“Nga ném ra lời thách thức ngầm dưới nước cho Mỹ và NATO”
Lực lượng an ninh Tunisia bắt 4 phần tử khủng bố liên quan IS
Trung Quốc giăng “Lưới trời” lần hai bắt quan tham sau vụ hồ sơ Panama
Ông Lukashenko: “Nói Belarus ngoảnh lưng lại với Nga thật đáng ghê tởm”
175 nước ký hiệp định lịch sử về biến đổi khí hậu
Tin thế giới đọc nhanh chiều 22-04-2016
- Cập nhật : 22/04/2016
Nga bị tố điều thêm trang thiết bị quân sự đến Syria
Reuters dẫn lời quan chức Mỹ giấu tên cho biết việc dịch chuyển pháo và một số lực lượng gần Aleppo diễn ra sau khi chính phủ Syria tái chiếm thành phố Palmyra từ tay phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS).
"Chúng tôi quan ngại về những báo cáo Nga đang chuyển trang thiết bị vào Syria", ông Ben Rhodes, phó cố vấn an ninh quốc gia cho Tổng thống Barack Obama, nói. "Chúng tôi nghĩ rằng việc Nga điều thêm trang thiết bị quân sự hoặc quân nhân sang Syria là tiêu cực. Chúng tôi tin rằng những nỗ lực của chúng ta tốt nhất nên tập trung vào việc hỗ trợ cho tiến trình ngoại giao".
Hồi giữa tháng ba, Nga đã rút một phần không quân và nửa số máy bay cánh cố định khỏi Syria, nhưng giới chức Mỹ nhận định Moscow vẫn duy trì một lực lượng quân sự đủ mạnh để hỗ trợ cho Tổng thống Bashar al-Assad.
Các nhà phân tích cho rằng Kremlin đã thay đổi hơn là giảm thiểu sức mạnh quân sự ở Syria bằng cách tăng cường sử dụng các trực thăng để hỗ trợ cho quân đội Syria.
Nga bắt đầu thực hiện chiến dịch chống khủng bố tại Syria theo đề nghị từ ông Assad vào cuối năm ngoái và cho hay nước này chủ yếu tiến hành các cuộc không kích. Sự hiện diện quân sự của Nga trên mặt đất chỉ bao gồm một căn cứ hải quân ở cảng Tartous, một căn cứ không quân tại Hmeymim, tỉnh Latakia, và các nhóm tìm kiếm - cứu hộ.
Tuy nhiên tháng trước, Nga đã lần đầu thừa nhận có lực lượng đặc biệt đang tiến hành các hoạt động đằng sau chiến tuyến của kẻ thù. Trước đó, Nga bác bỏ việc có các đơn vị hoạt động thường xuyên và pháo binh ở Syria.
Chiến sự đang tái diễn trên khắp Syria sau khi thỏa thuận ngừng bắn do Nga và Mỹ làm trung gian kết thúc. Đặc phái viên Liên Hợp Quốc Staffan de Mistura ngày mai sẽ đánh giá liệu các cuộc đàm phán Geneva có thể tiếp tục hay không khi nhà thương thuyết của phe đối lập từ chối tham gia và các bên cáo buộc nhau vi phạm lệnh ngừng bắn dài 6 tuần.
Các nhà đàm phán của chính phủ Syria tuyên bố ghế tổng thống của ông Assad là không thể thương lượng trong khi phe đối lập đòi tổng thống phải từ chức và chỉ trích rằng chính phủ không đạt được tiến triển nào về chấm dứt bạo lực, tiếp cận nhân đạo và tù nhân chính trị.
Trung Quốc gia tăng áp lực trước khi lãnh đạo Đài Loan nhậm chức
Bắc Kinh đang gia tăng áp lực lên lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn ngay trước khi bà chính thức nhậm chức, bằng hàng loạt động thái can thiệp những vấn đề liên quan đến lãnh thổ này.
Hãng tin Reuters cho biết đây là tín hiệu cho sự khởi đầu đầy cam go đối với lãnh đạo Đài Loan liên quan đến quan điểm chống Trung Quốc.
Cụ thể, trong vài tuần qua, Trung Quốc đã thiết lập các mối quan hệ với quốc gia cựu đồng minh của Đài Loan là Gambia.
Từ khi bà Thái Anh Văn và đảng Dân chủ tiến bộ Đài Loan thắng cử trong cuộc bầu cử lãnh đạo lãnh thổ này tháng 1-2016, Bắc Kinh liên tục cảnh báo sẽ theo dõi sát những gì bà Thái thực hiện. Nữ lãnh đạo này sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20-5.
Chuyên gia người Đài Loan ở đại học Thanh Hoa của Trung Quốc, Trần Cẩm Hào nhận định bà Thái đang đứng trước nguy cơ phải kết thúc mọi đường liên lạc giữa Trung Quốc và lãnh thổ Đài Loan, nếu không giải thích rõ chính sách của mình về Trung Quốc.
Cơ quan an ninh tình báo hàng đầu Đài Loan cho rằng dưới sức ép của Trung Quốc, Gambia đã gây áp lực với bà Thái Anh Văn, buộc bà phải “đi theo những mong muốn của Trung Quốc” khi nhậm chức.
Tiếp đến là phối hợp với giới chức Kenya bắt hàng chục người Đài Loan với cáo buộc tội lừa đảo nhưng lại dẫn độ về Trung Quốc, bất chấp phản ứng của phía Đài Loan.
Giới chức lãnh thổ Đài Loan cáo buộc những động thái này của Trung Quốc là vì động cơ chính trị hơn là vây bắt tội phạm. Tuy nhiên, từ đầu đến cuối, bà Thái vẫn nói muốn duy trì hiện trạng Đài Loan và muốn hòa bình với Trung Quốc.
"Bắc Kinh không có quyền đại diện chúng tôi về các vấn đề liên quan đến việc trục xuất người Đài Loan" - bà Thái nhấn mạnh.
Phía Đài Loan nhấn mạnh Bắc Kinh còn cố ý gây áp lực bằng cách không buồn trả lời đường dây nóng được thiết lập trực tiếp nhằm kết nối thông tin giữa lãnh đạo Trung Quốc và lãnh đạo Đài Loan.
Đây là kênh thông tin liên lạc chính đã được hai bên nhất trí thành lập nhằm giải quyết những vấn đề quan trọng giữa đôi bên.
Theo Reuters, lãnh thổ Đài Loan là một trong những vấn đề chính trị nhạy cảm nhất và là mối quan tâm cốt lõi của Trung Quốc.
Xung đột miền đông Ukraine tái diễn, 3 binh sĩ thiệt mạng
Hãng tin AFP dẫn lời Andriy Lysenko, phát ngôn viên quân đội Ukraine, cho biết ba binh sĩ trên đã tử vong sau cuộc tấn công bằng đạn pháo tại khu làng Mayorsk do quân chính phủ kiểm soát, nằm cách Donetsk chừng 35 km về phía bắc.
Ông Lysenko cho hay có năm binh sĩ khác bị thương trong vòng 24 giờ qua trong các vụ đụng độ lẻ tẻ dọc giới tuyến 500 km ngăn cách cùng Lugansk và Donestk với phần còn lại của đất nước.
Thông tin trên xuất hiện trong bối cảnh lo ngại ngày càng dâng cao về lệnh ngừng bắn bị xâm phạm ở miền đông Ukraine.
Tân Hoa xã dẫn lời Martin Sajdik, đại diện đặc biệt của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) hôm 20-4 cho hay lệnh ngừng bắn ở miền đông Ukraine đã bị xâm phạm bởi quân chính phủ và quân nổi dậy.
Ông Sajdik cho biết lệnh ngừng bắn bị xâm phạm 4.700 lần chỉ trong 24 giờ đồng hồ và vũ khí hạng nặng lần nữa đã được đem ra sử dụng.
Văn phòng báo chí của trụ sở Tổ chức chống khủng bố (ATO) đưa tin quân nổi dậy đã tiến hành 33 cuộc tấn công vào binh sĩ ATO ở miền đông Ukraine chỉ trong ngày vừa qua.
Theo Ukrinform, tình hình căng thẳng nhất được ghi nhận ở Avdiyivka (cách miền bắc Donetsk 18 km). Tại đây, quân nổi dậy sử dụng súng cối cỡ nòng 120 mm và 82 mm, súng phóng lựu của các hệ thống khác nhau, súng máy để khai hỏa vào các vị trí của Ukraine. Ngoài ra, quân nổi dậy cũng tấn công hướng về các khu vực như Shyrokyne, Berezove, Krasnohorivka, mỏ than Butovka, Shchastia, theo văn phòng báo chí ATO.
Vị đại diện đặc biệt của OSCE Martin Sajdik nói rằng các bên tham chiến đã được yêu cầu tái khởi động các chốt kiểm soát dọc giới tuyến phân cách.
Boris Gryzlov, đại diện của Nga thuộc nhóm Tiếp xúc về Ukraine, cho hay phái đoàn Nga đã chuẩn bị một lộ trình chính trị như một phần trong thỏa thuận Minsk và được thực hiện trước khi kết thúc sáu tháng đầu năm 2016.
“Thỏa thuận Minsk được thực thi mới có thể đảm bảo sự ổn định lâu dài. Đây chính là lý do tại sao tôi nghĩ lộ trình chính trị trên cần được nhất trí vào thời gian đó” - Gryzlov nói.
Cuộc xung đột nổ ra tại khu vực này vào tháng 4-2014 đã khiến 9.200 người thiệt mạng và 21.000 người bị thương.
Quân đội Đức chi 77 triệu USD mua nhầm 30 tên lửa
Tòa án Kiểm toán Liên bang Đức mới đây cho biết quân đội nước này đã chi 60 triệu euro (tương đương 77 triệu USD) để mua 30 tên lửa dẫn đường không có khả năng tấn công các mục tiêu mặt đất như mục đích ban đầu mà lãnh đạo Bộ Quốc phòng Đức đề ra, theo Sputnik.
Lãnh đạo tòa Kiểm toán chỉ trích Bộ Quốc phòng Đức đã lãng phí tiền thuế của dân khi thiếu cẩn trọng trong các hoạt động mua sắm trang thiết bị quân sự, dẫn đến tình trạng mua phải các vũ khí không tương thích với các hệ thống hiện có.
"Thật ngạc nhiên là không một hoạt động thử nghiệm nào được tiến hành trước khi quân đội bỏ ra một khoản tiền lớn như vậy để mua vũ khí", báo cáo của tòa Kiểm toán cho biết.
Năm 2012, quân đội Đức đã đặt hàng 30 tên lửa dẫn đường từ một đối tác để trang bị cho các khu trục hạm tên lửa của hải quân với mục đích tấn công các mục tiêu mặt đất và trên biển. Sau khi nhận tên lửa, các tàu chiến Đức tiến hành bắn thử vào các mục tiêu đất điền. Hai tên lửa đã liên tiếp bị rơi xuống biển. Các chuyên gia quân sự Đức sau đó kết luận các tên lửa này chỉ có khả năng đối hải, tức tiêu diệt các mục tiêu trên biển.
Mỹ lấy 2 tỉ USD của Iran trả cho nạn nhân bị đánh bom
Tòa án tối cao Mỹ hôm 20-4 (giờ địa phương) đã ra phán quyết 2 tỉ USD của Iran bị phong tỏa tại nước này được dùng để đền bù cho gia đình các nạn nhân vụ đánh bom năm 1983.
Theo Reuters, đây là các gia đình có người thân thiệt mạng trong vụ đánh bom doanh trại thủy quân lục chiến Mỹ ở Beirut (Lebanon) và các cuộc tấn công khác mà Mỹ cáo buộc Iran thực hiện hoặc hậu thuẫn.
Phán quyết nói rằng Quốc hội Mỹ đã không vượt quyền của các tòa án Mỹ khi thông qua một đạo luật năm 2012, tuyên bố rằng các tài khoản bị phong tỏa của Iran phải được dùng vào việc bồi thường cho các nạn nhân.
Năm 2007, tòa án Mỹ cũng đã ra phán quyết các gia đình nạn nhân thắng kiện Iran với số tiền đòi bồi thường lên đến 2,65 tỉ USD.
Các nguyên đơn trong vụ này cáo buộc Iran hậu thuẫn lực lượng Hezbollah, lực lượng được cho là chịu trách nhiệm về vụ đánh bom xe tải ở doanh trại quân đội Mỹ ở Beirut khiến 241 quân nhân Mỹ thiệt mạng.
Các nguyên đơn cũng đòi bồi thường cho các vụ tấn công khác bao gồm vụ tấn công bằng bom vào tháp Khobar năm 1996 ở Saudi Arabia khiến 19 quân nhân Mỹ thiệt mạng.
Caragh Fay, một trong số các luật sư đại diện cho các nạn nhân nói có thể mất từ 3 tháng tới 1 năm để nguồn tiền được giải ngân và bồi thường cho các nạn nhân.