Hải quân Mỹ và ASEAN tập trận chống hải tặc ở Biển Đông
Hải quân Mỹ và 6 nước Đông Nam Á bắt đầu cuộc tập trận hải quân kéo dài năm ngày, từ ngày 5.10 với mục tiêu chống hải tặc ở Biển Đông.
Ảnh chụp tàu đổ bộ siêu tốc USNS Millinocket đến thăm Đà Nẵng, Việt Nam hồi tháng 8.2015 - Ảnh: Hải quân Mỹ
Cuộc tập trận Huấn luyện và Hợp tác Đông Nam Á (SEACAT) diễn ra giữa lúc hải tặc gia tăng hoạt động trên Biển Đông, theo trang tin Stars and Stripes (Mỹ) ngày 5.10.
Trên 100 lính Mỹ cùng binh sĩ Singapore, Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines và Thái Lan tham gia SEACAT, các quan chức hải quân Bangladesh tham gia với vai trò quan sát viên.
SEACAT giả lập tình huống có tin báo về hải tặc ở eo biển Singapore, Malacca, biển Andaman và Biển Đông, các quan chức thuộc Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ cho biết.
Sau khi chia sẻ các thông tin tình báo, lực lượng binh sĩ, tàu và máy bay các nước tham gia SEACAT sẽ diễn tập phối hợp lên kế hoạch và tiến hành chiến dịch chống hải tặc.
Các quan chức Mỹ cho biết tàu đổ bộ siêu tốc USNS Millinocket của Mỹ lần đầu tiên được triển khai tham gia SEACAT. Ngoài ra, còn có tàu hậu cần USNS Amelia Earhart, tàu cứu hộ USNS Safeguard, cùng máy bay tuần tra biển P-8A Poseidon và P-3C Orion của Mỹ tham gia tập trận.
SEACAT lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2002 chỉ giới hạn diễn tập chống cướp biển, nhưng sau này được bổ sung các cuộc diễn tập chống buôn lậu và những hoạt động phi pháp khác trên biển.
Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMB) trong báo cáo tháng 4.2015 ước tính trung bình cứ mỗi hai tuần có một tàu chở dầu bị cướp ở Đông Nam Á. Trong quý I năm 2015, trong tổng số 54 vụ cướp biển và cướp có vũ trang trên biển thì số vụ xảy ra ở Đông Nam Á chiếm đến 55%, theo IMB.
Nobel Y khoa tôn vinh công trình trị sốt rét và giun chỉ
Giải Nobel y khoa 2015 công bố chiều 5-10 (giờ VN) chia đều giải thưởng cho hai khám phá phương pháp trị sự lây nhiễm giun chỉ và phương pháp điều trị sốt rét.
Giải Nobel trị giá khoảng 960. 000 USD - Ảnh: Japan Times
Các bệnh gây ra do các loại ký sinh là tai họa của loài người trong hàng ngàn năm qua và vẫn đang là một vấn đề lớn của y khoa toàn cầu” – tuyên bố của hội đồng khi trao một nửa giải thưởng cho hai nhà khoa học William C. Campbell and Satoshi Omura.
Nữ khoa học gia Trung Quốc YouYou Tu nhận một nửa giải thưởng còn lại cho khám phá ra phương pháp sử dụng thảo dược truyền thống để trị bệnh sốt rét.
Nhà khoa học gốc Ireland Campbell và nhà khoa học Nhật Bản Omura giành một nửa giải thưởng nhờ khám phá ra loại thuốc mới là avermectin giúp trị hiệu quả bệnh mù sông do giun chỉ và bệnh giun chỉ bạch huyết, còn gọi là bệnh phù chân voi, cũng như các bệnh ký sinh khác.
Nữ khoa học gia YouYou Tu là người khám phá ra artemisinin, loại thuốc giúp giảm tỉ lệ tử vong ở những người mắc bệnh sốt rét, một căn bệnh gây ra do ký sinh trùng.
Trước đó, bất chấp các tiến bộ trong việc điều trị bệnh sốt rét, hơn nửa triệu người tử vong mỗi năm vì căn bệnh này, trong đó phần lớn là phụ nữ và trẻ em ở những khu vực kém phát triển của châu Phi.
“Hai khám phá trên giúp con người có được giải pháp mạnh mẽ và đột phá để chống loại những căn bệnh đang ảnh hưởng đến hàng trăm triệu người mỗi năm - hội đồng trao giải nhận định - Những người đoạt giải Nobel năm nay đã cách mạng hóa phương pháp điều trị một số trong những căn bệnh ký sinh tàn khốc nhất”.
Giải thưởng dành cho những người đoạt giải là khoảng 960.000 USD.
Israel thề “chiến đấu đến chết” chống lại Palestine
Trước hàng loạt vụ tấn công nhằm vào công dân Israel trong thời gian gần đây, Thủ tướng Benjamin Netanyahu cho biết họ sẽ đáp trả mạnh mẽ để “trừng phạt bọn khủng bố”.
Thủ tướng Benjamin Netanyahu phát biểu tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ngày 29-9 vừa qua - Ảnh: AFP
Tuyên bố trên được ông Netanyahu đưa ra ngay trong cuộc họp gấp với lãnh đạo cấp cao nước này chiều tối 4-10, ngay khi ông trở về từ cuộc hội đàm của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York.
“Chúng tôi đang phát động một cuộc chiến tranh toàn diện chống lại khủng bố Palestine. Tôi đã đưa ra các biện pháp sâu rộng hơn nữa nhằm ngăn chặn và trừng phạt những kẻ khủng bố” – Thủ tướng Netanyahu cho biết.
Theo các phương tiện truyền thông, các biện pháp mới được đưa ra sẽ bao gồm việc triển khai cảnh sát và các lực lượng quân sự bổ sung tại bờ tây sông Jordan và đông Jerusalem nhằm hạn chế người Palestine đến khu vực trung tâm Jerusalem, kể cả những vùng đất thánh của người Hồi giáo như núi Đền Thờ.
Ngày hôm nay, Thủ tướng Netanyahu sẽ triệu tập một cuộc họp với nội các an ninh cùng với các bộ trưởng để thảo luận về những bước thực hiện tiếp theo nhằm ngăn chặn loạt tấn công và nổi dậy vũ trang của người Palestine đang ngày càng gia tăng trong thời gian gần đây.
Ngày 1-10 vừa qua, toàn bộ Israel rúng động khi nghe tin người Palestine tấn công và giết chết một cặp vợ chồng người Israel ngay trước mắt 4 đứa con của họ.
Chỉ 2 ngày sau đó, một vụ tấn công tương tự xảy ra khi một người Palestine cầm dao xông vào một nhóm người Israel tại thành phố cổ ở Jerusalem làm 2 người thiệt mạng và 3 người khác bị thương.
Nghiêm trọng hơn, đêm 4-10, các phần tử cực đoan người Palestine cũng bắn 2 quả tên lửa vào khu vực người Israel đang sinh sống tại Eshkol. May mắn là tên lửa đi trật mục tiêu nên không gây ra bất cứ thương vong hay tổn hại vật chất nào.
Tuy vậy, vụ việc vẫn làm dấy lên nguy cơ về một cuộc nổi dậy vũ trang tiếp tục của người Palestine nhằm vào Israel trong thời gian tới.
Nga tính phương án đưa thêm tàu chiến đến Syria
Nga có thể sẽ đưa thêm tàu chiến thuộc hạm đội Biển Đen đến Syria để hỗ trợ cho chiến dịch không kích nhắm vào lực lượng khủng bố IS, Sputnik cho hay hôm nay 5.10.
Tàu chiến thuộc Hạm đội Biển Đen của Nga - Ảnh minh họa: AFP
Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng thuộc Duma Quốc gia, tức Quốc hội Nga, ông Vladimir Komoyedov được Sputnik dẫn phát biểu cho hay đây là phương án mà Moscow có thể tính đến nhằm mục đích vận chuyển khí tài, kể cả vũ khí hạng nặng phục vụ chiến dịch không kích của Nga nhằm tiêu diệt lực lượng khủng bố của Nhà nước Hồi giáo (IS).
Ngoài việc vận chuyển vũ khí, tàu chiến Nga còn làm nhiệm vụ phong tỏa dọc bờ biển Syria. Chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad khẳng định sự hiện diện của Nga ở đất nước này là theo yêu cầu của Syria.
“Việc huy động hạm đội Biển Đen với quy mô lớn đến Syria, tôi không nghĩ điều đó sẽ xảy ra, nhưng nếu để thực hiện mục tiêu phong tỏa bờ biển nước này, tôi nghĩ sẽ khả thi. Dù vậy, việc vận chuyển pháo binh không bị loại trừ”, ông Komoyedov được Sputnik trích phát biểu.
“Hạm đội tàu chiến đã sẵn sàng cho nhiệm vụ này nhưng chưa có điểm mục tiêu nào cụ thể trong hiện tại. Lực lượng khủng bố ở sâu bên trong đất liền, nơi mà pháo binh khó có thể với đến được”, ông Komoyedov, cựu tư lệnh hạm đội Biển Đen nói tiếp.
Theo ông Komoyedov, việc huy động tàu chiến nếu có sẽ phụ thuộc vào quy mô và mức độ căng thẳng của cuộc không kích mà Moscow đang triển khai ở Syria. Ông thừa nhận đội tàu nhỏ của Nga ở Địa Trung Hải đủ để thực hiện nhiệm vụ này ở vùng biển của Syria nếu Moscow thấy cần thiết huy động để cung cấp vũ khí, thiết bị quân sự cho lực lượng Nga thực hiên chiến dịch xóa sổ IS.
Nga bắt đầu chiến dịch không kích IS từ 30.9. Bộ Quốc phòng nước này cho biết qua nhiều ngày tấn công liên tục, máy bay Nga đã đánh trúng và phá hủy tổng hành dinh của IS ở Syria, nhà máy chế tạo chất nổ, trung tâm huấn luyện và nhiều mục tiêu quan trọng khác của IS, theo RT. Moscow cho biết đây là những mục tiêu tấn công dựa trên thông tin tình báo của Nga và Syria.
Mỹ và đồng minh chưa đưa ra bình luận về những mục tiêu mà Moscow nói đã phá hủy này dù trước đó chỉ trích cuộc không kích của Nga chỉ nhắm vào lực lượng nổi dậy chống chính phủ của ông Assad được Nga ủng hộ.
Lãnh đạo cấp cao Trung Quốc sang Triều Tiên, căng thẳng sẽ giảm?
Trung Quốc sẽ cử một đoàn đại biểu gồm các quan chức và lãnh đạo cấp cao của đảng sang Triều Tiên để tham dự lễ kỷ niệm ngày thành lập đảng Lao động Triều Tiên.
Lãnh đạo cấp cao Trung Quốc sẽ thăm Triều Tiên - Ảnh minh họa: Bloomberg
Đoàn Trung Quốc do ông Lưu Vân Sơn, Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc dẫn đầu sẽ thăm Triều Tiên theo lời mời của Ban Chấp hành Trung ương đảng Lao động Triều Tiên, Tân Hoa Xã cho hay hôm 4.10. Truyền thông Triều Tiên cũng đã loan báo tin này.
Ông Lưu Vân Sơn được xem là lãnh đạo quyền lực thứ năm trong đảng Cộng sản Trung Quốc, sẽ đến Bình Nhưỡng vào thứ sáu 9.10, theo AP. Đây là lãnh đạo cấp cao đầu tiên của Trung Quốc sang thăm Triều Tiên từ khi ông Kim Jong-un lên làm lãnh đạo.
Bên cạnh tham dự lễ kỷ niệm ngày thành lập đảng Lao động Triều Tiên, đoàn Trung Quốc cũng sẽ thăm chính thức nước này. Tân Hoa Xã không cho biết trong lịch trình làm việc của ông Lưu có gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hay không.
Cuộc gặp giữa ông Lưu với ông Kim Jong-un được nhiều người trông đợi trong tình hình căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên khi Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ phóng tên lửa lần thứ 4 nhân kỷ niệm 70 năm ngày thành lập đảng Lao động Triều Tiên.
Hôm nay 5.10, Bộ Thống nhất Hàn Quốc lên tiếng ủng hộ chuyến viếng thăm của lãnh đạo cấp cao Trung Quốc sang Triều Tiên, và kỳ vọng chuyến đi sẽ mang lại kết quả mà Seoul mong đợi là phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
“Chính phủ Hàn Quốc hy vọng chuyến giao lưu lãnh đạo cấp cao có ý nghĩa này giữa Trung Quốc và Triều Tiên sẽ góp phần làm giảm căng thẳng và duy trì hòa bình trên bán đảo”, ông Jeong Joon-hee, người phát ngôn Bộ Thống nhất Hàn Quốc phát biểu trong buổi họp báo thường kỳ.
Quan hệ giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng lạnh nhạt sau khi Triều Tiên phóng thử tên lửa hồi năm 2013. Bắc Kinh rất giận dữ với lời tuyên bố của Bình Nhưỡng hồi đầu tháng 9.2015 rằng sẽ phóng tên lửa lần thứ 4.
Có 2 khả năng Triều Tiên sẽ phóng tên lửa mang vệ tinh vào quỹ đạo và phóng tên lửa thử nghiệm mang đầu đạn hạt nhân. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng khả năng phóng tên lửa đạn đạo là rất cao.
Mỹ và các nước đồng minh châu Á cũng phản đối kế hoạch phóng tên lửa của Bình Nhưỡng. Liên Hiệp Quốc chuẩn bị sẵn lệnh trừng phạt được cho là nặng nề hơn nếu Triều Tiên thực hiện phóng tên lửa như tuyên bố.
Tuy nhiên, giới quan sát nhận định chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao Trung Quốc cho thấy một dấu hiệu tốt của việc Triều Tiên xuống thang trong vấn đề phóng tên lửa.
(
Tinkinhte
tổng hợp)