Đây là Thông điệp liên bang hàng năm lần thứ 22 trong lịch sử nước Nga hiện đại và là thông điệp thứ 12 của Tổng thống Putin.
Tin thế giới đọc nhanh chiều 13-08-2015
- Cập nhật : 13/08/2015
Triều Tiên dọa tấn công Nhà Trắng
Binh sĩ Hàn Quốc tham gia diễn tập chống khủng bố, hoạt động nằm trong cuộc tập trận thường niên Người bảo vệ Tự do Ulchi, phía ngoài một đường hầm ở thủ đô Seoul hôm 18/8. Ảnh: AFP.
Mỹ và Hàn Quốc bắt đầu cuộc tập trận chung Người bảo vệ Tự do Ulchi dài hai tuần từ ngày 10/8 với hàng chục nghìn binh sĩ tham gia. Hai nước nhấn mạnh hoạt động này chỉ đơn thuần mang tính chất phòng thủ, nhưng Bình Nhưỡng cho rằng đây là diễn tập tấn công Triều Tiên.
"Những cuộc tập trận chung quy mô lớn như vậy... là lời tuyên chiến", AFPdẫn thông báo từ Ủy ban Hòa bình Tái thống nhất Triều Tiên (CPRK) cho biết, cảnh báo khả năng đụng độ quân sự ngẫu nhiên có thể tạo ra xung đột "toàn diện".
Theo CPRK, Mỹ và Hàn Quốc nên hiểu rằng "những hang ổ của sự khiêu khích và gây hấn", ý nói Nhà Trắng tại Washington và phủ tổng thống Nhà Xanh ở Seoul, đều nằm trong tầm bắn của những vũ khí "siêu chính xác".
Người bảo vệ Tự do Ulchi năm nay diễn ra vào thời điểm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đặc biệt cao sau vụ nổ mìn khiến hai binh sĩ Hàn Quốc bị thương. Seoul đổ lỗi cho Bình Nhưỡng về vụ việc.
Triều Tiên hiện chưa có phản ứng về cáo buộc. Hàn Quốc sau đó tái khởi động chiến dịch tuyên truyền dọc theo biên giới vốn đã dừng từ năm 2004. Seoul cho biết chiến dịch tuyên truyền mới chỉ là "bước đầu tiên" trong chuỗi biện pháp đáp trả.
Lộ bản đồ IS đánh chiếm thế giới 5 năm tới
Tấm bản đồ mà IS công bố cho thấy những khu vực mà chúng dự định chiếm đóng trong 5 năm tới - Ảnh: Express.co.uk
Theo tấm bản đồ trên, IS dự định bành trướng từ phía tây Tây Ban Nha cho đến phía đông Trung Quốc năm 2020.
IS hiện được xem là tổ chức khủng bố hùng mạnh nhất thế giới, với số lượng thành viên 50.000 người, tổng tài sản 2 tỷ USD.
Với việc sở hữu lượng giếng dầu khổng lồ, thu nhập mỗi ngày của IS lên đến 3 triệu đô la.
Theo bản đồ, Andalus sẽ là tên được đặt cho các vùng thuộc Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Pháp, trong khi tiểu lục địa Nam Á sẽ có tên là Khurasan.
Tham vọng này của IS đã được người sáng lập là Tiến sỹ Hồi giáo Musab al-Zarqawi ấp ủ từ năm 1996, với một bản kế hoạch 7 bước thống trị thế giới vào năm 2020. Trong đó có việc kích động Mỹ tuyên bố chiến tranh với thế giới Hồi giáo từ năm 2000 đến 2003, và tiến hành một cuộc nổi dậy chống lại các nhà cầm quyền Arab từ năm 2010 đến 2013.
Ngày 10-8, IS cũng dọa sẽ tiêu diệt nữ hoàng Anh trên vùng đất của bà vào thứ 7 tới. Chúng tuyên bố kích nổ một quả bom tại trung tâm thành phố Luân Đôn ngay trong sự kiện kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến II.
Tuyên bố trên khiến lực lượng cảnh sát Anh đang phải chạy đua với thời gian để ngăn chặn bất cứ âm mưu ám sát nào từ quân thánh chiến ở Anh, hiện đang được điều khiển từ sở chỉ huy của IS ở Syria.
Gia đình cố tổng thống Suharto phải trả lại 318 triệu USD
Straits Times cho biết phán quyết nặng nề nhất đối với gia đình cựu tổng thống được đưa ra ngày 8-7 nhưng mới được công khai hôm qua 11-8.
Theo đó, như truyền thông Indonesia cho biết, sáu người con của ông Suharto và Quỹ Yayasan Beasiswa Supersemar phải hoàn lại số tiền tương đương 318 triệu USD cho nhà nước.
Quỹ học bổng này được thành lập năm 1974, được dùng để trao học bổng cho sinh viên. Tuy nhiên, sau đó quỹ này bị phát hiện tuồn số ngân quỹ ra nhiều công ty có mối liên hệ với bạn bè và thành viên gia đình ông Suharto như Ngân hàng Duta hay Hãng hàng không Sempati Air.
Ông Suharto nắm quyền ở Indonesia trong 32 năm và buộc phải từ chức năm 1998 sau các cuộc biểu tình bạo lực.
Vụ Quỹ Yayasan Beasiswa Supersemar là vụ đầu tiên xem xét đến trách nhiệm của gia đình ông Suharto.
Cựu nhà báo Keith Loveard hoạt động thời ông Suharto cầm quyền nói: “Có rất nhiều quỹ và nhiều nghi vấn liên quan đến việc chúng được sử dụng làm việc gì. Yayasan Beasiswa Supersemar là một trong số đó”.
Sau khi ông Suharto bị lật đổ, một nhóm điều tra được thành lập và họ phát hiện bảy quỹ liên quan đến cựu tổng thống, phục vụ một loạt lĩnh vực từ chăm sóc trẻ mồ côi, người nghèo và y tế.
Con trai út của ông Suharto là Hutomo Mandala Putra viết trên Twitter rằng: “Đây là một sự trả thù dưới danh nghĩa công lý”.
Ngày mai 14/8, châu Âu quyết định vận mệnh Hy Lạp
Người phát ngôn của Eurogroup xác nhận các bộ trưởng tài chính nhóm này sẽ nhóm họp vào ngày 14/8 để quyết định về gói cứu trợ thứ 3 dành cho Hy Lạp.
Theo ông Reijns, bộ trưởng tài chính 19 nước Eurozone sẽ tiến hành họp phiên bất thường vào lúc 13 giờ GMT tại Brussels (Bỉ) để quyết định về gói cứu trợ cho Athens sau khi nước này và các chủ nợ quốc tế ngày 11/8 đạt được một "thỏa thuận kỹ thuật" tại Athens về gói cứu trợ với tổng trị giá lên tới 85 tỷ euro trong 3 năm.
Bản dự thảo này đã được trình các nước Eurozone tối ngày 11/8. Tuy nhiên, Quốc hội Hy Lạp cần phải chấp thuận thỏa thuận này trước khi Eurogoup họp bàn để thông qua.
Theo truyền thông Đức, Quốc hội Hy Lạp có thể thông qua thỏa thuận này vào rạng sáng 14/8, thay vì theo kế hoạch trong tối ngày 13/8 như trước đây.
Sau khi được Eurogroup thông qua, bản thỏa thuận dày khoảng 400 trang này còn phải được quốc hội một số nước thành viên tiếp tục phê chuẩn trước khi chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, đang có một số nguồn tin cho biết Berlin bày tỏ quan ngại về khả năng đạt được thỏa thuận với Hy Lạp.
Báo Hình ảnh của Đức dẫn một tài liệu từ Bộ Tài chính nói rằng Berlin đang hoài nghi về khả năng chống chịu các khoản nợ của Athens, về vai trò của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) trong gói cứu trợ mới, kế hoạch cổ phần hóa của Hy Lạp cũng như các mục tiêu ngân sách của nước này.
Báo trên cũng dẫn lời một quan chức Bộ Tài chính Đức nói rằng vẫn còn một vài điểm cần tiếp tục làm rõ.
Trong khi đó, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras bày tỏ tin tưởng các chủ nợ quốc tế sẽ ủng hộ thỏa thuận khung hiện đang được các nước EU nghiên cứu.
Ông cũng lên án âm mưu của một số nước EU có ý "định hình" lại khu vực Eurozone và lấy Hy Lạp làm ví dụ.
Ông Tsipras khẳng định Hy Lạp sẽ đạt được thỏa thuận và nhận được khoản cứu trợ từ Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM), giúp chấm dứt tình trạng bất ổn kinh tế ở nước này.
Đài Loan ra mắt máy bay không người lái quân sự hiện đại
Mẫu máy bay không người lái quân sự lớn nhất của Đài Loan hôm qua được giới thiệu tại một cuộc triển lãm. Ảnh: AFP
Chiếc phi cơ được thiết kế để thực hiện nhiệm vụ thu thập thông tin tình báo và trinh sát, AFP dẫn thông báo từ Viện Khoa học và Công nghệ Chung Shan (CSIST), thuộc Bộ Quốc phòng Đài Loan, đơn vị chịu trách nhiệm phát triển mẫu máy bay không người lái này, cho biết. Nó có kích thước lớn gấp hai lần các máy bay không người lái Sharp Kite mà quân đội Đài Loan đang sử dụng.
"Khả năng nghiên cứu và phát triển của chúng ta rõ ràng không hề kém cạnh" so với Trung Quốc, ông Ma Wan-june, giám đốc bộ phận nghiên cứu hệ thống hàng không trực thuộc CSIST, nói.
Ma không tiết lộ chi tiết kỹ thuật cũng như thời điểm đưa nguyên mẫu này vào sử dụng trong thực tiễn nhưng nhấn mạnh "nó được trang bị những thiết bị hỗ trợ thao tác cất và hạ cánh tự động, liên lạc, dò tìm quang học cùng nhiều chức năng khác".
CSIST giới thiệu chiếc máy bay không người lái mới với báo chí trước Triển lãm Công nghệ Hàng không Vũ trụ và Quốc phòng Đài Bắc, diễn ra hai năm một lần, khai mạc và mở cửa cho công chúng tham quan vào hôm nay.
Đài Loan hồi tháng 12 năm ngoái cũng ra mắt mẫu chiến hạm hỏa tiễn lớn nhất của hòn đảo này với tên gọi Tou Chiang. Đây là một tàu hộ tống nhỏ, nặng 500 tấn và là chiếc đầu tiên trong loại được sản xuất nội địa. Tàu sở hữu 16 tên lửa, trong đó có 8 tên lửa chống hạm siêu âm Hsiung-feng III.