Nhà lãnh đạo Venezuela nhấn mạnh cách mạng Bolivar đang bước vào một giai đoạn mới, do đó cần phải đưa ra chiến lược trong vấn đề kinh tế và chính trị, cũng như cuộc chiến "chống quan liêu và tham nhũng."
Tin thế giới đọc nhanh 09-12-2015
- Cập nhật : 09/12/2015
Mỹ được phép điều thêm trinh sát P-8 đến gần Biển Đông
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter (trái) bắt tay người đồng cấp Singapore Ng Eng Hen sau khi ký kết Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng tăng cường tại Lầu Năm Góc. Ảnh: Channel News Asia.
Trong thông báo chung sau cuộc gặp tại Washington hôm qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter và người đồng cấp Singapore Ng Eng Hen hoan nghênh đợt điều động phi cơ P-8 đầu tiên tới Singapore từ ngày 7 đến ngày 14/12, Reuters đưa tin.
Một quan chức quốc phòng Mỹ nói họ đang kỳ vọng về những đợt điều động tiếp theo.
Theo thông báo, điều động P-8 đến Singapore sẽ giúp "tăng cường tương tác với quân đội các nước trong khu vực thông qua tham gia diễn tập song phương và đa phương, cung cấp hỗ trợ kịp thời cho hoạt động Cứu trợ Nhân đạo và Thiên tai (HADR) cũng như an ninh hàng hải khu vực".
Việc điều động P-8 nằm trong Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng tăng cường, bao gồm cả chống khủng bố xuyên quốc gia và cướp biển, vừa được bộ trưởng quốc phòng hai nước ký kết.
Động thái trên diễn ra khi tình hình Biển Đông vẫn căng thẳng liên quan đến cách Trung Quốc theo đuổi các yêu sách chủ quyền. Nó còn có thể khiến Bắc Kinh, vốn bất đồng ý kiến với Washington về Biển Đông, tức giận. Mỹ hiện đã triển khai P-8 đến Nhật Bản, Philippines và thực hiện bay trinh sát từ Malaysia.
Mỹ lên án hoạt động xây đảo nhân tạo của Trung Quốc trên Biển Đông và gần đây đã điều tàu, phi cơ tuần tra sát những đảo này. Tổng thống Mỹ Barack Obama tháng trước kêu gọi các nước dừng xây đảo nhân tạo, dừng quân sự hóa. Ông cho biết Mỹ sẽ tiếp tục thực hiện quyền tự do hàng hải.
Nga phóng hỏng vệ tinh quân sự
Một tên lửa Soyuz-2.1B mang theo hai vệ tinh được phóng từ sân bay vũ trụ Plesetsk ở khu vực Arkhangelsk, tây bắc Nga, Bộ Quốc phòng Nga viết trên trang web ngày 5/12 rằng vụ phóng đã diễn ra thành công.
Tuy nhiên, hãng tin TASS trích dẫn một nguồn tin giấu tên hôm qua cho biết vệ tinh Kanopus-ST "được coi là mất tích" sau khi không tách ra được khỏi tên lửa, do trục trặc ở một trong 4 ổ khóa cố định vệ tinh vào tên lửa. Bộ Quốc phòng Nga chưa đưa ra bình luận.
Vệ tinh sẽ rơi trở lại trái đất và cháy trong khí quyển vào hôm nay, TASS đưa tin, dẫn các nguồn công nghiệp hàng không vũ trụ Nga.
Kanopus-ST là vệ tinh hai mục đích được thiết kế để quét các đại dương của trái đất trong cả phạm vi quang học và UHF. Nó được chế tạo trong 10 năm và được coi là thiết bị tiên tiến, theo Kommersant.
Các nhà khoa học dân sự có thể sử dụng nó như là một thiết bị khí tượng thủy văn. Nó cũng có thể phát hiện tàu ngầm cùng vật thể khác ở biển cho quân đội.
Đây là lần thứ hai tên lửa Soyuz-2.1B được sử dụng để phóng vật thể vào quỹ đạo trái đất tầm thấp. Lần đầu tiên tên lửa thực hiện nhiệm vụ là vào cuối tháng 12/2013.
Liên minh quốc tế kiểu Nga là như thế nào?
Những nguyên tắc nghe rất đúng đắn của Nga vẫn đang xung đột với những gì mà Mỹ và đồng minh đang tiến hành chống IS tại Syria. Đằng sau lập trường của mỗi bên còn quá nhiều uẩn khúc, khó dung hòa.
Đến nay, có lẽ lời kêu gọi thành lập “liên minh quốc tế rộng rãi chống khủng bố”, vừa được nhắc lại trong thông điệp liên bang của Tổng thống Vladimir Putin, đã trở thành một mục tiêu chiến lược của Nga để nước này có thể nổi lên như một ngọn cờ dẫn dắt thế giới đương đầu với một vấn nạn mới mà cả nhân loại đang phải đối diện: khủng bố quốc tế với điển hình là tổ chức IS.
Nga đưa ra ý tưởng này trên cơ sở phê phán Liên minh quốc tế chống IS đang hiện hữu, do Mỹ lập ra từ tháng 8-2014 với khoảng 60 quốc gia thành viên, là “không hiệu quả”, thậm chí “không thực tâm chống IS”!
Hồi đầu tháng 10, dường như Nga đã hình thành được một nhóm nòng cốt cho “liên minh” mới của mình. Đó là một cơ chế mà truyền thông Ả Rập gọi là “bộ tứ” gồm Nga, Iran, Iraq và chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Thậm chí khi ấy đã có những thông tin về “một dự án tiền khả thi” cho rằng trụ sở của “bộ tứ” này đặt tại Baghdad - thủ đô Iraq, với một bộ tham mưu chung mà tham mưu trưởng sẽ được luân phiên giữa bốn quốc gia thành viên, mỗi nhiệm kỳ ba tháng. Rồi Thủ tướng Iraq Haydar al-Abadi tuyên bố “sẵn sàng mời Nga không kích IS tại Iraq”...
Ý tưởng của Nga đương nhiên đụng độ với Mỹ - thủ lĩnh liên minh quốc tế đang vận hành hơn một năm nay. Liên minh của Mỹ không thể “kết nạp” quân đội Syria của ông al-Assad bởi coi quân đội này “là một bộ phận chính gây ra cuộc khủng hoảng Syria”.
Cuộc tranh chấp ngấm ngầm bên trong hậu trường, giữa Mỹ với Nga, được cả Iran và phái Hồi giáo Shiite trong chính quyền Iraq hậu thuẫn, đã “nóng” tới mức Mỹ phải công khai tuyên bố: Nếu Nga được mời không kích vào Iraq thì Mỹ sẽ rút hết khỏi nước này! Tới đây, thông tin về “bộ tứ” mà Nga làm nòng cốt “lặn” luôn!
Sau đó, Nga phát triển ý tưởng này thành “một liên minh quốc tế rộng rãi chống IS, do Liên Hiệp Quốc bảo trợ”.
Nội dung của ý tưởng được nâng cấp này xem ra thuyết phục hơn trước bởi nó không phủ nhận liên minh hiện hữu do Mỹ đứng đầu, mà chỉ gộp liên minh của Mỹ vào một liên minh mới, rộng lớn hơn, quan trọng nhất là do Liên Hiệp Quốc đứng đầu chứ không phải Mỹ nữa.
Trong một số dịp khác nhau, phía Nga làm rõ thêm về “liên minh quốc tế rộng rãi” này như sau: quy mô và tính chất của nó tương tự lực lượng đồng minh chống Hitler hồi Thế chiến thứ hai!
Hôm 1-12, Nga đã chính thức gửi văn thư đến Hội đồng Bảo an và Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc nêu đề nghị về “liên minh quốc tế rộng rãi chống khủng bố” này. Trong đó Nga nêu rõ: “Ngày nay, kẻ thù là khủng bố thế giới, các phần tử IS, al-Qaeda, Mặt trận Nusra và các nhóm liên hệ với chúng”.
Nhưng dường như ý tưởng rất có lý của Nga không nhận được sự hưởng ứng rộng rãi của nhiều bên trong cuộc. Đối tượng “khủng bố” mà Nga chỉ đích danh không chỉ có IS, al-Qaeda và Mặt trận Nusra mà còn “các nhóm liên hệ với chúng”.
Vậy còn những nhóm nào nữa bị Nga coi là “khủng bố”?
Mỹ, các nước Ả Rập và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn “tố cáo” Nga đánh tất cả các nhóm vũ trang chống lại chính quyền Syria, trong đó có nhiều nhóm do chính Thổ Nhĩ Kỳ và Ả Rập bảo trợ.
Công luận đều biết lập trường của Nga là mọi hoạt động quân sự của nước ngoài trên lãnh thổ Syria đều phải có sự đồng ý của chính quyền ở Damascus, bởi Tổng thống al-Assad là đại diện chính quyền hợp pháp tại Syria.
Những nguyên tắc nghe rất đúng đắn này lại xung đột ngay với những gì mà Mỹ và đồng minh đang tiến hành chống IS tại Syria!
Xem ra, đằng sau lập trường của mỗi bên về chống IS còn quá nhiều uẩn khúc xung đột lẫn nhau, khó dung hòa. Chưa biết đến khi nào ý tưởng tích cực của Nga về một “liên minh quốc tế rộng rãi chống khủng bố” mới thành hiện thực.
Thách thức căn bản của bà Suu Kyi
Những cuộc gặp liên tiếp giữa bà Suu Kyi với các giới chức lãnh đạo quân đội ở Myanmar tạo ra hi vọng về khả năng chuyển giao quyền lực êm thắm.
Mọi người phải chấp nhận sự thật, Daw Aung San Suu Kyi sẽ là lãnh đạo tương lai của Myanmar sau chiến thắng trong bầu cử
Thống tướng Than Shwe dùng từ “Daw” để nói lên sự tôn trọng với bà Suu KyiHai cuộc họp kín riêng rẽ với nội dung “hòa giải dân tộc và chuyển giao quyền lực êm thắm” giữa bà Aung San Suu Kyi với Tổng thống Thein Sein và sau đó với tướng tư lệnh quân đội Min Aung Hlaing đã diễn ra hôm 2-12 tại thủ đô Naypyidaw.
Theo tờ The Irrawaddy của nước này, cuộc gặp thể theo yêu cầu của bà Suu Kyi sau thắng lợi bầu cử hôm 8-11.
Sau cuộc họp giữa bà Suu Kyi và tướng Min Aung Hlaing, quân đội Myanmar ra một thông cáo, trong đó có câu: “Trong cuộc gặp, hai bên đồng ý theo đuổi ước vọng của dân chúng là cộng tác vì sự ổn định của đất nước, pháp trị, đoàn kết và phát triển quốc gia”.
Tuy nhiên theo đại diện của Tổng thống Thein Sein và tướng Min Aung Hlaing, việc chuyển giao quyền hành không thể sớm hơn đầu tháng 4 năm tới.
Đến thứ sáu 4-12, thêm một cuộc gặp kín nữa giữa bà Suu Kyi với thống tướng Than Shwe, nguyên lãnh đạo tối cao cánh quân đội Myanmar đến năm 2011 và đến nay vẫn được xem là nhân vật đứng trong hậu trường. Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa hai người sau 12 năm.
Trong quá khứ 19 năm dưới trào tướng Than Shwe, bà Suu Kyi đã bị quản thúc tại gia đến hơn 15 năm! Sau cuộc gặp, cháu nội của tướng Than Shwe là Nay Shwe Thway Aung viết trên Facebook cho biết ông nội của mình, năm nay 82 tuổi, ủng hộ bà Suu Kyi “làm lãnh đạo tương lai” và về “việc dựng nền móng vững chắc cho nền dân chủ”.
Riêng bà Suu Kyi, thông qua người phát ngôn của đảng mình, đã cho biết bà lạc quan với kết quả cuộc gặp và tin tưởng vào quá trình chuyển giao quyền lực sắp tới. Có vẻ như nỗi lo ngại cánh quân sự một lần nữa không chịu giao quyền lực đang được các tướng lĩnh hàng đầu trên làm dịu. Nhưng vẫn còn đó mối nguy cơ “nằm vùng”.
Còn năm tháng để bà Suu Kyi và đảng của bà chuẩn bị thay thế đảng cầm quyền. Thế nhưng trừ một số ghế bộ, thứ trưởng, bất quá thêm ghế chánh văn phòng tại các bộ không đương nhiên do quân đội nắm, chắc chắn sẽ không có việc Đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) đưa người vào chiếm mọi vị trí do Đảng Đoàn kết phát triển liên bang (USDP) cầm quyền nắm giữ từ mấy chục năm nay.
Ở đâu cũng thế, trong một nền hành chính quốc gia, những nhà chính trị đến rồi đi, các công chức chuyên nghiệp ở lại chứ không phục vụ riêng một đảng nào. Cũng thế, nếu muốn nắm các tỉnh thành phải qua bầu cử địa phương.
Thế nhưng nếu như ở hầu hết các nước khác bộ máy công chức chuyên nghiệp sẽ tiếp tục làm việc với bộ trưởng mới, thứ trưởng mới, giám đốc mới, còn tại Myanmar một đội ngũ như thế không có do đã quen phục vụ USDP suốt mấy mươi năm qua.
Nếu như cung cách làm việc và quan hệ với người dân là tốt, thậm chí trung bình khá, thì USDP đâu đã thất cử, đâu đến lượt NLD nay thế chỗ!
Từ đó đặt ra tính hiệu quả của chính quyền tương lai của bà Suu Kyi. Để có thể thực thi tốt các chính sách của bà này, e rằng phải đợi tối thiểu một khóa sinh viên tốt nghiệp quốc gia hành chính sau 4-5 năm tới, được đào tạo bởi một dàn giáo viên mới, theo một triết lý cầm quyền mới, một chương trình mới, khởi đầu một thế hệ công chức mới, chuyên nghiệp.
Trong khi đó, việc “cởi trói” hơn nữa bộ máy kinh tế lại cần đến một đội ngũ viên chức “dấn thân” và liêm chính.
Liệu NLD có đủ người làm hạt nhân cho cỗ máy gồm đến 32 bộ, không để tái diễn các thói quen xấu cũ thể hiện qua vị trí 156 trên bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng 2014?
Liệu công chức từ các trào quân đội sẽ tự thay đổi, chuyên nghiệp hóa? Không dễ dàng khi quân đội vẫn đương nhiên nắm đến 1/4 số ghế quốc hội cùng những bộ lớn và USDP cầm quyền cho tới lúc đó sẽ thành đảng đối lập.
Liệu trong bối cảnh “đầu Ngô mình Sở” đó sẽ xảy ra những vụ “thọc gậy bánh xe” trong bộ máy nhà nước - điều mà ở các nước quen luân phiên cầm quyền, bộ máy hành chính chuyên nghiệp không còn nghĩ đến?
Mỹ dỡ cấm vận 6 tháng với Myanmar
Reuters dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết trong sáu tháng, việc vận chuyển hàng hóa ra vào các cảng biển và sân bay tại Myanmar sẽ được phục hồi.
Đây là được xem là “quà mừng” của Washington dành cho chiến thắng của Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi trong cuộc bầu cử lịch sử.
Đáng chú ý, việc dỡ cấm vận thương mại có hiệu lực với cả những sân bay và cảng biển kiểm soát bởi những cá nhân, tổ chức nằm trong danh sách đen của Mỹ.
Reuters hồi tháng trước đưa tin các ngân hàng lớn của Mỹ như Citigroup, Bank of America và PNC Financial phải ngưng làm ăn ở Myanmar sau khi phát hiện trạm vận chuyển hàng hóa quan trọng nhất nước này là cảng Asia World được điều hành bởi một thương gia có trong danh sách đen của Washington.
Một quan chức cao cấp chính phủ Mỹ nhận định động thái ngày 7-12 là “điều quan trọng duy nhất chúng tôi có thể làm ngay trên mặt trận kinh tế để giúp NLD trong những tháng tới trong khi họ thành lập chính phủ”.