Thị trường bán lẻ Việt Nam đã thua 80% Thái Lan. Hàng Việt bị đẩy ra vỉa hè, lề đường
Nhập siêu tới hơn 3 tỷ USD: Mừng hay lo?
- Cập nhật : 29/12/2015
(Kinh te)
Theo các chuyên gia kinh tế của ANZ, với một nền kinh tế không có lợi thế trong sản xuất các mặt hàng tư liệu sản xuất như máy móc và thiết bị thì nhập khẩu là điều đương nhiên. Do vậy, thâm hụt thương mại của Việt Nam không phải là điều đáng lo.
Nhập siêu quay trở lại sau 3 năm liên tiếp xuất siêu
Theo số liệu mới công bố của Tổng cục Thống kê, tính chung cả năm 2015, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của cả nước ước đạt 162,4 tỷ USD, tăng 8,1% so với năm 2014.
Tổng cục Thống kê nhận định, xuất khẩu năm 2015 đạt thấp hơn năm trước và thấp hơn kế hoạch đề ra (tăng 10%) chủ yếu do chỉ số giá xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực giảm mạnh so với năm trước như dầu thô giảm 53%, xăng dầu giảm 49,8%, cao su giảm 24,1%... Bên cạnh đó, lượng xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản giảm mạnh như cà phê giảm 24,3%; hạt tiêu giảm 14,7%; chè giảm 6%.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu năm 2015 ước tính đạt 165,6 tỷ USD, tăng 12% so với năm trước. Về cơ cấu hàng hóa nhập khẩu, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước tính đạt 151,2 tỷ USD, tăng 12,3% so với năm 2014 và chiếm tới 91,3% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Như vậy, năm 2015 cán cân thương mại cả nước thâm hụt 3,2 tỷ USD, đánh dấu nhập siêu quay trở lại sau 3 năm liên tiếp xuất siêu.
Trước đó, chia sẻ về nỗi lo nhập siêu quay trở lại, TS.Võ Trí Thành – Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định, thâm hụt thương mại phản ánh cơ cấu kinh tế Việt Nam còn thiếu bền vững bởi bên cạnh lợi thế so sánh về lao động, tài nguyên thì sản xuất vẫn phụ thuộc nhiều vào bên trung gian.
“Rõ ràng, nhập siêu chưa phải là vấn đề quá lo lắng đối với một nền kinh tế được cho là gia công để xuất khẩu là động lực chính của nền tế như Việt Nam” – vị chuyên gia này nhận định.
Mừng hay lo?
Trong một chia sẻ với báo chí gần đây, ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, nhập siêu không phải là vấn đề đáng lo ngại đối với kinh tế Việt Nam.
Bởi việc hội nhập sâu rộng và tham gia các FTA giúp cho nền kinh tế được hưởng lợi rất nhiều, như kim ngạch xuất nhập khẩu tăng mạnh nhờ mức độ mở cửa mạnh hơn, nhanh hơn, cùng với việc gỡ bỏ hàng rào thuế quan cơ bản về 0%.
Theo ông Lâm, ngoại trừ Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản là chúng ta xuất siêu, còn lại Việt Nam nhập siêu ngày càng lớn từ Trung Quốc, Hàn Quốc và ASEAN. Nếu nhập khẩu hàng hóa về để tiêu dùng thì đúng là không có lợi cho nền kinh tế.
“Nhưng trên 80% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam là nguyên nhiên vật liệu để sản xuất hàng phục vụ trong nước và xuất khẩu. Nhập khẩu máy móc, thiết bị, phụ tùng phục vụ sản xuất, gia công, chế biến, lắp ráp trong nước thì nền kinh tế được lợi vì thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm, tăng thu ngân sách nhà nước, đẩy mạnh xuất khẩu” – ông Lâm cho biết.
Ngoài ra, ông Lâm cũng nhấn mạnh, nếu không đẩy mạnh nhập khẩu, thì không thể gia tăng kim ngạch xuất khẩu mỗi năm tăng ở mức 2 con số. Nếu không đẩy mạnh nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu, thiết bị, linh kiện, phụ tùng máy móc, thì chúng ta không thể xuất khẩu sang Hoa Kỳ, EU hàng chục tỷ USD.
Trước lo ngại về tốc độ tăng trưởng GDP bị ảnh hưởng khi nhập siêu quay trở lại, Đại diện Tổng cục Thống kê cho biết, GDP tính theo phương pháp tiêu dùng được đo bằng cách cộng tiêu dùng của hộ gia đình, của Chính phủ, tổng mức vốn đầu tư và chênh lệch kim ngạch xuất nhập khẩu.
Nếu tất cả các yếu tố không thay đổi mà chênh lệch xuất nhập khẩu bị âm (tức là nhập siêu) thì ảnh hưởng tới GDP. Nhưng trên 80% kim ngạch nhập khẩu là nguyên nhiên liệu, thiết bị, máy móc để phục vụ sản xuất hàng tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, nên nhập siêu không đáng lo ngại, thậm chí còn là tín hiệu đáng mừng, vì điều này cho thấy nền kinh tế bước vào giai đoạn phát triển mới.
“Nhập siêu về để sản xuất hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của hộ gia đình. Nhập siêu cũng thúc đẩy tổ chức, cá nhân bỏ vốn ra đầu tư, góp phần làm tăng tổng mức đầu tư. Như vậy, tính GDP theo phương pháp tiêu dùng thì nhập siêu ở mức độ nào đó không đáng lo ngại, ngược lại còn có lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy kinh tế” – ông Lâm nhấn mạnh.
Trước đó, các chuyên gia kinh tế ANZ cũng nhận định, thâm hụt thương mại của Việt Nam không phải là điều đáng lo. Ngược lại, đây có thể là cơ hội tốt đối với nền kinh tế Việt Nam.
Theo ANZ, với một nền kinh tế không có lợi thế trong sản xuất các mặt hàng tư liệu sản xuất như máy móc và thiết bị thì nhập khẩu là điều đương nhiên. Điều này làm tăng kim ngạch nhập khẩu trong nền kinh tế, nhưng ngược lại sẽ gia tăng năng lực sản xuất của nền kinh tế trong dài hạn.
"Do vậy, bản chất của thâm hụt thương mại của Việt Nam trong năm nay khác với nhập siêu hàng tiêu dùng trầm trọng giai đoạn 2008-2010" - ANZ nhận định.
Trên cơ sở đó, ANZ cũng dự báo, thâm hụt thương mại của Việt Nam sẽ dần thu hẹp lại. Nhập khẩu tăng cao do nhu cầu phục vụ sản xuất của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Khi hoạt động của khối này đi vào ổn định, thặng dư thương mại sẽ quay trở lại.