Giải quyết được các bất cập trong chuỗi sản xuất lúa gạo sẽ giúp hạt gạo Việt Nam có đầu ra ổn định, giá trị cao hơn, từ đó mang về nguồn thu nhập ổn định hơn cho người trồng lúa cũng như các thành phần khác trong chuỗi.
Các nhà phân tích đang quá bi quan về triển vọng giá cà phê?
- Cập nhật : 13/06/2016
Giá cà phê gần đây tăng mạnh, song một số nhà phân tích vẫn chưa lạc quan về triển vọng thị trường trong thời gian tới, mặc dù nhiều dự báo thị trường đang chuyển sang thiếu hụt.
Phần lớn các nhà phân tích vẫn dự báo sau khi tăng quá đà trong thời gian qua, giá cà phê sẽ giảm, với mức giảm ở cả hai loại arabica và robusta trong những tháng còn lại của năm nay sẽ trung bình khoảng 11%.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận thị trường chuyển nhanh tới trạng thái thắt chặt nguồn cung, nghĩa là các dự báo giá giảm mạnh là quá bi quan.
Ngày càng có nhiều tổ chức nhận định tồn trữ cà phê thế giới đang giảm, và thị trường sẽ cân đối vào niên vụ 2016/17.
Số liệu từ Bộ Nông nghiệp Brazil cho thấy tổng lượng tồn trữ của nhà nước và tư nhân đang tiến tới mức thấp nhất 3 năm, vào khoảng 15,8 triệu bao, so với 16,9 triệu bao năm 2014 và 15,94 triệu bao năm 2015. Nhà tư vấn J. Ganes cảnh báo giá sẽ bị tác động bởi tồn trữ ở Brazil thấp hơn so với những năm trước.
Rabobank mới đây đã nâng dự báo về mức độ thiếu hụt cà phê toàn cầu do thời tiết khô hạn ảnh hưởng tới sản lượng robusta.
Mặc dù cho rằng tổng sản lượng cà phê toàn cầu niên vụ 2015/16 sẽ chỉ giảm 0,8 triệu bao (ít hơn mức 1,2 triệu bao dự báo trước đây), song Rabobank cho rằng nhu cầu sẽ vượt 2,2 triệu bao so với cung, nhiều hơn mức chênh lệch 1,5 triệu bao dự báo trước đây. Lý do bởi sản lượng robusta giảm khoảng 4,6 triệu bao, nhiều hơn 1,3 triệu bao so với dự báo trước đây.
“Kể từ lần dự báo trước, các khu vực trồng robusta tại Ấn Độ, Thái Lan và Brazil đã bị khô hạn,” và “đừng hy vọng bất kỳ khu vực sản xuất lớn nào sẽ có vụ mùa bội thu,” báo cáo của Rabobank viết. Khô hạn ở Ấn Độ sẽ khiến sản lượng giảm 2 con số. Vụ mùa ở Thái Lan và Lào cũng bị khô hạn. Với Brazil, Rabobank vẫn duy trì mức dự báo về sản lượng vụ 2016/17 ở 52,6 triệu bao, bao gồm 12,6 triệu bao robusta, nhưng lo ngại về triển vọng vụ 2017/18 bởi nhiều khu vực trồng cà phê thiếu mưa kéo dài, nhiều hồ chứa đang cạn nước.
Trong báo cáo mới công bố đầu tháng 6, Tuỳ viên Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ở Việt Nam dự báo sản lượng cà phê Việt Nam sẽ giảm xuống thấp nhất 4 năm do khô hạn trong thời gian qua. Theo USDA, sản lượng của Việt Nam niên vụ 2016/17 sẽ giảm 7% so với năm trước, xuống 27,3 triệu bao. Với sản lượng đó, theo USDA Việt Nam sẽ chỉ có thể xuất khẩu 24,5 triệu bao trong niên vụ 2016/17 (tháng 10-tháng 9). Tồn trữ cà phê Việt Nam dự báo sẽ giảm xuống mức thấp nhất 3 năm là 3,48 triệu bao.
Giá tăng mạnh do lo sợ sương giá
Có sự khác biệt khá lớn về quan điểm giữa các nhà phân tích, và thị trường mấy tuần gần đây đã chứng kiến giá tăng, trước hết là arabica, do những báo cáo cho thấy thời tiết bất lợi.
Cơ quan dự báo thời tiết Brazil Somar dự báo có nhiều khả năng sẽ có sương giá ở những khu vực trồng cà phê chủ chốt, nhất là các bang Parana và Sao Paolo ở phía Nam và Đông Nam nước này.
Và giá arabica trên sàn giao dịch New York phiên 9/6 đã tăng lên mức cao chưa từng thấy kể từ tháng 5/2015, là 1,3965 USD/lb, tăng 5,6% chỉ trong một phiên giao dịch. Arabica tăng kéo robusta tăng giá theo. Giá robusta trên sàn London đã tăng 28% trong giai đoạn tháng 3 đến tháng 5, hiện giao dịch ở mức khoảng 1.679 USD/tấn. Giá tại Đắk Lắk- khu vực góp 30% vào sản lượng toàn cầu – cũng tăng 7% kể từ tháng 4 lên mức 36.900 đồng/kg.
Ngoài yếu tố thời tiết, đồng real Brazil tăng giá gần đây cũng góp phần khiến giá cà phê tăng.
Giá arabica đang chịu tác động mạnh từ những thông tin về nguy cơ suy giảm nguồn cung ở Brazil – quốc gia đóng góp khoảng 75% sản lượng toàn cầu. Tuy nhiên, Parana và Sao Paolo không phải là những bang sản xuất robusta lớn.
Nhưng có thể thời tiết không phải là nhân tố duy nhất tác động tới giá
Mặc dù các nhà phân tích có thể đã quá thận trọng về triển vọng giá, song điều đó không có nghĩa giá tăng gần đây là hoàn toàn hợp lý.
Parana chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng sản lượng cà phê của Brazil, và chiếm dưới 3% tổng xuất khẩu của quốc gia này, trong khi Sao Paolo – bang sản xuất lớn hơn – có thể không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi thời tiết xấu.
Và khắp nơi ở Brazil đang nhanh chóng thu hoạch cà phê, với tiến độ hiện nhanh hơn 28% so với cùng kỳ năm ngoái, theo hãng nghiên cứu Safras.
Các nhà tư vấn của I. and M. Smith cho rằng sương giá sẽ không ảnh hưởng nhiều tới vụ mùa cà phê này.
Với robusta, tồn trữ còn khá nhiều. Theo Rabobank, tồn trữ robusta ở các kho ngoại quan châu Âu còn nhiều và giảm rất chậm. Ngoài ra, nguồn cung arabica tương đối dồi dào cho phép các nhà rang xay sử dụng để thay thế robusta khi pha trộn chế biến.
Xuất khẩu cà phê Việt Nam từ tháng 3 đã tăng mạnh so với mức trung bình 5 năm, mặc dù lo ngại thời tiết khô hạn làm giảm sản lượng. Trong tháng 5, xuất khẩu đã tăng lên 170.000 tấn, và trong giai đoạn tháng 3-5/2016 cao hơn 58% so với cùng kỳ năm trước, theo số liệu của Tổng cục Hải quan. Lý do bởi lượng tồn trữ còn nhiều sau khi thu hoạch kỷ lục 19,3 triệu bao trong mùa trước.
Olam International mới đây cũng đã điều chỉnh giảm dự báo về mức độ thiệt hại vụ mùa 2016/17 của Việt Nam xuống còn 5% từ mức 15% dự báo trước đây bởi mưa đã về trên các khu vực trồng cà phê.
Vân Chi
Theo Trí thức trẻ/Agrimoney/CafeF