Mối quan hệ “chưa từng có” giữa Hoa Kỳ và ASEAN
20 nước tập trận quân sự lớn ở Arab Saudi
Đấu giá bộ trang sức 21 triệu USD của vợ góa độc tài Philippines
Kim Jong-un kêu gọi phóng thêm vệ tinh lên quỹ đạo
Người Hàn Quốc muốn có vũ khí hạt nhân để phòng Triều Tiên
Tin thế giới đọc nhanh tối 15-02-2016
- Cập nhật : 15/02/2016
Ba tâm điểm ở Hội nghị cấp cao đặc biệt Mỹ - ASEAN
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chuẩn bị tham dự một cuộc họp trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại thành phố Kuala Lumpur hồi tháng 11/2015. Ảnh: AP
Biển Đông, TPP, mối đe dọa từ tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo sẽ là những vấn đề chính trong Hội nghị cấp cao đặc biệt Mỹ - ASEAN ngày 15 và 16/2.
Tổng thống Mỹ Barack Obama sắp chủ trì một hội nghị thượng đỉnh chưa từng có tiền lệ với các nhà lãnh đạo Đông Nam Á tại thành phố Sunnylands, bang California từ ngày 15/2.
Nhận lời mời của Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Mỹ tại thành phố Sunnylands, bang California, Mỹ trong hai ngày 15 và 16/2.
Các quan chức Mỹ cho rằng hội nghị không nhằm vào Trung Quốc. Tuy nhiên, sức mạnh quân sự và ảnh hưởng kinh tế của cường quốc châu Á sẽ chi phối nội dung của hội nghị, AP nhận định.
Biển Đông
Biển Đông sẽ là vấn đề an ninh hàng đầu trong chương trình nghị sự. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với phần lớn Biển Đông. Bắc Kinh bồi lấp 7 đảo nhân tạo và xây dựng một số sân bay để củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý, khiến cộng đồng quốc tế lo ngại.
Mỹ thường xuyên phê phán những hành động của Trung Quốc. Hải quân Mỹ đã điều tàu tới một số đảo nhân tạo mà Bắc Kinh bồi lấp trái phép để thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý. Chính quyền Obama muốn ASEAN theo đuổi quan điểm chung bằng cách kêu gọi các bên giải quyết tranh chấp bằng luật pháp quốc tế.
Mậu dịch và TPP
Mỹ có lợi ích kinh tế lâu dài ở Đông Nam Á. Giới doanh nghiệp Mỹ đầu tư khoảng 226 tỷ USD vào khu vực, trong khi kim ngạch mậu dịch hai chiều đạt 254 tỷ USD trong năm ngoái. Trong ngày đầu tiên của Hội nghị cấp cao đặc biệt Mỹ - ASEAN, các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về những biện pháp mở rộng mậu dịch và đầu tư với sự hỗ trợ của Mỹ.
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng có thể trở thành một vấn đề trong chương trình nghị sự. Đây là thắng lợi vang dội của ông Obama trong lĩnh vực thương mại. Nhà Trắng thường nói TPP là cơ hội của Mỹ, chứ không phải cơ hội của Trung Quốc, để định hình lại luật lệ thương mại thế giới. 4 thành viên ASEAN – bao gồm Việt Nam, Brunei, Singapore, Malaysia – rất muốn biết Quốc hội Mỹ sẽ phê chuẩn TPP hay không. Một số thành viên khác trong ASEAN – như Indonesia, Thái Lan, Philippines – muốn tham gia TPP trong tương lai.
Mối đe dọa từ IS
Mỹ muốn mở rộng hợp tác chống khủng bố và tình báo với các nước ASEAN. Tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) đang đe dọa cả khu vực Trung Đông và nhiều nơi khác.
Giới chức Indonesia khẳng định IS chi tiền để một số phần tử vũ trang thực hiện vụ tấn công liều chết ở thủ đô Jakarta vào tháng trước. Singapore, Malaysia và Indonesia đều xác nhận nhiều công dân của họ chiến đấu vì IS tại Iraq và Syria. Nhiều tổ chức phiến quân nhỏ ở Philippines đã tình nguyện nhận lệnh từ thủ lĩnh IS.
Thái Lan bắt giữ một tội phạm nguy hiểm người Nga
Theo lệnh truy nã quốc tế của Interpol Nga, cảnh sát Thái Lan đã truy lùng và bắt một công dân Nga, RIA Novosti 14.2 dẫn lời người đứng đầu bộ phận lãnh sự Đại sứ quán Nga tại Bangkok, ông Vladimir Sosnov.
Công dân Nga này bị truy nã về tội buôn bán trái phép ma túy với quy mô lớn.
“Cảnh sát Thái Lan, phối hợp với Interpol Nga và Đại sứ quán Nga ở Thái Lan, đã bắt giữ Toropchinov Vladimir Valerievich, sinh năm 1987 ở vùng Kamchatka, thành viên của một tổ chức tội phạm lớn ở Nga, bị truy nã về tội buôn bán trái phép ma túy với số lượng lớn”, ông Sosnov thông báo.
Trong tháng 1.2015, Interpol Nga đã đưa Toropchinov vào danh sách truy nã quốc tế và đến tháng 11, Tòa án thành phố Petropavlovsk-Kamchatsky đã tuyên án vắng mặt y ở mức tù chung thân.
“Sắp tới, Toropchinov sẽ bị dẫn độ về Moscow dưới sự áp giải của các nhân viên Interpol Nga”, ông Sosnov cho biết.
Việc bắt giữ tên tội phạm nguy hiểm này được coi là kết quả đầu tiên sau chuyến thăm và làm việc tại Thái Lan của Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev và cuộc hội đàm ngày 11.2 của ông với các lãnh đạo Thái Lan về phát triển hợp tác trong cuộc chiến chống các hình thức tội phạm, trong đó có tội phạm xuyên quốc gia, buôn người; vận chuyển, buôn bán các loại ma túy bất hợp pháp, tội phạm mạng và khủng bố.
Thủ tướng Nga lên án các nước muốn đưa bộ binh vào Syria
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev phản đối ý định của một số nước muốn đưa bộ binh tham chiến ở Syria - Ảnh: Reuters
Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Euronews ngày 14.2, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev phản đối mạnh mẽ ý định của một số nước muốn đưa bộ binh vào Syria, cho rằng điều đó sẽ dẫn đến một cuộc chiến đẫm máu.
“Tại hội nghị của Nhóm quốc tế hỗ trợ Syria, Ngoại trưởng Sergei Lavrov đã thay mặt chính phủ nước tôi tuyên bố rằng Nga phản đối cuộc chiến tranh trên bộ tại Syria. Các hoạt động quân sự trên mặt đất tại đây sẽ dẫn đến một cuộc chiến tranh đích thực, kéo dài và gây nhiều tổn thất không cần thiết”, ông Medvedev phát biểu.
Ông cũng giải thích rõ quan điểm lập trường của Nga trong mối quan hệ với Tổng thống Syria, Bashar al-Assad: “Nga không ủng hộ cá nhân Tổng thống Assad mà chỉ muốn gìn giữ mối quan hệ bang giao tốt đẹp với Cộng hòa Ả Rập Syria. Hành động của chúng tôi xuất phát từ thực tế rằng hiện Syria không có một đại diện hợp pháp nào ngoài Bashar al-Assad, ai thích hay không thích điều đó thì cũng mặc lòng”.
Thủ tướng Medvedev cũng nói rằng nếu gạt bỏ nhà lãnh đạo hiện nay ra khỏi cấu trúc chính trị của Syria thì tình hình ở đất nước này và toàn khu vực sẽ trở nên hỗn loạn “Chúng ta đã có một bài học từ nhiều quốc gia Ả Rập trong thời gian qua, sau khi các nhà lãnh đạo hợp pháp ở đó bị lật đổ”, ông Medvedev kết luận
Hy Lạp: Tiếp tục biểu tình phản đối cải cách hệ thống lương hưu
Nông dân biểu tình phản đối kế hoạch tăng gấp đôi thuế thu nhập vào năm 2017 và việc hủy bỏ các khoản trợ cấp cho người dân. AFP/ TTXVN
Khoảng 12.000 người đã tụ tập tại quảng trường Syntagma bên ngoài trụ sở quốc hội Hy Lạp để biểu tình phản đối kế hoạch nước này cải cách lương hưu.
Ngày 13/2, hàng nghìn người tiếp tục tụ tập tại thủ đô Athens của Hy Lạp nhằm bày tỏ tình đoàn kết với các nông dân hiện đang biểu tình phản đối kế hoạch của chính phủ nước này cải cách hệ thống lương hưu.
Theo cảnh sát Hy Lạp, khoảng 12.000 người đã tụ tập tại quảng trường Syntagma bên ngoài trụ sở quốc hội nước này để ủng hộ cuộc biểu tình của những nông dân trên. Những người nông dân cho biết sẽ ở lại thủ đô cho đến khi chính phủ rút lại kế hoạch cải cách hệ thống lương hưu.
Một người biểu tình cho biết: "Chúng tôi bị cắt giảm 27% lương hưu và mất thêm 26% đi thuế thu nhập. Nếu bạn cộng thêm các thứ khác như chi phí sản xuất, thuế nhà ở, thu nhập của chúng tôi gần như bằng không. Làm sao chúng tôi có thể tồn tại? Không phải ngẫu nhiên hàng ngàn người đã đến Athens”.
Việc cải cách quỹ lương hưu là một trong những đòi hỏi bắt buộc của các chủ nợ đối với Hy Lạp nếu nước này muốn nhận các khoản giải ngân tiếp theo trong gói cứu trợ thứ ba trị giá 86 tỷ euro (92 tỷ USD). Kế hoạch trên bao gồm việc giảm mức lương tối đa từ 2.700 USD/tháng hiện nay xuống còn 2.500 USD và cắt giảm 50% mức lương hưu cơ bản tối thiểu xuống còn 384 euro/tháng. Ngoài ra, chính phủ cũng muốn tăng các khoản đóng góp an sinh xã hội đối với cả chủ lao động và người lao động.
Trước đó một ngày, khoảng 10.000 người trong đó có hàng nghìn nông dân đã tuần hành qua thành phố Athens nhằm phản đối kế hoạch cải cách nói trên. Những người biểu tình đã đụng độ với cảnh sát bên ngoài trụ sở của bộ Nông nghiệp Hy Lạp và trên một xa lộ ở ngoại vi thủ đô Athens. Nông dân Hy Lạp đã tấn công và ném đá vào cảnh sát chống bạo động ở thủ đô Athens .Các cuộc cuộc đụng độ riêng biệt khác cũng nổ ra ở cao tốc dẫn vào thủ đô Hy Lạp
Iran bắt đầu xuất khẩu dầu thô sang châu Âu
Bốn triệu thùng dầu thô của Iran sẽ lên đường sang châu Âu trong ngày 14/2.
Đây sẽ là chuyến hàng đầu tiên mà Tehran xuất sang châu Âu kể từ khi các lệnh trừng phạt nhằm vào nước này được dỡ bỏ khi thỏa thuận hạt nhân có hiệu lực hồi giữa tháng 1 vừa qua.
Ngày 13/2, hãng thông tấn Shana của Iran dẫn lời Giám đốc Công ty dầu khí quốc gia nước này, Rokneddin Javadi, cho biết trong ngày 14/2, ba tàu chở dầu chứa 4 triệu thùng dầu thô của Iran sẽ lên đường tới châu Âu. Số dầu này được bán cho các đối tác tại 3 nước Pháp, Nga và Tây Ban Nha, trong đó tập đoàn dầu khí Total của Pháp mua 2 triệu thùng.
Cũng theo ông Javadi, đây là chuyến hàng xuất khẩu dầu thô đầu tiên của Iran sang châu Âu kể từ khi thỏa thuận hạt nhân giữa nước này và nhóm P5+1 (gồm Nga, Mỹ, Pháp, Anh, Trung Quốc và Đức), mang tên “Kế hoạch hành động toàn diện chung” chính thức có hiệu lực hôm 16/1 vừa qua. Được biết châu Âu vốn là bạn hàng dầu mỏ truyền thống của Iran trước khi nước này bị áp đặt cấm vận kinh tế.
Việc quốc tế dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran theo thỏa thuận hạt nhân đã tạo điều kiện cho quốc gia này lấy lại vị thế của mình, đặc biệt trong lĩnh vực dầu mỏ. Giới chức Iran cho biết nước này đặt mục tiêu xuất khẩu 1,5 triệu thùng dầu mỗi ngày từ nay tới hết tháng 3. Con số này có thể tăng lên tới 2 triệu thùng/ngày trong năm tài chính sắp tới, bắt đầu từ cuối tháng 3 năm nay.
Theo kế hoạch, Tehran sẽ xuất sang châu Âu 300 nghìn thùng dầu thô mỗi ngày và tiến tới bán dầu cho các đối tác châu Á với số lượng khoảng 200 nghìn thùng mỗi ngày trong những tháng tới.