Lực lượng phòng thủ tên lửa Nga sắp được trang bị loại vũ khí mới siêu hiện đại để đảm bảo cho thủ đô Moscow một lá chắn tên lửa an toàn nhất thế giới.
Quốc gia nào sở hữu tàu sân bay
- Cập nhật : 27/01/2016
(Tin kinh te)
Mỹ hiện là nước có nhiều tàu sân bay nhất thế giới với 19 chiếc đang hoạt động.
Tàu sân bay trên thế giới hiện chia làm ba loại, gồm tàu cỡ lớn có thể mang cả máy bay cánh cố định và trực thăng, tàu cỡ nhỏ hơn phục vụ mọi hoạt động của trực thăng, và tàu đổ bộ sở hữu bãi đáp, nhà chứa máy bay, đồng thời mang theo trực thăng.
Mỹ đang là quốc gia có nhiều tàu sân bay nhất thế giới, với 19 chiếc, chiếm gần một nửa số lượng tàu sân bay toàn cầu.
Hải quân nước này hiện biên chế 10 siêu tàu sân bay lớp Nimitz. Con tàu dài 332 m, nặng 101.600 tấn, lớn hơn 60% so với đối thủ kế cận là tàu Nữ hoàng Elizabeth của Anh. Thay vì sử dụng turbine khí hay hệ thống đẩy bằng điện - diesel như nhiều chiến hạm hiện đại khác, tàu Nimitz dùng hai lò phản ứng hạt nhân để tạo ra hơi nước áp lực cao làm xoay 4 trục cánh quạt. Tốc độ tối đa của tàu đạt trên 56 km/h.
Mỗi tàu Nimitz có thể mang theo một phi đội bao gồm 24 máy bay F/A-18C Hornet, 24 chiến đấu cơ đa nhiệm F/A-E/F Super Hornet, 4 - 5 máy bay tác chiến điện tử E/A-18G Growler, 5 máy bay kiểm soát và cảnh báo sớm trên không E-2D Hawkeye, hai máy bay vận tải C-2 Greyhound, cùng 6 trực thăng Seahawk. Trong ảnh là tàu USS George HW Bush thuộc lớp Nimitz. Ảnh: Wikipedia
Ngoài ra, hải quân Mỹ cũng biên chế 9 tàu đổ bộ trực thăng lớp Wasp và lớp America. Những tàu này có độ dài trên 250 m, lượng giãn nước đạt khoảng 40.000 tấn, tốc độ 41 km/h. Tàu lớp Wasp có khả năng chở 6 máy bay phản lực cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng AV-8B Harrier II, 4 trực thăng tấn công AH-1W Super Cobra, 12 trực thăng CH-46 Sea Knight hoặc 4 máy bay vận tải MV-22 Osprey, 4 trực thăng CH-53 Sea Stallion và 3 - 4 trực thăng UH-1N Huey.
Hai tàu sân bay mới là USS Gerald R. Ford và USS John F. Kennedy đang trong quá trình chế tạo. Mỗi chiếc có thể mang 10 máy bay vận tải MV-22 Osprey, 4 trực thăng vận tải hạng nặng CH-53E, 3 trực thăng UH-1 Huey, 4 trực thăng tấn công AH-1Z cùng 6 máy bay phản lực lên thẳng Harrier. Ảnh: Wikimedia
Dù chi tiêu mạnh tay cho quân sự nhưng Bắc Kinh hiện chỉ sở hữu duy nhất tàu sân bay Liêu Ninh. Con tàu này được tân trang từ tàu sân bay Riga có từ thời Liên Xô. Trung Quốc mua lại của một nhà máy đóng tàu Ukraine hồi năm 1998. Chính quyền nước này sau đó dành hơn một thập kỷ để cải tiến nó và chính thức đưa vào sử dụng hồi năm 2012.
Liêu Ninh dài gần 305 m, lượng giãn nước khi đầy tải đạt 60.000 tấn. Tàu không trang bị hệ thống phóng máy bay mà sử dụng một đường dốc để giúp phi cơ cất cánh theo kiểu nhảy cầu giống trong môn trượt tuyết (ski - jump). Tàu có khả năng mang theo 24 chiến đấu cơ Cá mập Bay J-10, 6 trực thăng vận tải Z-18, 4 trực thăng chống ngầm Ka-31 và hai trực thăng liên lạc. Ảnh: Reuters
Nga hiện cũng chỉ có một tàu sân bay đang hoạt động là chiếc Đô đốc Kuznetsov. Con tàu dài 305 m, lượng giãn nước khi đầy tải đạt 65.000 tấn. Đội máy bay của tàu bao gồm 18 chiến đấu cơ đánh chặn Su-33 Flanker-D, 4 cường kích Su-25 Frogfoot, hai máy bay kiểm soát và cảnh báo sớm trên không Ka-31RLD và 15 trực thăng tác chiến chống ngầm Ka-27PL.
Không như các tàu sân bay khác, Đô đốc Kuznetsov còn được trang bị 12 tên lửa chống hạm siêu thanh SS-N-19 Shipwreck và một tên lửa đất đối không Tor phiên bản dùng cho tàu. Ảnh: Migflug
Anh có hai tàu sân bay đang chế tạo là tàu Nữ hoàng Elizabeth, dự kiến đi vào hoạt động năm 2020 và tàu Hoàng tử xứ Wales, hoàn thành vào năm 2022.
Khi xuất xưởng, hai tàu này sẽ có độ dài 280 m và lượng giãn nước đạt 65.000 tấn. Giống tàu Liêu Ninh, chúng sẽ sử dụng một đường dốc để giúp phi cơ cất cánh thay vì dùng hệ thống phóng máy bay. Mỗi chiếc sẽ mang theo khoảng 12 máy bay chiến đấu F-35 cùng 4 trực thăng khi tiến hành tuần tra. Trong kịch bản xảy ra chiến tranh, số lượng chiến đấu cơ F-35 trên tàu sẽ được điều chỉnh lên 36 chiếc. Ngoài ra, hai tàu trên cũng có thể triển khai các trực thăng Apache, Merlin, Chinook và Wildcat để hỗ trợ các lực lượng đổ bộ. Ảnh: Esquire
Pháp có một tàu sân bay đang hoạt động là chiếc Charles de Gaulle, được biên chế từ năm 2001 và hiện tham gia nhiệm vụ chống Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria. Con tàu dài 261 m, lượng giãn nước khi đầy tải đạt 43.100 tấn. Đây là tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân duy nhất trên thế giới không thuộc biên chế hải quân Mỹ.
Đội máy bay trên tàu bao gồm 10 - 14 chiến đấu cơ đa nhiệm Rafale M, 10 - 12 tiêm kích Super Etendard, hai đến ba máy bay kiểm soát và cảnh báo sớm trên không E-2C Hawkeye, cùng 4 - 5 trực thăng tìm kiếm cứu nạn. Ảnh:Reuters
Ấn Độ hiện biên chế hai tàu sân bay mang tên Viraat và Vikramaditya. Chiếc Viraat từng là một tàu sân bay cỡ nhỏ của Anh và nay trở thành soái hạm của hải quân Ấn Độ. Được chế tạo từ thời kỳ Thế chiến II, Viraat là một trong những tàu sân bay cũ nhất thế giới. Với chiều dài 226 m, lượng giãn nước 28.700 tấn, Viraat có thể chở 9 chiến đấu cơ Harrier, cùng 15 trực thăng Sea King, Helix và Chetak.
Vikramaditya trong khi đó từng là một tàu tác chiến chống ngầm của Liên Xô, được hiện đại hóa và gắn thêm sàn đáp chéo góc để trở thành tàu sân bay. Tàu có độ dài 284 m, lượng giãn nước 45.000 tấn. Đội máy bay trên tàu tương đối mạnh mẽ với 36 chiến đấu cơ đa nhiệm MiG-29K. Vikramaditya cũng có thể mang 12 trực thăng Helix để thực hiện nhiệm vụ kiểm soát, cảnh báo sớm trên không và tìm kiếm cứu nạn.
Ấn Độ đang chế tạo một tàu sân bay khác nhằm thay thế cho chiếc Viraat. Đây sẽ là tàu sân bay đầu tiên do nước này tự thiết kế và sản xuất. Trong ảnh là chiếc Vikramaditya. Ảnh: Esquire
Nhật Bản hiện có ba tàu sân bay mà nước này gọi là "tàu khu trục trực thăng", gồm hai tàu lớp Hyuga và một chiếc lớp Izumo.
Tàu lớp Hyuga dài 197 m, có lượng giãn nước khi đầy tải đạt 18.000 tấn. Tàu có khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau như tác chiến chống ngầm hay tấn công đổ bộ. Mỗi chiếc chở được 10 trực thăng, bao gồm trực thăng chống ngầm SH-60, trực thăng dò thủy lôi MCH-101, trực thăng tấn công AH-64 Apache, trực thăng vận tải đa năng MV-22 Ospreys và CH-47.
Tàu sân bay trực thăng lớp Izumo sẽ biên chế vào năm 2018. Dài 248 m và có lượng giãn nước đạt 27.000 tấn, tàu Izumo lớn hơn tàu Hyuga khoảng 30%. Kaga, chiếc tàu thứ hai thuộc lớp này, cũng đang được hoàn thiện. Ảnh:USNI
Tàu tấn công đổ bộ lớp Canberra đầu tiên của Australia được chính thức biên chế vào cuối năm 2014, đánh dấu sự trở lại của nước này trong cuộc chạy đua tàu sân bay toàn cầu sau ba thập kỷ gián đoạn.
Tàu HMAS Canberra cùng người anh em của nó là tàu HMAS Adelaide (dự kiến đi vào hoạt động trong năm nay) có chiều dài 230 m, lượng giãn nước khi đầy tải 27.830 tấn. Tàu có thể mang theo 1.221 - 1.403 binh sĩ, đồng thời hỗ trợ triển khai tới 12 máy bay, trong đó có trực thăng Sea King và Sea Hawk của hải quân, trực thăng tấn công Tiger của lục quân, trực thăng vận tải cỡ vừa MRH-90 và trực thăng vận tải hạng nặng CH-47 Chinook. Trong ảnh là chiếc Adelaide. Ảnh: Esquire
Italy hiện biên chế hai tàu sân bay mang tên Cavour và Giuseppe Garabaldi, chạy bằng động cơ turbine khí.Cavour dài 236 m, lượng giãn nước 27.100 tấn, trong khi Giuseppe Garabaldi nhỏ hơn, chỉ dài 180 m và lượng giãn nước đạt 13.850 tấn.
Cả hai tàu đều có thể mang theo 12 trực thăng hoặc 10 máy bay phản lực Harrier. Tuy nhiên, chỉ tàu Cavour mới có đường dốc 12 độ để giúp phi cơ Harrier cất cánh kiểu nhảy cầu. Cavour sẽ được cải tiến để tiếp nhận 15 chiến đấu cơ F-35 của hải quân Italy trong tương lai. Ảnh: Esquire
Tàu Dokdo của Hàn Quốc là một tàu đổ bộ có khả năng phát động tấn công cả từ trên không và trên biển. Dài gần 200 m và có lượng giãn nước đạt 18.800 tấn, Dokdo là một trong những chiến hạm lớn nhất thuộc biên chế hải quân Hàn Quốc. Tàu có thể triển khai 10 trực thăng chở quân Blackhawk cùng một lúc.
Ngoài là một tàu sân bay trực thăng, Dokdo còn đảm nhận cả vai trò của một tàu chỉ huy. Hàn Quốc đang lên kế hoạch chế tạo hai chiếc khác thuộc lớp này. Ảnh: Defense Industry Daily
Brazil mua lại Sao Paolo, chiếc tàu sân bay duy nhất của nước này, từ Pháp hồi năm 2000. Được chế tạo vào năm 1963, Sao Paolo là một trong những tàu sân bay cũ nhất còn hoạt động tới nay và là chiếc duy nhất ở Nam Mỹ.
Sao Paolo dài 265 m, lượng giãn nước khi đầy tải đạt 33.000 tấn. Tàu sở hữu cả hệ thống phóng máy bay và đường dốc giúp phi cơ cất cánh theo kiểu nhảy cầu. Đội máy bay trên tàu bao gồm 12 cường kích ném bom A-4 Skyhawk, 4 máy bay vận tải C-1A Trader và khoảng 20 trực thăng.
Kể từ khi Pháp chuyển giao Sao Paolo cho Brazil, tàu thường gặp một số vấn đề về kỹ thuật. Mặc dù hệ thống động cơ đẩy đã được cải tiến nhưng con tàu này vẫn không thể thực hiện các hành trình dài hơn ba tháng. Ảnh: Wikipedia
Được đặt tên theo một vị vua Tây Ban Nha thoái vị vào năm 2014, tàu đổ bộ Juan Carlos I có chiều dài 230 m, lượng giãn nước khi đầy tải đạt 27.082 tấn. Con tàu này có thể mang theo tới 30 trực thăng hoặc 10 - 12 máy bay phản lực Sea Harrier.
Theo thông báo của hải quân Tây Ban Nha, Juan Carlos I còn có khả năng chở cả chiến đấu cơ F-35B, phiên bản hạ và cất cánh thẳng đứng. Ảnh: Naval-technology
Tàu Chakri Naruebet của Thái Lan là tàu sân bay duy nhất ở Đông Nam Á. Tàu được thiết kế và chế tạo tại nhà máy Izar, Tây Ban Nha, theo đơn đặt hàng của hải quân Hoàng gia Thái Lan với giá thành lên đến 336 triệu USD. Tàu có chiều dài 182,6 m, lượng giãn nước đạt 11.485 tấn.
Chakri Naruebet ban đầu chở 9 máy bay phản lực Harrier, nhưng việc thiếu phụ tùng thay thế khiến Thái Lan phải cho chúng ngừng hoạt động vĩnh viễn. Đội máy bay trên tàu hiện chỉ còn 4 chiếc trực thăng SH-60.
Khi không mang theo các máy bay Harrier, tàu còn được sử dụng để chở nhà vua Thái Lan cùng đoàn tùy tùng trong các chuyến đi biển. Ảnh: Wikipedia
Vũ Hoàng
Theo Vnexpress