tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh tối 16-02-2016

  • Cập nhật : 16/02/2016

Mối quan hệ “chưa từng có” giữa Hoa Kỳ và ASEAN

moi quan he “chua tung co” giua hoa ky va asean

Mối quan hệ “chưa từng có” giữa Hoa Kỳ và ASEAN

Một số chuyên gia vẫn còn băn khoăn về tính thống nhất của ASEAN trong hội nghị cấp cao diễn ra tại Mỹ dù các chính trị gia rất hào hứng với hội nghị hai ngày này.

Trung tâm Sunnylands, xây dựng vào những năm 1960 ở bang California, được coi như một Trại David ở phía tây cho tổng thống Hoa Kỳ. Nhiều tổng thống Hoa Kỳ đã tiếp các lãnh đạo nước ngoài tại nơi này.

ASEAN ngang Trung Quốc

Vì vậy, Hội nghị cấp cao Mỹ - ASEAN diễn ra tại Sunnylands, nơi ông Obama từng đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình năm 2013, được giới quan sát đánh giá như một thông điệp khẳng định Hoa Kỳ cũng coi ASEAN quan trọng ngang với Trung Quốc.

Nhà Trắng cũng đã nhấn mạnh việc siết chặt quan hệ với ASEAN có “tầm quan trọng về chiến lược, kinh tế và đối ngoại” với Hoa Kỳ và cuộc gặp tại Sunnylands sẽ là cột mốc cho “mối quan hệ chưa từng có giữa Hoa Kỳ - - ASEAN”.

Thậm chí đại sứ Malaysia tại Hoa Kỳ Awang Adek Husssin lạc quan rằng hội nghị Sunnylands sẽ mở rộng đường cho quan hệ đối tác chiến lược đạt được hồi cuối năm ngoái.

Washington cho biết chương trình hội nghị là “không bó buộc” nên “các nước thành viên có thể nêu bất cứ vấn đề gì quan trọng đối với họ”. Do đó, giới phân tích tin rằng vấn đề an ninh, đặc biệt là an ninh hàng hải và tranh chấp trên Biển Đông, sẽ là trọng tâm hàng đầu của hội nghị.

Một số chuyên gia thậm chí cho rằng đây là mục đích chính của hội nghị và vấn đề kinh tế chỉ được thêm vào để tránh phản ứng của Bắc Kinh.

Tờ The Star dẫn lời một quan chức Malaysia cho rằng “sẽ rất thú vị khi xem những nước không có tranh chấp (trên Biển Đông) và những nước thân Bắc Kinh bày tỏ quan điểm tại hội nghị này”.

Theo The Diplomat, Washington khẳng định hội nghị không nhắm vào Trung Quốc mà vì lợi ích của chính các nước ASEAN. Tuy nhiên, một số chuyên gia cũng thận trọng cảnh báo ASEAN tránh trở thành bàn cờ cho cuộc cạnh tranh sức mạnh của các nước lớn.

Ông Dewi Fortuna Anwar - nhà nghiên cứu của Viện khoa học Indonesia - bình luận: “Sự sống còn của chúng ta phụ thuộc nhiều vào quan hệ tốt với tất cả các nước lớn và cần đảm bảo họ không có cơ hội lợi dụng các điểm yếu nội bộ của chúng ta. Tôi không thích việc Trung Quốc coi ASEAN như một công cụ trong cuộc chơi với Hoa Kỳ và Hoa Kỳ chỉ coi ASEAN như con tốt trong cuộc chơi với Trung Quốc”.

Cơ hội tăng ảnh hưởng kinh tế

Về kinh tế, Tổng thống Obama sẽ tận dụng cơ hội để thúc đẩy thương mại và ca ngợi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với các lãnh đạo ASEAN.

Đại sứ Hoa Kỳ tại ASEAN, bà Nina Hachigian nhấn mạnh trên CNA ngày 14-2: “Hoa Kỳ ỹ sẽ ở đây và tập trung vào ASEAN dù tổng thống tiếp theo của chúng tôi là ai chăng nữa. Hoa Kỳ là nhà đầu tư lớn nhất ở ASEAN và ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ tư của chúng tôi”.

Hội nghị cũng sẽ là thời điểm thích hợp để ông Obama nhắc người kế nhiệm về tầm quan trọng của khối ASEAN. Theo New York Times, hội nghị Sunnylands cũng là dịp tốt để Washington lấp những khoảng trống thương mại mà Trung Quốc để lại tại ASEAN do suy thoái kinh tế.

Nói về quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Hoa Kỳ, ông Tommy Koh - chủ tịch hội đồng Trung tâm luật quốc tế, Đại học Quốc gia Singapore - bình luận rằng cả Hoa Kỳ và ASEAN cần đầu tư nguồn lực để phát triển quan hệ này nhằm làm sao có lợi cho người dân hai bên. 

“Bằng không thì quan hệ đối tác chiến lược chỉ là một khẩu hiệu sáo rỗng” - ông Koh nhấn mạnh.

Tuy nhiên, chuyên gia Robert A. Manning của Trung tâm an ninh quốc tế Brent Scowcroft (Mỹ) cho rằng Sunnylands giống như một diễn đàn chính trị hơn là mang một ý nghĩa chiến lược.

Ông hoài nghi ASEAN sẽ trở thành một đối tác chiến lược thật sự bởi còn nhiều tồn tại trong khối từ việc đưa ra các ứng xử chung trong các vấn đề và các khoảng cách về kinh tế, văn hóa...


20 nước tập trận quân sự lớn ở Arab Saudi

Arab Saudi hôm qua khai màn chiến dịch quân sự được cho là lớn nhất lịch sử khu vực, với sự tham gia của quân đội 20 nước, hơn 2.500 chiến đấu cơ, 20.000 xe tăng.
binh si arab saudi dieu hanh trong mot cuoc dien tap quan su nam 2014. anh:reuters

Binh sĩ Arab Saudi diễu hành trong một cuộc diễn tập quân sự năm 2014. Ảnh:Reuters

Chiến dịch mang tên "Sấm phương Bắc" (North Thunder) có sự tham gia của các nước Arab và Hồi giáo, theo Saudi Press Agency. Hơn 2.540 chiến đấu cơ, 20.000 xe tăng và 460 trực thăng sẽ diễn tập trong sự kiện kéo dài 18 ngày. 

Dù không cung cấp nhiều thông tin, hãng thông tấn quốc gia này trước đó cho biết đây là chiến dịch "lớn nhất trong lịch sử khu vực" xét về số nước tham dự và số vũ khí được sử dụng. 

Ngoài Arab Saudi, các nước tham gia bao gồm Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất, Jordan, Qatar, Pakistan, Malaysia, Ai Cập và các nước khác. 

"Sấm phương Bắc" đưa ra thông điệp rõ ràng rằng Vương quốc Arab Saudi và các nước bạn hữu, anh em đoàn kết đương đầu với tất cả những thách thức, duy trì ổn định, hòa bình trong khu vực, hãng cho biết. 

Thông báo được đưa ra hai tháng sau khi Arab Saudi tuyên bố nước này sẽ thiết lập liên minh chống chủ nghĩa khủng bố với 34 nước. Arab Saudi, thành viên của liên minh do Mỹ dẫn đầu trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo tự xưng, cũng cho biết nước này đã triển khai các chiến đấu cơ tới một căn cứ không quân của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm "tăng cường chiến dịch chống IS ở Syria". 


Đấu giá bộ trang sức 21 triệu USD của vợ góa độc tài Philippines

Chính phủ Philippines hôm nay chính thức chấp thuận cho bán đấu giá bộ sưu tập trang sức thu giữ được của Imelada, vợ cố độc tài Ferdinand Marcos.
chuyen gia david warren dang tham dinh mot mon do trong bo suu tap trang suc cua gia dinh marcos. anh: ap

Chuyên gia David Warren đang thẩm định một món đồ trong bộ sưu tập trang sức của gia đình Marcos. Ảnh: AP

Theo AP, các chuyên gia quốc tế xác định bộ sưu tập trang sức này có giá trị tối thiểu 21 triệu USD, bị tịch thu khi cựu tổng thống Marcos cùng gia đình chạy trốn tới Hawaii năm 1986, kết thúc hai thập niên cầm quyền của nhà độc tài.

Trong bộ sưu tập có một viên kim cương 25 cara, trị giá khoảng 5 triệu USD và một chiếc vương miện kim cương Cartier, hiện có giá trị gấp nhiều lần so với thời điểm đó (30.000–50.000 USD).

Andrew de Castro, quan chức của PCGG, cơ quan có nhiệm vụ thu hồi tài sản bất chính của Marcos, cho biết họ hy vọng sẽ tổ chức buổi triển lãm và đấu giá trước khi Tổng thống Benigno Aquino III kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 6.

Tuần trước, Hội đồng Tư nhân hóa thuộc Bộ Tài chính Philippines đã cho phép PCGG bán các món đồ trang sức này. Tuy nhiên, một phần của bộ sưu tập bị tịch thu tại dinh tổng thống khi Marcos chạy trốn vẫn đang trong quá trình tranh chấp tại tòa án. Những món khác bị thu giữ ở sân bay Hawaii và Manila.

"Đồ trang sức tịch thu từ gia đình Marcos vẫn là một biểu tượng về những chính sách sai lầm của cố tổng thống Marcos trong suốt thời gian cầm quyền", Chủ tịch PCGG Richard Amurao cho biết. 

Ferdinand Marcos là tổng thống Philippines trong giai đoạn 1965-1986. Vợ ông, bà Imelda Marcos, sau thời gian sống lưu vong ở Mỹ đã được chính quyền Philippines ân xá cho về nước và tham gia chính trường. Hiện bà là dân biểu Hạ viện Philippines, đại diện cho tỉnh Ilocos Norte, tây bắc nước này.


Kim Jong-un kêu gọi phóng thêm vệ tinh lên quỹ đạo

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un kêu gọi tiếp tục phóng vệ tinh lên quỹ đạo giữa lúc cộng đồng quốc tế đang bàn biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng vì lần phóng hồi đầu tháng.
lanh dao trieu tien kim jong-un phan ung khi ong xem qua trinh phong ve tinh ngay 7/2. anh: reuters/kyodo.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un phản ứng khi ông xem quá trình phóng vệ tinh ngày 7/2. Ảnh: Reuters/Kyodo.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un động viên các nhà khoa học, kỹ thuật và quan chức có đóng góp cho lần phóng vệ tinh tên Kwangmyongsong-4 thành công tại một buổi tiệc tổ chức ngày 13/2, hãng thông tấn quốc gia Triều Tiên KCNA hôm nay đưa tin.

Theo đó, Kim Jong-un kêu gọi các nhà khoa học coi lần phóng thành công ngày 7/2 như một bàn đạp để "nghiên cứu, đạt được mục tiêu cao hơn và phóng thêm vệ tinh".

Triều Tiên ngày 7/2 phóng tên lửa tầm xa đưa vệ tinh lên quỹ đạo, khẳng định chương trình không gian của nước này hoàn toàn vì mục đích khoa học. Đây là hành động bị Hàn Quốc và Mỹ coi là che đậy cho việc thử công nghệ tên lửa đạn đạo. Liên Hợp Quốc cấm Bình Nhưỡng sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo và đã áp đặt các lệnh trừng phạt từ sau lần phóng tên lửa vào tháng 12/2012.

Kim Jong-un nói đợt phóng diễn ra khi các thế lực thù địch đang "phát điên đến nghẹt thở" vì Triều Tiên, nhấn mạnh Bình Nhưỡng nên tiếp tục thúc đẩy nghiên cứu khoa học.

Buổi tiệc còn có sự tham gia của Đệ nhất Phu nhân Ri Sol-ju, Chủ tịch Quốc hội Triều Tiên Kim Yong-nam và Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Triều Tiên Hwang Pyong-so.


​Người Hàn Quốc muốn có vũ khí hạt nhân để phòng Triều Tiên

 Hai khảo sát mới nhất do truyền thông Hàn Quốc công bố cho thấy phần đông người dân muốn đất nước sở hữu vũ khí hạt nhân để đối phó với nguy cơ bị CHDCND Triều Tiên tấn công.

tong thong han quoc park geun-hye dang doi mat voi nhieu suc ep ve van de chdcnd trieu tien - anh: reuters

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye đang đối mặt với nhiều sức ép về vấn đề CHDCND Triều Tiên - Ảnh: Reuters

Khảo sát trên 1.000 người do báo JoongAng Ilbo công bố hôm nay 15-2 cho thấy 67,7% ủng hộ Hàn Quốc sở hữu vũ khí hạt nhân. Khảo sát trên diện rộng do hãng tin Yonhap thực hiện hôm qua 14-2 cũng cho kết quả 52,2% người được hỏi muốn chính phủ sản xuất vũ khí hạt nhân.

Cũng theo khảo sát ủa JoongAng Ilbo, gần 70% người được hỏi đồng ý với việc quân đội Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD để đối phó với nguy cơ tên lửa từ CHDCND Triều Tiên.

Gần 55% ủng hộ việc Tổng thống Park Geun-Hye quyết định rút các doanh nghiệp ra khỏi khu công nghiệp chung Kaesong.

Hôm nay, nghị sĩ Won Yoo-chul, lãnh đạo cấp cao của Đảng Saenuri cầm quyền, cũng khẳng định Hàn Quốc cần sở hữu vũ khí hạt nhân và tên lửa hùng mạnh để chống lại “các loại vũ khí hủy diệt đáng sợ” của CHDCND Triều Tiên.

Nghị sĩ Won cho rằng chính quyền Hàn Quốc cần phát triển hệ thống phòng thủ độc lập bên cạnh “lá chắn hạt nhân” của Mỹ để đối phó với mối đe dọa từ Bình Nhưỡng.

Ông này cũng nhấn mạnh nếu không có vũ khí hạt nhân riêng, Seoul cần xem xét việc triển khai lại vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ.

“Chúng ta không thể cứ mượn ô của láng giềng mỗi khi trời mưa. Chúng ta nên mặc áo mưa của riêng mình” - nghị sĩ Won khẳng định. Mới đây Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min-Koo cho biết Seoul vẫn chưa xem xét sở hữu vũ khí hạt nhân.

Các chính trị gia đối lập chỉ trích dữ dội chính quyền Tổng thống Park là không đưa ra một chiến lược rõ ràng, cụ thể để đối phó với CHDCND Triều Tiên, đặc biệt sau vụ Bình Nhưỡng phóng vệ tinh mới đây. 


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục