Lệnh ngừng bắn ở Ukraine đang ngày càng được các bên tôn trọng hơn, trong khi tình hình an ninh đã được cải thiện.
Tỷ phú Trung Quốc trong vụ hối lộ cựu chủ tịch Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc
- Cập nhật : 07/10/2015
(Tin kinh te)
Vụ bê hối hối lộ chấn động Liên Hợp Quốc đã diễn ra trong vài năm, liên quan đến một ông trùm bất động sản rất giàu có của Trung Quốc.
Cựu chủ tịch Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) John Ashe và trùm bất động sản Trung Quốc Ng Lap Seng bị cáo buộc liên quan đến một bê bối hối lộ lớn.
John Ashe, 61 tuổi, công dân Antigua, từng giữ chức chủ tịch Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc từ tháng 9/2013 đến tháng 9/2014, bị cáo buộc sử dụng các khoản hối lộ để sống xa hoa. Ông đã chi 59.000 USD để mua vest may thủ công ở Hong Kong năm 2013 và 2014. Ông còn mua hai chiếc đồng hồ Rolex năm 2014 với giá 54.000 USD, và cuối năm đó chi 40.000 USD để thuê một chiếc BMW X5 mới. Ông cũng chi 69.000 USD để trở thành thành viên tại câu lạc bộ giải trí ở Nam Carolina.
Ông Ashe đã nhận tiền từ ông Ng và sử dụng "vị trí của mình để tạo điều kiện cho ông Ng có các khoản đầu tư sinh lợi lớn ở Antigua" và thúc đẩy đề xuất do Ng đưa ra về việc xây dựng một trung tâm triển lãm và hội nghị thường trú của LHQ tại Macau.
Theo Cục Điều tra Liên bang Mỹ, "phi vụ" này bắt đầu vào khoảng mùa xuân năm 2011, khi Ashe, khi đó là đại sứ Antigua và Barbuda tại LHQ, được Francis Lorenzo, phó đại diện thường trực Cộng hòa Dominica tại LHQ, tiếp cận. Lorenzo mời Ashe đến Macau để gặp Ng. Ashe đồng ý gặp Ng ở Macau với điều kiện Lorenzo phải chi trả cho chuyến đi của mình và gia đình đến New Orleans, gồm vé máy bay hạng nhất và phòng khách sạn hạng sang.
Sau cuộc họp với Ng ở Macau, Ashe nói với Lorenzo rằng ông đã sắp xếp cho Ng gặp thủ tướng Antigua để thảo luận về "các cơ hội đầu tư cụ thể". Ashe sau đó còn vòi vĩnh thêm tiền từ Lorenzo để xây dựng sân bóng rổ 30.000 USD tại nhà riêng ở hạt Westchester.
Tháng 2/2012, Lorenzo soạn thảo một tài liệu cho Ashe để trình lên tổng thư ký LHQ về đề án xây dựng trung tâm hội nghị tại Macau. Ngày 24/2/2012, Ashe nộp các tài liệu chính thức lên LHQ. Đề xuất này nhận được sự ủng hộ từ một số quốc gia, gồm Bangladesh và Kenya.
Đầu năm 2013, Jeff C. Yin, trợ lý của Ng, liên tục thúc giục Lorenzo xúc tiến đề án và dọa sẽ ngừng chuyển tiền cho Lorenzo trừ khi có tiến bộ. Lorenzo sau đó sắp xếp cho Ashe đưa ra một tài liệu LHQ sửa đổi, nhắc đến cụ thể tên công ty của Ng, tập đoàn Trung Quốc Sun Kian Ip, là nhà phát triển của trung tâm hội nghị được đề xuất.
Năm 2014, Lorenzo sắp xếp cho Ashe đến Macau cùng với các quan chức khác của LHQ để gặp Ng, đổi lại, Ng phải chuyển 200.000 USD vào tài khoản mà ông Ashe lập ra với tư cách là chủ tịch Đại Hội đồng LHQ. Mặc dù ông Ashe nói rằng số tiền này không được sử dụng vào mục đích cá nhân, Ashe đã chuyển phần lớn số tiền này vào tài khoản cá nhân của mình và vợ để chi tiêu riêng.
Ông Ashe bị bắt vào sáng 6/10, tại nhà riêng ở Dobbs Ferry, New York. Ông bị buộc tội gian lận thuế, trong khi 5 bị cáo khác, trong đó có Lorenzo, bị buộc tội âm mưu hối lộ và hối lộ.
"Ashe đã nói rất rõ trong email và các tài liệu rằng ông có thể sử dụng mối quan hệ với thủ tướng và các quan chức chính phủ khác để sắp sếp các cuộc họp và thúc đẩy hợp đồng với các doanh nhân, những người sẵn sàng trả tiền", Diego Rodriguez, người đứng đầu văn phòng Cục Điều tra Liên bang nói. Luật sư Manhattan không giải thích tại sao ông Ashe chỉ bị buộc tội gian lận thuế mà không phải là tội hối lộ như các bị cáo khác.
Tỷ phú bí ẩn Trung Quốc
Theo NYTimes, Ng Lap Seng, 67 tuổi, bị bắt ở Mỹ hôm 19/9 và bị giam giữ không bảo lãnh vì cáo buộc gian dối với cán bộ Hải quan và Bảo vệ Biên giới, về mục đích số tiền ông ta đưa vào Mỹ trong khoảng thời gian hai năm.
Công tố viên liên bang nói rằng trong 11 chuyến đi kể từ năm 2013, ông Ng đã mang vào Mỹ hơn 4,5 triệu USD, có những chuyến đi chỉ kéo dài vài ngày.
Ông Ng vẫn là ẩn số tại Mỹ, có lẽ được biết đến nhiều nhất vì nghi ngờ liên quan đến vụ bê bối trong chiến dịch gây quỹ tranh cử của đảng Dân chủ những năm 1990. Ông bị cáo buộc chuyển hơn một triệu USD từ tài khoản tại Macau và Hong Kong vào tài khoản ngân hàng ở Washington và Arkansas. Vụ bê bối này được cho là kế hoạch của Trung Quốc nhằm gây ảnh hưởng lên chính trị trong nước Mỹ. Tuy nhiên, Ng bác bỏ mọi sai trái trong thời gian này và cũng không bị buộc tội.
Ông Ng nói rằng số tiền ông mang đến Mỹ mỗi lần khác nhau, dao động trong khoảng 200.000- 900.000 USD, và cho biết số tiền được sử dụng để mua tác phẩm nghệ thuật, đồ cổ và bất động sản, hoặc để chơi bạc. Tuy nhiên, các nhà điều tra đã kiểm tra kỹ lưỡng các chuyến đi và xem xét lịch sử mua hàng của ông, họ kết luận rằng số tiền không được sử dụng cho các mục đích như Ng nói.
Trợ lý cá nhân của ông Ng., Jeff C. Yin, 29 tuổi, cũng bị bắt giữ với cáo buộc gian dối. Yin là một người Trung Quốc nhập tịch Mỹ, đóng vai trò là "cánh tay phải" của Ng trong tất cả hoạt động tại Mỹ, theo các công tố viên. FBI phát hiện hộp ký gửi an toàn mà Yin có chìa khóa chứa hơn 430.000 USD tiền mặt cùng các bức tượng nhỏ và đồ gốm giá trị lớn. Tuy nhiên, luật sư của Yin nói rằng số tiền này là của ông Ng và Yin không có quyền truy cập hợp pháp với nó.
Ng có tài sản ròng khoảng 1,8 tỷ USD, kiếm được khoảng 300 triệu USD mỗi năm, sở hữu máy bay riêng và có hộ chiếu từ ít nhất ba nước. Khi Ng bị bắt hôm 19/9, ông đeo một chiếc đồng hồ vàng, nạm kim cương, trị giá khoảng 200.000 USD.
"Bị cáo này đặc biệt giàu có, tôi nghĩ rằng mức độ giàu có của ông ta còn hơn tất cả những vụ chúng ta từng thấy tại tòa án này", công tố viên nói.
Phương Vũ
Theo Vnexpress