Dù có mức tăng trưởng ấn tượng, song kim ngạch trao đổi hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của nó.
Việt Nam nhập siêu suốt 10 năm liền từ ASEAN
- Cập nhật : 03/01/2016
(Thuong mai)
Trong 10 năm qua, Việt Nam luôn ở trạng thái nhập siêu trong buôn bán với các nước thành viên ASEAN, tuy nhiên, mức thâm hụt này đang ngày càng được thu hẹp lại và tỷ lệ nhập siêu từ ASEAN giảm dần. Năm 2015, ước nhập siêu từ thị trường này khoảng 5,5 tỷ USD.
Hôm 31/12/2015, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chính thức được thành lập. Các nước ASEAN-6 (gồm Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Brunei, Philippines) đã xóa bỏ gần 100% dòng thuế từ năm 2010 và từ 2015, Việt Nam đã tiến hành giảm 93% dòng thuế về 0%.
Đây là cơ hội để dòng hàng hoá nội khối ASEAN được luân chuyển dễ dàng hơn, giúp hàng hoá Việt Nam có thể thâm nhập sâu hơn trong khu vực, nhưng cũng đặt ra thách thức phải cạnh tranh trên chính sân nhà. Cùng nhìn lại mối quan hệ thương mại giữa Việt Nam và ASEAN trong 10 năm qua để có cái nhìn toàn cảnh về những cơ hội và thách thức khi AEC được thành lập.
Những giai đoạn thăng trầm
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan trong 10 năm gần đây cho thấy, quan hệ thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và các thành viên Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm khác nhau.
Trong giai đoạn 2005 - 2008, quan hệ thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và với các quốc gia thành viên ASEAN ngày càng đạt được sự phát triển khả quan. Trị giá buôn bán hàng hoá hai chiều trong giai đoạn này liên tục tăng cao qua các năm, tốc độ tăng bình quân khoảng 26%/năm.
Nếu như năm 2005, tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Việt Nam - ASEAN chỉ đạt 14,9 tỷ USD thì đến 2008 đã đạt 29,77 tỷ USD, tăng gấp 2 lần.
Năm 2009, do chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, tổng trị giá giao thương giữa Việt Nam với tất cả các quốc gia thành viên ASEAN chỉ đạt con số 22,89 tỷ USD, giảm 24% so với một năm trước đó.
Sau khủng khoảng kinh tế trong năm 2009, giai đoạn 2010-2012, thương mại hàng hóa giữa Việt Nam - ASEAN hồi phục trở lại với mức tăng trưởng 2 con số, tốc độ tăng bình quân cả giai đoạn này đạt 19%/năm. Cụ thể trong năm 2012, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và ASEAN lên đến con số 38,7 tỷ USD.
Từ năm 2013 đến nay, buôn bán hai chiều giữa Việt Nam và ASEAN vẫn đạt được tăng trưởng dương nhưng có dấu hiệu chậm lại. Cụ thể trong năm 2013, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 40,1 tỷ USD, tăng 3,5%; năm 2014 đạt 42,85 tỷ USD, tăng 6,9% và tính trong đến 11 tháng từ đầu năm 2015 đạt con số 39,2 tỷ USD, chỉ tăng nhẹ 0,1% so với kết quả thực hiện cùng kỳ năm trước (theo số liệu hải quan).
Số liệu Tổng cục Thống kê công bố mới đây cho thấy, năm nay, ước tính Việt Nam xuất khẩu sang thị trường ASEAN khoảng 18,3 tỷ USD, giảm 4,2% so với năm 2014. Trong khi nhập khẩu từ thị trường này 23,8 tỷ USD, tăng 3,8% và chiếm 14,4% tổng kim ngạch nhập khẩu, trong đó xăng dầu tăng 5,9%; máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 16,7%.
Hàng hoá ASEAN chỉ xếp sau Trung Quốc
Trong 10 năm qua, Việt Nam luôn ở trạng thái nhập siêu trong buôn bán với các nước thành viên ASEAN. Tuy nhiên, do tốc độ tăng xuất khẩu sang ASEAN cao hơn tốc độ tăng nhập khẩu từ thị trường này nên trong những năm gần đây mức thâm hụt ngày càng thu hẹp lại và tỷ lệ nhập siêu từ ASEAN giảm dần.
Cụ thể, năm 2005 có thâm hụt 3,9 tỷ USD, với tỷ lệ nhập siêu là 70,1%; đến năm 2010 thâm hụt 6 tỷ USD, với tỷ lệ nhập siêu là 57%; năm 2014 thâm hụt 4 tỷ USD, với tỷ lệ nhập siêu giảm xuống còn 20,3%. Mức thâm hụt năm 2015 ước khoảng 5,5 tỷ USD, chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu..
Trước năm 2010, tính chung ASEAN là đối tác thương mại hàng hóa lớn nhất, chiếm tỷ trọng trên 20% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam. Trong đó, ASEAN là thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn thứ 3 của các doanh nghiệp Việt Nam, chỉ sau thị trường Hoa Kỳ và thị trường các nước thành viên Liên minh châu Âu -EU. Còn ở chiều ngược lại, ASEAN là đối tác thương mại cung cấp nguồn hàng hoá lớn thứ 2 cho các doanh nghiệp Việt Nam, chỉ đứng sau Trung Quốc.
Kể từ năm 2010 đến nay, với sự phát triển mạnh của 2 thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc, ASEAN trở thành đối tác lớn thứ hai của Việt Nam (sau Trung Quốc). Về xuất khẩu, ASEAN là thị trường lớn thứ 3 của các doanh nghiệp Việt Nam (sau Hoa Kỳ và EU). Ở chiều ngược lại, ASEAN là đối tác thương mại cung cấp nguồn hàng hoá lớn thứ 3 cho các doanh nghiệp Việt Nam (sau Trung Quốc và Hàn Quốc).