tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh trưa 10-10-2015

  • Cập nhật : 10/10/2015

Indonesia tăng cường phòng thủ trên Biển Đông đối phó Trung Quốc

Indonesia đang lên kế hoạch phòng thủ, bảo vệ bờ biển của nước mình trước mối đe dọa quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông, dù Jakarta không có tranh chấp.
tau chien cua indonesia - anh: bloomberg

Tàu chiến của Indonesia - Ảnh: Bloomberg

Hãng Bloomberg hôm 8.10 đưa tin Bộ trưởng An ninh, chính trị và luật pháp Indonesia, ông Luhut Panjaitan cho biết Indonesia sẽ tăng cường sử dụng máy bay không người lái và tàu ngầm để tuần tra ở vùng biển quanh quần đảo Natuna của nước này, không xa so với vùng biển đang bị nhiều nước tranh chấp và quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Bộ trưởng Indonesia giải thích việc tăng cường hải quân ở khu vực bờ biển của mình là vì lo ngại trước mối đe dọa gia tăng quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông. Indonesia, Thái Lan và Singapore là 3 nước trong khối ASEAN không có tranh chấp biển, đảo ở Biển Đông.
“Ít có người dự đoán được rằng đường lưỡi bò chín đoạn của Trung Quốc đưa ra hồi năm 2009 lại có tầm ảnh hưởng chính trị và quân sự mạnh mẽ đến như vậy”, Bộ trưởng Panjaitan phát biểu trong một bài viết đăng trên báo Kompas phát hành hôm 7.10 ở Indonesia, một trong những tờ báo thể hiện quan điểm của chính phủ nước này, theo Bloomberg.
“Đó là sự trở lại của một nền kinh tế phát triển nhanh cho phép Trung Quốc có ngân sách lớn chi tiêu cho quân sự và mở rộng đến vùng Biển Đông khiến Mỹ cũng phải bận tâm”, ông Panjaitan viết tiếp trong bài báo.
Ông Panjaitan, người thân cận của Tổng thống Joko Widodo, nói rằng Indonesia cần phải sắp xếp lại thế trận quốc phòng trước các mối đe dọa có thể nhìn thấy được từ Trung Quốc. Mục tiêu tăng cường quốc phòng cũng đến từ nguy cơ bành trướng của lực lượng khủng bố của Nhà nước Hồi giáo (IS) tự phong đến quốc gia Hồi giáo đông dân nhất khu vực Đông Nam Á này.
Để trả lời câu hỏi Jakarta sẽ phòng thủ thế nào trước các mối đe dọa của Trung Quốc, Bộ trưởng Indonesia cho rằng cần xây dựng căn cứ không quân ở quần đảo Natuna, thành lập một phi đội máy bay không người lái ở quần đảo này và đặc biệt là sẽ chi ngân sách mua tàu ngầm của Nga.
Indonesia là một trong những quốc gia thành viên ASEAN lâu nay vốn rất thận trọng với các chiến lược quốc phòng nhắm vào Trung Quốc là đối tác kinh tế, thương mại quan trọng của Jakarta. Tuy nhiên những phát biểu của Bắc Kinh và chiến lược bành trướng quân sự ở Biển Đông khiến Indonesia không thể “trung lập” như Jakarta mong muốn.
Tirta Mursitama, giáo sư quan hệ quốc tế của trường đại học Binus ở Jakarta cho rằng phát biểu của ông Bộ trưởng cho thấy Indonesia đang rất lo ngại trước sự gia tăng ảnh hưởng cả quân sự và kinh tế của Trung Quốc. “ Nó cũng mang một thông điệp gửi đến người dân trong nước rằng mặc dù Trung Quốc đầu tư nhiều ở Indonesia, nhưng chúng ta phải phòng thủ để bảo vệ chủ quyền quốc gia”, ông Mursitama bình luận.

Giải Nobel Hòa bình 2015 trao cho nhóm bộ tứ Tunisia

Giải Nobel Hòa bình năm 2015 đã được trao cho bộ tứ đối thoại quốc gia Tunisia nhờ những đóng góp trong việc xây dựng nền dân chủ sau cuộc Cách mạng hoa nhài năm 2011.
dai dien nhom bo tu doi thoai tunisia - anh: afp

Đại diện nhóm bộ tứ đối thoại Tunisia - Ảnh: AFP

Ủy ban Nobel ngày 9.10 đã thông báo trao giải Nobel Hòa bình 2015 cho nhóm Bộ tứ đối thoại quốc gia Tunisia, theo NBC News.
Nhóm bộ tứ được thành lập vào mùa hè năm 2013 khi tiến trình dân chủ tại Tunisia có nguy cơ sụp đổ, có thể dẫn đến nội chiến. Nhóm này là công cụ giúp Tunisia chỉ trong vài năm thành lập một hệ thống hiến pháp đảm bảo các quyền cơ bản của toàn thể người dân, không phân biệt giới tính, nhận thức chính trị hay niềm tin tôn giáo, theo The Guardian dẫn bài phát biểu của Ủy ban Nobel.
Nhóm bộ tứ bao gồm 4 tổ chức: Tổng liên đoàn lao động Tunisia; Liên đoàn công nghiệp, thương mại và thủ công nghiệp Tunisia; Liên đoàn nhân quyền Tunisia và đoàn luật sư Tunisia.
“Nhóm bộ tứ đã mở đường cho đối thoại hòa bình giữa người dân, các đảng phải chính trị và chính quyền; giúp tìm ra những giải pháp cơ bản cho những thách thức về chia rẽ chính trị và tôn giáo”, thông báo của Ủy ban Nobel.
Giải Nobel Hòa bình trị giá 8 triệu crown Thụy Điển, tương đương 972.000 USD sẽ được trao vào ngày 10.10 tại thủ đô Oslo (Na Uy), theo Reuters.

NATO tăng gấp đôi quân số phản ứng nhanh đối phó Nga

Tổng thư ký NATO, ông Jens Stoltenberg cho biết NATO sẽ tăng gấp đôi quân số phản ứng nhanh, đến mức 40.000 người để đối phó với hành động leo thang quân sự của Nga ở Syria.
Phát biểu sau cuộc họp với bộ trưởng quốc phòng các nước NATO tại Bỉ hôm 8.10, ông Stoltenberg nói: “Điều này gởi một thông điệp rõ ràng đến tất cả mọi công dân NATO: NATO sẽ bảo vệ các vị, NATO đã sẵn sàng”.
Cũng sau cuộc họp trên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter chỉ trích dữ dội: “Chúng ta đang chứng kiến hành vi ngày càng thiếu chuyên nghiệp từ phía binh lính Nga. Họ vi phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ… Họ bắn tên lửa hành trình từ biển Caspian mà chẳng hề báo trước”.
tong thu ky nato, jens stoltenberg - anh: reuters

Tổng thư ký NATO, Jens Stoltenberg - Ảnh: Reuters

Liên quan đến sự cố vi phạm không phận, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Recep Tayyip Erdogan đã dọa có thể sẽ ngưng mua dầu của Nga, hủy một dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân do Nga phụ trách.
Quay lại cuộc họp ở Bỉ, các bộ trưởng NATO đồng loạt chỉ trích Nga, trong đó đại diện Hà Lan, ông Jeanine Hennis-Plasschaert thẳng thừng: “Nga không có tinh thần xây dựng, không đáng tin và không hợp tác”.

Mỹ thừa nhận truy lùng các phần tử cực đoan như ‘mò kim đáy bể’

Giám đốc Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) ngày 8.10 thừa nhận việc truy lùng, theo dõi và phát hiện những phần tử Hồi giáo cực đoan ở khắp nước Mỹ như “mò kim đáy bể”.
giam doc fbi james comey - anh: reuters

Giám đốc FBI James Comey - Ảnh: Reuters

Trong phiên điều trần trước Ủy ban An ninh nội địa và các vấn đề Chính phủ của Thượng viện Mỹ, Giám đốc FBI James Comey cho biết số phần tử cực đoan, bị ảnh hưởng từ tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS), gia tăng đáng kể trong vòng 18 tháng qua, theo AFP.
Ông Comey thừa nhận, việc săn lùng những phần tử cực đoan giống như “mò kim đáy bể”.
Ông Comey cảnh báo những nhóm Hồi giáo cực đoan như IS đang tăng cường chiến dịch quảng bá, chiêu mộ thông qua mạng xã hội, ngày càng lôi kéo nhiều người ở Mỹ, đa số thanh thiếu niên.
Theo Comey, FBI phát hiện nhiều người ở Mỹ dùng phần mềm mã hóa để qua mặt cảnh sát, lén lút liên lạc với những phần tử IS.
Cũng trong phiên điều trần, ông Nicholas Rasmussen, giám đốc Trung tâm Chống khủng bố quốc gia Mỹ, cho biết khoảng 28.000 người phương Tây đến các khu vực do IS kiểm soát ở Syria để gia nhập tổ chức này, bao gồm 250 người Mỹ.
Một số thượng nghị sĩ Mỹ bày tỏ quan ngại những phần tử khủng bố và IS có thể trà trộn vào làn sóng người tị nạn Syria đến Mỹ.

Mỹ khuyến cáo công dân thận trọng tại Myanmar

Ngày 8.10, AFP dẫn thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ cảnh báo về nguy cơ an ninh tiềm ẩn trong thời gian trước và sau cuộc tổng tuyển cử vào ngày 8.11 ở Myanmar.
an ninh tai myanmar dang duoc that chat chuan bi cho ngay bau cu - anh: afp

An ninh tại Myanmar đang được thắt chặt chuẩn bị cho ngày bầu cử - Ảnh: AFP

Trong khuyến cáo có hiệu lực đến ngày 20.12, Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi công dân nước này thận trọng khi đến du lịch, làm ăn... tại Myanmar trong giai đoạn nhạy cảm, tránh lui tới các điểm bỏ phiếu hay có mặt gần những cuộc tuần hành, biểu tình mang tính chính trị. Tuy nhiên, nhà chức trách khẳng định chưa có bằng chứng cho thấy sẽ xảy ra bất ổn hay người Mỹ sẽ là mục tiêu tấn công.
Theo kế hoạch, cuộc tổng tuyển cử ở Myanmar diễn ra vào ngày 8.11 với sự tham gia của 92 đảng và hơn 300 ứng viên. Theo giới quan sát, đây sẽ là cuộc đua quyết liệt giữa đảng cầm quyền USDP, đang được lòng cử tri sau nhiều thành quả cải cách thời gian qua, và đảng NLD đối lập của bà Aung San Suu Kyi.

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục