Mỹ hiện là nước có nhiều tàu sân bay nhất thế giới với 19 chiếc đang hoạt động.
Tin thế giới đọc nhanh chiều 26-01-2016
- Cập nhật : 26/01/2016
Nhiều quan chức Tân Cương tham gia khủng bố
Giới chức khu tự trị Tân Cương, Trung Quốc, thừa nhận nhiều quan chức chính quyền đã ủng hộ, thậm chí tham gia các hoạt động khủng bố.
Cảnh sát cơ động Trung Quốc trong một buổi diễn tập chống tham nhũng ở thủ đô Urumqi, Tân Cương - Ảnh:Reuters
“Các thành viên của chính quyền Tân Cương đang đối mặt gấp đôi với các vấn đề của việc chống chủ nghĩa ly khai và khủng bố. Thậm chí, một số quan chức còn ủng hộ, tham gia trong các tổ chức khủng bố” - bí thư Ủy ban thanh tra kỷ luật Đảng cộng sản Trung Quốc ở Tân Cương Từ Hải Vinh cho biết.
Ông Từ không cho biết cụ thể danh tính của số quan chức này mà chỉ nói rằng sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với số quan chức tham gia các hoạt động khủng bố trên.
Quan chức này khẳng định chính quyền Tân Cương vẫn tiếp tục tăng cường chiến dịch trừng phạt chủ nghĩa khủng bố mạnh hơn ở khu tự trị này.
Ông Từ cho biết thêm năm 2015, chính quyền khu tự trị Tân Cương đã xử lý 672 trường hợp quan chức vi phạm kỷ luật.
Cuối tuần qua, giới chức an ninh Trung Quốc cảnh báo nước này đang đối mặt với những nguy cơ tăng cao về khả năng tấn công khủng bố.
Báo cáo công tác chính trị và pháp luật tại hội nghị cấp trung ương Trung Quốc gần đây cảnh báo lực lượng cảnh sát nước này cần đẩy mạnh việc sử dụng các trang thiết bị hiện đại trong việc rà soát bom mìn cũng như các kỹ thuật phát hiện, nếu muốn chống khủng bố hiệu quả.
Tàu tuần duyên khổng lồ của Trung Quốc đe dọa khu vực
Asian Sentinel đưa tin với việc triển khai 2 tàu tuần duyên thuộc hàng lớn nhất thế giới, Trung Quốc có thể làm thay đổi cán cân sức mạnh tại các khu vực biển Đông và Hoa Đông.
Theo trang mạng Asian Sentinel, các tàu Hải Cảnh 2901 và Hải Cảnh 3901 có lượng giãn nước 10.000 tấn; và có thể còn lớn hơn khi được trang bị đầy đủ.
Thông số này cho thấy hai tàu của Trung Quốc lớn hơn các tuần dương hạm lớp Ticonderoga của Hải quân Mỹ và tàu tuần duyên Shikishima, lớn nhất của Nhật Bản với lượng giãn nước 6.500 tấn.
Trong khi đó, tàu tuần duyên lớn nhất thuộc một lực lượng bảo vệ bờ biển ở Đông Nam Á là tàu DN2000 của Việt Nam, có lượng giãn nước 2.500 tấn.
Tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, từng tuyên bố tàu tuần duyên mới của nước này có thể đâm chìm tàu có lượng giãn nước tới 9.000 tấn mà không hề hấn gì. Nếu đúng vậy, điều này sẽ tạo ra mối mối đe dọa tiềm tàng với các tàu hải quân thông thường của Mỹ và Nhật Bản.
Hai tàu trên của Trung Quốc có thể sẽ không được trang bị vũ khí hạng nặng, bởi hình ảnh được công bố cho thấy chúng thiếu các tháp pháo.
Tuy nhiên, không phải vũ khí mà chính kích cỡ mới tạo nên sức mạnh khủng khiếp của các tàu này, đặc biệt trong bối cảnh “đâm tàu” từ lâu đã là một chiến thuật được sử dụng trong các tranh chấp lãnh thổ ở biển Đông và Hoa Đông.
2 phi công nước ngoài âm mưu khủng bố 4 thành phố Anh
Không lực Hoàng gia Anh (RAF) vừa phá được âm mưu tấn công khủng bố nhằm vào 4 thành phố lớn, trong đó có thủ đô London sau khi phát hiện 2 phi công nước ngoài bàn về mục tiêu trên sóng vô tuyến.
Tờ Sunday Express cho biết RAF chặn được nội dung trao đổi giữa 2 phi công nước ngoài – bao gồm 1 người làm việc cho một hãng hàng khôngnằm trong danh sách theo dõi của tình báo – khi họ bàn về mục tiêu tấn công khủng bố.
Hai phi công sử dụng kênh liên lạc khẩn cấp “Mayday” và nói những từ “lóng” để tránh bị phát hiện. Nội dung tin nhắn có đoạn “một bài hát sắp leo lên bảng xếp hạng”, được cho là các phi công chuẩn bị tuồn thiết bị nổ hoặc vũ khí hóa học lên máy bay.
Tuy nhiên, thông điệp “mã hóa” này bị chặn khi họ bay từ một sân bay châu Âu (được cho là sân bay Schiphol, Amsterdam – Hà Lan) tới Trung Đông. Sau đó, tình báo Anh đã giải mã thông điệp và cho rằng bọn họ đang nói về âm mưu tấn công các thành phố London, Bath, Brighton và Ipswich.
Ngoài ra, nhà chức trách tin rằng 2 phi công gốc Ả Rập này ủng hộ tổ chứcNhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq và Syria.
Âm mưu được phát hiện không lâu sau vụ tấn công khủng bố liên hoàn ở thủ đô Paris - Pháp hồi tháng 11-2015.
Chính phủ Anh lập tức nâng mức cảnh báo khủng bố trong nước và tăng cường 10.000 binh sĩ để hỗ trợ cảnh sát trên đường phố.
Báo Express cho biết RAF được phép triển khai máy bay do thám điện tử bên ngoài không phận Anh nhằm theo dõi máy bay của một số hãng hàng không nhất định. Lực lượng không quân Mỹ tại Đức đang hỗ trợ hoạt động này.
Trong năm 2012, Cục Hàng không Dân dụng Anh (CAA) phát động một cuộc điều tra chính thức sau khi một số phi công máy bay dân sự lạm dụng kênh khẩn cấp “Mayday” để trò chuyện về bóng đá và các kỳ nghỉ.
Đây là trường hợp thứ hai liên quan tới phi công thương mại có biểu hiện của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Năm ngoái, cảnh sát Úc phát hiện 2 phi công của một hãng hàng không Indonesia gồm Ridwan Agustin và Tommy Hendratno bị nhiễm tư tưởng cực đoan hóa từ IS.
Nga phát triển máy bay chiến đấu trong không gian
Theo hãng tin Sputnik, Nga đã lên kế hoạch phát triển MiG-41, “siêu máy bay” có thể chiến đấu ngoài không gian với vận tốc lớn hơn cả vận tốc tên lửa.
Kênh truyền hình Nga Zvezda cho biết kế hoạch chế tạo chiếc máy bay siêu nhanh này sẽ được hoàn tất trước năm 2025. Hiện tại, mọi thông tin chi tiết về kế hoạch này vẫn chưa được tiết lộ.
Thông tin duy nhất cho đến nay được biết đến chính là cơ quan thiết kế máy bay quân sự Mikoyan lên ý tưởng cho MiG-41 từ chiếc máy bay đánh chặn từ xa MiG-31 cách đây 3 năm, như một phần trong kế hoạch thay thế MiG-31 đang dần trở nên lỗi thời và sẽ chính thức bị chấm dứt hoạt động vào năm 2028.
Với việc thiết kế và đưa vào sản xuất MiG-41 cùng hệ thống tên lửa phòng thủ S-500 hiện tại, lực lượng quân sự Nga đang ở vị trí tiên phong trong khả năng đánh chặn các máy bay siêu thanh đang được phát triển tại Mỹ.
“MiG-41 sẽ thể hiện tất cả ưu điểm đánh chặn của máy bay chiến đấu MiG-31” - Alexander Tarnayev, thành viên Uỷ ban Quốc phòng Nga cho biết.
Điều này sẽ đòi hỏi việc thử nghiệm nhiều lần, và đây cũng có thể chính là lý do khiến hàng trăm chiếc MiG-31 sẽ được đại tu và đưa vào phục vụ trong lực lượng không quân Nga.
Các tính năng chính của MiG-41 hiện vẫn chưa được tiết lộ, nhưng có một điều dễ dàng nhận thấy rằng chiếc máy bay nhanh hơn cả tên lửa này sẽ là thế lực đáng gờm cản bước bất cứ lực lượng tấn công nào trong tương lai
Lãnh đạo các bang ở Úc muốn cắt liên hệ với Hoàng gia Anh
Lãnh đạo các bang ở Úc hôm 25-1 cùng bày tỏ sự ủng hộ đối với một nền cộng hòa tại nước này, cắt đứt mối liên hệ với Hoàng gia Anh.
Thủ hiến bang Nam Úc Jay Weatherill là một trong những người ủng hộ nền cộng hòa - Ảnh: Aadelaide Now
Trước ngày quốc khánh của Úc vào ngày mai 26-1, 7 trong số 8 lãnh đạo bang và lãnh thổ đã ký vào một tuyên bố kêu gọi nước này có một nguyên thủ quốc gia thay thế cho sự trị vì của hoàng gia Anh.
Lãnh đạo bang duy nhất không ký vào bản tuyên bố là Thủ hiến bang Tây Úc Colin Barnett. Ông nói ông ủng hộ một nền cộng hòa nhưng không nghĩ rằng đây là thời điểm thích hợp.
Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull, người dẫn đầu phong trào ủng hộ nền cộng hòa vốn tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về vấn đề này năm 1999 nhưng thất bại, nói rằng trước đây vấn đề này chưa cấp bách.
Thời cơ của ông Turnbull để mở một cuộc trưng cầu dân ý về nền cộng hòa chỉ có thể xảy ra sau triều đại của nữ hoàng Anh.
Tuy nhiên, Thủ hiến bang Nam Úc Jay Weatherill nói sẽ là một “hành động tôn trọng cuối cùng” nếu nữ hoàng chủ trì việc chuyển đổi Úc từ thể chế quân chủ sang cộng hòa.
Theo AFP, ông Weatherill cũng nói không nên đợi nữ hoàng qua đời mà hãy làm ngay để tỏ sự tôn trọng đối với bà trong việc chuyển đổi.
Trong khi đó, sự ủng hộ một nền cộng hòa ở Úc có sự sụt giảm. Cuộc thăm dò của Fairfax-Nielsen năm 2014 cho thấy 51% trong số 1.400 người được hỏi nói muốn giữ nguyên hiện trạng và chỉ 42% nói ủng hộ nền cộng hòa.