tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh chiều 15-05-2016

  • Cập nhật : 15/05/2016

Triều Tiên có thể đã chi 200 triệu USD cho Đại hội đảng

Chuyên gia Hàn Quốc dự đoán Triều Tiên đã chi 200 triệu USD cho các hoạt động của Đại hội đảng Lao động lần thứ 7.
phu nu trieu tien bieu dien van nghe mung thanh cong dai hoi dang lan thu 7. anh: kcna

Phụ nữ Triều Tiên biểu diễn văn nghệ mừng thành công Đại hội đảng lần thứ 7. Ảnh: KCNA

Giáo sư Nam Sung-wook, chuyên gia nghiên cứu các vấn đề Triều Tiên của Đại học Hàn Quốc nói ông đã nghiên cứu các số liệu của Triều Tiên trong 6 tháng qua để đưa ra con số 200 triệu USD. Ông không nêu chi tiết các khoản chi, nhưng cho biết đây là số tiền chi cho các hoạt động của hơn 5.000 người, trong đó có 3.467 đại biểu dự Đại hội đảng Lao động lần thứ 7 của Triều Tiên. Nội dung cụ thể trong các phân tích của ông Nam sẽ được giới thiệu tại một diễn đàn ở Hàn Quốc hôm 16/5.

Trước đó, giới chuyên gia về Triều Tiên cho rằng chiến dịch "70 ngày của lòng trung thành" mà nước này đặt ra giống như chiến dịch "chiến tranh tốc độ" những năm 1960. Nông dân Triều Tiên được dự đoán sẽ gặp nhiều khó khăn hơn nữa khi bị ép các chỉ tiêu để hoàn thành kế hoạch 5 năm sắp tới. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã tuyên bố Triều Tiên sẽ theo đuổi cả phát triển kinh tế và vũ khí hạt nhân. 

Tuy nhiên, một chuyên gia khác là giáo sư Yang Moon-soo của Đại học Bắc Triều Tiên tại Seoul lại cho rằng Bình Nhưỡng đang hướng dần đến nền kinh tế thị trường thân thiện hơn. 


Obama phản đối Nga tăng hiện diện quân sự ở Bắc Âu

Tổng thống Barack Obama cảnh báo Nga về việc tăng cường hiện diện quân sự ở Bắc Âu, khi ông đón các lãnh đạo 5 nước châu Âu tại Nhà Trắng. 
tong thong obama chu tri cuoc hop da phuong voi lanh dao 5 nuoc bac au. anh:reuters

Tổng thống Obama chủ trì cuộc họp đa phương với lãnh đạo 5 nước Bắc Âu. Ảnh:Reuters

"Chúng ta thống nhất quan ngại về sự hiện diện quân sự gia tăng, khiêu khích của Nga ở khu vực Baltic - Nordic", Obama nói cuối cuộc họp. 

Trước đó, tổng thống Mỹ cho biết 6 nước gồm Mỹ, Đan Mạch, Iceland, Phần Lan, Thụy Điển và Na Uy nhất trí cần một trật tự châu Âu không dựa trên nguyên tắc kẻ mạnh giành phần thắng. "Chúng tôi tin rằng các công dân của chúng tôi có quyền sống trong tự do, an ninh, không bị khủng bố, và chúng tôi tin vào một châu Âu nơi các nước nhỏ hơn không bị các nước lớn hơn bắt nạt", Obama nói. 

Khi căng thẳng với Moscow gia tăng do một loạt vấn đề, từ việc đánh chặn trên không tới Ukraine, Obama tìm cách thống nhất với các láng giềng gần Nga như Đan Mạch, Iceland, Phần Lan, Thụy Điển và Na Uy.

Obama thông báo với chính phủ của Tổng thống Vladimir Putin rằng dù sẵn sàng xuống thang căng thẳng, Nhà Trắng cũng sẽ chuẩn bị đối phó với bất cứ sự khiêu khích nào của Nga. 

"Chúng tôi sẽ duy trì đối thoại và tìm kiếm sự hợp tác với Nga, nhưng chúng tôi cũng muốn đảm bảo rằng chúng tôi sẵn sàng và mạnh mẽ, và chúng tôi muốn hối thúc Nga tuân thủ hoàn toàn nghĩa vụ quốc tế với những hoạt động quân sự của họ", Obama nói. 

Trong tuyên bố chung, 6 nước bày tỏ quan ngại về hành động của Nga ở vùng biển Baltic, đó là "hành vi hạt nhân, các cuộc tập trận không thông báo và hành động khiêu khích của máy bay và tàu hải quân Nga". 

Tuy nhiên, khi ông Obama tổ chức cuộc họp, Putin cảnh báo ông sẽ cân nhắc biện pháp "chấm dứt mối đe doạ" từ hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ mới được kích hoạt ở Romania. 


Nghị viện châu Âu không thừa nhận nền kinh tế thị trường Trung Quốc

Nghị viện châu Âu vừa bỏ phiếu về việc cấp quy chế kinh tế thị trường cho Trung Quốc. Theo đó đã có 546 phiếu phản đối và 28 phiếu đồng ý việc này. 

trung quoc bi cao buoc da ban pha gia thep o cac thi truong nuoc ngoai khien nganh thep chau au dieu dung thoi gian qua - anh: telegragh

Trung Quốc bị cáo buộc đã bán phá giá thép ở các thị trường nước ngoài khiến ngành thép châu Âu điêu đứng thời gian qua - Ảnh: Telegragh

Theo Telegragh, lý do để các nghị sĩ của Nghị viện châu Âu không thừa nhận nền kinh tế thị trường của Trung Quốc vì nếu trao cho Trung Quốc quy chế này, họ sẽ khiến các ngành công nghiệp của châu Âu có nguy cơ bị tê liệt trước dòng thác hàng hóa được trợ giá của Trung Quốc tràn vào khu vực này.

Kết quả bỏ phiếu với tỉ lệ phản đối áp đảo cho thấy các nghị sĩ thuộc cả cánh hữu lẫn cánh tả ở nghị viện châu Âu đã đồng tình quan điểm trong việc bày tỏ nỗi bức xúc trước tình trạng thép nhập khẩu của Trung Quốc đang làm rối loạn thị trường EU.

Họ cáo buộc Trung Quốc đang kéo giá thép thế giới xuống mức 55 USD/tấn, thấp hơn cả mức chi phí sản xuất, và đó là mối họa đang diễn ra với ngành thép châu Âu.

Nghị sĩ Anh David Martin nói: “Chúng ta phải kiên quyết khi đối mặt với tình trạng cạnh tranh không công bằng này. Trung Quốc không phải là một nền kinh tế thị trường và không nên được thừa nhận là một nền kinh tế thị trường. Trao cho họ quy chế của một nền kinh tế thị trường trong hoàn cảnh này, tức là sẽ siết chặt hơn nữa chiếc thòng lọng đang cuốn quanh cổ ngành thép của nước Anh”. 


Mỹ - Trung chạy đua tìm hậu thuẫn

 Mỹ và Trung Quốc đang chạy đua tìm sự ủng hộ của các nước trước khi Tòa trọng tài thường trực (PCA) ở The Hague ra phán quyết về việc Philippines kiện Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền phi lý trên Biển Đông.

tau chien my uss william p. lawrence trong mot lan di qua bien philippines cuoi thang 3-2016 - anh: afp

Tàu chiến Mỹ USS William P. Lawrence trong một lần đi qua biển Philippines cuối tháng 3-2016 - Ảnh: AFP

Giới quan sát nhận định tình hình đang khá căng khi Mỹ và Trung Quốc có nhiều hoạt động ngoại giao và cả quân sự ở Đông Nam Á trong những tuần qua. Phán quyết cũng được cho là tác động đến chiến lược đối trọng giữa Trung Quốc và Mỹ ở Thái Bình Dương. Do đó, cả Bắc Kinh và Washington đang ráo riết chạy đua tìm sự ủng hộ của càng nhiều nước càng tốt.

Trung Quốc chạy như con thoi

Nhà phân tích Malcolm Davis thuộc Viện Chính sách chiến lược Úc nhận định: “Nếu coi đây là một bàn cờ thì các bên đang di chuyển những quân cờ trước viễn cảnh sắp tới ở Biển Đông sau phán quyết của PCA”.

Theo Bloomberg, các quan chức cấp cao Mỹ và Trung Quốc đều đang bận rộn. Giới chức quân sự cấp cao Trung Quốc gần đây đã đến đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam một cách trái phép cùng một nhóm văn công để biểu diễn văn nghệ.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị thậm chí còn tuyên bố đã có được sự ủng hộ từ các nước khác nhau như Gambia (ở tận... Tây Phi), Ba Lan và Qatar trên quan điểm của Bắc Kinh rằng PCA không có thẩm quyền phân xử vụ kiện và tranh chấp nên giải quyết song phương. Thậm chí, Bắc Kinh còn tìm kiếm sự ủng hộ từ quốc đảo Thái Bình Dương xa xôi là Fiji.

Đối với ASEAN, Trung Quốc cũng không muốn giải quyết đa phương vấn đề Biển Đông. Giới quan sát cho rằng Trung Quốc chỉ cần một thành viên trong ASEAN đứng về phía mình. Đáng chú ý là thương mại của Trung Quốc ở ASEAN là hơn 360 tỉ USD, cao hơn Mỹ.

Trong khi đó, Washington lại nhấn mạnh sự cần thiết phải có một ASEAN đoàn kết để đáp lại phán quyết của PCA. Ông Vương Nghị thời gian qua cũng đã có chuyến đi con thoi đến Brunei, Campuchia và Lào. Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì tuần này đã thăm Malaysia và Indonesia.

Mỹ không ngồi yên

Trong khi đó, Mỹ cũng có những động thái tương tự. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã xuất hiện trên một tàu sân bay của Mỹ đang tuần tra ở Biển Đông cùng người đồng cấp Philippines. Động thái thể hiện “tự do hàng hải” này được thực hiện ngay sau khi Manila đồng ý một thỏa thuận mới để quân Mỹ luân chuyển đến các căn cứ quân sự ở Philippines.

Trong tuần này, Biển Đông cũng dậy sóng khi các phương tiện truyền thông cho biết tàu khu trục USS William P. Lawrence của Mỹ đi vào khu vực 12 hải lý quanh đá Chữ Thập, nơi Trung Quốc chiếm và xây dựng đường băng trái phép tại đây. Trung Quốc phản đối hoạt động này và tung thông tin rằng hải quân nước này đã điều máy bay và tàu chiến ngăn cản tàu Mỹ.

Nhưng Úc đã kịp thời lên tiếng ủng hộ hoạt động tự do đi lại của Mỹ tại Biển Đông. Theo Reuters, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull đã lặp lại quan điểm ủng hộ Mỹ.

“Chúng tôi đã bàn về các vấn đề an ninh trong khu vực và khẳng định cam kết mạnh mẽ của chúng tôi về quyền tự do đi lại trong khu vực và sự quan trọng của việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ thông qua các giải pháp hòa bình và tuân thủ luật pháp quốc tế” - ông nói với báo giới hôm 12-5.

Trợ lý ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel vừa kết thúc chuyến thăm Lào, Việt Nam và Malaysia hôm 12-5. Dư luận cũng đang chú ý chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Barack Obama trong thời gian tới.

Câu hỏi đặt ra hiện nay là Bắc Kinh sẽ phản ứng như thế nào trước phán quyết của PCA nếu quyết định này bất lợi cho Trung Quốc. Giới quan sát đưa ra hai khả năng. Một là Trung Quốc có thể ngưng xây dựng trên các thực thể mà họ đang chiếm.

Hai là họ có thể làm leo thang tình hình bằng cách xây dựng trên bãi cạn Scarborough mà Trung Quốc chiếm từ tay Philippines hồi năm 2012. Khả năng này đã được phía Mỹ cảnh báo hồi tháng 3. Nếu Bắc Kinh đưa rađa, máy bay và tên lửa ra đồn trú ở Scarborough, hỏa lực của Trung Quốc có thể vươn tới Manila và các căn cứ mà quân Mỹ sử dụng.

Chuyên gia Zack Cooper thuộc Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) ở Washington nhận định việc Trung Quốc xây dựng trên bãi cạn này sẽ là “cái đinh cuối cùng đóng xuống ván hòm” đối với các nỗ lực của ASEAN trong việc giải quyết căng thẳng ở Biển Đông.

Tuy nhiên, hôm qua Tân Hoa xã phát đi thông tin cho biết tướng Phòng Phong Huy - tổng tham mưu trưởng quân đội, thành viên Quân ủy trung ương Trung Quốc, đã có cuộc nói chuyện qua cầu truyền hình với tướng Joseph Dunford, chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ.

Theo đó, tướng Trung Quốc đề nghị “hai bên cần kiềm chế các hành động có thể làm tổn hại quan hệ hai nước và hai quân đội” và hai nước cần “thu xếp những khác biệt về vấn đề Biển Đông trên tinh thần xây dựng”.


Tàu chiến Pháp cùng Mỹ tuần tra biển Đông

Một số hình ảnh mới nhất cho thấy tàu chiến Pháp gia nhập cụm tàu sân bay USS John C. Stennis (Mỹ) cùng tuần tra biển Đông trong bối cảnh Trung Quốc và Mỹ leo thang căng thẳng ở đây.

Thời gian qua, Hải quân Mỹ liên tiếp công khai hình ảnh tuần tra của tàu chiến Mỹ ở biển Đông. Trong khi đó, quân đội Trung Quốc cũng công bố hình ảnh Hạm đội Nam Hải tổ chức tập trận bắn đạn thật trên biển Đông mới đây.

Trên trang tin chính thức của Hải quân Mỹ công bố một chùm ảnh cho thấy từ ngày 6 đến ngày 10-5, tàu chi viện Hải quân Mỹ tiếp tế cho các tàu chiến của cụm tàu sân bay USS John C. Stennis trên biển Đông. Phía Hải quân Pháp đã gia nhập biên đội tàu sân bay Mỹ.

tau chien phap cung quan doi my tien hanh tuan tra chung tren bien dong. anh: china times

Tàu chiến Pháp cùng Quân đội Mỹ tiến hành tuần tra chung trên biển Đông. Ảnh: CHINA TIMES

Đây là lần đầu tiên có hải quân một nước thuộc châu Âu tiến hành tuần tra chung với quân đội Mỹ trên biển Đông.

Trước đây, vào tháng 1-2013, tàu sân bay USS John C.Stennis và tàu khu trục FS Chevalier Paul (D621) của hải quân Pháp từng kết hợp tuần tra an ninh hàng hải.

Hiện nay, cụm tấn công tàu sân bay USS John C. Stennis vẫn tuần tra biển Đông, thực hiện tổng cộng 5.000 lượt cất hạ cánh máy bay, tổ chức các hoạt động huấn luyện sử dụng các loại xuồng nhỏ cao tốc tác chiến trên biển.

Vào tháng 4, quân đội Mỹ cùng với Philippines tiến hành tuần tra chung ở vùng biển này.

my tien hanh huan luyen tiep te tren bien dong, 1 tau tiep te dang tiep te dong thoi cho 1 tau tuan duong va 1 tau khu truc. anh: china times

Mỹ tiến hành huấn luyện tiếp tế trên Biển Đông, 1 tàu tiếp tế đang tiếp tế đồng thời cho 1 tàu tuần dương và 1 tàu khu trục. Ảnh: CHINA TIMES

Trong khi đó, trang tin Hải quân Trung Quốc ngày 13-5 công bố một số hình ảnh, cho thấy Hạm đội Nam Hải đưa tàu chiến tới huấn luyện biển xa trái phép ở tận bãi cạn James, nằm cách bờ biển Malaysia khoảng 80 km. Song song đó tiến hành diễn tập tiếp tế tổng hợp hậu cần trong điều kiện chiến đấu thực tế và các bài huấn luyện như tập kích trên không và trên mặt biển


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục