Trong nỗ lực nhằm thiết lập chuẩn định giá riêng cho dầu thô nhập khẩu, Trung Quốc sẽ cho phép cả giới đầu tư trong và ngoài nước giao dịch các hợp đồng dầu kỳ hạn bằng nhân dân tệ từ năm nay.
Cơ hội phát triển thị trường cà phê Việt Nam
- Cập nhật : 26/12/2015
(Tin Kinh Te)
Trải qua giai đoạn phát triển nóng vào năm 2013, thị trường cà phê hòa tan (CPHT) nội địa đã có bước chững lại và chứng kiến sự thất bại của nhiều ông lớn.
Thế nhưng, nhiều chuyên gia trong ngành nhận định CPHT vẫn có nhiều tiềm năng để phát triển. Việc đẩy mạnh sản xuất ngành hàng này không chỉ giúp nâng cao giá trị hạt cà phê, tăng lượng xuất khẩu mà còn khẳng định vị thế thương hiệu cà phê Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Ấn tượng từ những con số
Thống kê từ Tổng cục Hải quan, mặt hàng cà phê là một trong những loại nông sản chủ lực bị sụt giảm mạnh nhất cả về lượng lẫn giá trị xuất khẩu trong năm 2015. Tính đến hết tháng 7, các doanh nghiệp chỉ xuất khẩu được 786.493 tấn cà phê, trị giá 1,62 tỉ USD (giảm 34,3% về lượng và 34,2% giá trị so với cùng kỳ 2014).
Trong bối cảnh xuất cà phê nói chung đang gặp khó khăn, mặt hàng CPHT xuất khẩu lại có mức tăng trưởng ấn tượng. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, Việt Nam đã vươn lên đứng hàng thứ 5 trong số những nước xuất khẩu CPHT lớn trên thế giới, đứng sau Brazil, Indonesia, Malaysia và Ấn Độ.
Thị phần của CPHT Việt Nam trên trường thế giới có bước phát triển mạnh trong 5 năm qua, tăng từ 1,8% lên 9,1%. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ, 6 tháng đầu năm 2015 Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 34.000 tấn CPHT. Đây là lượng CPHT được Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất trong 5 năm trở lại đây. Thị trường xuất khẩu nhiều nhất là châu Âu, tiếp đến là Nhật Bản, Mỹ, Nga, Philippines, Đài Loan, Trung Quốc... Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo trong niên vụ 2014/2015, Việt Nam có thể xuất được 78.000 tấn CPHT, tăng tới 44% so với niên vụ trước.
Thị trường nhiều tiềm năng
Theo dự báo của các cơ quan và tổ chức nước ngoài, thị trường CPHT thế giới đã tăng trưởng mạnh trong những năm qua, sẽ còn tăng trưởng tốt trong nhiều năm tới. Số liệu thống kê gần đây cho thấy CPHT hiện chiếm 14% nhu cầu tiêu dùng cà phê trên thế giới, dự báo sẽ tăng trưởng mỗi năm khoảng 3% trong vòng 5 năm tới. Việt Nam có lợi thế là đất nước sản xuất hạt cà phê Robusta lớn nhất thế giới - nguyên liệu chính dùng để chế biến CPHT. Đây sẽ là cơ hội to lớn để phát triển mặt hàng này nhở sở hữu nguồn nguyên liệu dồi dào. Có lẽ vì thế mà nhiều doanh nghiệp lớn trong ngành với tiềm lực mạnh đã không ngừng đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, nhằm đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Bên cạnh yếu tố thuận lợi từ thị trường thế giới, mặt hàng CPHT cũng có nhiều cơ hội tại thị trường nội địa. Cuộc sống hiện đại ngày nay không cho phép con người có nhiều thời gian để ngồi thưởng thức cà phê pha phin truyền thống.
Nhịp độ hối hả của các đô thị lớn đã cuốn theo gu thưởng thức cà phê cũng vội vàng. Nếu như trước đây dân ghiền cà phê có thể thư thả ngồi ngắm từng giọt cà phê rơi tí tách thì nay đã chuyển sang chọn cách uống nhanh gọn lẹ. Từ đó, CPHT đã trở thành lựa chọn được nhiều người ưu chuộng.
Anh Nguyễn Minh (giám đốc công ty truyền thông tại quận 1, TP.HCM) chia sẻ: “Do đặc thù của công việc truyền thông, nhiều lúc công việc dồn dập không còn thời gian để la cà hàng quán nên phải chọn CPHT để thỏa cơn ghiền, giúp mình tỉnh táo xử lý công việc”. Còn với chị Nguyễn Hồ (bộ phận khách hàng công ty nhiên liệu tại quận 7, TP.HCM), chị chọn CPHT để tiếp khách hàng ngay tại công ty vì sự tiện lợi, chỉ trong tích tắc đã có ngay ly cà phê thơm ngon để đãi khách.
Thay đổi để phát triển
Thực tế cho thấy CPHT rất tiện sử dụng, có thể bảo quản được lâu và dễ sử dụng. Việc ra đời dòng sản phẩm này đã phần nào giải tỏa cơn ghiền cà phê cho những ai không có nhiều thời gian để thưởng thức cà phê. Thế nhưng, chị Lan Anh (nhân viên văn phòng tại quận 3, TP.HCM) lại không thích dùng CPHT vì sau vài lần thử, chị vẫn không cảm nhận được hương vị đặc trưng như cà phê pha phin. Do đó để thỏa cơn ghiền, chị phải dậy sớm pha cà phê theo cách truyền thống để mang đến văn phòng làm việc.
Lý giải nguyên nhân vì sao hương vị CPHT lại không được như cà phê pha phin, một chuyên gia trong ngành cho biết CPHT thường được chiết xuất ở nhiệt độ cao, làm cà phê bị ninh nhừ và bay mất chất. Vì vậy với những người thật sự ghiền cà phê sẽ không cảm thấy “đã” khi uống CPHT. Đây được xem là một điểm yếu của mặt hàng này tại thị trường nội địa.
Có lẽ hiểu được điều này, thời gian gần đây nhiều ông lớn trong ngành CPHT đã dày công nghiên cứu để hoàn thiện chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Đơn cử như Công ty cổ phần Vinacafé Biên Hòa, nhà sản xuất CPHT hàng đầu tại Việt Nam, vừa chính thức giới thiệu sản phẩm mới với thương hiệu Vinacafé CHẤT – Sài Gòn cà phê sữa đá. Sản phẩm được áp dụng công nghệ đột phá với cà phê được làm hoàn toàn từ 100% nước cốt đầu tiên của cà phê rang xay nguyên chất, để mang đến cho người thưởng thức ly cà phê sữa đá uống liền đậm ngon đúng chất pha phin kiểu Việt. Thật sự là tin vui cho những tín đồ cà phê vì vẫn có thể thưởng thức ly cà phê thơm ngon đúng điệu, ngay cả khi bận rộn với công việc. Đồng thời, việc ra đời sản phẩm này cũng mở ra hướng phát triển mới cho mặt hàng CPHT mang thương hiệu Việt Nam.
(Theo Tuổi Trẻ)