Thái Lan cam kết ủng hộ bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông
Nghi phạm bị Thái Lan bắt giữ thuộc nhóm buôn người
Thái Lan truy tìm thêm nghi phạm đánh bom
Myanmar sẽ áp dụng mức lương tối thiểu 2,8 USD/ngày từ 1/9
Singapore: Đảng PAP và đảng WP công bố cương lĩnh tranh cử
Tại sao nước Mỹ không thể kiểm soát súng đạn?
- Cập nhật : 30/08/2015
(Tin kinh te)
Các vụ xả súng liên tiếp xảy ra ở trường học, nhà thờ và công sở Mỹ nhưng mọi nỗ lực thắt chặt các quy định kiểm soát súng đạn đều vô hiệu. Thậm chí súng đạn ngày càng phổ biến tại Mỹ.
Sau vụ hai nhà báo Mỹ bị bắn chết trên sóng truyền hình trực tiếp, dư luận Mỹ lại kêu gọi thắt chặt luật kiểm soát súng đạn. Nhưng các chuyên gia Mỹ khẳng định điều đó sẽ không xảy ra.
“Chúng ta không thể loại bỏ súng đạn ra khỏi xã hội Mỹ” - AFP dẫn lời giáo sư Harry Wilson thuộc ĐH Roanoke tại Virginia nhấn mạnh.
Năm 2008, Tòa án Tối cao Mỹ bác bỏ những quy định hạn chế quyền sở hữu súng với phán quyết khẳng định quyền sở hữu súng, bao gồm quyền giữ súng đã lên đạn để tự vệ, là quyền được ghi trong Hiến pháp Mỹ.
Chính phủ Mỹ vẫn có thể đưa ra một số hạn chế như cấm tội phạm từng bị xét xử và người mắc bệnh tâm thần mua súng đạn.
Người mua súng đạn cũng bị kiểm tra lý lịch. Tuy nhiên bất chấp các vụ xả súng đẫm máu những năm qua và phản ứng của dư luận nước này, trên thực tế các quy định kiểm soát súng đạn tại Mỹ bị nới lỏng đáng kể.
Sau vụ xả súng trường học tại Newton, Connecticut tháng 12-2012 khiến 20 trẻ em thiệt mạng, Tổng thống Barack Obama tìm cách hạn chế việc bán súng máy và thắt chặt quy định kiểm tra lý lịch. Nhưng ông Obama thất bại hòan toàn.
Tháng trước ông Obama thừa nhận việc không thể thắt chặt các điều luật quản lý sử hữu súng đạn là nỗi thất vọng lớn nhất đối với bản thân ông trong gần hai nhiệm kỳ nắm quyền tại Nhà Trắng.
Sức mạnh vận động hành lang
“Chúng ta chưa chứng kiến bất kỳ thay đổi nào về luật quản lý súng đạn ở tầm quốc gia trong nhiều năm qua do vị thế của Đảng Cộng hòa, vì ngành công nghiệp súng đạn vận động hành lang rất dữ dội và rất giỏi trong việc huy động sự ủng hộ” - AFP dẫn lời giáo sư Robert Spitzer thuộc ĐH State of New York nhận định. Ông từng xuất bản bốn cuốn sách về luật kiểm soát súng đạn.
Các nghị sĩ Đảng Cộng hòa nhận được sự chống lưng mạnh mẽ của giới cử tri ủng hộ quyền sở hữu súng đạn. Đảng Cộng hòa luôn phản đối quyết liệt mọi điều luật quản lý súng đạn mà Tổng thống Obama đưa ra hoặc ủng hộ.
Theo giáo sư Spitzer, có rất nhiều bằng chứng cho thấy luật kiểm soát súng đạn thật sự có tác dụng, đặc biệt đối với những đối tượng nguy hiểm như người có tiền án hoặc người mắc bệnh tâm thần. Tuy nhiên đó không phải là thông điệp chính trị mà người Mỹ được nghe nhiều.
“Thay vào đó, Đảng Cộng hòa và ngành công nghiệp súng đạn luôn rêu rao rằng luật pháp chỉ cản trở những công dân thành thực muốn sở hữu súng, và không có tác dụng đối với những kẻ muốn sử dụng súng vì có ý đồ xấu” - ông Spitzer than thở.
Ngay sau khi ông Obama nhậm chức hồi năm 2008, Đảng Cộng hòa và các tổ chức vận động hành lang cho ngành công nghiệp súng đạn đồn thổi ông sẽ “tước bỏ” súng từ tay công dân Mỹ. Sau đó, doanh số súng ở Mỹ tăng nhanh.
Theo khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew thời thập niên 1990 và đầu 2000, khoảng 30% dân Mỹ cho rằng bảo vệ quyền sở hữu súng quan trọng hơn luật kiểm soát súng.
Sau khi ông Obama vào Nhà Trắng, con số này tăng lên 45% và mới tháng 7 vừa qua leo lên 50%. Nhưng dù vậy 70-85% người Mỹ ủng hộ việc kiểm tra lý lịch ngặt nghèo người mua súng, thắt chặt luật cấm người tâm thần mua súng, và xây dựng cơ sở dữ liệu liên bang để theo dõi việc mua bán súng.
Biểu tượng tự do
Các chuyên gia Mỹ cho biết lực lượng ủng hộ quyền sở hữu súng ở Mỹ có tính tổ chức cao, nguồn vốn dồi dào từ các công ty sản xuất súng.
Trong những năm qua, nhiều tổ chức hoạt động với mục tiêu thắt chặt kiểm soát súng đạn xuất hiện và hoạt động mạnh nhưng thua xa đối thủ về số lượng, nguồn vốn và khả năng tổ chức.
Giáo sư xã hội học Jim Taylor của ĐH Ohio cho biết súng còn là biểu tượng của tự do, lòng yêu nước và chủ nghĩa cá nhân tại Mỹ. Tư tưởng này đã thấm sâu vào nền văn hóa Mỹ, phim ảnh, sách báo, truyền hình, ca nhạc…
Những vụ bạo lực súng đạn như vụ xả súng tại rạp chiếu phim ở Colorado năm 2012 khiến 12 người chết và 70 người bị thương càng khiến phe ủng hộ súng đạn quyết tâm hơn.
“Tâm lý một số người là điều đó sẽ tiếp tục xảy ra và chúng ta cần phải có súng để tự vệ” - giáo sư Taylor nhận định. Vấn đề là theo giáo sư Wilson thuộc ĐH Roanoke, bạo lực súng đạn tại Mỹ quá nghiêm trọng, không thể xử lý chỉ bằng luật kiểm tra lý lịch người mua.
“Phần lớn kẻ xả súng mua súng một cách hợp pháp” - ông Wilson nhấn mạnh. Theo ông, các câu hỏi quan trọng mà người dân nước Mỹ cần phải tự đặt ra là: “Tại sao chúng ta lại có sức mạnh súng đạn để làm những việc như thế?” và “Tại sao chúng ta lại muốn gây tội ác như vậy đối với người khác?”.