Mỹ tăng cường phòng thủ không gian trước Nga, Trung Quốc
Không quân Mỹ vừa tuyên bố sẽ thành lập một nhóm mới với mục đích bảo vệ nguồn lực ngoài không gian của Mỹ - chủ yếu trước Nga và Trung Quốc
Hiện tại, bộ phận vệ tinh định vị Mỹ đang thông báo thiếu nhân lực trầm trọng. Tướng John Hyten, chỉ huy Lực lượng Không quân, đã nói với phóng viên vào tháng 12-2015: “Hai phi công 19 tuổi chính là hai người phát GPS cho cả thế giới sáng nay. Điều đó thật vô lý!”
Không quân hiện đang chuẩn bị thành lập một nhóm mới tại Không đoàn 50 thuộc tổ hợp Căn cứ Không quân Schriever ở Colorado. Nhóm có 352 người, chia thành bốn phi đội, bao gồm các nhà phân tích quỹ đạo, chuyên gia tình báo, chuyên gia thực hiện sứ mệnh và kỹ sư.
Hai nhóm khác nữa sẽ được lập trong năm nay (2016), một tại Không đoàn 21 ở Căn cứ Peterson, một nhóm khác thuộc Không đoàn 460 tại Căn cứ Buckley. Cả hai đều thuộc bang Colorado.
Kế hoạch tăng cường phòng thủ không gian của Lầu Năm Góc dựa trên những mối đe dọa ngắn hạn.
Mỹ quyết định sẽ tăng cường lực lượng không gian
“Thứ mà chúng ta nên tập trung là tương lai ngay trước mắt. Chúng tôi đang chuẩn bị cho các mối đe dọa trong vòng 1-2 năm tới.” – Trung tá Toby Doran nói với tờ báo Defense One.
“Bốn đợt phóng tên lửa của Nga vào năm 2013 và 2014 đã gây sự chú ý lớn” – Brian Weedan, cựu quan chức của Trung tâm Không quân viết trong một bài báo trên The Space Review. Theo tờ Defense One, tướng Hyten tuyên bố rằng Không quân Mỹ luôn quan sát vị trí các vệ tinh Nga “mọi nơi mọi lúc”.
Ngoài ra, không quân cũng bày tỏ lo ngại sau khi Trung Quốc bắn hạ một vệ tinh thời tiết của chính nó vào năm 2007. Dù chỉ là để tháo dỡ vệ tinh đã hư hại, Washington xem hành động này của Bắc Kinh là phô trương khả năng quân sự, thể hiện tiềm năng có thể nhắm bắn bất kỳ vệ tinh nào.
Gần đây, Mỹ cũng đã lên án Triều Tiên sau khi nước này tuyên bố dự định tiến hành phóng vệ tinh vào cuối tháng 2.
Một quan chức Bộ Ngoại giao giấu tên đã nhấn mạnh rằng bất kỳ vụ phóng vệ tinh nào của Bình Nhưỡng cũng sẽ bị xem là “sự vi phạm nghiêm trọng” nghĩa vụ quốc tế của nó.
Ngân sách quốc phòng Mỹ tăng 59 tỉ USD
Ngày 2-2 (giờ địa phương), Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter sẽ công bố ngân sách Lầu Năm Góc tài khóa năm 2017 (từ đầu tháng 10-2016 đến cuối tháng 9-2017), trong đó tập trung chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng, mua máy bay không người lái nhỏ và củng cố sự hiện diện của Mỹ ở Đông Âu.
AFP dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết ngân sách Lầu Năm Góc tài khóa năm 2017 được ấn định là 524 tỉ USD, tăng 59 tỉ USD so với tài khóa trước. Trong số đó, riêng khoản chi cho công tác chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng là 7 tỉ USD, tăng 35% so với năm trước.
Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ tiếp tục đánh giá trong môi trường đe dọa có Nga sau khi Crimea sáp nhập vào Nga năm 2014. Để đối phó với mối đe dọa Nga, Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ thông báo gia tăng sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Đông Âu, đặc biệt ở Estonia và Romania.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cũng sẽ công bố một số máy bay mới đến giờ được giữ bí mật như các loại máy bay không người lái bay theo đội hình. Ngoài ra, Lầu Năm Góc sẽ đầu tư cho máy bay tấn công mặt đất A-10. Máy bay này được phát triển trong những năm 1970, đúng ra đã “hưu trí” nhưng nay trở thành công cụ quý giá trong công tác chống các phần tử thánh chiến khủng bố.
Triều Tiên thả bong bóng mang giấy vệ sinh đã sử dụng vào Hàn Quốc
Triều Tiên đang đẩy mạnh cuộc chiến tuyên truyền chống Hàn Quốc bằng việc thả bong bóng mang giấy vệ sinh đã qua sử dụng, truyền đơn và đầu lọc thuốc lá vào lãnh thổ Hàn Quốc.
Khi nhìn thấy những quả bóng này, chính quyền Hàn Quốc rất lo ngại chuyện Bình Nhưỡng có nguy cơ tiến hành cuộc tấn công bằng vũ khí hóa sinh nhắm vào nước này, tờ JoongAng Daily (Hàn Quốc) cho hay.
Hàn Quốc khôi phục chương trình thả bong bóng rải truyền đơn chống Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch ngày 6-1 (Ảnh: AFP)
“Khi chúng tôi mở những túi treo của bong bóng rơi xuống đất, chúng tôi phát hiện thấy nhiều truyền đơn và nhiều loại rác hỗn tạp” - một quan chức quân đội Hàn Quốc tiết lộ với tờ JoongAng Daily.
“Chúng tôi lo ngại Triều Tiên có thể đưa những chất hóa sinh để làm hại người dân Hàn Quốc nhưng sau khi phân tích thì phát hiện chúng chỉ là rác. Trong số đó có đầu lọc thuốc lá, giấy vệ sinh đã qua sử dụng và rác thải hàng ngày” -quan chức quân đội Hàn Quốc cho biết thêm.
Một phát ngôn viên của chính phủ Hàn Quốc mô tả phương pháp chiến tranh tâm lý này của Triều Tiên là “ấu trĩ”.
Trước đó, sau vụ Triều Tiên tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch hôm 6-1, Hàn Quốc đã nối lại hoạt động tuyên truyền bằng loa phóng thanh dọc biên giới hai nước. Bình Nhưỡng cũng đáp trả bằng chương trình phát sóng riêng của mình, đồng thời thả bong bóng mang khoảng 1 triệu truyền đơn vào lãnh thổ Hàn Quốc.
Thái Lan trấn áp tội phạm ngành thủy sản
Hơn 100 nghi phạm bị bắt trong chiến dịch trấn áp tội phạm trong ngành công nghiệp thủy hải sản trị giá hàng tỉ USD của Thái Lan vài tháng qua.
Cảnh sát Thái Lan hôm 1-2 cho biết đơn vị chuyên trách đã điều tra 36 vụ và giải thoát 130 nạn nhân buôn người. Phó Cảnh sát trưởng Thammasak Witcharaya cho biết hầu hết 102 nghi phạm bị bắt đều đã bị truy tố, trong đó 36 người lãnh án tù.
Thái Lan đang đẩy mạnh trấn áp tội phạm trong ngành thủy hải sản Ảnh: Reuters
Theo đài BBC, Thái Lan là nước xuất khẩu thủy hải sản lớn thứ ba thế giới. Hồi tháng 4-2015, Liên minh châu Âu cảnh báo sẽ cấm nhập khẩu hải sản Thái Lan nếu nước này không ngăn chặn nạn đánh bắt trái phép và buôn người trong vòng 6 tháng. Mỹ cũng đưa Thái Lan vào danh sách đen những nước còn tồn tại dai dẳng tình trạng bóc lột lao động, kể cả lao động trẻ em, trong ngành thủy hải sản.
Các tổ chức nhân quyền cho biết những ngư dân từ Campuchia và Myanmar bị bán sang Thái Lan và buộc phải làm việc trên thuyền.
Trung Quốc lo ngại về kế hoạch phóng vệ tinh của Triều Tiên
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 3.2 bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về việc Triều Tiên lên kế hoạch phóng tên lửa đưa vệ tinh vào quỹ đạo trong tháng này.
“Chúng tôi bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc này”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng cho biết trong buổi họp báo ngày 3.2, theo AFP.
“Chúng tôi tin rằng Triều Tiên có quyền sử dụng vũ trụ một cách hòa bình”, nhưng vào thời điểm hiện tại Bình Nhưỡng đang bị cấm vận bởi những nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ), ông Lục cho hay.
Các nghị quyết của LHQ cấm Triều Tiên sử dụng bất kỳ công nghệ tên lửa đạn đạo nào.
Ông Lục đưa ra tuyên bố trên sau khi Triều Tiên xác nhận nước này sẽ phóng tên lửa trong khoảng thời gian từ 8 - 25.2, chỉ vài tuần sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố thử nghiệm hạt nhân lần 4 (hay thử bom nhiệt hạch).
Triều Tiên, đồng minh lâu năm của Trung Quốc, luôn khẳng định chương trình không gian nước này chỉ phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên Mỹ và đồng minh cáo buộc kế hoạch phóng tên lửa này là nhằm phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có thể bắn đến các mục tiêu trên đất liền ở Mỹ.
Ông Daniel Russel, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á - Thái Bình Dương, cho biết Triều Tiên tiếp tục vi phạm các nghị quyết LHQ và sẽ đối mặt với các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn.
Chính phủ Hàn Quốc cảnh báo Triều Tiên sẽ “trả giá đắt” nếu tiến hành kế hoạch phóng tên lửa, và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe gọi đây là “hành động gây hấn nghiêm trọng”. Quân đội Nhật cũng được đặt trong tình trạng báo động sẵn sàng bắn hạ các tên lửa Triều Tiên nếu vi phạm không phận.
LHQ từng siết chặt các biện pháp trừng phạt Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng phóng tên lửa Unha-3 đưa vệ tinh vào quỹ đạo hồi tháng 12.2012.
(
Tinkinhte
tổng hợp)