Những nước dựa vào sự phát triển kinh tế vững chắc trong khi tập trung tích lũy vốn có thể không tăng trưởng nhanh nhưng sẽ tăng trưởng ổn định hơn, tránh được khủng hoảng và cuối cùng theo được các nước tiên tiến.
Chi 1 tỷ USD từ nhập khẩu ô tô Trung Quốc, ô tô nội "chịu trận"
- Cập nhật : 02/01/2016
(Kinh te)
Việc nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ Trung Quốc tăng vọt lên tới 40.000 chiếc trong năm 2015 đã giúp cho Lạng Sơn có số thu ngân sách lớn song ô tô nội địa lại như "ngồi trên đống lửa".
Chi 1 tỷ USD nhập 40.000 ô tô từ Trung Quốc
Thống kê cho thấy trong năm 2015 do việc siết chặt cân tải trọng trên đường nên nhu cầu nhập khẩu ô tô tăng cao, có tới 40.000 chiếc được nhập về từ thị trường Trung Quốc, với kim ngạch nhập khẩu trên dưới 1 tỷ USD. Nguồn thu ngân sách từ ô tô là 3.200 tỷ, được xác định là nguồn thu chính của hải quan Lạng Sơn.
Theo ông Trần Sỹ Thanh, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn, trong năm 2015 số thu ngân sách của toàn tỉnh là 884.755 tỷ đồng, bằng 161% kế hoạch. Đáng chú ý là do hoạt động xuất nhập khẩu tăng cao, trong đó tập trung là thu từ nhập khẩu ô tô, nên số thu của hải quan lên tới 6.351 tỷ, bằng 156% kế hoạch.
“Số thu tăng cao là do năm 2015 hải quan và các ngành chỉ đạo quyết liệt đặc biệt là cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính nên doanh nghiệp ủng hộ. Kết cấu hạ tầng cửa khẩu với các lối mở được quan tâm đầu tư hơn, giải quyết việc ách tắc hàng hóa qua biên giới” – ông Thanh nói.
Cũng theo ông Thanh đưa ra là Lạng Sơn có cửa khẩu quốc tế lớn nhất là Hữu Nghị, với số thu cao nhất trong năm qua là 5.500 tỷ đồng. Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn, thu ngân sách của toàn ngành hải quan đạt 7.500 tỷ đồng, trong đó số cao nhất là do lượng ô tô nhập khẩu nguyên chiếc tăng vọt.
Với nguồn thu ngân sách từ ô tô nhập khẩu tăng mạnh, đại diện Lạng Sơn đề nghị Chính phủ và Bộ Tài chính cho phép nhập khẩu xe ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ ngồi, để tỉnh này tăng thêm nguồn thu và quản lý biên giới.
Mặc dù ô tô Thái Lan và Ấn Độ nhập về khá nhiều trong thời gian gần đây, song lượng ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn không giảm mà thậm chí còn tăng mạnh so với năm 2014. Theo Cục hải quan Lạng Sơn, trong năm 2014 số xe ô tô tải nguyên chiếc nhập khẩu từ Trung Quốc chỉ là 10.117 chiếc.
Trên địa bàn Lạng Sơn, ô tô tải nhập khẩu từ Trung Quốc hầu hết làm thủ tục tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị. Ngoài nguyên nhân siết tải trọng khiến nhu cầu nhập khẩu xe ô tô tăng vọt, lý do khiến ô tô tải nhập khẩu ở Trung Quốc tăng là bởi Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc giai đoạn 2015-2018, có hiệu lực ngày 1/1/2015 đã áp dụng thuế suất ưu đãi cho mặt hàng này.
Ô tô nội liên tiếp kêu cứu
Tuy nhiên, việc nhập khẩu xe ô tô nguyên chiếc tăng vọt khiến doanh nghiệp ô tô trong nước như "ngồi trên đống lửa". Hiện nay, ô tô Trung Quốc nhập khẩu chiếm tới trên 40% thị phần ô tô nhập khẩu tại Việt Nam. Trước áp lực của ô tô tải nhập khẩu từ Trung Quốc, hồi tháng 3 năm 2015, Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI) phải có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính liên quan đến biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc.
Trong biểu thuế này, việc nhập khẩu xe ô tô tải nguyên chiếc trên 45 tấn chỉ chịu thuế 0%. Còn dòng xe tải từ 25 tấn đến 45 tấn cũng chỉ có thuế suất 10-15%. Trong khi đó, tính toán của VAMI cho thấy, cộng cả chi phí lắp ráp và thuế nhập khẩu linh kiện thì xe lắp ráp ở Việt Nam có mức chi phí là 24%, cao hơn nhiều so với việc nhập xe ô tô tải nguyên chiếc.
Theo VAMI, thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc còn rất thấp so với nhập linh kiện dẫn đến việc cạnh tranh không công bằng giữa doanh nghiệp kinh doanh xe tải nhập nguyên chiếc và doanh nghiệp kinh doanh xe tải nhập linh kiện lắp ráp.Việc thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc thấp hơn so với nhập linh kiện cũng khiến các doanh nghiệp có xu hướng vì mục tiêu lợi nhuận sẽ chuyển sang nhập xe tải nguyên chiếc. Điều này dẫn đến sự yếu thế của ngành chế tạo cơ khí, sản xuất và lắp ráp xe tải trong nước và gây thất thu nguồn thuế lớn cho nhà nước.
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2015, các doanh nghiệp ô tô nội địa lại tiếp tục "kêu cứu" khi đưa ra kiến nghị cần có chính sách ưu đãi cần thiết cho sản xuất trong nước để bù đắp cho chi phí sản xuất cao trong giai đoạn “chuyển tiếp”, khi thị trường ôtô của Việt Nam vẫn chưa đủ lớn.
Cụ thể, nhóm đề xuất mức ưu đãi sản xuất tuân thủ theo quy định của WTO, ví dụ ưu đãi tương đương 10% giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt cho 10 năm kể từ 2018. Hay, xóa bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt cho dòng xe chở người 16-24 chỗ và giữ nguyên mức thuế tiêu thụ đặc biệt hiện tại cho xe tải pick-up, vì đây là những dòng xe thương mại, hỗ trợ rất nhiều cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân Việt Nam, đặc biệt là những vùng ngoại ô và liên tỉnh, liên huyện.
Các doanh nghiệp trong nhóm này còn cho rằng cần bỏ thuế nhập khẩu cho những linh kiện và phụ tùng ôtô mà Việt Nam chưa sản xuất được và tiếp tục rà soát những loại thuế nhập khẩu của tất cả các linh kiện và phụ tùng ôtô khác.
Nếu những kiến nghị này được đồng thuận, thì ngành ô tô nội địa mới có thể nhập khẩu linh phụ kiện với mức thuế thấp và cạnh tranh được với "cơn bão" đổ bộ ào ạt của ô tô Trung Quốc còn được dự báo sẽ gia tăng mạnh mẽ trong năm 2016.