tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin thế giới đọc nhanh 16-02-2016

  • Cập nhật : 16/02/2016

Ấn Độ điều tàu sân bay đến Maldives để tạo 'lá chắn' Trung Quốc

Hải quân Ấn Độ vừa điều tàu sân bay mới nhất của nước này INS Vikramaditya tới Maldives, một động thái được xem nhằm ngăn chặn Trung Quốc bành trướng tại khu vực Ấn Độ Dương.
Tàu sân bay INS Vikramaditya sẽ cập cảng tại Male, thủ đô của Maldives từ ngày 15 đến 18-2. Chuyến thăm này là "một phần trong chính sách tổng thể để đảm bảo một môi trường biển thuận lợi ở Ấn Độ Dương với cả sự hiện diện và cam kết", Times of India dẫn lời một quan chức hải quân Ấn Độ giấu tên. Vị quan chức cho biết động thái này là một "chuyến thăm thiện chí" tới Maldives.
Đi cùng tàu sân bay INS Vikramaditya là tàu khu trục INS Mysore và tàu chở dầu INS Deepak. Đây là cảng dừng chân thứ hai của tàu sân bay lớn nhất trong Hải quân Ấn Độ sau lần cập cảng đầu tiên ở Colombo vào đầu năm 2016. 

Theo International Business Times, Ấn Độ đang cố gắng chống lại chiến lược bành trướng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương khi New Delhi xem vùng biển này như sân sau của mình.

 tau san bay ins vikramaditya cua an do. anh: ib times

 Tàu sân bay INS Vikramaditya của Ấn Độ. Ảnh: IB Times

Trước đây, Hải quân Trung Quốc đã từng neo đậu các tàu chiến và tàu ngầm tại cảng Gwadar của Pakistan, cảng Hambantota và Colombo của Sri Lanka, gây ra một số biến động về tình hình chính trị khu vực.
IB Times nhận định sau nhiều năm do dự, Ấn Độ hiện nay dường như là một phần trong trò chơi quyền lực với Trung Quốc. Ấn Độ dường như đã đề ra chính sách riêng của mình để đối phó với Trung Quốc trong khu vực.
Maldives là một quốc gia quan trọng đối với Ấn Độ ở khu vực Ấn Độ Dương về mặt chiến lược. Ấn Độ đã khẳng định cam kết của mình để huấn luyện cho quân đội của Maldives và giúp quốc đảo này trong việc giám sát hàng hải. Ấn Độ ngoài ra cũng có thể sẽ giúp Maldives xây dựng 10 trạm radar giám sát bờ biển (CSR).

Ông Putin có thể chấm dứt nội chiến Syria 'bằng một cú điện thoại’

Ngoại trưởng Anh Philip Hammond cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin là “người duy nhất trên hành tinh” có thể chấm dứt cuộc nội chiến ở Syria hiện nay chỉ bằng một cú điện thoại.

“Tổng thống Syria Bashar al-Assad sau cùng đi hay ở đều phụ thuộc vào chuyện người Nga có sẵn sàng sử dụng tầm ảnh hưởng của mình để khiến ông từ chức hay không” - tờ Independent dẫn lời Ngoại trưởng Anh Philip Hammond cho hay.

 ngoai truong anh tin rang tong thong nga putin la nguoi duy nhat tren hanh tinh co the cham dut noi chien syria. anh: getty images

 Ngoại trưởng Anh tin rằng Tổng thống Nga Putin là người duy nhất trên hành tinh có thể chấm dứt nội chiến Syria. Ảnh: Getty Images

Theo ông Hammond, người duy nhất trên hành tinh này có thể chấm dứt cuộc nội chiến Syria bằng một cú điện thoại chỉ có ông Putin.

“Chỉ cần ông ấy gọi một cú điện thoại cho ông Assad, nói rằng cuộc chơi đã đến hồi kết và thế là mọi chuyện sẽ ổn. Tôi tin chắc rằng vào thời điểm thuận lợi nhất, điều đó sẽ xảy ra” - ông Hammond nói.

Ngoại trưởng Anh cũng kêu gọi Nga chấm dứt chiến dịch ném bom ở Syria mà ông khẳng định đó là “chiến thuật rải thảm” và “ném bom bừa bãi vào khu vực dân thường”.

Ông cho rằng chiến dịch không kích của Nga đã gia tăng nhanh chóng về cường độ lẫn quy mô trong vài tuần qua và điều này đã buộc lực lượng đối lập Syria rút quân khỏi những khu vực chúng kiểm soát. Tuy nhiên, ông nói tiếp: “Điều quan trọng là chính quyền Syria không có lực lượng, không sức mạnh và không tổ chức để kiểm soát những khu vực trên. Vì thế, họ đã rơi vào một chút bế tắc”.

“Chúng tôi yêu cầu người Nga tuân thủ nghĩa vụ của mình theo luật pháp quốc tế cũng như nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc mà Nga đã ký kết” - ông Hammond nhấn mạnh.

Syria lâm vào cuộc nội chiến kể từ năm 2011. Đã có hơn 250.000 người thiệt mạng trong cuộc nội chiến này và đã tạo ra một cơn khủng hoảng tị nạn vào châu Âu cũng như những phiến quân IS khét tiếng.


Phe đối lập Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại Ankara sát bờ vực chiến tranh

Ông Kemal Kilicdaroglu, lãnh đạo của đảng đối lập với đảng Cộng hòa Nhân dân (CHP) đã lên tiếng vào ngày Chủ nhật rằng ông phản đối tất cả quyết định có nguy cơ đẩy Thổ Nhĩ Kỳ vào chiến tranh và đồng thời phản đối chính sách đối ngoại của Thủ Tướng Ahmet Davutoglu.

Kilicdaroglu cho rằng thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ đang tạo áp lực buộc đảng đối lập phải quyết định theo chính phủ. Tuy nhiên, Kilicdaroglu tiếp tục cho rằng: “Theo tôi thì chính ông Davutoglu mới là người phải nhìn lại mình. Ông ta đã kêu gọi mọi người ủng hộ quyền lợi chính sách ngoại giao của riêng Tổng thống Erdogan chứ không phải là quyền lợi của người dân Thổ Nhĩ Kỳ.”

 ong kemal kilicdaroglu, lanh dao cua dang doi lap voi dang cong hoa nhan dan (chp).

 Ông Kemal Kilicdaroglu, lãnh đạo của đảng đối lập với đảng Cộng hòa Nhân dân (CHP).

Vào thứ Bảy, Thủ tướng Davutoglu cho biết lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ đã tấn công vào vị trí của Các đơn vị Bảo vệ Nhân dân (YPG) của người Kurd tại phía Bắc Syria như một biện pháp trả đũa. Cuộc tấn công tiếp tục kéo dài đến Chủ nhật.
Người Kurd Syria đã chiến đấu chống lại quân đội của IS trong nhiều năm liền và đã giải phóng được một phần lớn lãnh thổ Syria khỏi sự thống trị của Nhà nước Hồi giáo tự xưng.
Ankara coi đảng Liên hiệp dân chủ người Kurd ở Syria (PYD) là một nhánh của đảng Công nhân người Kurd (PKK), một tổ chức tìm kiếm tự do cho người Kurd đã tấn công Thổ Nhĩ Kỳ từ năm 1984.
Lệnh ngừng bắn giữa Thổ Nhĩ Kỳ và PKK bị phá vỡ vào tháng 7-2015, kích động quan chức Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành tấn công quân sự trên khu vực phía đông nam nơi tập trung người Kurd sinh sống.

Lo sợ nguy cơ hạt nhân, Trung Quốc kêu gọi Mỹ - Triều Tiên làm hòa

Mỹ và Triều Tiên cần phải chính thức tuyên bố chấm dứt 76 năm thù địch nếu cộng đồng quốc tế muốn lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un ngừng phát triển vũ khí hạt nhân, một quan chức ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc cho biết.
"Triều Tiên và Mỹ vẫn chưa làm hòa với nhau, họ đang mở rộng lệnh ngừng bắn" - Fu Ying, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Trung Quốc Fu Ying nói. "Họ cần phải suy nghĩ làm thế nào để chấm dứt chiến tranh và bắt đầu một mối quan hệ bình thường" - bà cho biết.
Mỹ và Triều Tiên đã đồng ý thỏa thuận ngưng bắn của Liên Hiệp Quốc vào năm 1953, đánh dấu kết thúc cuộc chiến tranh Triều Tiên. Bế tắc quân sự chia bán đảo dọc theo vĩ tuyến 38 sau cuộc xung đột khiến hơn nửa triệu quân từ Trung Quốc, Mỹ, Bắc và Nam Triều Tiên đã chết.
Phát biểu hôm thứ Bảy (13-2) tại Hội nghị An ninh Munich, Fu nói rằng trong khi Trung Quốc không hài lòng về các vụ thử hạt nhân mới đây của Triều Tiên, người dân Trung Quốc thể hiện sự quan tâm nhiều hơn đối với phản ứng của Mỹ.
"Công chúng Trung Quốc tức giận về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên nhưng họ thậm chí còn tức giận hơn về THAAD" - Fu cho biết, đề cập đến thiết bị phòng thủ khu vực đầu cuối tầm cao - hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ triển khai nhằm ngăn chặn hành động khiêu khích của Triều Tiên.
"Nó (hệ thống phòng thủ tên lửa) che phủ lãnh thổ Trung Quốc nhiều hơn là hai miền Triều Tiên".

Nga và phương Tây đối đầu tại Munich

Mỹ yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ ngừng nã pháo vào lực lượng người Kurd ở Syria.

Ngày 13-2 (giờ địa phương) là ngày đấu khẩu giữa Nga và các nước phương Tây tại hội nghị thường niên về an ninh lần thứ 52 tại Munich (Đức).

Báo Le Monde (Pháp) nhận định một mình Nga đã chống lại tất cả nước phương Tây.

Đầu tiên, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu khẳng định NATO không tìm cách đối đầu với Nga và NATO cũng không muốn một cuộc chiến tranh lạnh mới với Nga.

Ông đổ lỗi do Nga gây bất ổn trật tự khu vực châu Âu, NATO mới tăng cường củng cố quyền phòng vệ tập thể bằng cách điều động luân phiên quân đội và vũ khí hạng nặng của NATO ở các nước Đông Âu.

Trên diễn đàn hội nghị, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã đưa ra lập luận trái ngược.

Ông dẫn chứng hàng loạt thách thức như chủ nghĩa khủng bố, khủng hoảng nhập cư, khủng hoảng Ukraine, mùa xuân Ả rập và cho rằng đó là hậu quả từ ý đồ áp đặt dân chủ phương Tây không thành công. Và gần đây nhất là khủng hoảng chính trị ở Moldova.

dem 11-2, hoi nghi quoc te ve syria da dat duoc thoa thuan tam ngung ban o syria de cuu tro nhan dao. biem hoa cua arend van dam (ha lan)

Đêm 11-2, hội nghị quốc tế về Syria đã đạt được thỏa thuận tạm ngừng bắn ở Syria để cứu trợ nhân đạo. Biếm họa của AREND VAN DAM (Hà Lan)

Ông nêu lên bức tranh u ám trong quan hệ Nga-phương Tây (quan hệ xấu đi từ khủng hoảng Ukraine và xung đột Syria).

Ông đánh giá NATO vẫn luôn duy trì chính sách không thân thiện và bí hiểm đối với Nga.

Ông nhận xét chính sách của châu Âu về tăng cường quan hệ đối tác với các nước thuộc Liên Xô cũ chính là xây dựng “vành đai loại trừ” đối với Nga. Ông khẳng định: “Chúng ta đang trượt đến thời kỳ chiến tranh lạnh mới”. Ông kêu gọi cần phải hợp tác hơn là đối đầu.

Về tình hình Syria, Thủ tướng Medvedev khẳng định Nga cam kết sẽ bảo đảm lệnh ngừng bắn tạm thời. Ông đề nghị cần thiết lập quan hệ tiếp xúc quân sự hằng ngày giữa các lực lượng Mỹ và Nga đang tác chiến tại Syria.

Ông khăng khăng cho rằng không có bằng chứng nào cho thấy máy bay Nga ném bom vào dân thường tại Syria.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cũng đã lên tiếng kêu gọi phương Tây áp dụng trở lại “văn hóa đối thoại” và tố cáo lề lối bài xích Nga ở một số nước.

Trong khi đó, các diễn giả Pháp và Mỹ (Thủ tướng Pháp Manuel Valls, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry) đã chỉ trích máy bay Nga ném bom vào dân thường và tấn công quân nổi dậy Syria ôn hòa tại Syria.

Ngoại trưởng John Kerry khẳng định Mỹ sẽ không dỡ bỏ lệnh cấm vận kinh tế đã áp đặt đối với Nga sau khủng hoảng Ukraine.

Ông tuyên bố sắp tới Mỹ sẵn sàng cùng Nga lập danh sách các mục tiêu cần không kích tại Syria.

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda, Tổng thống Litva Dalia Grybauskaité và Tổng thống Ukraine Petro Porochenko đã đồng thanh chỉ trích mối đe dọa Nga và kêu gọi NATO bảo vệ sườn phía Đông NATO.

Khoảng 600 đại biểu gồm các nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ, các bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng, các nghị sĩ, các nhà ngoại giao và các chuyên gia tham dự hội nghị về an ninh ở Munich.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục