Nga điều tiêm kích tối tân Su-35 trực chiến tại Syria
Người nghèo bất mãn, đập phá xe sang ở Trung Quốc
Sập hầm mỏ ở Nam Phi, hơn trăm người bị mắc kẹt
Tiết lộ giây phút cuối cùng trước khi ông Gaddafi bị xử bắn
2016 sẽ là năm nóng kỷ lục của nhân loại
Tin thế giới đọc nhanh chiều 06-02-2016
- Cập nhật : 06/02/2016
Thủ tướng New Zealand John Key: TPP là hiệp định mang tính lịch sử
Người New Zealand phải thấy cực kỳ tự hào vì là một phần của TPP, Thủ tướng nước chủ nhà nơi diễn ra lễ ký kết TPP John Key tuyên bố.
Tuyên bố của ông John Key được đưa ra ngày 4/2, tại thời điểm 12 quốc gia tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) ký kết Hiệp định này tại Auckland vào lúc 11h30 (giờ địa phương).
Theo AP, trong phát biểu khai mạc tại buổi lễ ký kết, ông John Key chia sẻ: “Tôi hy vọng các bạn hài lòng với sự hiếu khách của người New Zeland trong khi các bạn đến đất nước này.
Các bạn sẽ sớm nhận ra rằng sự hiếu khách ấy cũng sẽ lan đến quốc gia nơi các bạn sinh sống bởi nhờ có TPP, giờ bạn có thể thưởng thức cá, thịt cừu và rượu New Zeland ngay trên đất nước các bạn”.
Thủ tướng John Key nhấn mạnh, TPP là “một thỏa thuận rất lớn” và New Zeland tự hào khi là một thành viên có vai trò đưa TPP đi đến chỗ ký kết. Ông John Key cũng ghi nhận đóng góp của Bộ trưởng và phái đoàn đàm phán các nước để đạt được Hiệp định này.
Thủ tướng nước chủ nhà kêu gọi mọi quốc gia cần hành động để tiến tới phê chuẩn TPP và khẳng định TPP sẽ “chỉ là một mảnh giấy” chừng nào Hiệp định này được phê chuẩn.
“Hôm nay là một ngày cực kỳ quan trọng đối với 12 quốc gia tham gia ký kết TPP”, ông John Key kết thúc bài phát biểu của mình.
Australia là nước đầu tiên ký vào văn bản về Hiệp định TPP, Bộ trưởng Thương mại và Đầu tư nước này Andrew Robb đã đặt bút ký vào bản Hiệp định này và tiến đến bắt tay ông John Key và cùng chụp ảnh chung.
Bộ trưởng thương mại 10 quốc gia còn lại cũng thực hiện việc ký kết theo thứ tự Alphabet tên quốc gia của mình. Là nước chủ nhà nên Bộ trưởng thương mại New Zealand Todd McClay là người ký bản Hiệp định này sau cùng và nhận được tràng pháo tay vang dội của những người tham gia lễ ký kết.
Thay mặt Bộ trưởng thương mại 12 nước tham gia TPP, ông McClay tuyên bố TPP chính thức được ký kết.
Ông McClay tuyên bố các Bộ trưởng rất hài lòng vì đã ký thông qua được TPP sau hơn 5 năm đàm phán. Việc ký kết TPP “là một thành tựu mang tính lịch sử”.
Trung Quốc không muốn CHDCND Triều Tiên gây thêm căng thẳng
Ngày 4-2, Bắc Kinh cảnh báo không muốn nhìn thấy bất kỳ căng thẳng nào nữa do Bình Nhưỡng gây ra, sau khi nước này tuyên bố kế hoạch phóng vệ tinh vào không gian.
Lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong un trong cuộc họp tuyên dương những cá nhân có liên quan đến cuộc thử bom nhiệt hạch hồi tháng 1-2016 - Ảnh: Reuters
Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho biết Bắc Kinh đã cử đại sứ của mình là ông Ngô Đại Vĩ đến Bình Nhưỡng để xem xét vấn đề hạt nhân của nước này.
Ông Vương nhấn mạnh “tình trạng rất nghiêm trọng” và Trung Quốc cần liên lạc với tất cả các bên bao gồm Mỹ, Hàn Quốc và Nga. Đồng thời kêu gọi CHDCND Triều Tiên tích cực phối hợp với các bên để đưa vấn đề hạt nhân của nước này vào con đường đàm phán.
“Chúng tôi cần có những liên lạc cần thiết với CHDCND Triều Tiên để lắng nghe ý kiến của họ. Chúng tôi không muốn chứng kiến bất kỳ điều gì có thể gây thêm căng thẳng” - ông Vương trả lời trên đài truyền hình Phoenix của Hong Kong.
Trước đó, Bình Nhưỡng từng tuyên bố với Liên Hiệp Quốc nước này dự kiến phóng vệ tinh vào khoảng ngày 8-2 và 25-2. Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng ở khu vực Đông Bắc Á leo thang sau khi CHDCND Triều Tiên thử bom nhiệt hạch hồi tháng 1-2016.
Theo hãng tin Reuters, CHDCND Triều Tiên nói rằng họ có quyền theo đuổi chương trình không gian dù Mỹ và nhiều nước khác nghi ngờ những đợt phóng vệ tinh như thế kỳ thực là các cuộc thử tên lửa đạn đạo. Washington và cộng đồng quốc tế từng kêu gọi Bình Nhưỡng từ bỏ những kế hoạch phóng vệ tinh này.
Theo Reuters, giới chức Mỹ cho biết CHDCND Triều Tiên đang chuẩn bị cho đợt phóng tên lửa tầm xa. Thông tin này được đưa ra dựa trên những hình ảnh vệ tinh theo dõi được ở khu vực thử tên lửa của CHDCND Triều Tiên.
Trung Quốc là quốc gia hỗ trợ ngoại giao và kinh tế lớn cho CHDCND Triều Tiên. Tuy nhiên, gần đây Bình Nhưỡng đã làm Bắc Kinh nổi giận khi thực hiện hàng loạt cuộc thử nghiệm hạt nhân, buộc Bắc Kinh phải ký vào các nghị quyết trừng phạt của Liên Hiệp Quốc.
Tuần rồi, Ngoại trưởng Mỹ và Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã nhất trí nghị quyết trừng phạt mới của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc đối với CHDCND Triều Tiên.
Nga cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ vi phạm hiệp ước Bầu trời Mở
Bộ Quốc phòng Nga vừa cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ vi phạm hiệp ước "Bầu trời Mở" khi từ chối cho phép một máy bay trinh sát Nga bay qua không phận nước này gần biên giới với Syria.
"Điều này tạo ra một tiền lệ nguy hiểm trong việc thiếu kiểm soát hoạt động quân sự của một nước thành viên trong Hiệp ước Bầu trời Mở" - bộ Quốc phòng Nga tuyên bố.
Theo đó, Nga khẳng định đã chuyển hành trình của máy bay nước này từ ngày 1-2 đến 5-2 cho quân đội Thổ Nhĩ Kỳ nhưng bị từ chối cấp phép bay. Trong khi đó, chính quyền Ankara tuyên bố chưa bao giờ nhận được yêu cầu nào từ Moscow.
Hiệp ước Bầu trời Mở được ký kết năm 2002 với sự tham gia của hơn 30 quốc gia, trong đó có Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, EU và Mỹ nhằm thiết lập một chương trình các chuyến bay giám sát không trang bị vũ khí cho tất cả các bên tham gia để thu thập thông tin về lực lượng và các hoạt động quân sự gây lo ngại cho họ.
AFP cho biết đây là loạt đạn mới nhất trong cuộc "đấu khẩu" gần như liên tục gây leo thang căng thẳng ngoại giao giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ kể từ khi Ankara ra lệnh bắn hạ một máy bay chiến đấu của Moscow.
Nga đã bắt đầu chiến dịch không kích lớn hỗ trợ cho chính quyền tổng thống Syria Bashar al-Assad để chống lại IS.
Ankara hồi cuối tuần trước cũng lên tiếng cáo buộc Moscow vi phạm không phận của nước này bằng một máy bay Su-34. Bộ Quốc phòng Nga bác bỏ cáo buộc, cho rằng đó là một "tuyên bố vô căn cứ".
Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa theo dõi Triều Tiên
"Chúng tôi đã và sẽ theo dõi sát nếu có một vụ phóng, theo dấu vụ phóng và triển khai các thiết bị phòng vệ tên lửa vào vị trí sẵn sàng", Reutersdẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter hôm qua nói.
"Chúng tôi đã có kế hoạch kỹ lưỡng về điều đó. Chúng tôi và các đồng minh thân cận là Nhật và Hàn Quốc đang sẵn sàng", ông Carter cho hay. Tuy nhiên, ông từ chối bình luận về bất cứ kế hoạch cụ thể liên quan đến việc di chuyển radar nổi X-Band tới một vị trí khác hay đưa tàu hải quân tới khu vực trước vụ phóng.
Hàn Quốc nói các tàu khu trục Aegis, hệ thống radar chống tên lửa đạn đạo Green Pine và máy bay kiểm soát, cảnh báo sớm Peace Eye đã sẵn sàng.
Một phát ngôn viên hải quân Mỹ xác nhận tàu USNS Howard O. Lorenzen chuyên cảnh báo sớm tên lửa tuần này đã tới Nhật, nhưng từ chối cho biết liệu đây có phải là động thái phản ứng trước kế hoạch phóng tên lửa Triều Tiên hay không.
Triều Tiên ngày 2/2 thông báo cho Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) rằng họ sẽ phóng một vệ tinh lên quỹ đạo trong khoảng thời gian từ ngày 8 đến 25/2. Giới quan sát dự đoán ngày phóng vệ tinh có thể là 16/2, ngày sinh cố lãnh đạo Kim Jong-il, cha của ông Kim Jong-un. Nhiều nước nghi ngờ đây là vỏ bọc cho một vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.
Triều Tiên "nếu nhanh nhất, sẽ hoàn tất quá trình chuẩn bị phóng trong vài ngày tới", tờ Asahi Shimbun của Nhật Bản dẫn lời một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ giấu tên nói.
Hàng không Nhật Bản đổi lộ trình bay tránh tên lửa Triều Tiên
All Nippon Airways (ANA) và Japan Airlines (JAL) cho biết từ ngày 8 đến 25/2, khoảng thời gian Triều Tiên dự định phóng vệ tinh, họ sẽ thay đổi lộ trình đối với các phi cơ bay qua ngoài khơi Philippines, nơi mảnh vỡ tên lửa có thể rơi xuống sau khi phóng, AFP đưa tin.
Thay đổi này ảnh hưởng đến ba chuyến bay, gồm từ sân bay Haneda đến Manila, từ Manila đến sân bay Narita và từ Jakarta, Indonesia, tới Narita, theo ANA. Trong khi đó, JAL điều chỉnh lại lộ trình với hai chuyển bay từ Jakarta đến Narita và từ Narita đến Manila.
Các chuyến bay dự kiến bị chậm khoảng từ 5 đến 10 phút, hai hãng hàng không cho biết.
Triều Tiên ngày 2/2 thông báo cho Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) sẽ phóng một vệ tinh lên quỹ đạo trong khoảng thời gian từ ngày 8 đến 25/2. Theo thông báo, vệ tinh được phóng vào buổi sáng, từ 7h đến giữa trưa theo giờ Bình Nhưỡng. Khoảng thời gian Triều Tiên đưa ra cho thấy ngày phóng vệ tinh có thể là 16/2, ngày sinh cố lãnh đạo Kim Jong-il, cha của Kim Jong-un.
Triều Tiên khẳng định chương trình không gian của nước này hoàn toàn vì mục đích khoa học nhưng cộng đồng quốc tế lại coi đây là thử nghiệm tên lửa đạn đạo. Liên Hợp Quốc cấm Bình Nhưỡng sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo và đã áp đặt các lệnh trừng phạt từ sau lần phóng tên lửa vào tháng 12/2012.