Nếu chiến tranh ở Đông Âu, Nga chỉ cần 36 giờ để thắng NATO
Khi kiểm tra tất cả các kịch bản quân sự có thể xảy ra, cố vấn quân sự quân đội Mỹ rút ra kết luận: Nga sẽ chỉ mất từ 36 đến 60 giờ để 27 tiểu đoàn thiết giáp hạng nặng của mình chiến thắng 12 tiểu đoàn thiết giáp hạng nhẹ của NATO trước khi chiếm thành công các quốc gia ven biển Baltic.
Nghiên cứu cho thấy, nhiều khả năng Nga sẽ bắt đầu chiến tranh bằng một cuộc tấn công hai hướng qua biên giới Latvian, đưa các tiểu đoàn vũ trang hạng nặng từ phía bắc đánh về hướng nam, đẩy lùi liên quân Latvia và NATO và chiếm thủ đô Riga.
Sau đó, phần còn lại của 27 tiểu đoàn thiết giáp cơ động Nga sẽ vượt hồ Narva vào Estonia, tấn công khu vực lãnh thổ phía đông bắc nước này và tiến thẳng đến thủ đô Tallinn của Estonia.
Bản đồ miêu tả bước tiến của Nga trong viễn cảnh chiến tranh Châu Âu theo nghiên cứu của Mỹ.
Hy vọng duy nhất của NATO là tập trung lực lượng tại Tallinn và Riga cố gắng làm chậm bước tiến của Nga trên các tuyến đường chính. Nhưng cuối cùng, phương Tây vẫn 'sẽ phải tung ra một cuộc tấn công hạt nhân muộn màng'.
"Kết quả vẫn sẽ là một thảm họa cho NATO," báo cáo kết luận.
Nghiên cứu cũng cảnh báo, các lực lượng mặt đất NATO không có xe tăng chiến đấu, họ không phải đối thủ của Nga. Cơ động Nato cũng không thể so sánh với lực lượng Nga ở căn cứ quân sự Kalingrad Oblast.
Trong kịch bản đưa ra, NATO có một tuần để chuẩn bị công việc phòng thủ Đông Âu. Nhưng nghiên cứu cho biết ngay cả với sự trở giúp của không quân Mỹ, quân đội các nước vùng Baltic cũng sẽ không thể ngăn chặn Nga tiến công.
Bảy trong số mười hai tiểu đoàn NATO ở Đông Âu gồm quân đội các nước Estonia, Latvia và Lithuania chỉ là quân “nội địa”. Họ chỉ có một đội tàu bọc thép, một tiểu đoàn Stryker, và không có xe tăng chiến đấu, báo cáo giải thích.
Mặc dù lực lượng không quân của NATO rất mạnh nhưng sẽ là vô ích khi các lực lượng mặt đất bị quân đội Nga tấn công.
Kết quả nghiên cứu “trò chơi chiến tranh” là: NATO không thể bảo vệ thành công lãnh thổ của các nước thành viên," báo cáo cho biết. Báo cáo cho biết thêm một thất bại nhanh chóng khiến NATO có rất ít lựa chọn, tất cả các lựa chọn đều tối tăm.
Nghiên cứu khẳng định để tránh ‘một thất bại nhanh chóng và thê thảm’ như vậy đòi hỏi một nỗ lực hết sức nặng nề và tốn kém.
Không quân và pháo binh phải được yểm trợ với khoảng bảy lữ đoàn - ba trong số đó phải là lữ đoàn bọc thép mới có thể ngăn chặn sự sụp đổ nhanh chóng của các nước ven biển Baltic trước viễn cảnh chiếm tranh.Nhưng điều này sẽ ‘ngốn’ khoảng 2,7 tỷ USD một năm.
"Phương hướng ngăn chặn viễn cảnh tồi tệ không thể không tốn kém, chi phí hàng năm để duy trì lực lượng trên sẽ vào khoảng 2.7 tỷ USD," tác giả viết.
Nghiên cứu cũng cảnh báo, các lực lượng mặt đất NATO không đủ sức đối chọi với lữ đoàn tăng bọc thép hùng hậu của Nga
"Đó không phải là một con số nhỏ, nhưng trong bối cảnh một liên minh Châu Âu với tổng sản phẩm các nước tổng vượt 35000 tỷ USD và tổng chi tiêu quốc phòng hàng năm hơn 1000 tỷ USD thì khả năng chi trả là hoàn toàn có thể”.
Được biết, bản “báo cáo chiến tranh” được công bố một ngày sau khi chính quyền Obama đề xuất tăng gấp bốn lần kinh phí quân đội và huấn luyện ở châu Âu, như một phần của nỗ lực đẩy mạnh quân đội Hoa Kỳ ngăn chặn Nga bành trường lãnh thổ.
Tổng thống Barack Obama, trong lần đệ trình ngân sách cuối cùng trước Quốc hội năm nay sẽ yêu cầu tăng ngân sách quốc phòng từ 789 triệu USD lên 3.4 tỷ USD – Đó là một phần trong “Sáng kiến An toàn Châu Âu” vốn được Lầu Năm Góc công bố vào năm 2014 sau sự kiện Nga sáp nhập vùng bán đảo Crimea từng thuộc lãnh thổ Ukraine vào lãnh thổ của mình.
Phát hiện nhà máy sản xuất ma túy kiếm hàng triệu USD của IS
Một nhà máy được dùng để sản xuất ma túy của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã bị quân nổi dậy Syria phát hiện.
Theo tờ The Sun (Anh), một loại chất gây nghiện dạng viên và ống tiêm đã được tìm thấy bên trong các phòng khách sạn được IS sử dụng trước khi xảy ra vụ tấn công khủng bố Paris hồi tháng 11-2015.
Các chuyên gia hóa học của IS được cho là đang sản xuất hàng triệu viên amphetamine (một loại chất kích thích làm tăng tỉnh táo, tập trung và làm giảm mệt mỏi) giá rẻ để giúp giữ các chiến binh IS không ngủ và "hô biến" các chiến binh thành những tên thánh chiến luôn có sự cảnh giác cao.
Tuy nhiên, nhóm phiến quân al-Nusra Front, một nhóm nổi dậy chống chính phủ Syria, đã tìm thấy một nhà máy sản xuất loại thuốc trên và tịch thu vố số viên thuốc cùng các hóa chất và thiết bị gần thành phố Aleppo, Syria. Tuy nhiên, tờ báo không đề cập ngày phát hiện.
Các túi đựng amphetamine và dụng cụ sản xuất trong nhà máy. (Ảnh: The Sun)
Loại thuốc này lần đầu tiên được sản xuất ở phương Tây trong những năm 60 để điều trị chứng ngủ rũ và trầm cảm nhưng đến những năm 1980 đã bị cấm ở hầu hết các nước vì đặc tính gây nghiện của nó và không còn là một loại thuốc y tế hợp pháp.
Nó thường được sử dụng dưới dạng viên nhưng cũng có thể được hòa tan trong chất lỏng và tiêm vào cơ thể.
Bác sĩ tâm thần học người Lebanon - Ramzi Haddad cho biết loại thuốc này có những tác dụng điển hình của một chất kích thích. Ông giải thích: "Nó tạo hưng phấn cho bạn. Bạn sẽ hoạt bát hơn, bạn không ngủ, bạn không ăn nhưng bạn vẫn tràn đầy năng lượng".
"Việc sản xuất là rẻ và đơn giản, chỉ yêu cầu những kiến thức cơ bản về hoá học và một số lĩnh vực" – theo Ramzi Haddad
Người ta cho rằng việc bán loại thuốc nghiện trên mang lại cho IS hàng triệu USD trong doanh thu, cung cấp tài chính để chúng sắm sửa vũ khí và đạn dược.
Loại thuốc này đã được đặt cho cái tên "Terror Potion" (bùa mê khủng bố) sau khi nhà máy trên bị phát hiện. Có thể đây không phải là nhà máy sản xuất ma túy duy nhất của IS.
Hòa đàm Syria bị ngưng
Nguyên nhân ngưng vì chính phủ Syria không đáp ứng điều kiện phe đối lập đưa ra.
Ngày 3-2, vòng đàm phán hòa bình nhằm chấm dứt chiến tranh ở Syria dự kiến sẽ kéo dài sáu tháng đã bị ngưng khi mới bước sang ngày đàm phán thứ ba.
Đặc phái viên LHQ về Syria Staffan de Mistura khẳng định đây chỉ là tạm ngưng, chứ không phải đàm phán kết thúc thất bại. Đàm phán sẽ được nối lại vào ngày 25-2.
Ông Riad Hijad, lãnh đạo Ủy ban Đàm phán Cấp cao – phái đoàn đàm phán của phe đối lập cho biết phe đối lập quyết định tạm ngưng đàm phán vì chính phủ Syria không đáp ứng các điều kiện (thả hàng ngàn tù nhân chính trị, bỏ phong tỏa và cho phép cứu trợ vào các khu vực phe đối lập kiểm soát, chấm dứt ném bom). Ông đồng thời cáo buộc chính phủ Syria và Nga ném bom liên tục, sử dụng bom chùm trong xung đột và gây rất nhiều thương vong cho dân thường.
Người phát ngôn đoàn đàm phán phe đối lập Syria Salem al-Mislet hôn bức ảnh in hình các nạn nhân chiến tranh Syria trước trụ sở LHQ ở Geneva (Thụy Sĩ) ngày 2-2. (Ảnh: AP)
Trong khi đó, đại sứ Syria tại LHQ đồng thời là trưởng đoàn đàm phán đại diện chính phủ Syria Bashar al-Jaafari cho rằng điều kiện phe đối lập yêu cầu là quá nhiều, cáo cuộc sở dĩ phe đối lập ngưng đàm phán là theo cố vấn của các nước Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar.
Vòng đàm phán được xem là nỗ lực cao nhất trong quá trình tìm kiếm hòa bình cho Syria sau năm năm nội chiến làm 260.000 người chết, nhưng lại có nguy cơ sẽ chết yểu khi ông Riad Hijad cho biết phe đối lập sẽ không trở lại khi nào chính phủ Syria còn chưa đáp ứng các điều kiện. Vòng đàm phán hòa bình trước đây của chính phủ và phe đối lập Syria bị ngưng vào năm 2014.
Các nước phương Tây chỉ trích chính phủ Syria và Nga vì diễn biến này. Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cáo buộc chính phủ Syria không muốn đàm phán thực chất.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho rằng việc chính phủ Syria và Nga liên tục không kích phe đối lập cho thấy chính phủ Syria thiên về giải pháp quân sự hơn hòa bình.
Trong khi đó Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố Nga không có lý do gì ngừng tấn công đến khi nào “những kẻ khủng bố” bị đánh bại.
Vòng đàm phán bị ngưng chỉ vài giờ trước khi diễn ra hội nghị quyên góp cho Syria ở London (Anh) ngày 4-2. Mục tiêu hội nghị là quyên góp được chín tỉ USD giúp các nước láng giềng Syria chăm sóc hàng triệu người Syria đang tị nạn.
Hòa đàm bị ngưng nhưng chiến sự Syria thì không. Mấy ngày qua quân đội chính phủ có phần lấn át phe đối lập khi phong tỏa một tuyến đường tiếp tế chính từ biên giới Thổ Nhĩ Kỳ cho phe đối lập Syria ở TP Aleppo. Quân đội chính phủ nhờ có Nga không kích hỗ trợ đã chiếm được hai làng người Shiite Nubul và Zahra ở bắc Syria từ tay phe đối lập.
Xây đảo trái phép: 'Trung Quốc là nước không có trách nhiệm'
Động thái xây đảo nhân tạo trái phép ở biển Đông của Trung Quốc không phải là cách hành xử của một thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, CNBC dẫn lời một quan chức hàng đầu Nhật Bản.
Shinsuke Sugiyama, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản, hôm 3-2 cho biết chính phủ nước này xem việc chiếm đoạt và bồi đắp các đảo cũng như những bãi đá ngầm ở biển Đông của Bắc Kinh là một "vấn đề" đối với khu vực.
"Chúng tôi xem hành động thay đổi hiện trạng một cách đơn phương không phù hợp với những gì mà một thành viên chủ chốt và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế nên làm" – ông Sugiyama tuyên bố.
Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Shinsuke Sugiyama. (Ảnh: Sputnik)
Thứ trưởng Ngoại giao Sugiyama cho biết việc xây dựng tiền đồn chứa máy bay ở biển Đông "đang gây vấn đề cho chúng tôi và các nước láng giềng".
Ông Sugiyama đã có cuộc gặp với cựu Thủ tướng Úc Kevin Rudd tại New York, Mỹ hôm 3-2. Bên cạnh mối quan tâm về hành động ngày càng khiêu khích và hung hăng của Bắc Kinh ở biển Đông, cả hai cũng đã thảo luận về vấn đề kinh tế giữa Nhật Bản và Trung Quốc.
NASA phủ nhận bị tin tặc tấn công máy bay không người lái triệu đô
Một nhóm hacker nói rằng họ đã chiếm quyền điều khiển máy bay không người lái của NASA và khiến nó gần như đâm xuống biển. Nhưng NASA đã phủ nhận tuyên bố này.
Tháng trước, nhóm hacker AnonSec phát hành hơn 276GB dữ liệu mà theo nhóm này là đến từ các mạng nội bộ của NASA.
Thông tin bao gồm tên, địa chỉ email và số điện thoại của 2.414 nhân viên cơ quan, cũng như hàng ngàn bản ghi chuyến bay và video lấy từ máy bay NASA.
Trong các bản ghi là những tuyến đường dự tính trước cho các máy bay không người lái Global Hawk.
Bằng cách điều chỉnh tuyến đường, AnonSec tuyên bố nó có thể lập trình lại khiến máy bay đâm sầm xuống Thái Bình Dương.
“Một số thành viên trong nhóm đã bất đồng ý kiến về việc này. Bởi vì nếu nó thành công, chúng tôi sẽ bị xem là khủng bố khi đâm một máy bay 222,7 triệu USD xuống biển... Nhưng cuối cùng chúng tôi vẫn tiếp tục” – nhóm hacker viết trong một tuyên bố phát hành cùng với dữ liệu bị đánh cắp.
Máy bay không người lái Global Hawk của NASA
May thay, sự việc đã được ngăn chặn vào phút cuối ngay sau khi các kỹ sư NASA nhận thấy sự thay đổi và sửa lại tuyến đường.
Theo tuyên bố, những hacker này đã chọc thủng mạng lưới của NASA bằng cách sử dụng Bitcoin để mua quyền truy cập vào mạng lưới và tìm thấy nhiều máy tính với các mật khẩu được lưu tự động.
Đây cũng không phải là lần đầu tiên mạng lưới thông tin NASA bị chọc thủng. Năm 2012, Tổng Thanh tra Paul K. Martin thừa nhận với Quốc hội Mỹ rằng cơ quan này đã mất quyền truy cập 48 máy vi tính, một trong số đó chứa “những thuật toán được dùng để chỉ huy và kiểm soát Trạm vũ trụ quốc tế”.
Tuy nhiên, có nhiều lý do để nghi ngờ tuyên bố của nhóm hacker trên. Cơ quan Hàng không Vũ trụ cho biết rằng những thông tin nhóm hacker đưa ra đã được phổ biến rộng rãi trước đó.
“Quyền kiểm soát máy bay Global Hawk chưa từng bị xâm phạm. NASA rất xem trong sự an ninh mạng và sẽ tiếp tục điều tra những cáo buộc trên” – cơ quan này nói.
Mục đích chính cho các hành động của AnonSec là để phản đối những hoạt động gây ảnh hưởng đến thời tiết và môi trường của NASA.
(
Tinkinhte
tổng hợp)