tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh chiều 03-02-2016

  • Cập nhật : 03/02/2016

Ukraine tháo gỡ hàng trăm tượng đài thời Liên Xô

tuong lenin va co lien xo duoc nguoi dan duy tri o donetsk, mien dong ukraine - anh: afp

Tượng Lenin và cờ Liên Xô được người dân duy trì ở Donetsk, miền đông Ukraine - Ảnh: AFP


Trong năm 2015, Ukraine đã tháo dỡ gần 140 tượng đài các nhà lãnh đạo Liên Xô trong khuôn khổ đạo luật về cải cách xã hội, theo báo cáo về hoạt động của Nội các nước này, công bố trên trang web của chính phủ.

“139 di tích của chế độ độc tài toàn trị đã được dỡ bỏ. Chúng ta cần có phương pháp tiếp cận mới đối với những ngày lễ kỷ niệm các sự kiện lịch sử và tưởng niệm các nhân vật từng chiến đấu chống lại chủ nghĩa phát xít”, trích thông báo số 977 ngày 26.11.2015 của Bộ Văn hóa Ukraine.

Hãng tin Nga RIA Novosti ngày 2.2 cho biết, theo báo cáo của Văn phòng chính phủ Ukraine, trong năm 2015 có 40 tượng đài Vladimir Ilich Lenin trên cả nước bị xóa bỏ danh hiệu di tích văn hóa - lịch sử.

Trong năm 2015, Ukraine bắt đầu thực thi một đạo luật có tên gọi “lên án cộng sản và quốc xã”, trong đó nghiêm cấm tuyên truyền các biểu tượng của Liên Xô. Đặc biệt, đạo luật này quy định phải đổi tên các làng mạc, thị trấn, thành phố và những con đường mang tên các nhà lãnh đạo và các chính khách lớn của Liên Xô.

Viện quốc gia Ukraine về di tích lịch sử đã công bố danh sách 520 nhân vật lịch sử bị điều luật về cải cách xã hội lên án và do đó tên của họ phải bị xóa khỏi các tên gọi địa lý. Viện này cho biết, đến cuối tháng 11.2016, có tới hơn 900 khu dân cư (bao gồm làng mạc, thị trấn, thành phố…) phải đổi tên, không mang tên các nhân vật lịch sử thời Xô viết nữa.

Tài liệu này gây ra những dư luận trái chiều trong xã hội, vì nó chưa xác định rõ ràng giới hạn ứng dụng. Các nhà chức trách đã hứa sẽ điều chỉnh một số điểm trong điều luật và loại bỏ những điểm không chính xác.

Tình hình này cho thấy chính quyền Ukraine hiện nay đã quyết đoạn tuyệt hoàn toàn với giai đoạn lịch sử của đất nước gắn với thời Liên Xô, theo nhận xét của các nhà quan sát.


Taliban đánh bom tự sát, 20 cảnh sát Afghanistan thiệt mạng

Một kẻ đánh bom tự sát thuộc Taliban đã tấn công đồn cảnh sát tại Kabul chỉ vài ngày trước vòng đàm phán mới nhằm làm sống lại cuộc đối thoại với nhóm Hồi giáo cực đoan này.

an ninh afghanistan di chuyen mot nan nhan cua vu danh bom tu sat anh: afp

An ninh Afghanistan di chuyển một nạn nhân của vụ đánh bom tự sát Ảnh: AFP

AFP cho biết ít nhất 20 cảnh sát Afghanistan đã thiệt mạng, hàng chục người khác cũng bị thương khi kẻ tấn công cho nổ tung bản thân ngay chỗ một nhóm nhân viên cảnh sát đang chờ để vào trong đồn.

Vụ nổ để lại những bộ phận thi thể và những mảnh vụn cháy đen khắp xung quanh khu vực này.

Vụ đánh bom tự sát đánh dấu một trong những cuộc tấn công tồi tệ nhất nhắm vào lực lượng Afghanistan trong những tháng gần đây bất chấp nỗ lực tái khởi động về một cuộc đàm phán hòa bình vốn bị trì trệ hồi năm ngoái.

"Hậu quả của cuộc tấn công khủng bố gần trụ sở Cảnh sát Trật tự Dân sự Quốc gia Afghanistan là 20 người chết và 29 người khác bị thương" - bộ Nội vụ Afghanistan tuyên bố.

AFP dẫn một nguồn tin quân sự cấp cao cho biết tất cả những người thiệt mạng là cảnh sát và có 3 sĩ quan cảnh sát đang tiếp tục chiến đấu giành lại sự sống trong bệnh viện do vết thương nặng.

Bộ Y tế Afghanistan cho biết một số người bị thương ở ngực do trúng các mảnh đan văng ra từ quả bom được kích nổ bởi kẻ tấn công.

Xe cứu thương được điều đến hiện trường trong khi chính phủ phong tỏa khu vực này.

Taliban cũng đã lên tiếng nhận trách nhiệm vụ đánh bom. Phát ngôn viên của nhóm cực đoan này là Zabihullah Mujahid tuyên bố trên Twitter rằng Taliban đã tiêu diệt và làm bị thương hơn 40 cảnh sát.

Taliban đang tăng cường tấn công vào chính phủ Afghanistan và các mục tiêu người nước ngoài ở nước này trong những tháng gần đây tạo ra tình hình kém an ninh nghiêm trọng cho đất nước.

Đại biểu của Afghanistan, Pakistan, Trung Quốc và Mỹ sẽ gặp nhau hôm 6-2 tại Islamabad để tìm kiếm đàm phán nhằm chấm dứt sự nổi dậy kéo dài 15 năm qua của Taliban.


Kết quả bầu cử sơ bộ ở Iowa: Bà Clinton và ông Cruz dẫn đầu

Không nhiều bất ngờ sau kết quả bầu cử sơ bộ theo hình thức họp kín (caucus) ở bang Iowa mở màn chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ ngày 1.2, nhưng tỉ phú Donald Trump không đứng đầu đảng Cộng hòa như dự kiến.

Đêm 1.2 (sáng 2.2 theo giờ Việt Nam), kết quả bầu cử theo hình thức họp kín (caucus) ở bang Iowa đã công bố với bà Hillary Clinton và ông Ted Cruz đứng đầu về tỉ lệ ủng hộ lần lượt tại đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa, theo CNBC.

Theo kết quả được công bố sáng nay 2.2, phía đảng Dân chủ thì bà Clinton được 51% số phiếu, nhỉnh hơn chỉ một chút so với 49% của ông Bernie Sanders, và ông Martin O’Malley được 1%.

ba clinton nhinh hon ong sanders mot chut ben dang dan chu - anh chup man hinh cnbc

Bà Clinton nhỉnh hơn ông Sanders một chút bên đảng Dân chủ - Ảnh chụp màn hình CNBC

Bên đảng Cộng hòa, ba ứng viên hàng đầu vẫn nhận được tỉ lệ ủng hộ cao nhất. Tuy nhiên ông Donald Trump, người cực kỳ nổi trội trên báo đài và đứng nhất theo cuộc thăm dò của Bloomberg gần đây, chỉ về thứ hai với 26%, sau Ted Cruz (29%). Người xếp thứ ba là Marco Rubio với 21%. Em trai của cựu tổng thống George W. Bush, ông Jeb Bush chỉ được 3% ủng hộ, trong khi John Kasich, người được tờ The New York Times "đánh giá rất cao" chỉ nhận 2% tỉ lệ ủng hộ.

ong donald trump bat ngo bi ong ted cruz vuot mat ben dang cong hoa - anh chup man hinh cnbc

Ông Donald Trump bất ngờ bị ông Ted Cruz vượt mặt bên đảng Cộng hòa - Ảnh chụp màn hình CNBC

Theo nhận định của báo chí Mỹ, kết quả lần này thực chất không phản ánh nhiều bất ngờ. Bà Hillary Clinton vẫn chỉ nhỉnh hơn ông Bernie Sanders 2 điểm phần trăm, đúng như quá trình thu hẹp khoảng cách ủng hộ giữa họ trong nhiều tuần gần đây.

Donald Trump mặc dù vẫn được ủng hộ cao, song Thượng nghị sĩ bang Texas Ted Cruz đã nổi trội hơn trong tháng 1.2016.

Người về nhất ở Iowa thường không phản ánh quá chính xác kết quả cuối cùng của đảng Cộng hòa, nhưng nó đã “dự đoán” chính xác người thắng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ bên đảng Dân chủ trong 3 lần bầu cử kiểu họp kín gần đây nhất, theo CNBC.

Sau buổi bầu cử theo hình thức họp kín này, ngày 9.2 tới các ứng viên tranh cử tổng thống Mỹ sẽ tiếp tục bước vào lần bỏ phiếu tại bang New Hampshire.


Nga phản đối Mỹ đặt lá chắn tên lửa ở Hàn Quốc

he thong phong thu ten lua thaad cua my trong mot lan thu nghiem - anh: reuters

Hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ trong một lần thử nghiệm - Ảnh: Reuters


Đại sứ Nga tại Hàn Quốc Alexander Timonin ngày 2.2 phản đối việc Mỹ định triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD ở Hàn Quốc.

Đại sứ Timonin cho hay việc triển khai THAAD sẽ không thể giúp mang lại hòa bình và ổn định ở Đông Bắc Á, cũng như không giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, theo Tân Hoa xã. Ông Timonin kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, ngăn chặn bất kỳ những hành động nào có thể làm xấu đi tình hình khu vực.
Triều Tiên tuyên bố thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch ngày 6.1. Trong buổi họp báo thường nhật ngày 1.2, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho hay việc kết hợp THAAD và hệ thống phòng thủ tên lửa nội địa KAMD (Seoul đang phát triển) sẽ giúp bảo vệ Hàn Quốc trước những nguy cơ tấn công bằng tên lửa và hạt nhân từ Triều Tiên.
Đại sứ Nga cho biết thêm ông chứng kiến Seoul và Washington tăng cường thảo luận về THAAD, và bày tỏ kỳ vọng việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa này sẽ không ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ Hàn Quốc và Nga.
Bình luận về những biện pháp trừng phạt Triều Tiên sau vụ thử nghiệm bom nhiệt hạch, ông Timonin cho hay đàm phán 6 bên là biện pháp hữu hiệu nhất để giải quyết vấn đề hạt nhân ở Triều Tiên. Theo ông Timonin, Nga cũng có cùng quan điểm với Trung Quốc về các biện pháp, bao gồm đàm phán 6 bên, để giải quyết vấn đề này.
Đàm phán 6 bên, bao gồm Hàn Quốc, Triều Tiên, Trung Quốc, Mỹ, Nga và Nhật Bản đã bị trì hoãn từ năm 2008.
Hồi tháng 3.2015, Bộ Ngoại giao Triều Tiên từng tố cáo việc Mỹ định triển khai THAAD ở Hàn Quốc là nhằm kiềm chế Trung Quốc và Nga.

Hơn 20 nước họp tại Rome bàn chống IS

Quan chức từ 23 nước tổ chức cuộc họp tại thủ đô Rome (Ý) hôm 2.2 để bàn về cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Syria và Libya, Reuters cho biết.

Các nước này thuộc Liên minh Toàn cầu tiêu diệt IS (Global Coalition to Counter ISIL), một tổ chức có 65 thành viên cùng hợp tác chống lại các tay súng cực đoan IS. Tại Rome, họ sẽ xem xét các nỗ lực để giành lại phần lãnh thổ do IS chiếm đóng tại Syria và Iraq, thảo luận cách kiềm chế tầm ảnh hưởng của tổ chức cực đoan này, đặc biệt tại Lybia.

Cuộc họp hôm 2.2 chú trọng việc bình ổn thành phố Tikrit ở Iraq, đã được liên quân giành lại từ IS. Ngoài ra là họp bàn về các biện pháp cắt đứt nguồn tài chính của IS, ngăn việc chiêu mộ các tay súng nước ngoài của tổ chức này và chống lại các thông điệp của IS. Trước đó vào đầu năm 2015, IS cũng tuyên bố sẽ tấn công chính thủ đô Rome của Ý.

Lần họp này diễn ra riêng biệt với cuộc đàm phán hòa bình diễn ra tại Geneva (Thụy Sĩ), nơi các nước cùng ngồi lại đàm phán với phe chính phủ và phe nổi dậy tại Syria để chấm dứt cuộc chiến kéo dài 5 năm qua cũng như tìm giải pháp chính trị cho nước này.

Trang web có nội dung chống chiến tranh antiwar.com cho biết cuộc họp lần này có thể “mang ảnh hưởng lớn hơn cuộc đàm phán tại Geneva”. Theo đó, Mỹ có vẻ đã xem Libya là trọng tâm trong cuộc chiến chống IS và có khả năng mở rộng chiến tranh vào Libya.

Hiện tại Anh và Pháp là những nước có khuynh hướng ủng hộ việc đẩy mạnh quân sự của Mỹ ở Libya, và Thủ tướng Anh David Cameron có kế hoạch gửi 1.000 quân tới Libya, theo antiwar.com.

Cũng như ở Syria, các tay súng IS đang lan rộng tại Libya, trong bối cảnh nước này vẫn chưa có chính phủ đoàn kết mới sau sự sụp đổ của chính quyền Muammar Gaddafi năm 2011. Các tay súng ở Libya vẫn đang đấu tranh, tương tự việc những phe nổi dậy tại Syria muốn lật đổ chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục