“Hành trang” Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mang tới Mỹ là hàng loạt lời cam kết đầy hứa hẹn, nhưng giới quan sát đánh giá đây sẽ là chuyến đi đầy căng thẳng.
Tin thế giới đọc nhanh chiều 23-09-2015
- Cập nhật : 23/09/2015
Ông Tập cảnh báo xung đột Mỹ - Trung dẫn đến thảm họa
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu trước khách mời Trung Quốc và Mỹ tại buổi tiệc tổ chức ở thành phố Seattle, bang Washington, hôm qua. Ảnh: Reuters.
"Chúng tôi muốn có thêm sự hiểu biết và lòng tin, giảm bất hòa và nghi ngờ... Lực chọn xung đột và đối đầu sẽ dẫn tới thảm họa đối với cả hai nước cũng như thế giới", AFP dẫn lời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu trước khách mời, phần lớn là doanh nhân, tại thành phố Seattle, bang Washington.
Ông Tập nhấn mạnh sự cần thiết tăng cường hợp tác và hiểu biết về "những ý định chiến lược" của mỗi nước là vấn đề trọng tâm trong "quan hệ nước lớn".
Tại buổi tiếp khách mời, chủ tịch Trung Quốc còn bác bỏ cáo buộc cho rằng Bắc Kinh ủng hộ trộm cắp thương mại, gọi đây là hành động phạm tội cần bị trừng trị theo pháp luật.
"Trung Quốc là một người bảo vệ trung thành của an ninh mạng. Trung Quốc cũng là một nạn nhân bị tấn công mạng", ông Tập nói. "Chính phủ Trung Quốc sẽ không tham gia trộm cắp thương mại hay khuyến khích hoặc ủng hộ những nỗ lực tương tự".
Xem thêm: So sánh chuyến công du Mỹ của Tập Cận Bình và Đặng Tiểu Bình
Ông Tập cùng phu nhân Bành Lệ Viện sáng qua tới thành phố Seattle, bắt đầu chuyến thăm Mỹ cấp quốc gia đầu tiên. Ông sẽ lưu lại Seattle ba ngày trước khi tới thủ đô Washington gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama. Hai lãnh đạo được dự đoán sẽ thảo luận về các vấn đề như an ninh mạng, Biển Đông.
Chủ tịch Trung Quốc sau đó tham dự hàng loạt sự kiện kỷ niệm 70 năm thành lập Liên Hợp Quốc theo lời mời của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon. Ông sẽ có bài phát biểu trước Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc ở New York ngày 28/9.
Trung Quốc bắt bà Phan-Gillis doanh nhân Mỹ vì tội gián điệp
Ngày 22-9, truyền thông Mỹ đưa tin chính quyền Trung Quốc đã giam giữ một nữ doanh nhân Mỹ suốt sáu tháng qua vì tội làm gián điệp.
Theo báo Washington Post, trang web Savesandy.org của những người ủng hộ nữ doanh nhân Sandy Phan-Gillis cho biết Bộ Công an Trung Quốc bắt giữ bà hồi tháng 3 vì tội “làm gián điệp và ăn cắp bí mật nhà nước”.
Bà Phan-Gillis bị bắt khi đi vào Macau ở giai đoạn cuối chuyến thăm Trung Quốc của phái đoàn thương mại từ thành phố Houston ở Texas. Bà Phan-Gillis là thành viên Hội đồng Thương mại và phát triển quốc tế của thị trưởng Houston.
Phái đoàn năm người từ Houston đến thăm nhiều thành phố Trung Quốc như Bắc Kinh, Quảng Châu và Thâm Quyến. Duy chỉ có bà Phan-Gillis bị bắt giữ.
“Vợ tôi không phải là gián điệp hay kẻ cắp” - trang Savesandy.org dẫn lời ông Jeff Gillis, chồng bà Phan-Gillis, khẳng định.
Trang web này nhấn mạnh bà bị giam giữ ở Trung Quốc suốt sáu tháng qua mà không được gặp bạn bè, người thân và thậm chí cả luật sư. Theo trang web này, nhà chức trách Trung Quốc thừa nhận không đủ bằng chứng để truy tố bà Phan-Gillis nhưng vẫn chưa chịu thả bà.
Theo Savesandy.org, bà Phan-Gillis có gốc Trung Quốc nhưng sinh tại Việt Nam và rời Việt Nam hồi thập niên 1970. Mỗi tháng các quan chức Mỹ ở Lãnh sự quán Mỹ tại Quảng Châu đến thăm bà Phan-Gillis. Họ mô tả sức khỏe của bà ngày càng sa sút.
Thông tin về vụ bắt bớ diễn ra ngay trước khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm Mỹ và đối thoại với Tổng thống Mỹ Barack Obama. Theo Reuters, mới đây cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice cảnh báo Trung Quốc nên ngừng hành vi do thám trên mạng để đánh cắp các bí mật kinh doanh của công ty Mỹ.
Dự kiến do thám mạng sẽ là một trong những chủ đề nóng của cuộc gặp giữa ông Obama và ông Tập. (Tuổi Trẻ)
Dân Trung Quốc không xem được bài báo Mỹ phỏng vấn ông Tập Cận Bình
Bài phỏng vấn Chủ tịch Trung Quốc trên The Wall Street Journal sẽ không dễ đến với người dân Trung Quốc, vì hiện tại website của báo này bị khóa cả bản tiếng Anh và tiếng Trung, theo CNN.
Người Trung Quốc sẽ bị hạn chế trong việc theo dõi bài phỏng vấn Chủ tịch Tập Cận Bình trên The Wall Street Journal - Ảnh: Reuters
Ngay trước chuyến thăm quan trọng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Mỹ, báo The Wall Street Journal đã thực hiện bài phỏng vấn đáng chú ý.
Tuy nhiên người dân Trung Quốc, đặc biệt ở các thành phố lớn như Thượng Hải, Bắc Kinh và Thâm Quyến sẽ khó tiếp cận bài phỏng vấn trên. Đơn giản vì vào lúc này, website của The Wall Street Journal tại Trung Quốc đã bị khóa cả hai phiên bản tiếng Trung Quốc và tiếng Anh, CNN ngày 22.9 cho biết.
Trong bài phỏng vấn này, The Wall Street Journal đưa ra những câu hỏi về cách thức ứng phó của Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng thị trường chứng khoán, các kế hoạch xây dựng đảo nhân tạo và tranh chấp trên Biển Đông, an ninh mạng và công cuộc chống tham nhũng.
Khoảng hơn chục câu hỏi đã được gửi đến Bộ Ngoại giao Trung Quốc, được rà soát và trả lời trước khi ông Tập Cận Bình “sửa đổi và xem xét”, theo The Wall Street Journal.
CNN mô tả rằng Chủ tịch Tập Cận Bình, người hiếm khi trả lời báo chí nước ngoài, thường lặp đi lặp lại những gì được soạn thảo sẵn, hiếm khi đối đáp khác với văn bản trên tay.
Không riêng The Wall Street Journal, những đầu báo và hãng tin lớn như Reuters, Bloomberg, The New York Times… cũng như các mạng xã hội Facebook, Twitter đều bị cấm hoặc hạn chế tại Trung Quốc.
Khi được hỏi về nguyên nhân của điều này, Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra câu trả lời “không khác gì biện minh”, theo đánh giá của The Wall Street Journal.
“Chúng tôi chào đón tất cả những công ty nước ngoài tại Trung Quốc và sẽ tôn trọng, bảo vệ quyền hạn theo luật pháp của họ và đổi lại họ phải chấp hành luật pháp, quy tắc của Trung Quốc, không làm điều gì ảnh hưởng xấu tới lợi ích quốc gia của Trung Quốc”, CNN dẫn câu trả lời phỏng vấn của ông Tập Cận Bình. (Thanh Niên)
Hải quân Iran sẽ tập trận chung với Nga
Nga yêu cầu Nhật nhượng bộ trong vấn đề đảo tranh chấp
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 21/9 cho biết không có chỗ cho sự thỏa hiệp với Nhật về quần đảo tranh chấp Nam Kuril, và yêu cầu Tokyo “công nhận” thực tế lịch sử hậu Thế chiến II.
Tuyên bố trên được ông Lavrov đưa ra trong cuộc họp với người đồng cấp Fumio Kishida, đang có chuyến thăm kéo dài 3 ngày tại Nga, để thảo luận về các vấn đề liên quan đến 4 hòn đảo tranh chấp mà Nhật gọi là Lãnh thổ phương Bắc. Trong Thế chiến II, quân đội Liên Xô đã chiếm 4 hòn đảo này từ tay phát xít Nhật.
Đến nay Nga và Nhật chưa chính thức đạt được hiệp ước hòa bình, và nhiều thập kỷ qua vấn đề liên quan đến chuỗi đảo Kuril vẫn gây trở ngại cho quan hệ thương mại song phương.
Trong nhận định của mình, ông Kishida khẳng định hai nước nên “hình thành một giải pháp cả đôi bên cùng chấp nhận được cho vấn đề chủ quyền” các đảo Iturup, Kunashir, Shikotan và Habomai.
Tuy nhiên, ông Lavrov dường như đã phản đối ngay cả thuật ngữ của Nhật dùng cho các đảo nêu trên. “Cả vùng lãnh thổ phương bắc của Nhật lẫn vùng lãnh thổ phương bắc của Nga đều không phải chủ đề đối thoại của chúng tôi”, ông Lavrov nói.
“Chương trình nghị sự của chúng tôi là đạt được hiệp ước hòa bình. Những tiến bộ về vấn đề này chỉ có thể đạt được sau khi chúng tôi thấy một cách rõ ràng sự công nhận của Nhật với thực tế lịch sử. Công việc này là khó khăn bởi khác biệt về quan điểm là khổng lồ”, người đứng đầu Bộ ngoại giao Nga nói.
Trong ngày thứ Hai, ông Lavrov và Kishida cũng thảo luận về chuyến công du bị trì hoãn lâu nay của Tổng thống Vladimir Putin tới Nhật. Ông Lavrov cho biết Nga đã nhận lời mời, còn ngày giờ cụ thể do Tokyo quyết định.(Dân Trí)