Trung Quốc dường như đang thực hiện các bước đi mới nhằm xây dựng các đường băng trên 2 đảo nhân tạo thuộc quần đảo Trường Sa ở Biển Đông, ngay trước chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Washington vào ngày 24/9.
Tin thế giới đọc nhanh chiều 06-10-2015
- Cập nhật : 06/10/2015
Hàn Quốc chống tham nhũng: nhận hối lộ 850 USD sẽ mất chức
Theo đạo luật có hiệu lực từ tháng 11-2015, quan chức bị phát hiện nhận hối lộ từ 1 triệu won (850 USD) trở lên sẽ bị giáng chức ngay lập tức.
Cựu thủ tướng Lee Wan Koo (giữa) vừa bị tòa kết án tham nhũng liên quan doanh nhân Sung Wan Jong - Ảnh: Reuters
Theo Hãng tin Yonhap, đây được xem là động thái mới nhất trong công cuộc phòng chống nạn tham nhũng vốn rất nhức nhối ở Hàn Quốc.
Theo đó, mức 1 triệu won được lấy làm mốc xử phạt quan chức không chỉ căn cứ vào các giao dịch tiền mặt, mà còn bao gồm cả giá trị quy đổi của những đồ vật quý cùng các tài sản vật chất được sử dụng để hối lộ.
Theo Bộ Quản lý nhân sự, trong trường hợp số tiền hối lộ chưa tới mức 1 triệu won, quan chức bị kết tội tham nhũng vẫn phải chịu án kỷ luật nghiêm khắc.
Cũng theo điều luật mới, sau khi bị buộc rời khỏi chức vụ, quan chức bị tội sẽ không được phép nắm giữ bất cứ cương vị lãnh đạo nào khác thuộc hệ thống công quyền trong năm năm tiếp theo. Báo Korea Times cho biết “dư âm” của án phạt là lương hưu cũng bị cắt giảm 50%!
Có bình luận cho rằng với điều luật mới này, giới lãnh đạo chính trị Hàn Quốc muốn có động thái làm dịu dư luận trong nước. Thời gian qua, Hàn Quốc liên tiếp rúng động với những vụ tham nhũng lớn với những can phạm đều là các vị “tai to mặt lớn”.
Hồi tháng 7-2015, Thủ tướng Lee Wan Koo và đương kim tỉnh trưởng tỉnh Nam Gyeongsang, ông Hong Joon Pyo, đã bị kết tội nhận hối lộ từ (cố) chủ tịch Tập đoàn xây dựng Keangnam Enterprises, ông Sung Wan Jong.
Theo TVNZ, trên thực tế, xìcăngđan tham nhũng liên quan tới cựu thủ tướng Lee Wan Koo chỉ thật sự bùng ra hồi tháng 4 năm nay, hai tháng sau khi ông lên nắm quyền. Trước đó một tháng, khi doanh nhân Sung Wan Jong tự tử đã để lại thư tuyệt mệnh với danh sách tám vị quan chức chính phủ đã nhận hối lộ của ông.
Cả tám quan chức cao cấp bị nêu tên, trong đó có ông Lee và ông Hong, đều là những người được cho là có quan hệ gần gũi với Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye.
Trước khi chết, ông Sung Wan Jong từng kể với một nhật báo địa phương là ông từng hối lộ ông Lee 30 triệu won (25.153 USD) vào năm 2013.
Ông Lee ban đầu một mực bác bỏ cáo buộc hối lộ liên quan tới ông Sung. Nhưng trước sức ép dư luận, đặc biệt sau khi truyền thông công bố những chứng cứ xác thực cho thấy mối quan hệ thân thiết giữa ông với ông Sung thì ông Lee đã buộc phải đệ đơn từ chức.
Trước ông Lee, bà Han Myeong Sook, nữ thủ tướng đầu tiên của Hàn Quốc, cũng đã phải vào tù hôm 20-8 sau khi tòa án tối cao nước này bảo lưu bản án sau phiên phúc thẩm và phạt bà Han Myeong Sook hai năm tù vì tội nhận hối lộ 880 triệu won từ một doanh nhân để lập quỹ vận động chính trị phi pháp.
Bê bối tham nhũng gần đây nhất là vụ việc liên quan tới nghị sĩ độc lập Park Ki Choon vừa bị phanh phui hồi đầu tháng này. Theo Korea Times, ông Park Ki Choon bị cáo buộc đã nhận tiền hối lộ 350 triệu won (299.000 USD) và các đồ giá trị như đồng hồ, túi xách hàng xa xỉ từ người đứng đầu một doanh nghiệp mà danh tính chỉ biết qua họ là Kim.
Được sự chấp thuận của quốc hội, tòa án đã ra lệnh bắt ông Park Ki Choon. Các công tố viên đã cáo buộc ông Park lợi dụng tầm ảnh hưởng của mình trong Ủy ban phụ trách các vấn đề hàng hải, giao thông vận tải và đất đai của Quốc hội Hàn Quốc trong hai khóa 18 và 19 để tạo các điều kiện chống lưng cho doanh nhân Kim.
Chiến lược chống tham nhũng của Hàn Quốc có thể được mô tả thông qua bốn thành tố, đó là: xây dựng nền tảng cần thiết về chống tham nhũng, thực hiện cải cách hành chính và thể chế, nâng cao nhận thức của dân chúng về tham nhũng và tăng cường biện pháp phát hiện và trừng phạt. (Tuổi Trẻ)
Đức sẽ đóng cửa biên giới?
Truyền thông Anh đưa tin Đức có thể sẽ đóng cửa biên giới, sau khi các quan chức trong liên minh cầm quyền của Thủ tướng Angela Merkel kêu gọi hạn chế dòng người nhập cư.
Đức ước tính có khoảng 1,5 triệu người nhập cư vào nước này chỉ trong năm 2015. “Nếu nhiều người xin tị nạn tiếp tục đổ về Đức trong những tuần tới, chúng ta không có lựa chọn nào khác là tạm ngừng tiếp nhận họ và đóng cửa biên giới” - chính trị gia Stephan Mayer của Đảng CSU nói. Còn Bộ trưởng tài chính Wolfgang Schaeuble thừa nhận: “Chúng ta không thể làm một điều bất khả thi”.
Tuy nhiên trong phỏng vấn với kênh Deutschlandfunk, bà Merkel khẳng định Berlin cần đối đầu với cuộc khủng hoảng chứ không phải trốn tránh. Bà cho rằng việc dựng hàng rào dọc biên giới là vô nghĩa, vì người nhập cư sẽ tìm cách khác vào châu Âu.
Trong lời kêu gọi các nước EU cùng nỗ lực bảo vệ biên giới của khối phát đi ngày 4-10, giám đốc điều hành Cơ quan giám sát biên giới EU (Frontex) Fabrice Leggeri nhấn mạnh các nước thành viên nên gửi cảnh sát bảo vệ đường biên giới chung, thay vì triển khai hàng trăm cảnh sát tại biên giới mỗi nước.
“Nếu mỗi quốc gia đều tự giải quyết cuộc khủng hoảng theo cách riêng mà không phối hợp với các nước láng giềng, dòng người tị nạn sẽ tràn từ nước này sang nước khác và tất cả đều phải chịu hậu quả” - AFP dẫn lời ông Leggeri.
Theo lãnh đạo Frontex, biên giới thật sự hiện nay là tại Lampedusa (Ý), Lesbos (Hi Lạp) và Melilla (Tây Ban Nha), những điểm nóng của cuộc khủng hoảng. Ông cho biết nếu có 1.000 - 2.000 nhân viên kiểm soát biên giới của châu Âu đến hỗ trợ chính quyền Hi Lạp thì sẽ có hiệu quả lớn trong việc xử lý khủng hoảng.
Trong chín tháng đầu năm nay đã có hơn 630.000 người nhập cư trái phép vào EU. Ông Leggeri cho rằng việc hợp tác quản lý biên giới chung là việc cần thiết, khi mà cuộc khủng hoảng nhập cư sẽ là một thách thức dài hạn cho châu Âu trong bối cảnh xung đột ở Syria và khu vực Sừng châu Phi còn kéo dài.
Thủ tướng Nhật Bản hoan nghênh việc hoàn tất đàm phán TPP
Trước đó cùng ngày 5/10, sau 5 ngày đàm phán căng thẳng với rất nhiều phiên thảo luận thâu đêm, 12 nước thành viên đã cùng nhau tháo gỡ ba nút thắt chính còn lại trên con đường dẫn tới thỏa thuận lịch sử này, bao gồm vấn đề dỡ bỏ hàng rào thuế quan đối với mặt hàng linh kiện ôtô nhập khẩu vào thị trường Bắc Mỹ, Canada và Mỹ mở cửa thị trường cho các sản phẩm bơ sữa của New Zealand và thời gian giữ bảo hộ độc quyền đối với các sản phẩm sinh dược thế hệ mới.
Văn bản chính thức công bố sau hội nghị nêu rõ: “Sau hơn 5 năm đàm phán, chúng tôi vui mừng tuyên bố đã đạt thỏa thuận nhằm hỗ trợ việc làm, tăng trưởng ổn định, phát triển và thúc đẩy sáng kiến tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương vì lợi ích của người dân. Quan trọng nhất, thỏa thuận đã đạt được các mục tiêu đề ra.”
Sau khi 12 nước ký hiệp định TPP, văn kiện này cần nhận được sự phê chuẩn của chính phủ và Quốc hội các nước thành viên để có hiệu lực.
Đàm phán TPP được khởi động từ năm 2005 và đến nay đã thu hút sự tham gia của 12 nước gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam.
Các nước này đang nỗ lực hướng tới việc ký kết thỏa thuận trong thời gian sớm nhất, sau khi đã bỏ lỡ hạn chót đặt ra cuối năm 2013.
Theo ước tính, một khi được ký kết, TPP sẽ trở thành khu vực thương mại tự do với 800 triệu dân, chiếm 30% kim ngạch thương mại toàn cầu và gần 40% sản lượng kinh tế thế giới./.
Donald Trump úp mở về khả năng từ bỏ tranh cử Tổng thống Mỹ
Xuất hiện trong chương trình Meet the Press của kênh NBC ngày 4/10, Trump nói sẽ rút lui khi tỷ lệ ủng hộ giảm xuống mức mà ông cho là mình không còn khả năng trở thành ứng cử viên đại diện cho đảng. Trump hiện đang là ứng cử viên dẫn đầu trong cuộc đua giành ghế đại diện cho đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.
“Tôi không cố đấm ăn xôi. Nếu tỷ lệ ủng hộ dành cho tôi trong các cuộc thăm dò giảm xuống mức mà tôi không còn khả năng trúng cử, thì tôi tiếp tục để làm gì”, Trump nói.
“Tôi tin vào các cuộc thăm dò dư luận. Các bạn đã thấy có bao nhiêu cuộc bầu cử mà kết quả thăm dò dư luận là sai? Không nhiều đâu... Nếu tôi nhận được mức ủng hộ thấp, nếu tỷ lệ ủng hộ của tôi giảm, nếu các bạn không còn quan tâm đến Trump, tôi sẽ quay trở lại công việc của mình. Tôi sẽ chẳng làm sao cả”, vị tỷ phú phát biểu.
Thời gian gần đây, Trump vẫn giữ vị trí dẫn đầu trong số các ứng cử viên Cộng hòa. Mặc dù vậy, một số cuộc thăm dò bắt đầu cho thấy tỷ lệ ủng hộ của Trump giảm xuống ở một số bang quan trọng. Trong khi đó, tỷ lệ ủng hộ dành cho các ứng kỷ viên nặng ký khác như cựu Giám đốc điều hành (CEO) của hãng công nghệ HP, bà Carly Fiorina, và bác sỹ phẫu thuật về hưu Ben Carson tăng mạnh.
Trong cuộc đua tranh cử, Trump luôn “khoe khoang” về tỷ lệ ủng hộ cao mà ông đạt được. Trong các cuộc phỏng vấn, tranh luận và chương trình vận động tranh cử, Trump hầu như không khi nào không nhắc tới điều này.
“Đại gia” bất động sản Mỹ cũng phủ nhận những cuộc thăm dò dư luận cho thấy tỷ lệ ủng hộ của ông đang giảm xuống. Khi được Business Insider hỏi về những bài báo nói tỷ lệ ủng hộ ông suy giảm, Trump đã “nổi đóa”.
“Đó là những bài báo không trung thực một cách có chủ ý. Các cuộc thăm dò tự nói lên tất cả, tôi đang đi lên. Hãy xem kết quả thăm dò của Zogby, của Reuters, của Huffington Post. Hãy xem đi”, Trump nói.
California hợp pháp hóa “cái chết nhân đạo”
Thống đốc bang California (Mỹ) Jerry Brown ngày 5-10 vừa ký thông qua luật cho phép bác sĩ giúp bệnh nhân kết thúc sự sống.
Theo Reuters, luật mới của California chịu sức ép phản đối dữ dội của các nhóm tôn giáo và bảo vệ quyền lợi người khuyết tật.
Theo quy trình, các bác sĩ có thể đưa ra một phương pháp giúp bệnh nhân kết thúc sự sống nếu có hai bác sĩ cùng kết luận bệnh nhân chỉ còn 6 tháng để sống và đang tỉnh táo về mặt tinh thần.
Thống đốc Brown cho biết ông đã cân nhắc kỹ dư luận hai chiều xung quanh dự luật gây tranh cãi này. California chính thức trở thành bang thứ 5 tại Mỹ hợp pháp hóa “cái chết nhân đạo”.
“Tôi không biết tôi sẽ làm gì nếu mình đang chờ chết trong tình trạng đau đớn. Nhưng tôi chắc rằng sẽ là niềm an ủi nếu có thể cân nhắc các giải pháp mà dự luật này cho phép. Tôi sẽ không từ chối quyền đó với những người khác”, thống đốc California nói.
Những nhà vận động ủng hộ “cái chết nhân đạo” đã cố gắng trong hàng thập kỉ thuyết phục California hợp pháp hóa cách giúp những bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối và các bệnh khác ra đi ít đau đớn hơn. Họ thất bại 6 lần trước khi thành công hồi tháng trước.
Dự luật được bang California đưa ra xem xét sau khi dư luận Mỹ ồn ào quanh trường hợp của bệnh nhân 29 tuổi Brittany Maynard. Cô Brittany bị ung thư và phải chuyển từ California đến bang Oregon để tranh thủ luật “cái chết nhân đạo” tại đó.
Phe chống lại luật này cho rằng nó sẽ khuyến khích một số thân nhân vô đạo đức gây áp lực buộc bệnh nhân tự sát, hoặc các công ty bảo hiểm tranh thủ đưa ra giải pháp có lợi cho họ thay vì trả tiền cho các loại thuốc điều trị đắt tiền.