Để đưa hàng vào thị trường khó tính thì câu chuyện không đơn giản chỉ dừng lại ở chất lượng sản phẩm...
Ồ ạt nhập xe Trung Quốc: Không đáng ngại!
- Cập nhật : 06/09/2015
(Tin kinh te)
Đại diện Bộ Công Thương cho rằng, việc tăng lượng xe nhập khẩu là do sản xuất kinh doanh đang tốt lên, hệ thống giao thông đã được nâng cấp lưu thông hàng hóa nhiều, nhu cầu của người dân lớn nên điều này không đáng lo ngại.
Trả lời báo chí tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Công Thương diễn ra chiều ngày 4/9, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, ô tô là mặt hàng có lượng nhập khẩu lớn từ Trung Quốc trong những tháp đầu năm nay, trong đó chủ yếu là ô tô tải từ 10-45 tấn và xe chuyên dụng.
Cụ thể, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu ô tô đầu kéo và ô tô tải từ Trung Quốc với lượng nhập khẩu và tốc độ tăng lần lượt là 9.510 chiếc (tăng 455%) và 6.370 chiếc (tăng 153,5%).
Ông Hải cho biết, đây là nhóm hàng thiết yếu phục vụ sản xuất kinh doanh của Việt Nam. Do đó, con số nhập khẩu so với năm ngoái là tăng, nhưng chưa phải con số lớn và không đáng lo ngại.
"Việc tăng lượng xe nhập khẩu là do sản xuất kinh doanh đang tốt lên, hệ thống giao thông đã được nâng cấp lưu thông hàng hóa nhiều, nhu cầu của người dân lớn nên điều này không đáng lo ngại”, đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Liên quan tới ảnh hưởng của tỷ giá lên một số mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sau khi Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ, ông Hải cho rằng, việc này sẽ không ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Theo ông Hải, dệt may và da giày là 2 ngành đang có lợi thế rất lớn trong việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu khi Việt Nam tham gia hàng loạt các Hiệp định kinh tế. Do đang nhập phần lớn nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc nên khi đồng nhân dân tệ giảm giá, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội tiếp cận nguồn nguyên liệu giá rẻ hơn. Điều này sẽ góp phần đẩy mạnh cho các mặt hàng dệt may và da giày.
Còn với các mặt hàng nông sản, ông Hải cũng cho rằng việc giảm giá đồng nhân dân tệ chưa ảnh hưởng lớn đến việc xuất khẩu nông sản của Việt Nam.
"Việt Nam xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc với số lượng chưa nhiều, chủ yếu theo đường tiểu ngạch. Tuy nhiên, những mặt hàng đã xuất khẩu sang Trung Quốc trong thời gian dài và số lượng lớn như sắn và cao su có thể sẽ bị ảnh hưởng”, ông Hải nói.
Theo Phương Dung
Dân Trí