Tuần qua, Hải quân Mỹ đã giới thiệu kế hoạch nhằm tận dụng lợi thế trước Trung Quốc trong lĩnh vực tên lửa chống hạm.
Tin thế giới đọc nhanh 12-08-2015
- Cập nhật : 12/08/2015
Quốc tế cảnh báo Trung Quốc xây “đảo nổi” trên Biển Đông
Các chuyên gia quốc tế cảnh báo Trung Quốc đang lên kế hoạch xây dựng hàng loạt “đảo nổi” trên Biển Đông.
Đây là các trạm chiến đấu di động trên mặt biển, được thiết kế để phục vụ tham vọng độc chiếm Biển Đông.
Theo tạp chí The Diplomat, mới đây Tập đoàn Jidong của Trung Quốc giới thiệu sản phẩm “cơ cấu nổi siêu lớn” (VLSF) tại triển lãm Thành tựu khoa học công nghệ quốc phòng tại Bắc Kinh. VLSF bao gồm hàng loạt môđun nhỏ được ghép vào nhau để tạo thành một “đảo nổi” khổng lồ trên biển.
Nguồn tin từ trang Popular Science cho biết theo các báo cáo của quân đội Trung Quốc, các “đảo nổi” này nặng khoảng 1 triệu tấn, được thiết kế để trở thành những căn cứ quân sự thật sự.
Các "đảo nổi" này hoạt động giống như những trạm chiến đấu di động trên biển, có thể hỗ trợ tiếp tế cho lực lượng Trung Quốc ở Biển Đông.
Các “đảo nổi” còn có thể trở thành sân bay tiếp nhận máy bay chiến đấu, dù sự linh hoạt của chúng thua xa tàu sân bay. Chúng có thể trở thành nhà kho quân sự, thậm chí vận hành như căn cứ hải quân tiếp nhận các tàu đổ bộ.
“Đảo nổi” lớn nhất theo thiết kế của Hãng Jidong dài khoảng 900m, rộng 120m. Những “đảo nổi” nhỏ hơn có kích thước 300-900m. “Trung Quốc đang ồ ạt bồi đắp các bãi đá trên Biển Đông thành tiền đồn quân sự. Các đảo nổi sẽ là vũ khí bổ sung hữu hiệu vào hệ thống chống ngăn chặn, chống tiếp cận (A2AD) của Trung Quốc”, The Diplomat dẫn lời nhà phân tích Jack Detsch.
Các chuyên gia quân sự cũng cho rằng với các “đảo nổi” này, quân đội Trung Quốc sẽ dễ dàng triển khai máy bay quân sự trên Biển Đông hơn. Việc Trung Quốc xây “đảo nổi” sẽ khiến tình hình Biển Đông tiếp tục căng thẳng.
Trung Quốc tập bắn đạn thật ở nhiều địa điểm trên Biển Đông
China News hôm nay dẫn thông báo từ Cục hải sự Trung Quốc (MSA) cho biết, hoạt động tập trận bắn đạn thật diễn ra tại khu vực bán kính 3,24 hải lý quanh tọa độ 18o49.55 Bắc, 110o33.80 Đông trong ba ngày 11, 12 và 13/8. Ngoài ra, nước này còn tổ chức huấn luyện quân sự tại 4 tọa độ trong vùng biển gần đảo Hải Nam ngày12 - 14/8.
Quân đội Trung Quốc gần đây liên tục tập trận trên Biển Đông. Cuối tháng 7, Bắc Kinh tổ chức tập trận quy mô lớn gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam với sự tham gia của ba hạm đội, hơn 100 tàu chiến và hàng chục chiến đấu cơ. Việt Nam đã lên tiếng phản đối và yêu cầu Trung Quốc dừng ngay hành động xâm phạm chủ quyền này.
Hàn Quốc mở lại chiến dịch tuyên truyền chống Triều Tiên
Binh sĩ Hàn Quốc đứng gác gần hiện trường vụ nổ mìn làm hai binh sĩ bị thương tại khu phi quân sự ngày 9/8. Ảnh: AFP.
Các dàn loa đặt tại nhiều vị trí dọc theo biên giới sẽ hoạt động trở lại lần đầu tiên kể từ năm 2004 và được sử dụng để phát đi thông điệp lên án những hành động khiêu khích của Triều Tiên, AFP dẫn thông tin từ Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết.
Quyết định trên được đưa ra vài giờ sau khi Seoul cáo buộc Bình Nhưỡng đặt mìn ở khu phi quân sự (DMZ) làm hai binh sĩ tuần tra Hàn Quốc bị thương hôm 4/8. Nó có thể sẽ khiến Triều Tiên tức tối và làm tăng căng thẳng tại thời điểm quan hệ giữa hai miền không mấy tốt đẹp.
DMZ là một vùng đệm rộng 4 km, trải dài về hai phía kể từ đường biên giới chia hai miền.
Một quan chức Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nói nối lại chiến dịch truyên truyền biên giới mới chỉ là "bước đầu tiên".
Bộ Chỉ huy Liên Hợp Quốc (UNC), cơ quan giám sát lệnh ngừng bắn giúp kết thúc chiến tranh Triều Tiên 1950 - 1953, thông báo kết quả phân tích mảnh mìn cho thấy chúng là mìn "hộp gỗ" Triều Tiên đặt trên một tuyến đường tuần tra đã biết của Hàn Quốc.
"Quá trình điều tra kết luận các thiết bị mới được đặt", UNC cho biết, loại bỏ khả năng chúng là mìn còn sót lại và bị chuyển dịch do những thay đổi trong đất.
Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc cảnh báo sẽ bắt Triều Tiên "trả giá đắt, tương xứng với hành vi khiêu khích Bình Nhưỡng tạo ra". Cơ quan này mô tả sự việc là "hành động vô căn cứ" và "cố tình vi phạm" thỏa thuận không xâm lược, kêu gọi Triều Tiên xin lỗi và trừng phạt người chịu trách nhiệm.
Triều Tiên hiện chưa có phản ứng nào về cáo buộc trên.
IS mưu tính chiếm phần lớn thế giới vào năm 2020
Theo bản đồ trong cuốn sách mới xuất bản "Đế chế của nỗi sợ hãi: Bên trong Nhà nước Hồi giáo", IS dự tính đến năm 2020 sẽ giành quyền kiểm soát Trung Đông, Bắc Phi, hầu hết tiểu lục địa Nam Á và nhiều phần của châu Âu để hình thành nhà nước Hồi giáo cực đoan của mình.
Nhà nước được quản lý bằng luật Sharia này sẽ bao phủ khắp từ phía tây Tây Ban Nha đến phía đông Trung Quốc, PTI cho hay.
Bản đồ cũng hé lộ cách mà IS tính toán để thực hiện âm mưu chiếm giữ thế giới. Kế hoạch gồm 7 bước, bắt đầu từ gần 20 năm trước, trong đó có việc kích động Mỹ tuyên bố chiến tranh với thế giới Hồi giáo từ năm 2000 đến 2003, và tiến hành một cuộc nổi dậy chống lại các nhà cầm quyền Arab từ năm 2010 đến 2013.
Theo bản đồ, Andalus sẽ là tên Arab được đặt cho các vùng thuộc Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Pháp, trong khi tiểu lục địa Nam Á sẽ có tên là Khurasan.
"Chúng muốn chiếm tất cả những nơi mà chúng xem là thế giới Hồi giáo. Một khi có nhà nước của mình, chúng sẽ quay lại tấn công phần còn lại của thế giới. Chúng mưu tính cai trị cả thế giới dưới chế độ của mình", Andrew Hosken, phóng viên BBC, tác giả cuốn sách trên, cho biết. "Chúng liệt ra 60 nước chống lại mình, trong đó có Mỹ và Nga, vì thế có người nghĩ rằng điều đó khó có thể xảy ra nhưng ai dám chắc rằng những bước đầu tiên không thành công".
Theo Hosken, Abu Musab al-Zarqawi, kẻ sáng lập IS, năm 1996 đã mô tả lại kế hoạch 7 bước trên để dẫn đến chiến thắng Hồi giáo vào năm 2020.
"Chúng ta đã gần tiêu diệt được chúng vào năm 2010-2011. 80% thủ lĩnh của chúng đã bị bắt hoặc giết, và chúng trở nên co cụm. Chúng ta đã không kết liễu chúng và giống như một khối ung thư, chúng đã trở lại", Hosken nói.
IS hiện có tới 50.000 thành viên, với khối tiền mặt và tài sản trị giá hơn 3 tỷ USD, một phần nhờ vào việc kiểm soát các mỏ dầu khí ở Iraq và Syria.
Mỹ lại tuyên bố tình trạng khẩn cấp
Lệnh tình trạng khẩn cấp được áp dụng cho quận St. Louis (Mỹ) và các khu vực xung quanh.
Nhiều người đã tập trung diễu hành trong lễ tưởng niệm 1 năm ngày thanh niên da màu Michael Brown bị một cảnh sát da trắng bắn chết. Cuộc biểu tình ôn hòa trở nên bạo lực sau khi xảy ra đấu súng giữa cảnh sát và Tyrone Harris - một thanh niên 18 tuổi.
Sự việc diễn ra vào đêm chủ nhật (9-8). Cảnh sát chống bạo động khi đó đã buộc phải nổ súng nhằm giải tán đám đông biểu tình đang cố chặn giao thông trên đường và đập vỡ kính một loạt các cửa hàng.
Cảnh sát chống bạo động đứng dàn thành hàng ngang và đối mặt với người biểu tình trên đường West Florissant. Ảnh: CNN