Nghe chuyên gia Nhật Bản 'mổ xẻ' mẫu mã, giá thành, vật liệu… hàng thủ công mỹ nghệ truyền thống VN, mới vỡ lý do vì sao lâu nay đa số sản phẩm loại này cứ na ná nhau, không tạo được dấu ấn.
Thị trường viễn thông: Cuộc chiến “giá bán dưới giá thành”
- Cập nhật : 25/08/2015
(Kinh doanh)
Bất ngờ, lần đầu tiên Viettel phải thốt lên: “Nếu cạnh tranh kiểu này (bán dưới giá thành) thì không thể chấp nhận được”. Cuộc chiến về giá cước viễn thông thực sự đã vào hồi gay cấn khi mới đây, nhà mạng VinaPhone ra mắt Tổng Công ty sau khi tái cấu trúc không giấu giếm ý đồ chiếm ngôi vị trên thị trường.
Cuộc chiến giá cước
Thời gian qua, người sử dụng được “no” khuyến mãi khi các nhà mạng đua nhau giảm cước viễn thông, thậm chí về mức khó tin. Trong ngày 11.8, nhân sự kiện ra mắt TCty VNPT VinaPhone, nhà mạng này đã tung một chương trình khuyến mãi “khủng” chưa từng có tiền lệ. Với thuê bao trả trước, VinaPhone khuyến mãi 100% giá trị thẻ nạp, còn thuê bao trả sau được gọi miễn phí từ phút thứ 2 đến phút thứ 10 trong ngày 11.8.
Để thu hút khách hàng, mới đây, mạng Viettel tung ra gói cước Tomato 550 với mức giá 550 đồng/phút gọi nội mạng toàn quốc. Nhà mạng MobiFone cũng lập tức tung ra gói cước Sim1+, cứ mỗi phút gọi ngoại mạng, thuê bao sẽ được tặng 1.000 đồng. Trước ngày mùng 10 hằng tháng, cứ mỗi giây gọi liên mạng trong nước trong tháng liền trước, thuê bao sẽ được tặng 16,67 đồng/giây vào tài khoản...
Trên thực tế, giá cước của các nhà mạng tại VN đã liên tục sụt giảm từ năm 2009 đến nay. Chỉ số doanh thu bình quân trên mỗi thuê bao di động (ARPU) đã giảm từ năm 7USD/thuê bao (2006) tới thời điểm này còn khoảng hơn 3,5USD/thuê bao, thậm chí có nhà mạng chỉ số APRU đạt chưa đầy 2USD/thuê bao. Mới đây, ông Hoàng Sơn - Phó TGĐ Viettel cho biết: Bộ cần tính toán mức giá trung bình cho các dịch vụ viễn thông để không có chuyện các DN đua nhau giảm cước.
Khi giá cước không bị kiểm soát
Theo quy định mới đây (có hiệu lực từ ngày 15.6) của Bộ TTTT, thì Viettel là doanh nghiệp viễn thông duy nhất có vị trí thống lĩnh thị trường (SMP) đối với dịch vụ thông tin di động mặt đất, bao gồm cả 3 mảng dịch vụ điện thoại, nhắn tin và truy nhập Internet.
Như vậy là so với quy định cũ (Thông tư 18/2012) ban hành danh mục doanh nghiệp viễn thông, nhóm doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường đối với các dịch vụ viễn thông quan trọng, trước đây gồm cả 2 nhà mạng lớn khác là MobiFone và VinaPhone.
Sau khi tái cấu trúc Tập đoàn VNPT, đến nay MobiFone đã tách ra thành DN độc lập, trong khi Vinaphone chuyển thành TCty với mô hình hoạt động mới. Nếu chiểu theo Luật Cạnh tranh thì cả 2 nhà mạng này đều chiếm thị phần không chi phối hoặc thống lĩnh thị trường (hiện thị phần của cả 2 mạng chiếm khoảng 18% thị phần/mỗi mạng) nên đã được đưa ra khỏi nhóm doanh nghiệp viễn thông SMP. Điều này đồng nghĩa với việc các DN này từ nay sẽ không bị cơ quan quản lý nhà nước là Cục Viễn thông (Bộ TTTT) quản lý về giá cước.
Ông Lê Đăng Dũng - Phó TGĐ Viettel cho rằng, trong thực tế khi giá cước viễn thông không ai thừa nhận có “cuộc chiến hạ giá”, nhưng đang ngấm ngầm diễn ra. Nếu cứ đà này, các DN viễn thông cùng đi đến chỗ chết, Nhà nước cũng thất thu và không ai được lợi.
Theo đại diện Cục Viễn thông, danh mục doanh nghiệp thống lĩnh thị trường theo Luật Cạnh tranh quy định phải căn cứ vào thị phần của từng DN, đối với các DN có thị phần dưới 30% thì sẽ không thuộc diện bị kiểm soát về giá.
Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Bắc Son cũng khuyến cáo, để thị trường viễn thông phát triển bền vững thì doanh nghiệp không nên tập trung cạnh tranh bằng giảm giá và khuyến mãi mà phải quan tâm cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ, phát triển thêm các dịch vụ tiện ích phục vụ tốt hơn cho khách hàng và tăng thêm nguồn thu cho doanh nghiệp.