Nhật Bản dành 107 triệu USD phát triển đảo ở Thái Bình Dương
Thêm ứng cử viên tổng thống Mỹ bỏ cuộc
Thủ tướng Malaysia không dính líu tham nhũng?
Hàn, Nhật, Mỹ cảnh cáo Bình Nhưỡng phóng vệ tinh
Mỹ sẵn sàng tuần tra biển Đông cùng Philippines
Tin thế giới đọc nhanh 04-02-2016
- Cập nhật : 04/02/2016
Máy bay Trung Quốc xâm phạm không phận Hàn Quốc, Nhật Bản
Hai chiếc máy bay quân sự Trung Quốc đã bay vào không phận của Hàn Quốc và Nhật Bản. Nhật Bản đã lập tức điều máy bay ngăn chặn hành vi này.
Theo UPI, sự việc xảy ra từ ngày chủ nhật, 31-1, nhưng chưa rõ sao tới ngày 2-2, thông tin này mới được công bố.
Theo đó hãng thông tấn Yonhap dẫn nguồn tin từ Hội đồng tham mưu trưởng liên quân của Seoul cho biết, hai chiếc máy bay chiến đấu đã đi vào Vùng nhận diện phòng không Hàn Quốc (KADIZ) này 31-1.
Theo hãng thông tấn Kyodo của Nhật Bản, đó là những máy bay Shaanxi Y-9, loại chiến đấu cơ tầm trung có trọng tải 25 tấn.
Không phận của Hàn Quốc có vùng chồng lấn với không phận của Trung Quốc và theo phía Hàn Quốc, Trung Quốc đã không thông báo với Seoul về kế hoạch bay của họ.
Phát ngôn viên của Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc, ông Jeon Ha-gyu, cho biết, Hàn Quốc phát hiện hai máy bay lạ đi vào không phận của họ ở vùng phía nam bán đảo Triều Tiên.
Sau đó họ xác định được đó là máy bay của Trung Quốc và ông Jeon Ha-gyu nói các máy bay này không có hành vi nào mang tính đe dọa quân sự.
Cũng theo ông Jeon Ha-gyu, Seoul đã triển khai các biện pháp do thám và chiến lược cần thiết đối phó với máy bay Trung Quốc và Hàn Quốc cũng sẵn sàng phản ứng với bất cứ hành vi xâm phạm nào vào khu vực không phận đặc quyền của nước này.
Hai máy bay Trung Quốc bay về phía tây nam đảo Jeju và sau khi rời KADIZ, chúng bay vào Vùng nhận diện phòng không của Nhật Bản (JADIZ).
Hãng Kyodo cho biết chúng bay qua eo biển Tsushima rồi mới bay trở về.
Báo Mainichi Shimbun đưa tin các máy bay chiến đấu của Nhật đã được điều động để ngăn cản hoạt động của các máy bay Trung Quốc.
Phía Nhật cho rằng đây là những máy bay do thám Trung Quốc nhằm thu thập tin tức về các tàu khu trục lớp Aegis của Nhật Bản.
Trước đó Bộ Quốc phòng Nhật Bản triển khai các tàu khu trục lớp Aegis trang bị hệ thống đánh chặn tên lửa SM-3 trên biển Nhật Bản và các vùng biển xung quanh để đối phó tình huống CHDCND Triều Tiên bắn tên lửa vào không phận Nhật Bản.
90% lãnh thổ Nga bị dịch cúm tấn công
Khoảng 90% diện tích lãnh thổ Nga đang bị dịch cúm theo mùa và cúm lợn (H1N1) hoành hành. Dịch bệnh tới nay đã khiến hơn 120 người thiệt mạng.
Khoảng 90% diện tích lãnh thổ Nga đang bị dịch cúm theo mùa và cúm lợn (H1N1) tấn công - Ảnh: Novorossia
Theo Moscow Times, thông tin do tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Rospotrebnadzor ở Nga công bố ngày 2-2, tại 74/85 khu vực ở Nga tình trạng lây nhiễm đã vượt ngưỡng chuẩn của dịch bệnh. Khoảng 9.000 trường học và hơn 1.600 nhà trẻ đã phải đặt trong tình trạng cách ly vì dịch cúm.
Tại vùng Stavropol, 416 trường học đã phải bắt đầu kỳ nghỉ sớm hơn vì dịch cúm lây lan tới hơn 76,6% diện tích toàn vùng. Trong khi đó vùng Yaroslavl đã có kế hoạch tạm thời đóng cửa các trường tiểu học.
Bộ Y tế Nga ước tính dịch cúm sẽ bùng phát tới đỉnh điểm vào cuối tuần này.
Trong diễn biến liên quan, theo Webmarked, cùng với dịch cúm theo mùa, dịch cúm lợn (H1N1) cũng đang bùng phát mạnh tại thành phố lớn thứ hai của Nga là Saint Peterburg khiến 22 người thiệt mạng.
Kể từ đầu mùa đông đến nay, trên toàn Nga đã có khoảng 80 ca nhiễm cúm lợn. Giới chức y tế nước này cho biết, mỗi ngày họ phải điều trị khoảng 12.000 người với các triệu chứng cúm và tới 80% trong đó có thể bị nhiễm virút cúm lợn.
Các quan chức Nga vẫn khẳng định diễn biến dịch cúm hiện nay là chưa đáng lo ngại, ngày 1-2, Bộ trưởng y tế Veronika Skvortsova khẳng định, dịch cúm lợn vẫn đang được “kiểm soát hoàn toàn” và tổng số ca nhiễm virút cúm nói chung vẫn chưa vượt quá số lượng trung bình so với mọi năm.
Bất chấp sự trấn an của giới quan chức, người dân Nga vẫn đổ xô tới các nhà thuốc để mua khẩu trang phòng cúm và thuốc trị bệnh. Nhiều dược sĩ cho biết tới thời điểm này họ đã hết sạch thuốc cúm và khẩu trang để đáp ứng nhu cầu người dân.
EU đạt thỏa thuận với Anh
Hôm qua, Reuters đưa tin Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được thỏa thuận về cơ chế phủ quyết các đạo luật “không mong muốn” của EU, một trong bốn yêu cầu cải cách chính của London để ở lại khối.
Đây là một phần của dự thảo thỏa thuận được Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk công bố.
Theo thỏa thuận, một nhóm ít nhất 55% thành viên EU sẽ có quyền giơ thẻ đỏ hoặc yêu cầu thay đổi các điều luật mới mà EU đưa ra. “Sự đột phá này sẽ cho phép Brussels nghe rõ tiếng nói từ quốc hội các nước” - một nguồn tin tiết lộ thông tin về thỏa thuận cho biết. Các nước thành viên sẽ có ba tháng để phản đối đạo luật mới.
Thỏa thuận này giải quyết lo ngại của London về việc tập trung quá nhiều quyền lực trong tay Brussels. Trước đó, ngày 31-1, sau cuộc gặp giữa Thủ tướng Anh David Cameron và ông Tusk, Anh cũng tuyên bố đã đạt được thỏa thuận cho phép London ngưng chi trả phúc lợi cho người nhập cư trong vòng bốn năm.
Thỏa thuận đề xuất của ông Tusk sẽ tạo tiền đề cho hội nghị EU về vấn đề đi hay ở của London vào ngày 18-2. Nếu đạt được thỏa thuận tại hội nghị, Anh sẽ tiến hành trưng cầu ý dân vào tháng 6-2016. Một điều khó khăn mà Thủ tướng Cameron cần làm là thuyết phục người dân rằng thỏa thuận này sẽ giải quyết các lo ngại của họ.
Phi công Hàn Quốc dọa sang Trung Quốc
Liên đoàn nghề phi công Hàn Quốc đang gây áp lực buộc Hãng Korean Air phải tăng lương 37%, nếu không sẽ bỏ sang đầu quân cho các hãng bay Trung Quốc.
Theo CNN, khoảng 1.900 thành viên thuộc hai liên đoàn phi công tại Hàn Quốc đã phản ứng quyết liệt với việc tăng lương 1,9% của Korean Air.
Phía Korean Air giải thích mức lương hằng năm của phi công Korean Air là 116.000 USD, chưa kể các phúc lợi, đã thuộc diện “đỉnh” ở Hàn Quốc. Tuy nhiên ông Seo Sang Won, người đại diện cho Liên đoàn Phi công Hàn Quốc, đáp trả: “Yêu cầu của chúng tôi là chính đáng vì công ty đã không tăng lương hoặc tăng không đáng kể trong vài năm qua”.
Ông Won cảnh báo nếu không được tăng lương, nhiều phi công Hàn sẽ nhảy việc, nhất là sang Trung Quốc.
Theo Korea Times, mức lương trung bình của phi công Hàn Quốc chỉ bằng 1/3 so với phi công Trung Quốc, mặc dù vẫn có những khác biệt về phúc lợi, thời gian lao động.
Ông Won cho biết thêm: “Năm ngoái khoảng 140 phi công Hàn Quốc nhảy việc và 40 người trong số họ đã chọn các hãng bay Trung Quốc”.
Triều Tiên thông báo phóng vệ tinh quan sát Trái đất
Các cơ quan thuộc Liên Hiệp Quốc nhận được thông báo từ Triều Tiên rằng nước này sẽ tiến hành phóng vệ tinh sớm nhất trong tuần tới, một động thái càng khiến phương Tây lo ngại.
Đặc sứ Trung Quốc về bán đảo Triều Tiên Wu Dawei đến sân bay Bình Nhưỡng ngày 2-2 - Ảnh: Reuters/Kyodo
Theo Reuters, tin tức Bình Nhưỡng phóng vệ tinh càng khiến Mỹ tăng cường kêu gọi áp thêm lệnh cấm vận lên Triều Tiên. Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng LHQ cần phải gửi đến Triều Tiên “một thông điệp nhanh, dứt khoát”.
Bình Nhưỡng vẫn một mực khẳng định họ có quyền theo đuổi chương trình không gian. Trong khi đó, Mỹ và nhiều nước lo ngại đây là các vụ thử tên lửa ngụy trang.
“Chúng tôi đã nhận thông báo từ Triều Tiên liên quan đến vụ phóng vệ tinh quan sát trái đất Kwangmyongsong trong khoảng ngày 8-25 tháng 2”, Tổ chức Hàng hải quốc tế, một cơ quan thuộc LHQ xác nhận.
Liên minh Viễn thông quốc tế cho biết vệ tinh của Triều Tiên có thời hạn hoạt động bốn năm trên quỹ đạo phi địa tĩnh.
Nhà Trắng gọi vụ phóng vệ tinh của Bình Nhưỡng là “một hành động khiêu khích gây mất ổn định”.
“Thêm một vi phạm nghị quyết HĐBA LHQ từ phía Triều Tiên tiếp nối sau vụ thử hạt nhân. Đây là một cái tát vào mặt những ai cương quyết cần kiên nhẫn và đối thoại với Bình Nhưỡng thay vì cấm vận”, trợ lý ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel ám chỉ đồng minh của Triều Tiên là Trung Quốc.
Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA trước đó đưa tin đặc sứ Trung Quốc về bán đảo Triều Tiên Wu Dawei đã đến thủ đô Bình Nhưỡng ngày 2-2.