macadamias thuộc sở hữu gia đình Walter Giuricich. Chuỗi phát triển mắc-ca tại quốc gia này được chủ động từ các chủ trạng trại, mô hình của các gia đình - nhà đầu tư có tiềm lực lớn thay vì chờ đợi tác động của nhà chức trách. 

Thậm chí, trong quá khứ, họ cũng từng chịu lãi suất vay vốn tới 28%/năm, hiện từ 8 - 8,5%/năm và thuế thu nhập 28%.

Nhà máy Ivory Macadamias là điển hình về công nghệ chế biến tại Nam Phi, tương đồng với hệ thống các nhà máy tại Australia. Nhà máy này cam kết bao tiêu nguyên liệu cho các chủ trang trại với giá lên tới 4 USD/kg tại vườn - mức giá được các chủ trang trại lý giải là nhờ có sự kết nối và đàm phán của hiệp hội chuyên trách.

(Theo Thời báo kinh tế Việt Nam)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục