tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh chiều 12-10-2015

  • Cập nhật : 12/10/2015

Trung Quốc lôi kéo học giả nước ngoài vào tranh chấp Biển Đông

Trung Quốc đang lôi kéo các học giả quốc tế, trong đó có cả Đài Loan tham gia nghiên cứu tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông.
trung quoc xay duong bang trai phep tren da chu thap o bien dong - anh: afp/airbus

Trung Quốc xây đường băng trái phép trên Đá Chữ Thập ở Biển Đông - Ảnh: AFP/Airbus

Trang tin Want China Times ngày 11.10 cho biết chính phủ Trung Quốc đang "bơm tiền" vào trường đại học Nam Kinh để thực hiện một dự án nghiên cứu những vấn đề liên quan đến Biển Đông. Với nguồn tài chính trên, trường đại học Nam Kinh đã thành lập trung tâm nghiên cứu Biển Đông.
Trung tâm này do ông Zhu Feng, từng là giáo sư của trường đại học Bắc Kinh, điều hành. Want China Times cho biết Bắc Kinh kêu gọi các học giả từ các nước đến trung tâm này và thực hiện các nghiên cứu về Biển Đông, đặc biệt là vụ tranh chấp Philippines khởi kiện Trung Quốc ở tòa án trọng tài quốc tế của Liên Hiệp Quốc từ hồi năm 2013.
Ngoài ra, việc hải quân Mỹ tuyên bố sẵn sàng xâm nhập vùng giới hạn 12 hải lý gần khu vực do Trung Quốc chiếm đoạt trái phép ở Biển Đông hay xây đường băng trên các đảo nhân tạo phi pháp cũng là vấn đề mà Bắc Kinh muốn các học giả nước ngoài tham gia phân tích.
Trung Quốc đặc biệt muốn lôi kéo các học giả lãnh thổ Đài Loan đứng về phía mình trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông. Lâu nay Đài Bắc vẫn thể hiện lập trường riêng ở Biển Đông. Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền phi pháp trên một số hòn đảo ở Biển Đông.
Ông Wu Shicun, Viện trưởng Viện nghiên cứu Quốc gia về Biển Đông, đồng thời cũng là Phó giám đốc của trung tâm mới thành lập ở đại học Nam Kinh, không giấu ý đồ của Bắc Kinh khi muốn lôi kéo học giả Đài Loan cũng như quốc tế. “Nhận thức được những yêu cầu, Trung Quốc có thể sử dụng các học giả từ Đài Loan để tăng cường quyền của mình ở Biển Đông, dựa trên kiến thức của các học giả về lịch sử và luật pháp quốc tế”, ông Wu nói. Ông Wu cho biết Bắc Kinh cũng khuyến khích sinh viên Đài Loan tham gia nghiên cứu Biển Đông tại đại học Nam Kinh.

Kim Jong-un phớt lờ đề nghị nối lại đàm phán hạt nhân của Trung Quốc

 Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã phớt lờ lời đề nghị của lãnh đạo cấp cao Trung Quốc nối lại đàm phán sáu bên về chương trình hạt nhân của Triều Tiên, theo truyền thông nhà nước Trung Quốc.
lanh dao trieu tien kim jong-un va ong luu van son, uy vien thuong vu bo chinh tri, bi thu ban bi thu trung uong dang cong san trung quoc - anh: reuters

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và ông Lưu Vân Sơn, Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc - Ảnh: Reuters

Ông Lưu Vân Sơn, Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc dẫn đầu đoàn đại biểu đảng Cộng sản Trung Quốc sang thăm và làm việc ở Bình Nhưỡng nhân kỷ niệm 70 năm thành lập đảng Lao động Triều Tiên hôm 10.10.
Ông Lưu có buổi gặp với nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un và đưa ra lời đề nghị Bắc Kinh sẵn sàng làm cầu nối giữa Bình Nhưỡng và các bên trong đàm phán sáu bên về chương trình hạt nhân của Triều Tiên bị gián đoạn nhiều năm nay, theo Tân Hoa Xã hôm 10.10. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo trẻ Triều Tiên không đáp lại lời đề nghị này của ông Lưu.
Theo Tân Hoa Xã, ông Kim Jong-un cũng không nhắc gì đến chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng trong cuộc hội đàm trực tiếp với ông Lưu, nhân vật cấp cao số 5 trong đàng Cộng sản Trung Quốc. Thay vào đó, nhà lãnh đạo Triều Tiên đề cập vấn đề khác. Ông Kim Jong-un nói Bình Nhưỡng “cần môi trường bên ngoài ổn định và hòa bình để Triều Tiên phát triển kinh tế và cải thiện đời sống người dân”, theo Tân Hoa Xã.
Trong khi đó, truyền thông Triều Tiên không đề cập gì về lời đề nghị của ông Lưu hay bất kỳ vấn đề gì liên quan đến chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng trong cuộc gặp giữa lãnh đạo Triều Tiên và đại biểu cấp cao của Trung Quốc lần đầu đến tiên Bình Nhưỡng, theo hãng tin Yonhap.
Thay vào đó, hãng tin KCNA của Triều Tiên gọi mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng hiện nay là “giả tạo trong máu”. Hãng tin Yonhap không dẫn gì thêm từ KCNA giải thích cho cách gọi mối quan hệ giữa 2 nước là “giả tạo trong máu”.
Triều Tiên là đồng minh duy nhất của Trung Quốc, nước đã gửi quân đến tham gia cuộc chiến Triều Tiên 1950-1953. Mối quan hệ giữa 2 bên trở nên nguội lạnh trong những năm gần đây, đặc biệt là sau khi Bình Nhưỡng phóng thử tên lửa lần thứ ba vào năm 2013. Lãnh đạo cấp cao nhất của 2 nước chưa đi thăm lẫn nhau kể từ khi nắm quyền.
Nhiều cố gắng ngoại giao được thực hiện để nối lại đàm phán sáu bên (gồm Hàn Quốc, Triều Tiên, Mỹ, Trung Quốc, Nga và Nhật Bản) về chương trình hạt nhân của Triều Tiên đều không có kết quả. Nguyên nhân được cho là Bình Nhưỡng không chấp nhận yêu cầu của các bên về việc chấm dứt chương trình hạt nhân được khởi xướng từ năm 2008.

Tổng thống Obama chê Nga suy yếu trong nước cờ Syria

Những hoạt động của Nga tại Syria là dấu hiệu của sự yếu đuối, không phải sức mạnh, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói với CBS News.

tong thong my barack obama noi rang nhung hoat dong cua nga tai syria chi la bieu hien cua su suy yeu - anh: reuters

Tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng những hoạt động của Nga tại Syria chỉ là biểu hiện của sự suy yếu - Ảnh: Reuters

Trong bản tin 60 phút của CBS News phát sóng lúc 19 giờ 30 ngày 11.10 (giờ địa phương), ông Obama nói về Tổng thống NgaVladimir Putin, Syria, và các ứng viên tranh cử tổng thống Mỹ như Donald Trump và Hillary Clinton. Trong đó, việc Nga tham gia vào cuộc chiến chống khủng bố tại Syria nhận được sự quan tâm đặc biệt.

Khi được hỏi về ý kiến cho rằng Tổng thống Nga Putin đã lấy lại vị thế lãnh đạo hàng đầu của mình bằng việc không kích Syria, Tổng thống Obama đã không đồng tình.

Nhà báo Steve Kroft, người phụ trách chương trình 60 phút nói rằng ở trường hợp Ukraine một năm trước, ông Obama khẳng định Mỹ ở vị thế lãnh đạo hàng đầu của thế giới. Nhưng ở Syria năm nay, có vẻ ông Putin đã thách thức điều đó.

“Vâng, ông ấy (Putin) đưa quân đội đến Syria. Ông ấy đã bao phủ một lực lượng ở mặt đất. Thứ nữa, người Nga đã có hoạt động quân sự tại Trung Đông lần đầu tiên kể từ Chiến tranh thế giới thứ 2”, ông Kroft nói.

Đáp lại, Tổng thống Obama cho rằng chính ông mới là người đã thay đổi cục diện. Khi ông lên nắm quyền tại Mỹ, Ukraine khi ấy vẫn đang do một lãnh đạo “bù nhìn” do chính quyền Nga chi phối (tức Viktor Yanukovich, người bị lật đổ năm 2014). Và tình hình tại Syria lần này cũng không phản ánh cái gọi là “vị thế lãnh đạo” của Nga.

tong thong nga putin (trai) dang duoc danh gia cao trong "nuoc co tai syria" - anh: reuters

Tổng thống Nga Putin (trái) đang được đánh giá cao trong "nước cờ tại Syria" - Ảnh: Reuters

“Syria là đồng minh duy nhất của Nga tại khu vực này. Và hôm nay, họ đang dựa vào sự ủng hộ và giữ những cơ sở họ có ở Syria, vốn lâu nay vẫn thế. Ông Putin đang dâng hiến lực lượng quân đội của riêng ông ta, chỉ vừa đủ để giữ lại đồng minh duy nhất của mình. Và ở Ukraine cũng thế”, Tổng thống Obama nói.

 “Vâng, Steve, tôi phải nói với ông rằng, nếu ông nghĩ việc phải đổ tiền vào khu vực này, gửi quân đến chỗ này, để chống đỡ cho đồng minh duy nhất của mình gọi là “vị thế lãnh đạo”, tôi nghĩ chúng ta đã khác biệt nhau về khái niệm lãnh đạo”, người đứng đầu Nhà Trắng nói thêm.

Kể từ lúc mở cuộc không kích vào các nhóm khủng bố ở Syria hôm 30.9, Nga được đánh giá đã “cao tay” hơn Mỹ, đẩy những hoài nghi và chỉ trích về phía Washington.

Các cuộc không kích của Nga tiếp tục là chủ đề gây tranh cãi giữa các bên. Nga lâu nay vẫn giữ lập trường ủng hộ chính quyền của Tổng thống Syria, Bashar al-Assad. Việc Nga đưa quân vào Syria trên danh nghĩa nhằm tiêu diệt tổ chức cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS), nhưng phía Mỹ luôn cho rằng Nga chỉ nhằm diệt trừ tất cả những tay súng nổi dậy muốn lật đổ al-Assad để bảo vệ đồng minh duy nhất tại Trung Đông.


Mỹ bồi thường cho nạn nhân vụ ném bom nhầm bệnh viện Afghanistan

Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ chi trả một khoản tiền cho gia đình các nạn nhân vụ không kích nhầm của Mỹ vào một bệnh viện của tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF) ở Kunduz, Afghanistan mới đây.
mot goc do nat tai benh vien o kunduz, afghanistan sau khi bi my khong kich - anh: afp

Một góc đổ nát tại bệnh viện ở Kunduz, Afghanistan sau khi bị Mỹ không kích - Ảnh: AFP

“Bộ Quốc phòng Mỹ tin rằng đây là một phần quan trọng nhằm giải quyết những hậu quả của sự cố bi thảm tại bệnh viện Bác sĩ không biên giới ở Kunduz, Afghanistan”, người phát ngôn Peter Cook của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 10.10 phát biểu, theo Reuters. Mỹ cũng sẽ trả chi phí cho việc sửa chữa bệnh viện.
Tổng thống Barack Obama hôm 7.10 đã lên tiếng xin lỗi tổ chức Bác sĩ không biên giới vì vụ ném bom nhầm vào bệnh viện. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter hôm 6.10 cũng nói rằng quân đội Mỹ rất tiếc vì sự mất mát trên và thừa nhận sai sót, đồng thời sẽ tiến hành điều tra nguyên nhân sự việc.
Tổ chức Bác sĩ không biên giới đã yêu cầu các ủy ban quốc tế mở cuộc điều tra vụ việc mà họ gọi là tội ác chiến tranh. Vụ ném bom xảy ra hôm 3.10 khiến 22 người thiệt mạng, trong đó có 12 nhân viên của tổ chức này.

Trung Quốc hy vọng đồng nhân dân tệ có thể sớm gia nhập SDR

Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy những cải cách tài chính với hy vọng đồng nhân dân tệ có thể sớm gia nhập rổ tiền tệ tạo thành đồng tiền dự trữ quốc tế hay còn gọi là Quyền rút vốn đặc biệt của Quỹ Tiền tệ Quốc tế

Ông Dịch Cương, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) cho biết Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy những cải cách tài chính với hy vọng đồng nhân dân tệ (NDT) có thể sớm gia nhập rổ tiền tệ tạo thành đồng tiền dự trữ quốc tế hay còn gọi là Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Ông Dịch Cương đưa ra nhận định trên tại hội nghị thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đang diễn ra ở Lima, Peru ( Peru ). IMF được dự đoán sẽ đưa ra đánh giá về khả năng đồng NDT có thể gia nhập rổ tiền tệ SDR vào cuối năm nay.

Trung Quốc đã mở cửa thị trường trái phiếu liên ngân hàng và thị trường tiền tệ cho các tổ chức tài chính nước ngoài và đã khuyến khích minh bạch thông tin theo các quy định để có thể tham gia SDR. Theo ông Dịch Cương, Trung Quốc sẽ tiếp tục hướng tới mục tiêu này với việc thực hiện các chính sách tiền tệ ổn định.

Trong khi đó, Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde cho hay cơ quan này sẽ hoàn tất đánh giá về khả năng NDT gia nhập SDR trước khi kết thúc năm nay.

Dự kiến, IMF sẽ quyết định về việc liệu NDT có gia nhập rổ tiền tệ SDR trong giai đoạn 5 năm (2016-2021) song thậm chí nếu IMF có “bật đèn xanh” thì điều này sẽ không diễn ra trước tháng 9/2016.

Bên cạnh đó, bà Lagarde cho hay triển vọng kinh tế Trung Quốc không nghiêm trọng như quan ngại. Bà cho rằng kinh tế Trung Quốc đang hồi phục nhưng có chậm lại đôi chút và tiến trình hồi phục kinh tế nước này sẽ lại tăng tốc vào năm 2016.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục