Các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức vô cùng lớn trước sức ép từ quá trình hội nhập.
“FTA Việt Nam – EU là phần bù đắp cho sự trì hoãn của TPP”
- Cập nhật : 24/08/2015
(Tin kinh te)
Theo nhận định của Công ty CP Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HSC), việc Việt Nam và EU kết thúc cơ bản đàm phán hiệp định thương mại tự do (FTA) được xem là phần bù đắp cho sự trì hoãn của TPP.
Sau hơn 2 năm và 14 lần đàm phán chi tiết, ngày 4/8 vừa qua, Việt Nam và Ủy Ban Thương mại Châu Âu đã có buổi điện đàm cuối cùng trước khi công bố kết thúc cơ bản quá trình đàm phán. Như vậy, tất cả các vấn đề quan trọng đã được nhất trí, với một gói cam kết cân bằng lợi ích cho cả hai bên.
Theo đó, Hiệp định cam kết xóa bỏ hầu hết các dòng thuế đối với hàng hóa giao dịch giữa hai nước trong 7 năm để tạo điều kiện tiếp cận thị trường ở các ngành quan trọng.
Cụ thể, Việt Nam đã đồng ý tự do hóa thương mại trong lĩnh vực dịch vụ tài chính, viễn thông, giao thông, bưu chính và chuyển phát nhanh trong 10 năm. Trong khi các dòng thuế tương tự của EU cũng sẽ bị dỡ bỏ trong 7 năm.
Mức thuế bình quân áp dụng cho hàng hóa của Việt Nam nhập khẩu vào EU là 4,6%. Tuy nhiên, mức thuế này có sự dao động lớn do thuế suất áp dụng khác nhau theo từng ngành.
Mức thuế lớn nhất tại EU đánh vào sản lượng các mặt hàng may mặc và quần áo, giày dép và phi lê cá đông lạnh là những mặt hàng mà Việt Nam có lợi thế.
Theo từng ngành, thuế suất với hải sản là 5,5% (hơn 10% đối với phi lê cá), đối với may mặc, thuế suất dao động từ 9,6% -11,6%, đối với các mặt hàng giày dép là 12,4% và các sản phẩm nội thất và đồ gỗ là khoảng 3-4%.
Trong khi đó, thuế suất bình quân đối với các mặt hàng xuất khẩu của EU vào Việt Nam cao hơn, ở mức 10,6%.
Dự kiến Hiệp định mới sẽ mở ra những cơ hội quan trọng cho các công ty Việt Nam và EU. Đồng thời, tăng khả năng tiếp cận thị trường cho hàng hóa và dịch vụ của 2 nước.
Kể từ năm 2009, xuất khẩu của Việt Nam sang EU đã tăng trưởng với tốc độ ấn tượng 28% mỗi năm. EU trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam (sau Trung Quốc), chiếm 10% tổng thương mại của Việt Nam.
Về xuất khẩu, EU là thị trường xuất khẩu thứ hai của Việt Nam (sau Mỹ), với kim ngạch xuất khẩu chiếm 18% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Trong năm 2014, giao dịch thương mại hàng hóa giữa 2 nền kinh tế đạt 31 tỷ USD.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang thị trường EU bao gồm điện thoại, sản phẩm điện tử, giày dép, hàng may mặc và quần áo, cà phê, gạo, hải sản và đồ nội thất.
Trong đó, các sản phẩm may mặc, quần áo, giày dép và thực phẩm chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam và chiếm hơn 50% xuất khẩu của Việt Nam sang EU.
Khi hiệp định có hiệu lực, dự kiến đến năm 2020, xuất khẩu của Việt Nam sang EU ước tính sẽ tăng từ 50% lên 93%. Các mặt hàng xuất khẩu chính bao gồm máy móc, thiết bị điện tử, máy bay, phương tiện giao thông và dược phẩm…