Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Rose Gottemoeller cung cấp những thông tin mới nhất về tiến trình cắt giảm vũ khí hạt nhân nhằm tránh lặp lại thảm họa Hiroshima, Nagasaki.
Tin thế giới đọc nhanh chiều 12-08-2015
- Cập nhật : 12/08/2015
Chứng khoán Mỹ giảm mạnh nhất trong vòng một tháng
Sau hàng loạt số liệu nghèo nàn, Bắc Kinh đã thông báo hạ giá NDT thêm 1,9% so với USD, nhằm thúc đẩy tăng trưởng đang ì ạch thông qua hoạt động xuất khẩu. Tin tức này đã góp phần đẩy giá dầu thô xuống đáy 6 năm do lo ngại nhu cầu tại nền kinh tế lớn nhì thế giới. Dầu WTI hôm qua chỉ còn 43,08 USD một thùng, còn Brent xuống 49,18 USD.
Động thái trên cũng không được phố Wall chào đón, khi nó cho thấy Trung Quốc đang gặp nhiều rắc rối hơn họ nghĩ. Chỉ số bình quân Công nghiệp Dow Jones đã mất 1,2% hôm qua - mạnh nhất trong một tháng, xuống hơn 17.402 điểm. Trong khi đó, S&P 500 và Nasdaq Composite giảm lần lượt 1% và 1,3%.
NDT yếu đi sẽ khiến hàng xuất khẩu của Mỹ đắt đỏ hơn so với Trung Quốc. Việc này có thể làm giảm doanh thu và lợi nhuận của các công ty Mỹ có hoạt động tại đây. Vì vậy, cổ phiếu các doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào thị trường này, như Apple hay Yum Brands - công ty mẹ KFC đều lao dốc hôm qua. Apple mất 5,2%, trong khi Yum sụt giảm 4,9%. Cổ phiếu các hãng sản xuất hàng xa xỉ như Burberry hay Prada cũng giảm lần lượt 3,8% và 4,4%.
Phố Wall đang tranh luận liệu động thái của Trung Quốc (vốn được coi là tín hiệu Chính phủ nước này lo ngại về tăng trưởng) có thể khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) chần chừ trong việc nâng lãi suất hay không. NDT yếu sẽ khiến đôla Mỹ mạnh lên, kéo tụt tăng trưởng của nước này.
Nếu FED nâng lãi vào tháng 9, USD khi đó sẽ còn mạnh hơn nữa, càng khiến xuất khẩu và tăng trưởng của Mỹ sụt giảm. Mà đây là kết quả không hề mong muốn với FED.
Ngoại trưởng Mỹ tố Trung Quốc, Nga đọc trộm e-mail
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cáo buộc Trung Quốc và Nga “rất nhiều khả năng” đã đọc trộm e-mail của ông và nói thêm rằng Mỹ đã và sẽ thảo luận vấn đề tấn công mạng với Bắc Kinh.
Ông Kerry nói chuyện Nga, Trung Quốc đọc trộm e-mail của ông là không nằm ngoài tưởng tượng - Ảnh: Reuters
Trong chương trình CBS Evening News hôm 11-8 (giờ địa phương), người dẫn chương trình Scott Pelley đã hỏi ông Kerry rằng liệu Nga và Trung Quốc có đọc trộm e-mail của ông hay không.
Ông Kerry cho rằng: “Câu trả lời là rất nhiều khả năng. Điều này không nằm ngoài sự tưởng tượng và chúng tôi biết họ đã tấn công một số cơ sở lợi ích của Mỹ trong thời gian qua”.
Ngoại trưởng Mỹ cho biết thêm tấn công mạng là chủ đề đang được đem ra thảo luận với phía Trung Quốc và sẽ được khơi lại khi Tổng thống Mỹ Barack Obama tiếp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Washington vào tháng 9 tới.
“Thật không may chúng ta đang sống trong một thế giới nơi mà một số nước, trong đó có Nga và Trung Quốc, dính dáng đến các cuộc tấn công mạng nhằm vào lợi ích của chính phủ Mỹ” - ông Kerry nói.
Từ trước đến nay, Trung Quốc bị nghi ngờ đứng sau các cuộc tấn công mạng và theo như thông tin được công bố hồi tháng 6, một lượng lớn dữ liệu cá nhân của các nhân viên liên bang ở Mỹ đã bị đánh cắp.
Bắc Kinh phản ứng lại và nói rằng những tuyên bố nói Trung Quốc đứng sau các cuộc tấn công mạng là không có cơ sở và bản thân họ cũng phản đối mọi hình thức tấn công mạng.
Mỹ điều 3 máy bay ném bom hiện đại nhất đến đảo Guam
Nguồn tin từ quân chủng không quân Hoa Kỳ cho biết trong tuần này ba máy bay ném bom B-2 hiện đại nhất đã được điều tới căn cứ quân sự của Mỹ đóng tại đảo Guam.
Theo National Interest, thông cáo báo chí trên trang web của không quân Hoa Kỳ ngày 10-8 cho biết: “ba máy bay ném bom B-2 và khoảng 225 quân nhân từ căn cứ không quân Whiteman, bang Missouri đã được điều tới căn cứ không quân Andersen ở đảo Guam để tiến hành các hoạt động huấn luyện tăng cường thích nghi tại khu vực Thái Bình Dương”.
Cũng theo Không quân Hoa Kỳ, việc điều quân tham gia huấn luyện này cho thấy Mỹ đang tiếp tục tiến hành những cam kết trong việc duy trì hoạt động của các máy bay ném bom chiến lược trên toàn khu vực Ấn Độ Dương và châu Á - Thái Bình Dương.
Không có thêm thông tin chi tiết khác trong thông cáo, nhưng theo National Interest, có vẻ như các máy bay ném bom được điều đi lần này thuộc chương trình huấn luyện thông thường.
Trên thực tế, đầu tháng 8-2014 ba chiếc B-2 đã được điều từ căn cứ không quân Whiteman đến đảo Guam theo một chương trình huấn luyện.
Theo The Aviationist, Mỹ có một phi đội máy bay ném bom tại căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam từ năm 2004. Các máy bay ném bom cũng thường được điều đến đây, tuy nhiên không có nhiều máy bay ném bom hiện đại như B-1 hay B-52.
Vị thế của đảo Guam chỉ bắt đầu được Mỹ chú trọng nhiều hơn kể từ khi chính quyền Tổng thống Obama khởi xướng chính sách tái cân bằng sang châu Á năm 2010.
Các quan chức Mỹ, kể cả thứ trưởng Bộ Quốc phòng khi đó là ông Ash Carter (bộ trưởng Bộ Quốc phòng đương nhiệm) đã liên tục nhắc tới đảo Guam như một “trung tâm chiến lược” cho các hoạt động quân sự của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Căn cứ không quân Andersen nằm cách phía đông lãnh thổ Trung Quốc khoảng 1.800 dặm (2.900km).
Đánh bom đẫm máu ở Nigeria, 50 người chết
Một khu chợ sầm uất ở phía đông bắc Nigeria đã trở thành mục tiêu đánh bom khủng bố làm ít nhất 50 người thiệt mạng và 60 người khác bị thương.
Vụ tấn công đẫm máu xảy ra ngày 11-8 tại thị trấn Sabon Gari thuộc bang Borno, nơi được cho là sào huyệt của Boko Haram.
Hiện chưa có nhóm nào lên tiếng nhận trách nhiệm về hành động bạo lực này. Tuy nhiên theo nhiều dấu hiệu từ hiện trường, có khả năng rất cao Boko Haram chính là kẻ chủ mưu thực hiện cuộc tấn công. Một nguồn tin quân sự cho biết vụ tấn công làm chết 50 người và làm bị thương khoảng 60 người khác.
Theo Umar Kidda - thành viên nhóm dân phòng địa phương, cho đến nay 47 thi thể đã được đưa ra khỏi khu chợ.
Boko Haram (gần đây được đổi tên thành Iswap) là một tổ chức khủng bố được thành lập để chống lại ảnh hưởng của phương Tây ở Nigeria, đồng thời thiết lập một nhà nước Hồi giáo với giáo luật Sharia ở đất nước.
Trong sáu năm qua, Boko Haram đã giết hại khoảng 20.000 người trong cuộc nổi dậy vũ trang ở miền Đông Bắc Nigeria. Trong đó bang Borno, nơi xảy ra vụ tấn công mới nhất, chính là nơi chúng vừa tái chiếm để bắt cóc phụ nữ cùng trẻ em nhằm ép họ tham gia vào các cuộc tấn công.
Tình hình bạo lực ngày càng gia tăng khiến lực lượng Nigeria, Niger, Benin, Cameroon và Chad liên hiệp lại cùng nhau đẩy lùi bọn khủng bố. Quân đội Nigeria mới đây công bố một lực lượng đặc nhiệm mới gồm quân đội từ năm quốc gia sẵn sàng tiến hành các cuộc tấn công băng nhóm này.
Dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Nigeria Muhammadu Buhari, lực lượng gồm 8.700 quân này được hi vọng sẽ chiến đấu hiệu quả hơn để đẩy lùi bọn khủng bố.
Đảng Cộng hòa tẩy chay Tỉ phú Donald Trump vì phân biệt giới tính
Tỉ phú Donald Trump, ứng cử viên tổng thống Mỹ năm 2016, đang đối mặt với làn sóng chỉ trích và tẩy chay của Đảng Cộng hòa do phát ngôn sặc mùi phân biệt giới tính nhắm vào một nhà báo nữ.
Theo AFP, mới đây ông Trump từ chối xin lỗi nhà báo Megyn Kelly của Hãng Fox News vì tuyên bố hàm ý rằng cô đặt ra những câu hỏi khó chịu đối với ông vì lúc đó cô đang có kinh.
“Cô ta nên xin lỗi tôi thì đúng hơn” - ông Trump thẳng thừng nói.
Trong một cuộc tranh luận trước đó với các đối thủ Đảng Cộng hòa, ông Trump tỏ ra khó chịu khi nhà báo Kelly liên tục hỏi ông những câu hóc búa. Sau đó ông mô tả rằng “máu tuôn ra từ chỗ nào đó của cô ta” khi cô đặt câu hỏi với ông.
Cơn bão chỉ trích
Phát biểu gây sốc này đã khiến ông Trump phải hứng chịu một cơn bão chỉ trích dữ dội. Thượng nghị sĩ Rand Paul của Đảng Cộng hòa cảnh báo cử tri Cộng hòa không nên ủng hộ ông Trump vì ông “hoàn toàn không phù hợp để lãnh đạo đất nước”.
Ứng cử viên Carly Fiorina mô tả lời lẽ của ông Trump “mang tính xúc phạm”. “Phụ nữ hiểu rõ ý ông ta muốn nói gì” - bà Fiorina nhấn mạnh. Hàng loạt thành viên khác của Đảng Cộng hòa như Jeb Bush, Lindsey Graham, Scott Walker, Mike Huckabee, Bobby Jindal, George Pataki và Jim Gilmore cũng chỉ trích ông Trump dữ dội.
Ông Jeb Bush cho rằng những gì ông Trump đã làm là hoàn toàn sai trái. “Đó không phải là cách chúng ta thắng cử” - ông đánh giá. Chiến lược gia Đảng Cộng hòa Brian McClung cho rằng ông Trump “là một thằng ngu”. “Chúng ta phải đứng lên và lên tiếng chống lại thương hiệu ngu ngốc của Trump”.
Cựu ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton, ứng cử viên sáng giá nhất của Đảng Dân chủ, cũng không bỏ lỡ cơ hội tấn công đối thủ. “Ông ta đã rất quá đáng, xúc phạm người khác - bà Clinton nói - Nhưng nhìn chung những gì Đảng Cộng hòa nói về phụ nữ cũng là đáng lên án”.
Bất chấp làn sóng chỉ trích, tỉ lệ ủng hộ của cử tri Cộng hòa dành cho ông Trump vẫn rất cao. Theo khảo sát của Hãng Public Policy Polling, hiện ông nhận được 12% tỉ lệ ủng hộ, vượt xa các đối thủ khác như Ben Carson, Scott Walker, Jeb Bush…
Khó khăn phía trước
Dù vậy, các chuyên gia chính trị Mỹ dự báo ông Trump sẽ đối mặt với nhiều khó khăn trên bước đường phía trước. Ông Brian McClung dự báo chiến dịch tranh cử của ông Trump sẽ chỉ kéo dài đến đầu năm 2016 và ở Iowa, bang tổ chức cuộc bầu cử sơ bộ đầu tiên. “Đó là khi niềm hi vọng của ông Trump chấm dứt” - ông McClung đánh giá.
Các nhà phân tích cho rằng đến nay ông Trump vẫn chưa hề đưa ra được một chiến lược chính trị cụ thể và đường hướng cho đất nước, thay vào đó chỉ tạo sự chú ý bằng những tuyên bố gây sốc. Chiến lược gia Cộng hòa Brad Marston cho rằng tỉ lệ ủng hộ cao của ông Trump hiện tại sẽ không giúp ông trở thành một ứng cử viên mạnh mẽ thật sự khi các hoạt động tranh cử bước vào giai đoạn cao trào.
Tuy nhiên, giáo sư Mac McCorkle của ĐH Duke cảnh báo kể cả khi bị Đảng Cộng hòa bỏ rơi, ông Trump hoàn toàn có thể “phá đám” đảng này bằng việc tranh cử với tư cách là ứng cử viên độc lập. “Đó sẽ là kịch bản đáng sợ đối với Đảng Cộng hòa. Ông ta có thể ảnh hưởng tới cuộc tranh cử theo hướng bất lợi cho Đảng Cộng hòa và có lợi cho bà Clinton” - ông McCorkle cho biết.