Quân đội Nga đã có nhiều thay đổi lớn, không chỉ trong việc huấn luyện, trang bị vũ khí, mà còn ở mô hình nghiên cứu phát triển nhằm biến họ trở thành một trong những lực lượng tinh nhuệ nhất thế giới.
Tin thế giới đọc nhanh chiều 05-02-2016
- Cập nhật : 05/02/2016
Nhật Bản dành 107 triệu USD phát triển đảo ở Thái Bình Dương
Nhật Bản vừa công bố dành ra 107 triệu USD mở mang thêm đảo san hô Okinotorishima trên Thái Bình Dương của nước này, cách Tokyo 1.740 km.
Theo SCMP, chính phủ Nhật Bản sẽ dành 13 tỉ yen (107 triệu USD) cho việc xây dựng lại các công trình hạ tầng trên đảo san hô Okinotorishima cách thủ đô Tokyo 1.740 km về phía nam.
Động thái này sẽ giúp mở rộng vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản trên Thái Bình Dương.
Trước nay Trung Quốc là nước luôn lớn tiếng chỉ trích tuyên bố chủ quyền của Nhật Bản tại đảo san hô Okinotorishima.
Nước này dẫn Công ước Liên hợp quốc về luật biển nói rằng Okinotorishima chỉ là một bãi đá mà người không thể ở được, vì thế Tokyo không thể sử dụng nó để mở rộng vùng thềm lục địa cũng như vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý.
Tại thời điểm hiện tại Bắc Kinh chưa có bình luận gì về những kế hoạch mới nhất trong quá trình phát triển đảo Okinotorishima của Nhật Bản, tuy nhiên giới chuyên gia cho rằng, đó chỉ là chuyện sớm hay muộn mà thôi.
Phó giáo sư Stephen Nagy thuộc khoa chính trị và quan hệ quốc tế Đại học Thiên chúa giáo quốc tế ở Tokyo nói: “Phản ứng của Trung Quốc sẽ thú vị, nhất là khi nhìn vào những gì đang diễn ra tại Biển Đông. Tôi không nghĩ là họ sẽ phớt lờ tuyên bố này của Nhật. Họ sẽ nói đó là một phần trong chiến lược hợp thức hóa tầm nhìn của Nhật Bản về tình trạng của đảo Senkaku (mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư), tuy nhiên họ sẽ cố gắng tách biệt nó với những gì Bắc Kinh đang làm ở Biển Đông”.
Giới chuyên gia cho rằng, sẽ thật mỉa mai nếu giờ đây Bắc Kinh cứ khăng khăng trích dẫn những lập luận pháp lý để chứng tỏ vì sao Nhật Bản không được phép phát triển đảo Okinotorishima, trong khi đó lại chính là những gì quốc gia này đang làm trên một số bãi cạn ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Một căn cứ được Nhật Bản xây dựng năm 2013 tại đảo san hô Okinotorishima để dùng làm nơi bốc dỡ đồ tiếp tế, nhiên liệu và nước - Ảnh: Asahi Shimbun
Đảo Okinotorishima có ý nghĩa rất quan trọng với Nhật Bản trong công cuộc tìm kiếm những nguồn tài nguyên mới. Vùng đáy biển xung quanh đảo này được cho là lưu trữ các nguồn tài nguyên có giá trị hàng ngàn tỉ yen.
Chính phủ Nhật Bản đặc biệt quan tâm tới việc phát triển trữ lượng khí methane hydrate, loại khí được xem như một nguồn năng lượng quan trọng của tương lai.
Nếu các tài nguyên khoáng sản được khai thác ở quy mô công nghiệp, nó sẽ giúp Nhật Bản giảm đáng kể tình trạng phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc.
Thêm ứng cử viên tổng thống Mỹ bỏ cuộc
Cuộc đua đến Nhà Trắng mới chỉ bắt đầu nhưng đã có thêm hai ứng cử viên Đảng Cộng hòa tuyên bố bỏ cuộc do tỷ lệ ủng hộ quá thấp.
Theo AFP, Thượng nghị sĩ Rand Paul và cựu Thượng nghị sĩ Rick Santorum cho biết quyết định dừng chiến dịch tranh cử do kết quả quá tệ hại ở cuộc bầu cử sơ bộ tại bang Iowa. Như vậy hiện danh sách ứng cử viên Cộng hòa còn lại chín người.
Ở Iowa, ông Santorum kết thúc ở vị trí thứ 11 trong số 12 ứng cử viên Cộng hòa. Ông tuyên bố ủng hộ Thượng nghị sĩ Marcio Rubio, người về ba trong cuộc bầu cử sơ bộ ở Iowa. Ông mô tả ông Rubio có những chính sách và giá trị tương đồng với ông
Trong khi đó, ông Paul xếp thứ năm ở Iowa. “Mở một chiến dịch tranh cử tổng thống là vinh dự lớn” - ông Paul khẳng định. Trước đó, cựu Thống đốc Arkansas Mike Hucakabee cũng đã rút khỏi cuộc đua của Đảng Cộng hòa.
Dẫu vậy, danh sách ứng cử viên còn lại của Đảng Cộng hòa vẫn khá đông, vượt xa phía Đảng Dân chủ. Mới đây bà Carly Fiorina, người chỉ nhận được tỷ lệ ủng hộ vỏn vẹn 1,9% ở Iowa, cho biết bà vẫn quyết tâm tranh cử. “Tôi quyết trở thành tổng thống Mỹ” - bà Fiorina nhấn mạnh.
Trên thực tế, cuộc cạnh tranh giành chiếc vé đại diện Đảng Cộng hòa để tranh cử tổng thống Mỹ chỉ diễn ra giữa ba nhân vật là Thượng nghị sĩ Ted Cruz, tỷ phú Donald Trump và Thượng nghị sĩ Rubio. Sau thất bại trước ông Cruz ở Iowa, ông Trump đang mở chiến dịch tấn công đối thủ một cách dữ dội.
“Ted Cruz không thắng ở Iowa, ông ta ăn trộm chiến thắng đó. Đó là lý do tại sao kết quả bầu cử sơ b ộ không trùng với các khảo sát” - ông Trump cáo buộc trên mạng xã hội Twitter. Đi vận động tranh cử ở Little Rock, Arkansas, ông Trump cũng nhắc lại cáo buộc này.
Ông Trump cũng lên án ông Cruz dối trá khi đội ngũ tranh cử của ông gửi thư điện tử ám chỉ ứng cử viên Cộng hòa khác là Ben Carson đã rút khỏi đường đua, và kêu gọi cử tri Iowa chống lưng cho ông Carson chuyển sang ủng hộ ông Cruz. Sau đó ông Cruz đã phải xin lỗi vì nội dung bức thư này.
Phản ứng lại ông Cruz cho rằng ông Trump “lên cơn điên”. “Tôi thức dậy hàng ngày và cười phá lên trước những tin nhắn Trump gửi trên Twitter. Chúng ta cần một người có bản lính và tính cách để bảo vệ đất nước chứ không phải người như ông ta” - ông Cruz trả đòn.
Trong khi đó, về phía Đảng Dân chủ, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton và Thượng nghị sĩ Bernie Sanders cũng đấu khẩu qua lại chan chát. Khi đi vận động tại New Hampshire, bà Clinton lên án ông Sanders tự tâng mình là chính trị gia cánh hữu tiến bộ thuần túy một cách thiếu công bằng.
“Tôi là người theo chủ nghĩa tiến bộ và luôn làm được những gì cần thiết. Tôi sẽ trở thành một tổng thống tiến bộ làm được những điều cần làm. Tôi bật cười khi nghe Thượng nghị sĩ Sanders tự tô vẽ mình là người gác cổng của chủ nghĩa tiến bộ” - bà Clinton nói.
Đáp trả lại, ông Sanders cáo buộc bà Clinton nhận tiền quyên góp chính trị từ các đại gia Phố Wall, bỏ phiếu ủng hộ cuộc xâm lược Iraqn năm 2003 và ủng hộ các chính sách thương mại với Trung Quốc bị xem là khiến người Mỹ mất công ăn việc làm.
Cuộc bầu cử sơ bộ ở bang New Hampshire sẽ diễn ra vào ngày 9-2 tới. Theo các kết quả khảo sát, tỷ phú Trump và Thượng nghị sĩ Sanders nhiều khả năng sẽ giành chiến thắng.
Thủ tướng Malaysia không dính líu tham nhũng?
Một quan chức Thụy Sĩ cho biết Thủ tướng Malaysia Najib Razak không nằm trong số những người bị cáo buộc phạm tội trong vụ tham nhũng liên quan Quỹ phát triển Malaysia 1MDB.
Theo Reuters, trước đó Văn phòng tổng công tố Thụy Sĩ (OAG) tuyên bố đã xác nhận bốn trường hợp có hành vi sai trái liên quan đến việc “rút ruột” khoảng 4 tỉ USD từ các dự án phát triển ở Malaysia. Người phát ngôn Andre Marty của OAG khẳng định “ông Najib Razak không nằm trong số các quan chức nhà nước bị buộc tội”.
Hồi tháng 8-2015, OAG đã công bố thủ tục tố tụng hình sự liên quan đến quỹ 1MDB mà ông Najib làm chủ tịch ban cố vấn. Tuần rồi, OAG tiếp tục ra thông báo yêu cầu Bộ Tư pháp Malaysia hợp tác điều tra. Cuộc điều tra tầm quốc tế này liên quan đến khả năng hối lộ các quan chức nước ngoài, rửa tiền và quản lý công ích thiếu trung thực... Cuộc điều tra cũng liên quan đến hai cựu quan chức (không nêu tên) của 1MDB.
Trước đó, Văn phòng tổng công tố Malaysia đã ra tuyên bố Thủ tướng Najib vô tội và số tiền 681 triệu USD chuyển vào tài khoản ngân hàng cá nhân của ông là một món quà từ gia đình hoàng gia Saudi Arabia.
Hàn, Nhật, Mỹ cảnh cáo Bình Nhưỡng phóng vệ tinh
Hôm qua, Seoul và Tokyo đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ kế hoạch phóng vệ tinh của CHDCND Triều Tiên.
Theo AFP, chính quyền Seoul cho rằng kế hoạch phóng vệ tinh của Triều Tiên thực chất chỉ nhằm “thử nghiệm tên lửa”, nên cảnh báo Bình Nhưỡng “sẽ trả giá đắt” nếu vẫn tiếp tục kế hoạch này.
Trong khi đó, theo Reuters, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cho biết sẽ làm việc với Mỹ và các quốc gia khác để “mạnh mẽ yêu cầu” Bình Nhưỡng ngừng kế hoạch phóng tên lửa, một động thái mà ông Abe mô tả là khiêu khích và đe dọa an ninh quốc gia. Tokyo cũng đã tổ chức phiên họp Hội đồng An ninh quốc gia gồm các bộ trưởng chủ chốt để đánh giá tình hình.
Từ hôm 2-2, Bình Nhưỡng đã thông báo với các cơ quan chuyên môn của Liên Hiệp Quốc (LHQ) về kế hoạch phóng vệ tinh quan sát Trái đất Kwangmyongsong trong khoảng ngày 8 đến 25-2.
Theo thông báo, vệ tinh này sẽ hoạt động kéo dài bốn năm trên quỹ đạo tầm thấp. AFP cho rằng vệ tinh có thể được phóng lên vào dịp sinh nhật cố lãnh đạo Kim Jong Il ngày 16-2.
Mỹ cũng nhanh chóng lên án kế hoạch này, khi cáo buộc đó là “một sự vi phạm nghiêm trọng khác” các nghị quyết LHQ sau vụ thử hạt nhân tháng rồi và kêu gọi thắt chặt hơn các biện pháp trừng phạt của LHQ đối với Bình Nhưỡng.
Trợ lý ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel đã kéo Trung Quốc vào cuộc khi tuyên bố: “Triều Tiên đã thách thức Hội đồng Bảo an LHQ, thách thức láng giềng Trung Quốc, thách thức cộng đồng quốc tế bất chấp hòa bình và an ninh khu vực”.
Trung Quốc đã cử đặc phái viên về vấn đề hạt nhân Triều Tiên đến thủ đô Bình Nhưỡng hôm 2-2, tăng áp lực lên chính quyền Kim Jong Un nhằm chấm dứt mối đe dọa mới nhất này.
Mỹ sẵn sàng tuần tra biển Đông cùng Philippines
Ngày 3-2, Đại sứ Mỹ tại Philippines Philip Goldberg thông báo hải quân nước này sẵn sàng tuần tra biển Đông chung cùng lực lượng Philippines.
Theo Reuters, Đại sứ Goldberg cho biết mới đây chính quyền Philippines đã đề nghị Mỹ cùng tuần tra biển Đông chung. Đề nghị này được đưa ra sau khi Trung Quốc tổ chức các chuyến bay thử nghiệm bất hợp pháp tới Đá Chữ Thập thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Đá Chữ Thập là một trong ba đảo nhân tạo Trung Quốc xây đường băng dài 3.000m. “Chúng tôi đã thảo luận nguyên tắc về tuần tra chung với Philippines. Chúng tôi có thể sẽ tổ chức các cuộc tuần tra như vậy” - ông Goldberg khẳng định.
Đại sứ Mỹ nhấn mạnh Mỹ sẽ không thông báo trước các cuộc tuần tra trên biển Đông. “Bởi theo quan điểm của chúng tôi, chúng tôi có quyền thực hiện tự do hàng hải trên biển Đông theo như quy định của luật pháp quốc tế và chúng tôi sẽ tiếp tục làm điều đó” - ông Goldberg nói.
Trong thời gian qua Mỹ đã vài lần triển khai tàu chiến và máy bay tới tuần tra trên biển Đông. Tuần trước, một tàu khu trục Mỹ đã tuần tra trong vùng 12 hải lý quanh đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Đây là nơi bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp từ năm 1974.