Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Harry Harris, ngày 27-1 cho biết Washington sẽ tiếp tục hoạt động tuần tra ở biển Đông nhằm đảm bảo quyền tự do hàng hải.
Tin thế giới đọc nhanh tối 27-01-2016
- Cập nhật : 27/01/2016
Lào không muốn Biển Đông bị quân sự hóa
Chuyến công du châu Á của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry được đánh giá là gây áp lực lên Trung Quốc trong nhiều vấn đề, từ hạt nhân của CHDCND Triều Tiên đến Biển Đông.
Ngoại trưởng Mỹ (thứ hai từ trái sang) cùng đại sứ Mỹ tại Lào Daniel Clune (trái) trong buổi hội đàm với ngoại trưởng Lào ở Vientiane ngày 25-1 - Ảnh: Reuters
Mọi quốc gia đều phải tuân theo khuôn khổ của luật pháp quốc tế, trong đó bao gồm tự do hàng hải trên Biển Đông
Hôm nay 26-1, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry có mặt tại Campuchia hội đàm với Thủ tướng Hun Sen. Đây là điểm dừng chân thứ hai của ông Kerry sau thủ đô Vientiane của Lào.
Ông Kerry từng thăm Campuchia vào cuối thập niên 1990 và đầu thập niên 2000 trong tư cách nghị sĩ Mỹ. Ông từng đóng vai trò cầu nối trong việc kêu gọi Chính phủ Campuchia thúc đẩy xét xử các thủ lĩnh Khmer Đỏ.
Báo Wall Street Journal đánh giá bên cạnh việc giải quyết các vấn đề song phương, chuyến thăm Lào, Campuchia của ông Kerry lần này thể hiện nỗ lực của Washington trong việc tái cân bằng, giảm thiểu sức ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu Á - Thái Bình Dương.
Lào lên tiếng
Theo Reuters, trong cuộc gặp Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 25-1, Thủ tướng Lào Thongsing Thammavong tuyên bố Vientiane, với tư cách chủ tịch ASEAN, mong muốn quyền tự do hàng hải được tôn trọng và không để xảy ra tình trạng quân sự hóa trên Biển Đông.
“Ông ấy thể hiện rõ mong muốn một ASEAN đoàn kết và quyền tự do hàng hải được tôn trọng. Ông ấy cũng muốn tránh xung đột và quân sự hóa” - Ngoại trưởng Kerry kể lại cuộc hội đàm với Thủ tướng Thammavong.
Ông Kerry là ngoại trưởng Mỹ thứ ba thăm Lào, sau ông John Foster Dulles năm 1955 và bà Hillary Clinton năm 2012.
“Điều quan trọng là Lào giữ một vai trò tích cực trong khối ASEAN, vì chính ASEAN đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì hệ thống luật pháp tại châu Á - Thái Bình Dương, đảm bảo mọi quốc gia dù lớn hay nhỏ đều có quyền lên tiếng trong mọi vấn đề chung” - ông Kerry chia sẻ về vai trò chủ tịch ASEAN của Lào.
Giới quan sát nhận định chiến lược khích lệ tính đoàn kết trong khối ASEAN của ông Kerry vào thời điểm này nhằm chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Obama và 10 nhà lãnh đạo ASEAN tại California (Mỹ) vào ngày 15 và 16-2.
Ngoài vấn đề Biển Đông, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Ngoại trưởng Kerry cũng thảo luận các khoản viện trợ cho Lào, trong đó có công tác tháo gỡ bom mìn từ thời chiến tranh.
Một quan chức ngoại giao Mỹ tiết lộ các cam kết viện trợ khác có thể được đưa ra khi Tổng thống Obama tham dự Hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Lào vào tháng 9. Ông Obama sẽ là tổng thống Mỹ đầu tiên trong lịch sử thăm đất nước Lào.
Nga mời Nhật cùng đánh cá ở vùng biển tranh chấp
Nga đang mời các đối tác nước ngoài, bao gồm cả Nhật Bản, tham gia hoạt động phát triển nghề cá quanh quần đảo ở Thái Bình Dương, nơi Moscow và Tokyo có tranh chấp chủ quyền.
Phó thủ tướng Nga Yuri Trutnev, phái viên của Tổng thống Vladimir Putin tại khu vực Viễn Đông, cho biết đề nghị này nằm trong kế hoạch phát triển khu vực Kuril (Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc). Đây là khu vực rộng lớn, giàu tài nguyên nhưng kém phát triển và thiếu cơ sở hạ tầng từ giao thông, nguồn nhân lực đến thông tin liên lạc.
“Chúng tôi muốn phát triển quần đảo Kuril với tốc độ nhanh chóng. Các điều kiện tại đây rất lý tưởng cho hoạt động đánh bắt và nuôi cá. Vì vậy, chúng tôi đang mời các công ty Nhật Bản và sẵn sàng dành ưu tiên cho họ” - dẫn lời ông Trutnev phát biểu ngày 25-1 bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thuỵ Sĩ. Tuy nhiên, ông Trutnev nhấn mạnh nếu Nhật Bản không giành lấy cơ hội, Nga sẽ trao nó cho những quốc gia khác sẵn sàng hợp tác vì có nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến lĩnh vực này.
Phó thủ tướng Trutnev cho biết Nga, quốc gia có một trong những bờ biển dài nhất thế giới, chỉ chiếm 2% sản lượng nuôi trồng ngư nghiệp toàn cầu và mong muốn thúc đẩy ngành công nghiệp này gấp nhiều lần.
Tranh chấp ở vùng được gọi là quần đảo Kuril ở Nga và Lãnh thổ phương Bắc tại Nhật Bản đã khiến quan hệ giữa hai nước căng thẳng từ thời Thế chiến thứ 2, khi lực lượng Liên Xô kiểm soát 4 hòn đảo ở đầu phía Nam. Trong những năm gần đây, giới chức Nga có nhiều chuyến thăm đến các đảo và đẩy mạnh hoạt động quân sự tại đây. Tháng 12-2015, Bộ trưởng Quốc phòng Nga, ông Sergei Shoigu cho biết Moscow đang tích cực xây dựng các căn cứ quân sự trên 2 hòn đảo Iturup and Kunashir thuộc quần đảo Kuril.
Ngoài ra, một dự án hợp tác với Trung Quốc cũng được đề xuất. Tuy nhiên, nhiều người Nga không chấp nhận bất kỳ sự can dự nào của Trung Quốc, vốn để mắt đến tài nguyên thiên nhiên ở vùng Viễn Đông giàu trữ lượng gỗ và khoáng sản.
50 người thiệt mạng vì cúm heo ở Nga
Ngày 26-1, nhà chức trách các khu vực ở Nga thông báo ít nhất 50 người dân nước này đã thiệt mạng vì dịch cúm heo.
Theo AFP, chính quyền vùng Rostov cho biết tại đây đã có tám người chết vì cúm heo, trong khi ở vùng Volgograd gần đó đã có 11 người thiệt mạng. Ngoài ra còn có thêm hàng chục người chết ở các vùng North Caucasus, Urals, Adygea, Crimea, Bryank, Belgorod và Vladimir.
Tổng cộng đã có 50 người thiệt mạng. Báo Telegraph cho biết ở thành phố St. Petersburg, cúm heo đang có nguy cơ trở thành đại dịch. Cơ quan y tế thành phố đã kêu gọi người dân không đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng và đeo khẩu trang mỗi khi ra đường.
Ở vùng Urals chính quyền cũng báo động tình trạng dịch do đã có hơn 50 ca nhiễm bệnh. Dù vậy Bộ trưởng Y tế Nga Veronika Skvortsova khẳng định dịch cúm heo tại Nga “vẫn hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát”.
Đại diện Viện Nghiên cứu cúm ở St. Petersburg kêu gọi người dân tiêm vắc xin chống cúm.
Dịch cúm heo cũng đang hoành hành ở nhiều nước Liên Xô cũ. Ở Armenia cũng đã có 18 người chết. Tại Gruzia cũng có ba trường hợp qua đời. Cúm heo gây lo ngại đặc biệt ở Ukraine bởi đã có 50 người thiệt mạng.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá dịch cúm heo lần này không nghiêm trọng như năm 2009, và kêu gọi người dân các nước viêm vắc xin phòng cúm.
Malaysia khẳng định “nguy cơ khủng bố có thật”
Hôm qua, Thủ tướng Malaysia Najib Razak nhìn nhận nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) là một mối đe dọa “rất thật” đối với nước này.
Tuyên bố của ông Najib được đưa ra vài giờ sau khi nhóm phiến quân Katibah Nusantara đăng tải một đoạn phim dọa tổ chức các cuộc tấn công ở Malaysia vì chính quyền nước này bắt giữ những người ủng hộ họ.
Theo Reuters, Katibah Nusantara được coi là một nhánh của IS ở khu vực. Cảnh sát Malaysia khẳng định đoạn phim quay cảnh thành viên Katibah Nusantara xuất hiện dưới cờ của IS là nghiêm trọng, bởi đây là lần đầu có một thông điệp của IS bằng tiếng Malaysia.
Phía cảnh sát cũng nhận định nhóm này trước đây không có mối liên hệ với IS, nhưng bây giờ thì có. Katibah Nusantara được cho là do Bahrun Naim cầm đầu. Đây là nghi can chủ mưu vụ khủng bố ở thủ đô Jakarta của Indonesia hồi đầu tháng này.
“Mối đe dọa này là nghiêm trọng và chính phủ nhìn nhận việc này rất nghiêm túc. Đây là một thách thức mà chúng ta phải đối mặt khắp nơi trên thế giới. Malaysia cũng không ngoại lệ đối với mối nguy hiểm này” - ông Najib tuyên bố.
Cảnh sát Malaysia cũng cho biết hôm 24-1 đã bắt giữ bảy thành viên thuộc một nhóm nhỏ của IS đang lên kế hoạch tấn công khắp đất nước. Những tên này đem theo đạn, sách thánh chiến, cờ IS và các đoạn phim tuyên truyền.
Mười ngày trước đó, Malaysia đã bắt giữ một nghi can khủng bố được cho là đang lên kế hoạch tấn công liều chết ở Kuala Lumpur. Ông Najib cho biết thêm ba người Malaysia tìm cách sang Syria chiến đấu với IS cũng bị bắt trong tháng này.
Trong khi đó tại Thái Lan, chính quyền đang nỗ lực cải thiện hệ thống xuất nhập cảnh nhằm ngăn chặn các vụ tấn công khủng bố, trong đó có cả việc lắp đặt hệ thống sinh trắc vân tay.
Bangkok vừa công bố chính sách mở toang cửa đón thêm khách du lịch, nhưng giới chức tại đây cũng muốn đảm bảo điều này không mở cánh cửa đối với tội phạm nước ngoài và ngay cả các phần tử khủng bố.
Theo Bangkok Post, Cục Xuất nhập cảnh Thái Lan nói sẽ thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt hơn vào khoảng giữa tháng 3 và 4 nhằm tăng cường khả năng giám sát. Thái Lan cũng sẽ phối hợp với Malaysia để theo dõi các mối đe dọa khủng bố tiềm tàng.
Pháp thắt chặt quan hệ với Nga bất chấp lệnh trừng phạt EU
Bộ trưởng kinh tế Pháp Emmanuel Macron cho biết Pháp sẽ tăng cường quan hệ hợp tác với Nga bất chấp những trừng phạt EU đang áp lên Matxcơva.
Bộ trưởng kinh tế Pháp Emmanuel Macron (phải) và người đồng cấp Nga Alexei Ulyukayev trong cuộc gặp tại Matxcơva - Ảnh: Getty Images
Theo AFP, tuyên bố được ông Emmanuel Macron đưa ra ngày hôm qua, 25-1, tại thủ đô của Nga sau khi đối thoại với người đồng cấp Nga Alexei Ulyukayev.
Ông Macron cho biết các chuyến thăm cấp bộ trưởng giữa hai nước thể hiện mong muốn mạnh mẽ trong việc giữ gìn và tăng cường hơn nữa những quan hệ ngoại giao trong khi vẫn tôn trọng những lệnh trừng phạt thuộc khuôn khổ chính trị và ngoại giao hiện tại.
Ông Macron khẳng định: “Sẽ rất quan trọng để hai nền kinh tế chúng ta tăng cường quan hệ hợp tác và tiến về phía trước một cách thực tiễn”.
Ông Macron cũng nói Paris sẽ tìm kiếm thêm sự bảo đảm từ phía Washington trong việc giúp các ngân hàng của Pháp có thể tham gia đầu tư vào dự án khí đốt khổng lồ ở Yamal của Nga trị giá 27 tỉ USD mà không bị vướng vào các lệnh trừng phạt.
Trong chuyến công du hai ngày tới Nga, bộ trưởng kinh tế Pháp cho biết Paris hy vọng các lệnh trừng phạt Liên minh châu Âu hiện đang áp lên Nga vì đã ủng hộ lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine sẽ được gỡ bỏ trong mùa hè năm nay.
Ông Macron cũng nói ông hy vọng thỏa thuận Minsk, gói giải pháp đã được nhất trí giữa các nhà lãnh đạo Pháp, Đức, Ukraine và Nga tại thủ đô Belarus, sẽ được thực thi hoàn toàn vào tháng 7-2016.
Ông Macron nói: “Chúng tôi hy vọng rằng tất cả các bên sẽ tôn trọng những cam kết của họ trong thỏa thuận Minsk, điều này sẽ cho phép gỡ bỏ các lệnh trừng phạt”.
Cuối tháng 12, EU đã nới thêm thời hạn áp lệnh trừng phạt với Nga tới ngày 31-7.